CNQP&KT - Chiến lược biển của Trung Quốc đặt mục tiêu biến nước này thành cường quốc biển, có khả năng làm chủ các vùng biển xa và trở thành siêu cường thế giới vào năm 2050. Một trong những trọng điểm của chiến lược này chính là phát triển hạm đội tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân cỡ lớn.

CHIẾN LƯỢC TÀU SÂN BAY

“Giấc mơ tàu sân bay” của Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1970 khi Thủ tướng Chu Ân Lai ra chỉ thị về việc tự lực phát triển tàu sân bay nội địa. Tháng 7/1970, Hải quân Trung Quốc kết hợp với một số đơn vị xây dựng phương án phát triển tàu sân bay mang tên “Dự án 707” bao gồm chế tạo tàu sân bay, nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay, xây dựng hệ thống huấn luyện trên đất liền và căn cứ tàu sân bay. Tuy nhiên, dự án này đã thất bại do không nước nào muốn giúp Bắc Kinh. Phải mất một thời gian khá dài Trung Quốc mới có thể hiện thực hóa “giấc mơ” khi vào năm 1998, Trung Quốc mua lại tàu tuần dương hỗn hợp Varyag từ Ukraine. Sau đó, hoán cải thành tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Liêu Ninh Type 001, đặt nền móng cho quá trình phát triển hạm đội tàu sân bay chiến đấu thực sự.  

Tháng 8/2004, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phê duyệt cho Hải quân, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy, Tổng cục Vũ khí, Ủy ban Khoa học và Công nghiệp quốc phòng và một số đơn vị khác triển khai Dự án phát triển tàu sân bay mang tên “Dự án 048”, trong đó xác định rõ chiến lược “3 bước đi”: Dành 10 năm chế tạo 2 tàu sân bay hạng trung; dành 10 năm nữa để chế tạo 2 tàu sân bay cỡ lớn và phát triển tàu sân bay động cơ hạt nhân cỡ lớn. Tuy nhiên trên thực tế, kế hoạch này đã có những điều chỉnh và chuyển thành kế hoạch “4 bước đi” để hiện thực hóa việc sở hữu 10 tàu sân bay (sánh ngang Mỹ) trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đất nước (năm 2049), với quy mô ban đầu là sở hữu 5 tàu sân bay vào năm 2030, 5 tàu sân bay hạt nhân vào năm 2049. Nội dung chính của kế hoạch này gồm: Mua tàu sân bay của Ukraine, hoán cải thành tàu sân bay nội địa, đưa vào biên chế và đạt khả năng chiến đấu hiệu quả vào năm 2017; thiết kế và đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên Type 001A vào cuối năm 2013, hạ thủy năm 2017 và bàn giao cho Hải quân Trung Quốc vào năm 2020; phát triển 2 tàu sân bay chạy bằng năng lượng thông thường; đóng tàu sân bay nội địa chạy bằng năng lượng hạt nhân theo tiêu chuẩn Mỹ, trang bị hệ thống đẩy điện, máy phóng điện từ và sử dụng máy bay tiên tiến thế hệ thứ tư và dự kiến bàn giao cho Hải quân Trung Quốc trước năm 2027. Trung Quốc tự tin có đủ tiềm lực kinh tế để hoàn thành mục tiêu sở hữu 10 tàu sân bay theo đúng kế hoạch và đây chính là nền tảng phát triển lực lượng hải quân đủ mạnh giúp bảo vệ vị thế ngày càng lớn của Trung Quốc trên toàn cầu.


Tàu sân bay Liêu Ninh Type 001.   Ảnh: Internet

Hiện nay, Trung Quốc sở hữu 3 tàu sân bay, gồm: tàu Liêu Ninh Type 001 được biên chế cho Hải quân Trung Quốc từ tháng 9/2012, chủ yếu sử dụng cho mục đích huấn luyện; tàu Sơn Đông Type 002 được hạ thủy năm 2017, biên chế cho Hạm đội Nam Hải vào tháng 12/2019 và đang trong giai đoạn huấn luyện trên biển; tàu Phúc Kiến Type 003 hạ thủy năm 2022. Theo kế hoạch, Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ 4 và đưa vào biên chế từ giữa những năm 2030. Ảnh vệ tinh chụp tháng 3/2022 tại Khu liên hợp Huấn luyện và Thử nghiệm Hàng không Hải quân ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc cho thấy có sự xuất hiện của 2 tiêm kích tàng hình FC-31 Gyrfalcon đậu bên cạnh một số tiêm kích J-15 dành cho tàu sân bay. Các chuyên gia nhận định, có khả năng phi công Trung Quốc đang được huấn luyện để chuẩn bị tác chiến trên tàu sân bay thứ 4.


Hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến Type 003 (tháng 6/2022).    Ảnh: Internet

Theo thông tin, có thể tàu sân bay thứ 4 của Trung Quốc sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nếu vậy, đây sẽ là bước ngoặt lớn đối với Hải quân Trung Quốc, là cú nhảy về công nghệ đối với ngành công nghiệp đóng tàu của họ, bởi lẽ năng lượng hạt nhân không chỉ giúp hệ thống máy phóng điện từ của tàu sân bay vận hành trơn tru, mà còn hỗ trợ các vũ khí năng lượng cao như laser và súng điện từ, từ đó tăng cường khả năng tác chiến hiệu quả của tàu sân bay. Hơn nữa, khu vực tháp đảo (trung tâm điều khiển) trên tàu sân bay hạt nhân sẽ nhỏ hơn nhiều so với tàu sân bay chạy bằng năng lượng thông thường, giúp có thêm không gian để chứa máy bay.

Trung Quốc hiện có 3 tàu sân bay (Liêu Ninh Type 001, Sơn Đông Type 002 và Phúc Kiến Type 003); đang đóng tàu sân bay thứ 4 và dự kiến đưa vào biên chế từ giữa những năm 2030. Theo kế hoạch, đến năm 2049, Trung Quốc sẽ có 10 tàu sân bay.

CÔNG NGHỆ ĐÓNG TÀU SÂN BAY TRUNG QUỐC

Việc so sánh công nghệ chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc và Mỹ chỉ mang tính chất tương đối vì các thông tin kỹ thuật liên quan đến tàu sân bay thường rất ít và được bảo mật kỹ càng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu 2 tàu sân bay mới nhất và hiện đại nhất của Hải quân Trung Quốc (Phúc Kiến Type 003) và Hải quân Mỹ (USS Gerald R. Ford) có thể đưa ra một số đánh giá cơ bản như sau:

Thứ nhất, kích thước tàu sân bay Trung Quốc nhỏ hơn tàu sân bay Mỹ nên sẽ hạn chế số lượng máy bay và vũ khí, trang bị có thể mang theo. Tàu sân bay Phúc Kiến Type 003 có lượng choán nước 80.000 tấn, dài khoảng 300m, tương đương với kích thước của lớp tàu sân bay Kitty Hawk của Hải quân Mỹ. Đây là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có thiết kế hoàn toàn bản địa, có hệ thống phóng máy bay hiện đại (CATOBAR) và hệ thống máy phóng điện từ, khác với hệ thống đường cất cánh kiểu nhảy cầu (ski-jump) sử dụng trên tàu sân bay Liêu Ninh Type 001 và Sơn Đông Type 002, giúp giảm áp lực trên thân các máy bay chiến đấu, tạo điều kiện cho chúng hoạt động tốt và hiệu quả hơn. Khả năng tàu sân bay Phúc Kiến sẽ được trang bị khoảng 40 máy bay chiến đấu J-15 cùng các máy vận tải cánh quạt, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không (AEW&C) như KJ-600 và sẽ thay thế nếu phát triển thành công dòng máy bay thế hệ thứ 5 dựa trên các mẫu Thành Đô J-20 và Thẩm Dương FC-31.


Minh họa thiết kế tàu sân bay thứ 4 chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc.  Ảnh: Internet

Thứ hai, về vận hành: Tàu sân bay Phúc Kiến Type 003 vẫn dùng năng lượng truyền thống, được vận hành bằng động cơ phản lực điện, làm hạn chế tầm hoạt động và tốc độ di chuyển. Trong khi đó, tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ sử dụng năng lượng hạt nhân với hai lò phản ứng hạt nhân cải tiến A1B công suất lớn gấp ba lần các mẫu tàu trước đó, giúp tạo ra nguồn năng lượng khổng lồ hỗ trợ các loại vũ khí tối tân như pháo laser và pháo điện từ, tăng cường khả năng phòng không, đánh chặn tên lửa đối phương.

Thứ ba, Trung Quốc ít kinh nghiệm vận hành tàu sân bay: Đến nay, Trung Quốc mới sở hữu 3 tàu sân bay, và chiếc đầu tiên mới được biên chế cho Hải quân Trung Quốc vào năm 2012. Trong khi đó, Hải quân Mỹ hiện sở hữu 11 tàu sân bay, trong đó tàu sân bay đầu tiên USS Langley (CV-1/AV-3) được hoán cải vào năm 1920 từ chiếc tàu tiếp than USS Jupiter (AC-3). Mỹ cũng sử dụng tàu sân bay trên nhiều chiến trường từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến các cuộc xung đột gần đây như ở Syria. Các chỉ huy và thủy thủ đoàn tàu sân bay Mỹ có kinh nghiệm vận hành và tác chiến trên thực địa. Ngược lại, dù không có thời gian vận hành và kinh nghiệm thực chiến như Mỹ nhưng các tàu sân bay “sinh sau đẻ muộn” của Trung Quốc lại học hỏi khá nhiều từ nguyên lý chiến đấu của Mỹ và tăng cường các hoạt động huấn luyện tác chiến.

Với sự phát triển nhanh chóng của lực lượng tàu sân bay trong thời gian gần đây, Trung Quốc cho thấy họ đang là đối thủ đáng gờm, thậm chí vượt Mỹ trong tương lai. Với việc sở hữu 3 tàu sân bay và dự kiến có 10 tàu sân bay vào năm 2049, khả năng răn đe và tác chiến ngoài lãnh thổ của Hải quân Trung Quốc sẽ ngày càng tăng. Điều này giúp Trung Quốc hiện thực hóa “Chiến lược biển” để có thể làm chủ các vùng biển xa; tạo điều kiện “chia đôi” Thái Bình Dương và tranh giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương với Mỹ, Ấn Độ cũng như các nước khác nhằm tiến tới soán ngôi Mỹ, tạo dựng vị thế bá chủ thế giới.

NGUYÊN LONG

(Theo tài liệu nước ngoài)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: