CNQP&KT - Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII của Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là định hướng lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có ngành Công nghiệp quốc phòng phải quán triệt, triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước là một yêu cầu tất yếu khách quan, không chỉ là nhiệm vụ trung tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, mà còn là nhiệm vụ chiến lược lâu dài để phát triển đất nước phồn vinh trong tầm nhìn tới năm 2045. Đây là cơ sở khoa học để khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của cả nước, của từng ngành, từng vùng, từng địa phương; đồng thời tận dụng, phát huy lợi thế của thời kỳ “dân số vàng” để kết hợp chặt chẽ giữa tuần tự với đi tắt đón đầu, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới.

Nghị quyết chỉ rõ, trong hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm qua, CNH, HĐH đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng giảm tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo; đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; hình thành được một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ (KHCN) cao. Phát triển văn hóa, xã hội, con người được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, Nghị quyết cũng thẳng thắn nêu ra những hạn chế, bất cập như: Mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 chưa hoàn thành; nội lực của nền kinh tế còn yếu; năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện; khu vực kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng thúc đẩy CNH, HĐH. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân là do: Nhận thức, lý luận liên quan đến CNH, HĐH chưa rõ, chưa sát, còn chủ quan, duy ý chí. Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả; nguồn lực Nhà nước bố trí cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo còn thấp; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Thể chế, cơ chế, chính sách còn bất cập; hệ thống các tiêu chuẩn, định mức lạc hậu, chưa khuyến khích thúc đẩy phát triển và ứng dụng KHCN...

Về quan điểm CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết xác định: Đây là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của KHCN, đổi mới sáng tạo; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN. Đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể. Bên cạnh đó, CNH, HĐH phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế, sản xuất tại Việt Nam. Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH. Đặc biệt, thực hiện CNH, HĐH cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Trong quá trình CNH, HĐH phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo...


Nhà máy Z117 sản xuất sản phẩm cơ khí cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.        Ảnh: BẢO MINH

Về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết xác định 10 nội dung, đó là: Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CNH, HĐH; xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng; đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ; phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững; phát triển các thành phần kinh tế; đổi mới chính sách tài chính, tín dụng; quản lý sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng; phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, bảo đảm tốt an sinh xã hội.

Từ quan điểm, mục tiêu và giải pháp thực hiện CNH, HĐH đất nước, đặt ra một số vấn đề trọng tâm cho ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP), đó là:

Trước hết, cần nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CNQP trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Theo quan điểm của Đảng, CNH, HĐH là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, CNQP là một mắt xích, bộ phận quan trọng của nền công nghiệp, không thể tách rời tiến trình CNH, HĐH. Trong một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, Nghị quyết xác định: “Xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại”. Cần nhận thức sâu sắc rằng, CNQP là bộ phận, mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, nền tảng để hiện đại hóa lực lượng vũ trang, không chỉ giữ vị trí, vai trò chủ đạo trong nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật mà còn tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển KT-XH, góp phần thực hiện thành công quan điểm, mục tiêu CNH, HĐH đất nước.

Thứ hai, xây dựng chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển CNQP theo lộ trình CNH, HĐH đất nước và hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Theo đó, CNQP phải xác định rõ phát triển công nghệ lõi, công nghệ nền, lĩnh vực mũi nhọn (cơ khí, chế tạo, luyện kim, vật liệu mới, điện tử - viễn thông) để ưu tiên và xác định lộ trình phù hợp với khả năng nguồn lực có thể huy động. Với mục tiêu “các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao” đặt ra cho CNQP phải nghiên cứu chế tạo, khai thác các dịch vụ, sản phẩm mới phục vụ cho quốc phòng, an ninh và nền kinh tế quốc dân. Trong đó, nghiên cứu sản xuất được một số loại vũ khí mới, thông minh có ý nghĩa chiến lược, khẳng định tính chủ động và khả năng tự chủ, tự lực, tự cường của nền CNQP và tạo thương hiệu, sức cạnh tranh cho quốc gia về một số sản phẩm quốc phòng. 

Phải nghiên cứu, sản xuất được một số loại vũ khí mới, thông minh có ý nghĩa chiến lược, khẳng định tính chủ động và khả năng tự chủ, tự lực, tự cường của nền công nghiệp quốc phòng và tạo thương hiệu, sức cạnh tranh cho quốc gia

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong 3 đột phá chiến lược là “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh KHCN, đổi mới, sáng tạo”1.

Thực trạng CNQP nước ta còn thiếu kỹ sư giỏi, chuyên gia đầu ngành và chưa có các tổng công trình sư trong lĩnh vực vũ khí công nghệ cao; cơ chế, chính sách thu hút nhân tài vào làm việc vẫn là điểm nghẽn. Phát triển nguồn nhân lực phải bảo đảm sự cân đối cả số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực và tập trung ưu tiên cho những lĩnh vực mũi nhọn mà nguồn nhân lực còn đang thiếu và yếu. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số phải toàn diện cả tâm lực, trí lực, thể lực, phù hợp yêu cầu hoạt động trong môi trường số, toàn cầu. Tích cực thực hiện lộ trình phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, người lao động trong ngành CNQP.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật.

Với đặc thù của CNQP liên quan đến vũ khí, trang bị kỹ thuật, bí mật công nghệ quân sự, bí mật quốc gia và yêu cầu lưỡng dụng, đòi hỏi cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phải có sự đổi mới, sáng tạo, đột phá, trong đó, khâu chính sách, pháp luật là một ưu tiên. Trong khi đó, sau gần 20 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp và gần 15 năm thực hiện Pháp lệnh CNQP cho thấy còn nhiều vướng mắc, bất cập cả về chức năng quản lý nhà nước, cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu, quản lý sản xuất quốc phòng, huy động nguồn lực phát triển CNQP, cơ chế, chính sách xuất khẩu vũ khí, trang bị quân sự, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử... Điều đó đặt ra vấn đề cấp thiết là phải sớm xây dựng ban hành Luật CNQP, An ninh và Động viên công nghiệp, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số trong CNQP.

Quan điểm của Đảng về CNH, HĐH xác định: “Chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH”. Chuyển đổi số là nội dung cơ bản của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi từ phương thức điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp, đến cách làm việc của cơ quan, tổ chức và lối sống của người dân. Qua đó, tăng hiệu quả quản lý, nâng cao năng suất lao động; tính tiện ích, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường…

Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định mục tiêu cơ bản là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu; đồng thời xác định rõ các tiêu chí cơ bản, cụ thể đến năm 2030, như: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh được xử lý trên môi trường mạng; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; phát triển kinh tế số ở mức 30% GDP, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%...

Thực hiện Đề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng, đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số trong CNQP phù hợp với chương trình, chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thích ứng với thương mại điện tử kinh tế số trên thế giới. CNQP cũng phải chú trọng phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, nhất là khi ứng dụng vào một số lĩnh vực đặc thù quân sự, quốc phòng.

Đại tá LÊ VĂN HƯỞNG*

Thượng tá, ThS. NGUYỄN VĂN MẠNH**

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN 2021, tr.203, 204.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: