CNQP&KT - Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài là hệ thống quan điểm về phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhân tài. Trong những năm qua, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trọng dụng nhân tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là việc sử dụng người tài vào các chức vụ quan trọng, công việc trọng yếu, mà còn được phản ánh bằng hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhân tài. Đồng thời, phản ánh tính thống nhất trong tư duy, nhận thức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người, sức mạnh của nhân dân, hướng đến mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa tư tưởng với hành động cách mạng, trở thành tài sản tinh thần vô cùng to lớn, quý giá của Đảng và dân tộc ta. Trong những năm qua, cùng với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài trong xây dựng và phát triền nền công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã được coi trọng; bước đầu tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Song, tư duy đổi mới về trọng dụng nhân tài vẫn còn hạn chế; cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài cho xây dựng, phát triển CNQP còn chưa cụ thể và thiếu đồng bộ. Đội ngũ cán bộ, chuyên gia đầu ngành khoa học - công nghệ (KHCN) còn thiếu, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế, chế tạo vũ khí hiện đại, công nghệ cao… Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, bất cập nêu trên là do nhận thức chưa đầy đủ, chưa coi trọng đúng mức đến nghiên cứu, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài. ![]() Tổng cục CNQP tổ chức Hội thảo khoa học “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển nền CNQP Việt Nam thời kỳ mới” tại Nhà máy Z176. Ảnh: ĐĂNG ĐINH Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Sự phát triển mạnh mẽ của KHCN sẽ tác động sâu sắc đến KHCN quân sự; nhiều loại vũ khí mới ra đời, xu hướng chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, chiến tranh từ xa là phổ biến, đặt ra những yêu cầu mới, cấp thiết về quốc phòng và CNQP của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc phát triển CNQP cần tiếp tục được quan tâm đặc biệt với chiến lược tổng thể, khoa học và có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nhân tài cho xây dựng, phát triển nền CNQP Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu, quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài vừa là vấn đề cơ bản, quan trọng, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, không chỉ góp phần phát triển hệ thống quan điểm, tư tưởng của Người, mà còn là đòi hỏi bức thiết nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng bộ, vững chắc về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân tài là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, cán bộ chủ trì các cơ quan đơn vị, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật, công nghệ, tổng công trình sư, công trình sư, thiết kế trưởng, kỹ sư trưởng, góp phần xây dựng, phát triển nền CNQP Việt Nam thời kỳ mới.
Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau: Một là, chủ động xây dựng, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, tìm kiếm, thu hút nhân tài. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh: Nhân tài là vốn quý của dân tộc, của cách mạng, thực sự trân trọng, tin yêu, quý mến, quan tâm sâu sắc nhân tài; các tổ chức, các lực lượng, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu, người có trọng trách phải chủ động phát hiện, tìm kiếm, thu hút nhân tài. Cần nghiên cứu, ban hành các quy chế, quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, phương thức phát hiện, tìm kiếm, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân tài. Khuyến khích các “phố thợ”, “làng Quân giới” chủ động phát hiện, nuôi dưỡng nhân tài từ sớm; phát huy tốt vai trò nhân tài thế hệ trước trong việc phát hiện, giới thiệu, đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền và trực tiếp thuyết phục động viên, giúp đỡ thế hệ trẻ góp sức xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam. Nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ chủ trì, chủ chốt thực hiện các chương trình, dự án cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), các hội đồng khoa học đối với việc phát hiện, thẩm định và sử dụng nhân tài; khuyến khích các câu lạc bộ trí thức trẻ, các tổ chức quần chúng trong phát hiện, giới thiệu với cấp có thẩm quyền những thành viên ưu tú, xuất sắc nhất, góp phần tạo nguồn, phát triển nhân tài phục vụ xây dựng, phát triển CNQP. Hai là, thực hiện tốt cơ chế, chính sách tuyển dụng cán bộ, tuyển chọn những người tài năng phục vụ lâu dài trong Quân đội, yên tâm gắn bó với CNQP. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh: “Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”1, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng: Tuyển đầu vào cán bộ, chuyển diện cán bộ, công nhân, viên chức quốc phòng và chuyển quân nhân chuyên nghiệp đối với những người thực sự tài năng. Từ nghiên cứu, quán triệt tư tưởng trọng dụng nhân tài của Hồ Chí Minh đối chiếu với các văn bản quy định, tích cực nghiên cứu, đề xuất đổi mới, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp quy về tiêu chuẩn, điều kiện đối với người được tuyển dụng đầu vào cán bộ, chuyển diện cán bộ, công nhân, viên chức quốc phòng và chuyển quân nhân chuyên nghiệp. Khắc phục nhận thức giản đơn một chiều về tổ chức biên chế, tạo ra rào cản lãng phí nhân tài. Cần ưu tiên những người đã khẳng định được phẩm chất, năng lực, uy tín vượt trội, luôn đảm nhiệm những công việc quan trọng, được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong điều kiện mới cần có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, động viên được nhiều học sinh, sinh viên tài năng để đào tạo, phát triển nhân tài; thu hút, động viên được nhiều cán bộ KHCN có trình độ chuyên môn cao; các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất những sản phẩm lưỡng dụng, có hàm lượng trí tuệ cao, khẳng định được thương hiệu của CNQP Việt Nam. Ba là, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh: Đào tạo cán bộ, bồi dưỡng trí thức, phát triển nhân tài là công việc hệ trọng, phải được quan tâm sâu sắc, tiến hành công phu, tỉ mỉ, thận trọng “như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”, kết hợp nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, xây dựng, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đào tạo, bồi dưỡng được nhiều cán bộ tài năng. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp nhằm thu hút, động viên, khuyến khích nhân tài tích cực học tập, nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm; sử dụng có hiệu quả số cán bộ được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, đặc biệt là những cán bộ tài năng thuộc các lĩnh vực, chuyên ngành ưu tiên phát triển. ![]() Nghiên cứu viên Viện Thuốc phóng Thuốc nổ trong giờ làm việc. Ảnh: NAM ANH Xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách liên thông, liên kết giữa các nhà trường Quân đội với các trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân tài, nhất là các ngành, các lĩnh vực không phải là thế mạnh của các nhà trường Quân đội. Có chính sách ưư tiên với lực lượng tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ KHCN quân sự; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân tài. Quan tâm đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, trường thử… có trang - thiết bị hiện đại; tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu, sáng chế, phát minh đổi mới công nghệ, hiện đại hóa VKTBKT. Bốn là, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, đánh giá, sắp xếp, bổ nhiệm, đề bạt nhân tài. Quán triệt, nắm vững tư tưởng trọng dụng nhân tài của Hồ Chí Minh, kết hợp nghiên cứu, quán triệt quy chế công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, chủ động xây dựng, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy chế, quy định về quản lý nhân tài là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật công nghệ, công trình sư, tổng công trình sư, thiết kế trưởng, kỹ sư trưởng, cán bộ chủ trì các đơn vị CNQP nòng cốt, tạo hành lang pháp lý để các cơ quan, đơn vị phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ và tổ chức thực hiện thống nhất. Xây dựng bộ tiêu chí tuyển dụng, tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế VKTBKT; xây dựng, hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn làm căn cứ để đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt và thực hiện các chế độ, chính sách. Thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy trình, tạo sự đồng thuận cao, phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, bí thư cấp ủy, cơ quan tham mưu trong nhận xét, đánh giá nhân tài. Đề cao trách nhiệm của trưởng ngành, chủ nhiệm chương trình, đề án, tổng công trình sư trong đánh giá, nhận xét nhân tài là cán bộ khoa học kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành ở lĩnh vực trọng yếu, chương trình trọng điểm, đề án quan trọng. Quán triệt tư tưởng trọng dụng nhân tài của Hồ Chí Minh, nắm vững quan điểm khéo dùng tài năng của từng người, phát huy hết tiềm năng, sáng tạo của cả đội ngũ vì lợi ích chung, chủ động nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách bố trí, sử dụng nhân tài. Bổ nhiệm, đề bạt cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị CNQP nòng cốt phải có quy hoạch chặt chẽ, trên cơ sở được luân chuyển ở các đơn vị, các cương vị công tác khác nhau, qua đó xem xét, đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ; đồng thời phải thực hiện đúng quy chế công tác cán bộ, phù hợp với những quy định cụ thể, tính đặc thù của CNQP. Năm là, hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhân tài. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách ưu đãi, chế độ tiền lương, phụ cấp đặc thù đối với nhân tài trong CNQP, nhất là cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, tương xứng với chất lượng, hiệu quả, giá trị sản phẩm. Đồng thời, xây dựng, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhà ở, về điều kiện làm việc, sinh hoạt, học tập, nghiên cứu; chăm lo đến hậu phương gia đình, tạo điều kiện thuận lợi về công ăn việc làm của vợ (hoặc chồng), điều kiện học tập, làm việc của con cái; tạo vị thế xã hội tương xứng với vị trí, vai trò và trọng trách, nhiệm vụ được giao. Đổi mới cơ chế, quy trình xét tặng danh hiệu cao quý, khen thưởng bậc cao, phù hợp với các quy định chung, sát hợp với tính đặc thù của CNQP, qua đó động viên, khuyến khích nhân tài nỗ lực phấn đấu, cống hiến góp phần xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam. Thiếu tướng NGUYỄN VIỆT HÙNG Phó Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Hồ Chí Minh (1947), “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.313. |