CNQP&KT - Nhà máy Z143 (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) không có nhiều lợi thế phát triển, bởi nhiệm vụ sản xuất quốc phòng được giao ít, sản xuất kinh tế luôn chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Thế nhưng, Z143 hiện là một trong những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả của Tổng cục nhờ phương pháp quản trị doanh nghiệp phù hợp. NỖ LỰC CHỌN LỐI ĐI RIÊNG Trở lại Z143 lần này, tôi không khỏi bất ngờ khi hiển hiện trước mắt là tòa nhà điều hành khang trang, bề thế với thiết kế hiện đại có “view” vườn cây, hòn non bộ phong cách Nhật Bản. Như đọc được suy nghĩ của tôi, Thượng tá Lê Văn Minh, Giám đốc Nhà máy nhiệt tình tỏ bày: “Ai cũng nghĩ nhà điều hành này được xây mới, nhưng thực tế chỉ là sửa chữa, nâng cấp thôi. Chúng tôi là “con nhà nghèo” nên chắt chiu, tằn tiện từng khoản chi, tất nhiên vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình”. Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết, năm 2022, “con nhà nghèo Z143” đã đạt doanh thu 420 tỷ đồng, với quân số chưa đầy 300 người. Ngay đối với Z143 của 5 năm trước, đây là kết quả trong mơ, vì giai đoạn đó, Nhà máy là một trong những đơn vị khó khăn của Tổng cục CNQP. Và Giám đốc Lê Văn Minh về Nhà máy nhận nhiệm vụ trong bối cảnh đó. Nhớ lại những ngày chưa xa, Thượng tá Lê Văn Minh trải lòng: “Cái khó của Z143 là nhiệm vụ sản xuất quốc phòng được giao ít, chủ yếu là hàng nhóm II; sản phẩm kinh tế có vòng đời ngắn và chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Thời điểm tôi về đơn vị nhận công tác cũng là lúc vòng đời một số sản phẩm kinh tế đến giai đoạn kết thúc. Bài toán đặt ra là phải tạo được sức mạnh nội sinh để mở hướng phát triển mới, bền vững hơn". Thượng tá Lê Văn Minh chia sẻ rằng anh mất ăn, mất ngủ hàng tháng trời vì đi tìm lời giải cho bài toán phát triển Nhà máy. Bởi, thực tế đang quá bộn bề khi người lao động thiếu việc làm; nhà xưởng, thiết bị thiếu và xuống cấp; sản phẩm không đủ sức cạnh tranh... Việc đổi mới nếp nghĩ, cách làm để đưa Nhà máy tiếp tục phát triển là yêu cầu cấp thiết ở thời điểm đó. Và một chuyện khó tin nhưng có thật, đó là lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy đã bắt đầu đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp từ khâu... vệ sinh công nghiệp! Khi triển khai thực hiện, có ý kiến cho rằng, việc làm không có thì vệ sinh công nghiệp cũng bằng 0! Nhưng rồi, mọi người cũng dần dần nhận ra ý tưởng tốt đẹp khi thực hiện văn minh công nghiệp, nhà xưởng sạch sẽ, người lao động sẽ thấy gắn bó hơn với môi trường làm việc, còn đối tác, khách hàng sẽ thiện cảm, tin tưởng hơn. Tất nhiên, cùng với đó vẫn phải từng bước đầu tư đồng bộ dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất. Điều quan trọng hơn cả là phải định hướng được chiến lược sản phẩm có tính ổn định, lâu dài. Sản xuất dây cáp thông tin tại Nhà máy Z143. Ảnh: BẢO LÂM Hành trình vượt khó của Z143 cũng theo lối đi riêng, đó là mạnh dạn vươn ra “biển lớn” rồi mới trở về chinh phục “sông quê”. Cụ thể, khi ngành hàng trong nước đã định hình nhiều tên tuổi lớn, thì Z143 sẽ không đi vào thị trường ngách mà quyết tâm đưa sản phẩm dây và cáp điện thâm nhập thị trường quốc tế, chinh phục thị trường khó tính nhất là Mỹ, rồi gần hơn là Lào, Campuchia. Sau khi “mang chuông đi đánh xứ người” thành công, Z143 mới hướng về thị trường trong nước với chất lượng sản phẩm, uy tín doanh nghiệp đã được kiểm chứng và khẳng định. Cũng cần nói thêm, quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy là không vội vàng tăng trưởng nóng, mà phải đi từng bước vững chắc để tạo "độ bền" trong hành trình chinh phục những đỉnh cao và phải xác định mục tiêu phát triển rõ ràng trong từng giai đoạn. Chẳng hạn như: 2018-2019 tập trung đầu tư phát triển công nghệ; 2020-2022 sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường... Quá trình định hướng chiến lược phát triển, Nhà máy mời chuyên gia tư vấn bài bản, có hệ thống và có tính chuyên nghiệp cao. Một yếu tố không kém phần quan trọng đó là, khi làm việc với đối tác nước ngoài, đội ngũ cán bộ Z143 học hỏi được phương pháp quản trị hiện đại, khoa học, nhất là cách quản trị mang tính đặc thù. “Lãnh đạo doanh nghiệp phải tìm được phương pháp quản trị phù hợp với đặc điểm của đơn vị mình. Nhà máy chúng tôi có cơ cấu tổ chức nhỏ gọn nên lãnh đạo, chỉ huy có điều kiện sâu sát nắm bắt đến từng người lao động, từng vị trí công việc” - Giám đốc Lê Văn Minh khẳng định.
SỰ ĐỔI THAY TỪ CHẤT ĐẾN LƯỢNG Z143 đã có bề dày 50 năm xây dựng và phát triển, nhưng thật khó để xác định một sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, có một giá trị xuyên suốt và trở thành “di sản” của Nhà máy, đó là phẩm chất con người Z143 thuần hậu, chất phác, yêu lao động, không ngại khó, sợ khổ. Đây chính là điểm tựa rất lớn để lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy kiên định mục tiêu phát triển, vì chỉ khi nội bộ đoàn kết, thống nhất mới có thể chung sức, đồng lòng vững vàng trong gian khó. Và phương pháp quản trị đầy tính nhân văn của lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy cũng có sức thuyết phục rất lớn. Đó là ở thời điểm thiếu việc làm, lãnh đạo Nhà máy vẫn cố gắng điều tiết để người lao động có thu nhập đảm bảo cuộc sống; đó là sự gần gũi lắng nghe, quan tâm chia sẻ với mọi người trong đơn vị. ![]() Hệ thống dây chuyền sản xuất dây và cáp điện của Nhà máy Z143. Ảnh: TUẤN MINH Chắc hẳn nhiều công nhân Z143 rất quen thuộc với hình ảnh vị Giám đốc xông xáo, năng nổ bám máy, bám xưởng vào lúc 1-2 giờ sáng. Và cũng hiếm có nơi nào người đứng đầu doanh nghiệp trực tiếp làm điều độ sản xuất như Z143. Có lẽ, đây là cách giảm bớt thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, kịp thời nắm bắt và có giải pháp tháo gỡ khâu căng, việc khó, nút thắt trong sản xuất. Phương pháp quản trị thiết thực và hiệu quả này còn thể hiện ở quan điểm điều chỉnh các quy trình, quy định không phải để... cho có, cho hay, cho đẹp, mà phải đảm bảo sát thực tế và thực hiện thành công. Tất nhiên, ở đâu cũng vậy, cứ 5 người thì 10 ý, nhưng khi đã làm việc bằng cái tâm và vì lợi ích chung thì sẽ nhận được sự đồng thuận nhất trí cao. Đại úy, quân nhân chuyên nghiệp Phùng Đình Thanh, công nhân Phân xưởng sản xuất hàng quốc phòng (A1) chia sẻ: “Sự sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy giúp chúng tôi rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp, khoa học. Giờ đây, mọi người đều có ý thức tự giác trong đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như giữ gìn nền nếp, kỷ luật đơn vị”. Sự đổi thay của Z143 là từ chất đến lượng, đi từ không đến có. Khi đã khẳng định được sản phẩm dây và cáp điện có sức sống lâu dài, Nhà máy tập trung đầu tư dây chuyền, thiết bị và đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân. Đối với dây chuyền, thiết bị, Nhà máy định hướng không đầu tư dàn trải mà ưu tiên những chủng loại thiết yếu trước, sau đó có điều kiện thì đầu tư đồng bộ để nâng cao năng lực sản xuất. Còn đội ngũ lao động được Nhà máy đào tạo hằng năm theo yêu cầu nhiệm vụ. Riêng đội ngũ ở cấp phòng, ban, phân xưởng, có thời điểm, Giám đốc Nhà máy trực tiếp làm việc với trợ lý để nắm bắt ngay những việc cụ thể mà họ đang làm, từ đó có chỉ đạo sát, đúng và đó cũng là cách để rèn luyện đội ngũ. Thượng tá Lê Văn Minh bộc bạch: “Đối với quản trị con người, quan điểm của tôi là xây dựng văn hóa đồng hành, có nghĩa là lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy sẵn sàng kề vai, sát cánh cùng mọi người và khi đã vững vàng, trưởng thành thì tin tưởng giao nhiệm vụ”. Thực tế, trong quản trị doanh nghiệp tại Z143, điều quan trọng nhất là cách tiếp cận vấn đề, hiểu từng vị trí việc làm, từ ban giám đốc đến phòng, ban chức năng và phân xưởng sản xuất để có định hướng chỉ đạo hiệu quả, thiết thực. Tất nhiên, bản thân lãnh đạo, chỉ huy cũng phải “nhập cuộc” chứ không thể “chỉ tay 5 ngón” theo kiểu hời hợt bề trên.
Vượt qua nghịch cảnh phải ngóng đợi từng đơn hàng giá trị thấp, thậm chí phải sẵn sàng cho khách hàng “ghi nợ”, giờ đây, Z143 đã đĩnh đạc ở thế được quyền đặt điều kiện “nhận tiền, giao hàng” và nếu ghi nợ thì cũng phải có bảo lãnh ngân hàng. Hơn thế, với văn phòng đại diện ở 3 miền Bắc, Trung, Nam phụ trách xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước, Nhà máy đang có điều kiện tập trung cho sản xuất để đảm bảo tốt cả 3 yếu tố: chất lượng, giá thành và tiến độ. Nhìn nhận một cách khách quan, sản phẩm dây và cáp điện Z143 chưa phải là thương hiệu mạnh ở thị trường trong nước, nhưng Nhà máy đã và đang đi đúng hướng trong hành trình phát triển, khi giá trị sản xuất và doanh thu có sự tăng trưởng đều qua các năm. Cụ thể, trong năm 2022, giá trị sản xuất và doanh thu của Nhà máy đạt 115,4% kế hoạch năm; trong đó, doanh thu sản xuất kinh tế chiếm tới 75% tổng doanh thu. Năm 2023, Nhà máy đặt mục tiêu giá trị doanh thu đạt 126,3% so với năm 2022; thu nhập bình quân đạt 106% so với kế hoạch năm 2022. Đặc biệt, cũng từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh, Nhà máy có điều kiện đầu tư cho hoạt động chỉ đạo, điều hành sản xuất và nâng cao đời sống người lao động. Hiện, Z143 nằm trong số không nhiều đơn vị thuộc Tổng cục CNQP có “phòng họp số”. Theo đó, Nhà máy triển khai thực hiện chuyển đổi số bằng cách mời chuyên gia viết phần mềm để quản lý, tổ chức, điều hành sản xuất, theo chu trình khép kín từ các phòng nghiệp vụ, đến phân xưởng và cuối cùng trình Giám đốc. Đội ngũ cán bộ cấp phòng, ban, phân xưởng của Nhà máy đều có tài khoản số, mọi văn bản chỉ đạo, điều hành đều được gửi đến tài khoản. Vì vậy, trong các cuộc họp tại “phòng họp số”, mọi thành viên tham dự không sử dụng văn bản giấy, tất cả đều tra cứu trên máy. Trung tá Đỗ Hoàng Hải, Chủ nhiệm Chính trị Nhà máy, khẳng định: "Hiệu quả thực hiện chuyển đổi số thể hiện rõ nét trong giải quyết thủ tục hành chính, thông tin kịp thời, hiệu quả, lưu trữ tốt, tra cứu nhanh và tiết kiệm chi phí cho đơn vị". Có thể nói, Z143 đã vượt khó thành công. Dù cho mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm sẽ luôn có những thử thách khác nhau và mục tiêu đơn vị xác định cũng ngày càng cao hơn, đó là xây dựng Nhà máy phát triển chuyên nghiệp, hiện đại, với các sản phẩm khẳng định được thương hiệu, vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Nhưng có thể tin, với sức bật mạnh mẽ như hiện tại, Nhà máy Z143 sẽ tiếp tục chinh phục được những đỉnh cao mới trong hành trình phát triển. HÀ ANH |