CNQP&KT - Trong chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối tháng 12/1972, cán bộ, công nhân viên Xưởng A31 (nay là Nhà máy A31, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) đã góp công rất lớn trong việc sửa chữa vũ khí, khí tài để quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích đường không bằng “pháo đài bay B-52” của đế quốc Mỹ.

Để chuẩn bị lực lượng quyết tâm đánh bại các cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, từ năm 1965 một số trung đoàn tên lửa phòng không đã được thành lập. Tiếp đó, ngày 24/1/1966, Trạm sửa chữa tên lửa A31 được thành lập với nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho bộ đội tên lửa. Năm 1967, Trạm A31 được kiện toàn tổ chức, nâng cấp lên thành xưởng sửa chữa tên lửa. Ngày 6/8/1992, theo quyết định của trên, Xưởng sửa chữa tên lửa A31 được đổi tên và phát triển thành Nhà máy sửa chữa tên lửa A31.

Ngay từ khi mới thành lập, Xưởng A31 đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) quan tâm, đầu tư cả về con người và cơ sở vật chất. Chỉ 2 năm sau ngày thành lập, Xưởng đã được tiếp nhận các thiết bị trùng tu cơ động khí tài tên lửa (công trình PRM) để thực hiện nhiệm vụ. Trong điều kiện thời chiến, các đơn vị đều rất cần cán bộ, kỹ thuật viên có chuyên môn, nhưng Quân chủng PK - KQ vẫn ưu tiên điều động nhiều cán bộ có trình độ, đã qua chiến đấu làm lực lượng nòng cốt để tiếp nhận và triển khai công trình PRM thực hiện nhiệm vụ trùng tu khí tài tên lửa tại Xưởng A31. Cán bộ, công nhân Xưởng A31 đã làm chủ kỹ thuật, cùng các chuyên gia Liên Xô tiến hành trùng tu tại xưởng và bố trí lực lượng cơ động theo nhiều hướng trên chiến trường, trong đó có nhiều mặt trận bị địch đánh phá ác liệt buộc chuyên gia phải rút về phía sau, việc bảo đảm kỹ thuật đều do lực lượng của A31 tự đảm nhiệm. Cán bộ, kỹ sư, công nhân Xưởng A31 đã trùng tu, sửa chữa, cải tiến thành công rất nhiều bộ khí tài tên lửa, kịp thời đưa vào trang bị cho các đơn vị chiến đấu trên mặt trận phía Bắc Hà Nội, phía Nam Khu 4, Chiến dịch Trị - Thiên…


Bộ đội Phòng không chuẩn bị tên lửa đánh máy bay B-52 của Mỹ (năm 1972). Ảnh: TL

Ngày 6/4/1972, đế quốc Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai trên miền Bắc. Theo đội hình chiến đấu của Quân chủng, lực lượng cơ động tiền phương của A31 ở Quảng Trị đã sửa chữa, dồn ghép khôi phục được tương đương 6 bộ khí tài để tăng lượng dự trữ đảm bảo cung cấp kịp thời cho các đơn vị chiến đấu. Ngày 10/8/1972, bộ khí tài của Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 236 bị địch đánh hỏng ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), lực lượng kỹ thuật A31 đã sửa chữa liên tục trong 9 ngày đêm và đưa vào chiến đấu kịp thời. Ngày 21/8/1972, Tiểu đoàn 64 đã bắn rơi 1 máy bay B-52. Cùng khoảng thời gian này, Xưởng A31 tiếp tục điều động lực lượng đi sửa chữa 3 bộ khí tài cho các tiểu đoàn 56, 66, 52 ở Thanh Hóa, Ninh Bình; các khí tài của 2 trung đoàn tên lửa ở khu vực Hà Nội. Đồng thời, tổ chức sửa chữa tại xưởng các ăng-ten, khối lẻ bị địch đánh hỏng, kịp thời thay thế cho khí tài ở các đơn vị trước khi tiến hành chiến dịch phòng không bảo vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng.

Ngày 25/11/1972, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị “Tăng cường sẵn sàng chiến đấu”, nêu rõ: Các đơn vị phải hết sức đề cao cảnh giác, kiểm tra hoàn chỉnh công tác sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch tác chiến và tổ chức phòng tránh sơ tán. Trong đó, Xưởng A31 được giao nhiệm vụ khôi phục, sửa chữa khí tài, bổ sung phương án bảo đảm kỹ thuật chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, nhất là phương án bảo đảm đạn cho bộ đội tên lửa thực hành đánh tập trung tiêu diệt máy bay địch, kể cả máy bay B-52. Đồng thời, cử hai đội đi tham gia kiểm tra, sửa chữa, hiệu chỉnh khí tài cho Trung đoàn 285 (Sư đoàn 361) và Trung đoàn 238 (Sư đoàn 363) đóng quân ở Hà Nội; Tiểu đoàn 57 (Trung đoàn 261) và Tiểu đoàn 76 (Trung đoàn 257) đóng quân tại Hải Phòng. Trong 12 ngày đêm chiến đấu chống chiến dịch tập kích đường không của Không quân Mỹ, nhờ có khí tài tốt, hai tiểu đoàn này đã bắn rơi nhiều máy bay B-52. Khi Trung đoàn 274 được điều động từ chiến trường Vĩnh Linh ra bảo vệ Hà Nội, Xưởng A31 được giao nhiệm vụ sửa chữa hiệu chỉnh đồng bộ hai bộ khí tài giao cho Tiểu đoàn 86 và Tiểu đoàn 88 triển khai chiến đấu trước ngày 18/12/1972. Sau đó, Xưởng tiếp tục bàn giao hai bộ khác cho Tiểu đoàn 87 và Tiểu đoàn 89 (Trung đoàn 274) đưa vào chiến đấu. Trong giai đoạn hai của chiến dịch, vào lúc 22 giờ 27 phút ngày 26/12/1972, Tiểu đoàn 86 đã bắn rơi 1 máy bay B-52.

