CNQP&KT - Năm 2022, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, tạo cơ sở xây dựng, phát triển CNQP những năm tiếp theo... Dưới đây là 10 dấu ấn, sự kiện tiêu biểu của Tổng cục CNQP do Tạp chí CNQP và Kinh tế chủ trì bình chọn.

1. Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về Công nghiệp quốc phòng

Một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) trong năm 2022, đó là vào ngày 26/1, Bộ Chính trị khóa XIII, đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo". Đây là nghị quyết thứ 4 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với ngành CNQP Việt Nam. Trong năm, Quân ủy Trung ương và các cấp ủy đảng trong Tổng cục CNQP đã tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết quan trọng này.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị (tháng 8/2022).    Ảnh: NGUYỄN BẰNG

2. Tổ chức thành công Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 (VIETNAM DEFENCE 2022) do Bộ Quốc phòng lần đầu tiên tổ chức, đã thu hút 174 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến từ 30 quốc gia trên thế giới tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm vũ khí, khí tài, trang - thiết bị quân sự. Tổng cục CNQP là cơ quan tham mưu và giúp Bộ Quốc phòng tổ chức thành công sự kiện quan trọng này, góp phần mở rộng cơ hội hợp tác, phát triển CNQP, thương mại quân sự, nâng cao vị thế của Bộ Quốc phòng nói chung và Tổng cục CNQP nói riêng.


Vũ khí, khí tài hiện đại của QĐND Việt Nam trưng bày tại triển lãm.      Ảnh: PV

3. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng Luật CNQP, An ninh và Động viên công nghiệp

Trong năm, Tổng cục CNQP đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoàn thành xây dựng và được Thường trực Chính phủ thông qua Hồ sơ Luật CNQP, An ninh và Động viên công nghiệp, là cơ sở quan trọng để từng bước hoàn thiện thể chế cho ngành CNQP Việt Nam.


Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đồng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo lập đề nghị xây dựng Luật CNQP, An ninh và Động viên công nghiệp (tháng 6/2022).       Ảnh: PV

4. Tổng kết một số đề án, chương trình quan trọng về CNQP

Trong năm 2022, Bộ Quốc phòng đã tổ chức tổng kết một số chương trình, đề án khoa học - công nghệ quan trọng do Tổng cục CNQP chủ trì thực hiện, trong đó có tổng kết Đề án nghiên cứu thiết kế, chế tạo một số vũ khí mới giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020. Các chương trình, đề án trên tạo tiền đề quan trọng cho phát triển vũ khí mới từ nay đến năm 2030 và các năm tiếp theo.


Các đại biểu tham quan sản phẩm thuộc Đề án KC.NQ.06 trưng bày tại Viện Vũ khí.  Ảnh: PV

5. Thử nghiệm thành công phương tiện kỹ thuật và sản phẩm quốc phòng mới

Trong năm 2022, Tổng cục CNQP đã thử nghiệm thành công mẫu phương tiện cơ động với nhiều tính năng mới, ưu việt phục vụ xây dựng Quân đội hiện đại, mở ra hướng phát triển tiềm năng cho ngành CNQP; thử nghiệm thành công vũ khí phòng không tầm thấp, thuộc giai đoạn 1 của Chương trình sản phẩm quốc gia.

6. Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án xây dựng Nhà máy Z127 mới

Với nỗ lực rất lớn của Tổng cục CNQP, Đề án di dời và đầu tư xây dựng Nhà máy Z127 mới đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định phê duyệt vào tháng 10/2022. Theo nội dung Đề án, Tổng cục CNQP được giao làm chủ đầu tư, có nhiệm vụ tổ chức triển khai 2 dự án gồm: đền bù, giải phòng mặt bằng mở rộng khu đất mới; di dời và xây dựng nhà máy mới, đầu tư dây chuyền sản xuất thép chất lượng cao phục vụ sản xuất quốc phòng. Sau khi Đề án hoàn thành, ngành CNQP sẽ có một cơ sở sản xuất vật tư quốc phòng tiên tiến, hiện đại.


Rót khuôn đúc sản phẩm quốc phòng tại Nhà máy Z127.  Ảnh: CTV 

7. Ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác và quy chế phối hợp với các đối tác

Trong năm 2022, Tổng cục CNQP và các đơn vị trong Tổng cục đã ký kết nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác, phối hợp thực hiện nhiệm vụ, như: Quy chế phối hợp trong lĩnh vực CNQP với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông - Quân đội; thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoảng sản Việt Nam; phối hợp bảo đảm vũ khí, trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển; phối hợp về sản xuất, bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng Biên phòng. Đặc biệt, Nhà máy Z111 đã ký hợp đồng cung ứng sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho Công ty cổ phần UIL Việt Nam (thuộc Công ty Samsung Việt Nam), mở ra hướng hợp tác mới giữa doanh nghiệp CNQP với các doanh nghiệp lớn trên thế giới.


Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP và Trung tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trao biên bản ký kết Quy chế phối hợp giữa hai bên.   Ảnh: MINH TUẤN

8. Nhiều hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị có ý nghĩa

Trong năm, Tổng cục CNQP đã tiến hành nhiều hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị quan trọng và ý nghĩa, như: tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Nhà máy Z111 tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; lần đầu tiên tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với người lao động Nhà máy Z131; củng cố mạnh mẽ công tác tổ chức và cán bộ, hệ thống các loại quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo các mặt công tác được cấp ủy các cấp củng  cố, ban hành đồng bộ; ban hành “Quy chế công tác quản lý tư tưởng quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng; nắm và định hướng tư tưởng trong Tổng cục CNQP”; lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong Tổng cục; ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin phục vụ học tập và kiểm tra nhận thức chính trị cho các đối tượng trong Tổng cục CNQP.


Đoàn công tác của Tổng cục CNQP thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang).                 Ảnh: PV

9. Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tổng cục CNQP  lần thứ IX

Với chủ đề “Tuổi trẻ Tổng cục CNQP “Khát vọng, khoa học, xung kích, sáng tạo”, Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Tổng cục CNQP lần thứ IX (2022-2027) có sự tham dự 206 cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tiêu biểu thuộc 37 tổ chức cơ sở Đoàn trong Tổng cục. Đại hội đã xác định nhiều định hướng, mục tiêu quan trọng, trong đó phấn đấu hằng năm có 100% tổ chức Đoàn trong Tổng cục hoàn thành nhiệm vụ trở lên, 85% xếp loại hoàn thành tốt và xuất sắc; 100% ĐVTN hoàn thành nhiệm vụ trở lên, có trên 90% ĐVTN hoàn thành tốt và xuất sắc.


Biểu quyết tại Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Tổng cục CNQP lần thứ IX (2022-2027).         Ảnh: PV

10. Công tác thông tin, tuyên truyền về Tổng cục  được đẩy mạnh

Trong năm 2022, công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá về Tổng cục CNQP được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực, nhất là trong phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo", Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022...  Năm qua, đã có gần 230 tin, bài, phóng sự, phim tài liệu về Tổng cục trên các phương tiện thông tin đại chúng và 2.600 tin, bài, ảnh trên Tạp chí CNQP và Kinh tế (in, điện tử). Qua đó, củng cố niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân vào những sản phẩm do Tổng cục CNQP nghiên cứu sản xuất; khơi dậy niềm tự hào của cán bộ, nhân viên, người lao động trong Tổng cục.


Phóng viên tác nghiệp tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.      Ảnh: TRẦN LÊ

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: