CNQP&KT - Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, Cục Quân giới cùng với các viện nghiên cứu, cơ sở sản xuất và sửa chữa vũ khí của các quân - binh chủng đã tích cực nghiên cứu sửa chữa, cải tiến được nhiều loại vũ khí, khí tài trang bị cho lực lượng vũ trang chiến đấu. Đánh phá miền Bắc nhằm hỗ trợ quân sự ở miền Nam luôn là ưu tiên hàng đầu của đế quốc Mỹ trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 5/8/1964, sau hàng loạt các hoạt động khiêu khích, đế quốc Mỹ chính thức dùng không quân đánh phá miền Bắc. Vấn đề đặt ra lúc này là vũ khí, khí tài do các nước viện trợ cho ta có kỹ thuật công nghệ cao, để phát huy hiệu quả trong tác chiến, cán bộ, kỹ sư, công nhân viên của Cục Quân giới cùng viện nghiên cứu, cơ sở sản xuất và sửa chữa vũ khí của các quân - binh chủng đã chủ động nghiên cứu sửa chữa, cải tiến, tăng tầm nhiều loại vũ khí trang bị cho lực lượng vũ trang chiến đấu. Cụ thể, trong cuộc mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, đế quốc Mỹ sử dụng máy bay hiện đại, bám sát mục tiêu hoàn toàn tự động, khi máy bay địch bay thấp, radar SON-9A của Quân đội ta thường bị nhiễu bởi vật cản địa hình không bắt được mục tiêu. Để khắc phục nhược điểm này, đầu năm 1964, cán bộ kỹ thuật của Quân chủng Phòng không - Không quân tiến hành khảo sát hệ bám sát bằng tay của radar RZ2, tìm ra một kết cấu phù hợp lắp cho radar SON-9A; đồng thời thiết kế, chế tạo một cụm bám sát bằng tay cho radar SON-9A kịp thời trang bị cho Trung đoàn Pháo phòng không 220 bảo vệ Hà Nội. Tiếp đến, để đối phó chiến thuật tiến công mục tiêu mặt đất, uy hiếp tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, máy bay địch thường bay ở độ cao từ 500 đến 1.000m, tốc độ từ 180 đến 220m/giây. Các trận địa pháo cao xạ 37mm, súng máy phòng không 14,5mm, 12,7mm và súng bộ binh của ta thường bị bất ngờ, không kịp đón đánh. Tháng 8/1965, Cục Kỹ thuật (Tổng cục Hậu cần) nghiên cứu chế tạo ra thiết bị gây chướng ngại trên không ở độ cao từ 500 đến 1.000m, gọi là bóng khinh khí để chống thủ đoạn bay thấp của Không quân Mỹ. Thiết bị này sẽ buộc máy bay địch phải tăng độ cao, tạo điều kiện cho các trận địa phòng không phát huy hiệu lực đánh trả. Ngoài ra, nếu va chạm vào các thiết bị gây chướng ngại này, máy bay Mỹ có thể bị rơi, góp phần hạn chế chiến thuật bay thấp của địch. ![]() Sửa chữa máy ngắm phòng không phục vụ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: TL Để tạo ra các trận địa pháo, tên lửa nghi binh, đầu năm 1966, nhóm nghiên cứu Nhà máy Z2 (nay là Nhà máy Z113) đã xác định được thành phần hóa chất để chế tạo 2 loại pháo khói: pháo khói T cho trận địa tên lửa, tạo ra màn khói lớn có màu da cam giống như khói khi phóng tên lửa SAM.2; pháo khói C cho trận địa cao xạ, tạo ra một vùng khói giống như khói bụi sinh ra khi bắn pháo trên địa hình đất đỏ (ban ngày) và có ánh sáng lửa giống chớp lửa đầu nòng pháo (ban đêm) theo yêu cầu của Quân chủng Phòng không - Không quân. Sau khi thử nghiệm thành công, Nhà máy Z2 đã sản xuất được hàng nghìn quả pháo khói trang bị cho các đơn vị tên lửa và pháo phòng không sử dụng để nghi binh đánh địch. Đặc biệt từ giữa năm 1965, Không quân Mỹ đã đưa vào sử dụng nhiều biện pháp gây nhiễu nhằm hạn chế, vô hiệu hóa khả năng phát hiện của radar mặt đất. Bằng những thủ đoạn gây nhiễu khác nhau, Không quân Mỹ đã làm cho một số trận địa pháo cao xạ và tên lửa phòng không gặp khó khăn trong việc đánh trả. Đồng chí Phan Thu, cán bộ radar thuộc Bộ Tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân (sau này là Trung tướng, PGS, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế) đã nghiên cứu cải tiến mạch điều khiển bắn cho đại đội pháo cao xạ 100mm trang bị radar SON.4 bằng phần tử quang học. Toàn bộ hệ thống xác định mục tiêu này được gọi là PĐK-100. Ngay sau khi thử nghiệm thành công, PĐK-100 được lắp cho Đại đội 5 thuộc Trung đoàn 224 và một số đơn vị pháo cao xạ 100mm đang chiến đấu ở tuyến lửa Khu 4, góp phần bắn rơi một số máy bay địch. Đầu năm 1965, lực lượng phòng không được trang bị tên lửa SAM.2. Đây là loại tên lửa đất đối không tương đối hiện đại. Cũng như trận địa pháo cao xạ, các trận địa tên lửa SAM.2 trở thành mục tiêu quan trọng mà Không quân Mỹ tập trung đánh phá. Từ kết quả thực tế của việc cải tiến một số vũ khí, năm 1967, Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không - Không quân, đã nghiên cứu lắp thêm hệ thống kính ngắm quang học để điều khiển ăngten radar tên lửa SAM.2 hướng về mục tiêu. Qua thực tiễn chiến đấu, loại khí tài quang học kính ngắm TZK có thể quan sát được mục tiêu từ cự ly 50km và còn có khả năng phát hiện tên lửa sorai (shrike) của địch, giúp cho đài điều khiển tên lửa có biện pháp đối phó kịp thời. Bằng hệ thống khí tài quang học này, Tiểu đoàn phòng không 79 đã tham gia bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội.
Giữa tháng 12/1967, địch đánh phá phía Bắc Hà Nội, các trận địa tên lửa phòng không của ta đánh trả nhưng không có hiệu quả, 8 quả tên lửa phóng lên đều bị rơi do Không quân Mỹ sử dụng loại nhiễu rãnh đạn mới rất nguy hiểm. Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ đạo Bộ đội tên lửa tổ chức một nhóm nghiên cứu và tìm ra được các giải pháp khắc phục, như: tăng công suất máy phát, tăng độ nhạy máy thu và một số giải pháp kỹ thuật khác… giải quyết thành công được nhiễu rãnh đạn (ALQ.71). Sau khi ta khắc phục được nhiễu rãnh đạn, bộ khí tài SAM.2 phát huy tác dụng, làm thất bại thủ đoạn gây nhiễu rãnh đạn của Không quân Mỹ. Tiếp đó, do yêu cầu chiến đấu, giữa năm 1968, Quân chủng Phòng không - Không quân đã đưa một số máy bay vào các sân bay ở Khu 4. Tuy nhiên, do sân bay hẹp, đường băng ngắn, máy bay rất khó hạ cánh. Để giải quyết khó khăn này, kỹ sư Trương Khánh Châu (sau này là Trung tướng, PGS, TS, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cùng tập thể cán bộ Phòng Kỹ thuật, Sư đoàn 371 nghiên cứu thành công vị trí lắp dù và diện tích dù, bảo đảm cho máy bay MIG.17 hạ cánh trên các sân bay đường băng ngắn, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Thành công của công tác bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Không quân Mỹ đã khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của ngành Quân giới. Đây là tiền đề, là cơ sở để ngành Quân giới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thượng tá, TS. LÊ QUÝ THI* TS. NGUYỄN THỊ LAN PHƯƠNG**
* Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu. ** Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. |