Cán bộ, kỹ sư, công nhân Xưởng A31 đã trùng tu, sửa chữa, cải tiến thành công rất nhiều bộ khí tài tên lửa kịp thời đưa vào trang bị cho các đơn vị chiến đấu trên mặt trận phía Bắc Hà Nội, phía Nam Khu 4, Chiến dịch Trị - Thiên…

Trong quá trình tổ chức sửa chữa, với tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, lực lượng kỹ thuật Xưởng A31 còn nghiên cứu chế tạo được nhiều thiết bị, như: thiết bị kiểm tra đồng bộ xen-xin đài điều khiển với bệ phóng; giá thử rơ-le phân cực; biến thế khối Y-68 của bệ phóng biến thế cao áp của đồng hồ RIP-10, kịp thời thay thế các bộ phận bị hỏng, khó khôi phục trong quá trình sửa chữa tên lửa. Đồng thời, Xưởng A31 còn tham gia sửa chữa khối đạn. Thời điểm này, các khối đạn tên lửa của Quân chủng PK-KQ bị hỏng nhiều, dẫn đến một số lượng lớn đạn hỏng. Để tăng số lượng đạn tốt, Quân chủng giao cho Xưởng A31 nghiên cứu sửa chữa khối đạn. Đây là công việc mới mẻ, các chuyên gia Liên Xô cho rằng ta chưa sửa chữa được. Nhưng trước yêu cầu của cuộc chiến đấu, lãnh đạo, chỉ huy Xưởng A31 quyết tâm làm bằng được. Với bản lĩnh, kinh nghiệm trong sửa chữa vũ khí, khí tài, cán bộ, công nhân Phân xưởng Đạn tên lửa đã nghiên cứu tìm ra quy trình thích hợp để sửa chữa các khối đạn và hiệu chỉnh bảo đảm các tham số kỹ thuật. Đây là thành công ngoài mong đợi của cán bộ, công nhân Xưởng A31. Nhờ những khối đạn đã sửa chữa được, hàng trăm quả đạn hỏng trở thành đạn tốt, trang bị cho bộ đội phòng không chiến đấu. Ngoài ra, Xưởng còn thực hiện sửa chữa ống dẫn sóng ăng-ten góc tà của tên lửa Hồng Kỳ; khôi phục được 15 bệ phóng, 2 xe thu phát, 5 xe đặc chủng và 9 rơ-moóc chở đạn...

Ghi nhận thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ sửa chữa vũ khí, khí tài trang bị cho các đơn vị tên lửa đánh bại cuộc tập kích đường không bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào miền Bắc, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, năm 1972, Xưởng A31 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.


Cán bộ kỹ thuật Nhà máy A31 kiểm tra công tác bảo đảm kỹ thuật động cơ xe khí tài tên lửa phòng không.   Ảnh: CTV

Phát huy truyền thống và những bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo kỹ thuật cho Chiến dịch phòng không cuối năm 1972, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Nhà máy A31 ngày nay luôn nỗ lực học tập, nghiên cứu và làm chủ được quy trình công nghệ cải tiến tổ hợp S-125M thành S-125-2TM; nghiên cứu, làm chủ công nghệ sửa chữa, chế tạo được nhiều chủng loại mô-đun khí tài tên lửa; xây dựng và tổ chức thành công quy trình công nghệ sửa chữa vừa sơ bộ khí tài S-125-2TM; chế tạo được một số giá thử phục vụ kiểm tra, sửa chữa khí tài còn thiếu trên các dây chuyền... Qua đó, chất lượng, độ sâu sửa chữa các sản phẩm ngày càng được nâng cao, nền nếp chính quy công tác kỹ thuật của Nhà máy có nhiều bước chuyển biến rõ rệt.

Trong những năm tới, Nhà máy A31 sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào nghiên cứu thiết kế, chế tạo và sản xuất các vật tư đặc thù; hiện đại hóa dây chuyền, thiết bị, sẵn sàng tham gia vào các chương trình sản xuất khí tài của Quân đội.

Đại tá TRƯƠNG XUÂN BÁCH

 Giám đốc Nhà máy A31

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: