CNQP&KT - Trong hệ giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, sức cảm hóa của Người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất là trong công tác giáo dục, thuyết phục, tạo sự đồng thuận xã hội...

Sức cảm hóa theo cách hiểu thông thường là khả năng làm cho người khác cảm phục cái hay, cái tốt của mình mà bỏ cái xấu để theo gương mình. Với Hồ Chí Minh, đó chính là khả năng cảm phục những giá trị cao cả của con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội để mang đến hòa bình, tự do, hạnh phúc đối với dân tộc và nhân dân Việt Nam nói riêng, với nhân loại bị áp bức và tiến bộ trên thế giới nói chung.

Có thể thấy rõ sức cảm hóa mạnh mẽ của Hồ Chí Minh thông qua một số hoạt động của Người. Đó là, tại Đại hội Tua (Tours) từ ngày 25 đến ngày 30/12/1920, thảo luận vấn đề quan trọng là Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế thứ ba hay ở lại Quốc tế thứ hai, với tham luận lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với các thuộc địa, đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kêu gọi giai cấp vô sản Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Đông Dương. Người đã thuyết phục và bỏ phiếu tán thành việc Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế thứ ba. Cùng với những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp, Người trở thành một trong những thành viên tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp.

Đó là sự cảm hóa của Người để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam, qua đó làm “thay đổi tư duy” về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc (độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội), tập hợp lực lượng, đặc biệt là thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó còn là sự cảm hóa mạnh mẽ của Người với Chính phủ cũng như các tầng lớp nhân dân trong nỗ lực khắc phục những khó khăn, thách thức “ngàn cân treo sợi tóc” của đất nước sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, như: diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc ngoại xâm”. Trong đó, thu phục các thành phần tham gia Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà cụ Huỳnh Thúc Kháng là một trường hợp điển hình. Đó là sự cảm hóa mạnh mẽ của Người để “thêm bạn, bớt thù”, tạo sự đồng tình, ủng hộ to lớn của nhân dân tiến bộ trên thế giới, nhất là nhân dân các nước thực dân, đế quốc xâm lược Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Đó là sự thu phục các nhân sĩ, trí thức, kể cả những người đang làm việc tại nước ngoài trở về nước tham gia sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong đó Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là một ví dụ. Còn đối với những người từng làm việc cho chính quyền cũ, thì nhiều người ban đầu còn phản đối cách mạng, sau khi gặp Người, được Người thuyết phục, trân trọng đã sẵn sàng hợp tác, tham gia vào công cuộc cứu quốc, kiến thiết chế độ mới. Trong đó, sự cảm hóa của Người với chính kẻ định ám sát mình quay về với chính nghĩa, với nhân dân và trở thành người bảo vệ trung thành như Tạ Đình Đề.


Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức cảm hóa mạnh mẽ, kỳ diệu đối với mọi tầng lớp nhân dân. Ảnh: TL

Sức cảm hóa kỳ diệu của Hồ Chí Minh cũng được thể hiện rõ ở “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với quyết tâm sắt đá của toàn dân tộc “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ, sức mạnh đoàn kết to lớn của toàn dân tộc và quốc tế để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 và “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” năm 1975.

Đó còn là sự cảm hóa hết sức kỳ diệu của Người với các tầng lớp nhân dân để khơi dậy, phát huy cao nhất khả năng, đóng góp của họ cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc cũng như khắc phục, sửa chữa những hạn chế, như: ba hoa, nóng nảy, bệnh thành tích, thiếu ý chí phấn đấu, v.v.

Có thể nói, sức cảm hóa của Hồ Chí Minh diễn ra mọi lúc, mọi nơi, với mọi đối tượng, lực lượng, từ tổ chức đến cá nhân, từ dân tộc đến quốc tế... Vấn đề đặt ra là vì sao Hồ Chí Minh lại có sức cảm hóa mạnh mẽ, kỳ diệu như vậy? Có lẽ sâu xa chính là từ tư tưởng, đạo đức, phong cách, từ sự hiểu biết, nhìn xa trông rộng, từ quan điểm nhân văn, nhân đạo, tất cả vì con người của Hồ Chí Minh.

“Chí thành năng động, tấm lòng thành của Cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển, huống là tôi”! 

(Huỳnh Thúc Kháng)

Trước hết, Hồ Chí Minh là hiện thân của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước tự do, hạnh phúc - một sự nghiệp chính nghĩa, phù hợp với nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam cũng như nhân loại tiến bộ trên thế giới. Trong bối cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân chịu cảnh lầm than, nô lệ; nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra nhưng đều thất bại vì thiếu một đường lối lãnh đạo đúng đắn, với lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh không quản khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, bôn ba khắp năm châu, bốn biển để tìm đường cứu nước, cứu dân. Mong muốn cao cả và con đường cứu nước, cứu dân đúng đắn của Người cũng chính là khát vọng ngàn đời của người dân lao động, nhất là ở các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Và cũng chính điều này đã tạo nên sức cảm hóa mạnh mẽ của Hồ Chí Minh đối với các tầng lớp nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân tiến bộ trên thế giới nói chung đồng tình, ủng hộ và nguyện theo Người để tiến hành cách mạng thành công.

Đó là xuất phát từ sự hiểu biết sâu rộng cùng tầm nhìn xa, trông rộng, đạo đức trong sáng; nói đi đôi với làm, coi trọng nêu gương cùng phong cách sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, tinh tế của Hồ Chí Minh. Trong suy nghĩ và hành động của Người luôn quan tâm tới lợi ích của nhân dân, nghĩ những điều dân nghĩ, lo những điều dân lo, hiến dâng cả đời mình cho nhân dân. Bởi vậy, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Người tìm đến và truyền bá đã sớm nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân. Đặc biệt là đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, đã tạo nên sức cảm hóa kỳ diệu của Người. Có lẽ chỉ qua một số cử chỉ, việc làm cụ thể của Người như “mỗi tuần nhịn một bữa” trong phong trào “hũ gạo kháng chiến”, quan điểm “hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”...  đã cho thấy rõ điều đó. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác sống như trời đất của ta/Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già”; “Bác để tình thương cho chúng con/Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/Mong manh áo vải, hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”. Hay như cụ Huỳnh Thúc Kháng đã từng nói về sức cảm hóa của Hồ Chí Minh: “Chí thành năng động, tấm lòng thành của Cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển, huống là tôi”! Và có lẽ Hồ Chí Minh có sức cảm hóa mạnh mẽ, to lớn là bởi “Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, Triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên bình dị và gần gũi”1.

Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Đáng chú ý là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng thủ đoạn “diễn biến hòa bình”; tác động của mặt trái cơ chế thị trường; một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên có mặt chưa đáp ứng, nhất là trong công tác tư tưởng, tính thuyết phục chưa cao.

Quán triệt sâu sắc sức cảm hóa của Hồ Chí Minh; quan điểm Đại hội XIII của Đảng “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội”2, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, phương pháp, tác phong công tác và tính nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.          

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác nghiên cứu dự báo, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận; nắm chắc âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; kịp thời nắm bắt, định hướng, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc xã hội nảy sinh... góp phần củng cố niềm tin vững chắc của toàn quân, toàn dân vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, tạo sự đồng thuận và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sớm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Đại tá, PGS, TS. PHẠM VĂN SƠN

Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Học viện Chính trị

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 1. Hồ Chí Minh: Một nhân cách hoàn hảo, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.17.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2021, tập I, tr.181.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: