Vài nét về vũ khí tự hành07/07/2023CNQP&KT - Sự tác động mạnh mẽ của những công nghệ chủ chốt trong cuộc Cách mạng 4.0, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đã xuất hiện các loại vũ khí tự hành có thể thực hiện nhiều chức năng thay thế người lính trên chiến trường, tạo nên những phương thức tác chiến mới. VAI TRÒ CỦA VŨ KHÍ TỰ HÀNH Vũ khí tự hành được hiểu là hệ thống vũ khí để thực hiện nhiệm vụ quân sự mà không cần đến sự điều khiển của con người. Trong lịch sử, loài người đã phát minh ra nhiều loại vũ khí, trang bị, làm nên 3 cuộc cách mạng quân sự. Cuộc cách mạng quân sự lần thứ nhất với vũ khí kim loại; sự ra đời của hỏa khí làm nên cuộc cách mạng quân sự lần thứ hai; còn động cơ đốt trong ra đời làm nên cuộc cách mạng quân sự lần thứ ba. Những năm gần đây, khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực quân sự. Trong đó, các công nghệ đột phá như internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, in 3D, vật liệu na-nô, công nghệ lượng tử... có khả năng liên kết các hệ thống, thúc đẩy xu hướng tự động hóa, thông tin hóa, chính xác hóa, tàng hình hóa vũ khí và trang bị. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh, xuất hiện “vũ khí tự hành” trực tiếp thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến trên chiến trường mà không cần sự điều khiển của con người. Theo giới quân sự, công nghệ thông tin và vật liệu mới ngày càng phát triển đã giúp các nước sản xuất được nhiều loại vũ khí tự hành với chi phí rẻ; xuất hiện các đơn vị robot tự hành, với chiến thuật bầy đàn trực tiếp tham chiến trên chiến trường, hình thành cuộc cách mạng quân sự lần thứ tư. Cuộc cách mạng quân sự mới này có thể phát triển qua 2 giai đoạn: Giai đoạn thấp (bắt đầu từ những năm 1990 đến khoảng những năm 2020) chủ yếu hình thành hệ thống quân sự, tổ chức, biên chế và thể chế mới, phát triển vũ khí, trang bị cùng phương thức tác chiến mới; giai đoạn cao (từ những năm 2020 đến giữa thế kỷ XXI), tập trung vào 3 nội dung cơ bản là cách mạng khoa học - kỹ thuật quân sự, cách mạng lý luận quân sự và cách mạng về tổ chức quân sự. Trong bối cảnh đó, vũ khí tự hành trở thành loại vũ khí chiến lược, có khả năng hoạt động bền bỉ và liên tục trong thời gian dài, vượt xa các phương tiện chiến đấu có người điều khiển trực tiếp, do đó, thường được sử dụng làm phương tiện trung gian lý tưởng cho công tác thông tin liên lạc. Qua thực chiến cho thấy, máy bay không người lái có thể được liên lạc trực tiếp với người điều khiển, khắc phục thời gian trễ do quá trình truyền tín hiệu từ vệ tinh và các trạm điều khiển mặt đất. Vũ khí tự hành còn có thể hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng, chính xác và hiệu quả đối với các công việc mang tính chất ổn định, lặp lại. Do được lập trình sẵn, loại vũ khí này có thể hoạt động trong cả môi trường thông tin liên lạc bị ngăn chặn hoàn toàn. Ngoài ra, vũ khí tự hành có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, giúp hạn chế đáng kể tổn thất sinh mạng người lính trên chiến trường. Ví dụ, các phương tiện tự hành trên bộ có thể trở thành lực lượng tiên phong, đóng vai trò như một phần của các hoạt động tiếp cận mục tiêu, rà phá bom mìn, bao vây, nghi binh, trinh sát tìm kiếm mục tiêu và chỉ thị hỏa lực... Các phương tiện tự hành trên không, như hệ thống tự hành mồi phóng trên không và mồi phóng - gây nhiễu trên không, có thể đánh lạc hướng hoặc làm nhiễu hệ thống radar đối phương… ![]() Tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành Khrizatema-S của Nga. Ảnh: Internet Bên cạnh đó, do vũ khí tự hành có số lượng lớn về hỏa khí và được phân tán, khiến đối phương phải đối phó với nhiều mục tiêu hơn, hao phí nhiều đạn dược hơn; sự áp đảo về số lượng hỏa khí tạo nên sức kháng cự hiệu quả hơn trước các đợt tấn công của đối phương; cho phép sự “tiêu hao chấp nhận được” khi một vài đơn vị khí tài đơn lẻ bị đối phương phá hủy. Đặc biệt, khi các vũ khí tự hành được liên kết với nhau thành “bầy đàn”, hoạt động dưới sự chỉ huy của con người tùy theo nhiệm vụ, sẽ mở ra ưu thế lớn trên chiến trường, đặc biệt là trong phối hợp tác chiến, chẳng hạn: Phối hợp tấn công áp đảo và nhanh chóng chuyển sang phòng ngự tập thể; hình thành mạng lưới tự hồi phục cơ động; cảm biến và tấn công rải rác, thông qua các hệ thống khí tài vừa hoạt động như một phổ cảm biến trên phạm vi rộng, thực hiện những đợt tấn công điện tử phân tán - tập trung, đồng bộ hóa các tín hiệu điện từ và tập trung làm nhiễu đối tượng nhất định; đánh lạc hướng thông qua mồi nhử hoặc làm giả sự cơ động để đánh lừa đối phương… XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN Phát triển “vũ khí tự hành” giá rẻ, quy mô lớn, kết hợp với hệ thống vũ khí tinh vi. Quá trình toàn cầu hóa đã tạo ra một “không gian công nghệ phẳng”, đặc biệt là sự phát triển mạnh của các công nghệ chủ chốt trong Cách mạng 4.0, như trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới… cho phép nhiều nước sản xuất hàng loạt “vũ khí tự hành” giá rẻ. Nếu như trước đây các nước sản xuất vũ khí theo theo xu thế “đơn lẻ, to và tinh vi”, nay đang dần chuyển sang “nhiều, nhỏ và thông minh”. Mặc dù các đơn vị “vũ khí tự hành” này ít tinh vi hơn, nhưng lại có số lượng áp đảo và tạo ra hỏa lực tập trung. Mặt khác, vũ khí tự hành được kết hợp với nhau và với người điều khiển sẽ tạo nên sức mạnh áp đảo trên chiến trường. Giới quân sự cho rằng, việc thu nhỏ các hệ thống robot sẽ cho phép triển khai nhanh chóng số lượng lớn khí tài, áp đảo các hệ thống phòng ngự của đối phương, đồng thời sử dụng phương thức tấn công kiểu “bầy đàn” sẽ làm gia tăng khả năng phối hợp hỏa lực và phối hợp điều hành tác chiến trên chiến trường.
Sản xuất theo kiểu mô-đun và “tự hành hóa” những hệ thống vũ khí đã có. Để tiết kiệm chi phí và thời gian bảo dưỡng, bảo trì, các hệ thống vũ khí tự hành cần được thiết kế theo dạng mô-đun, cho phép dễ dàng thay thế các bộ phận bị hư hỏng và có thể tìm kiếm bộ phận thay thế tại các hệ thống tương tự. Một trong những biện pháp khác là tận dụng những vũ khí đang có nhưng khả năng chiến đấu kém (do hạn chế về tính cơ động, khả năng thông tin, tấn công chính xác hay bảo vệ kém...) để tiến hành hoán cải, tự hành hóa. Như vậy, với một khoản chi phí rất thấp, chỉ khoảng vài chục nghìn USD cho một hệ thống, những phương tiện trên có thể được biến đổi để trở thành một robot tự hành. Thực tế cho thấy, các gói kỹ thuật này đã được nhiều nước sử dụng để cải hoán các phương tiện thành những chiếc xe gỡ mìn điều khiển từ xa và xe ủi có khả năng khắc phục các loại thiết bị nổ tự tạo. VŨ KHÍ TỰ HÀNH CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA Mỹ Vũ khí tự hành tiêu biểu của Mỹ là pháo tự hành M109A6 Paladin, được trang bị hệ thống định vị kỹ thuật số, hệ thống điều khiển hỏa lực; đồng thời được cải tiến rõ rệt về lớp giáp, động cơ, hệ thống khung gầm và số lượng đạn bắn ra so với phiên bản gốc là M109 Paladin. Ngoài ra, còn có pháo tự hành tầm xa XM1299 cỡ nòng 155mm; sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực điện tử và cân bằng bệ pháo tự động giúp tăng khả năng nhận thức tình huống và kết nối, chia sẻ thông tin với các đơn vị đồng minh. Mỹ đang phát triển pháo tự hành đơn giản hóa gắn trên xe tải, được điều khiển bởi hệ thống hỏa lực tiên tiến; tích hợp máy bay phản lực chiến đấu với phiên bản tự hành; máy bay tự động tiếp liệu trên không… Không quân Mỹ hợp tác với Tập đoàn Lockheed Martin xây dựng các phi đội máy bay trực thăng tự hành thực hiện một loạt nhiệm vụ quan trọng. Trong khi đó, lực lượng Hải quân đã cộng tác với Tập đoàn Boeing và Công ty đóng tàu Huntington Ingalls Industries chế tạo tàu tự hành Orca để chở hàng, thu thập thông tin tình báo và dò thủy lôi… Nga Quân đội Nga hiện sử dụng 2 tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành gồm Khrizatema-S và Shturm-SM, có khả năng phát hiện và tiêu diệt hầu như mọi loại xe tăng-thiết giáp, thậm chí cả trực thăng chiến đấu. Lục quân Nga còn có pháo tự hành 2S43 Malva, được chế tạo trên khung gầm bánh lốp và trang bị hệ thống vũ khí kiểu mở; sử dụng radar cùng hệ thống điều hướng bằng laser, cho phép hoạt động liên tục trong mọi điều kiện thời tiết. Pháo tự hành 2S7M Malka có thể sử dụng đạn hóa học và đạn hạt nhân; có khả năng bắn đạn xuyên bê tông, phá hủy cả một tòa nhà, boongke. Nga còn sở hữu súng cối tự hành 2S4 Tyulpan (Tulip) được đánh giá là mạnh nhất thế giới hiện nay; cỡ nòng 240mm có khả năng bắn đạn nổ thông thường trọng lượng từ 130-230kg; dẫn đường bằng laser, đạn xuyên giáp và đạn chùm, thậm chí mang theo cả vũ khí hạt nhân chiến thuật. ![]() Xe chiến đấu tự hành (UGV) của Đức. Ảnh: Internet Đức Quân đội Đức sở hữu pháo phòng không tự hành Gepard, với 2 khẩu pháo 35 ly, có khả năng tiêu diệt máy bay và trực thăng ở độ cao lên tới 3.500m, chống lại xe bộ binh và xe vận tải bọc thép; tầm hoạt động 550km. Trong biên chế Lục quân Đức còn có lựu pháo tự hành PzH 2000 cỡ nòng 155mm. Được mệnh danh là “vua pháo binh” của Đức, PzH 2000 có thể bắn 3 phát/10 giây; tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách từ 30-56km. Công ty Rheinmetall (Đức) vừa giới thiệu mẫu xe robot chiến đấu tự hành Autonomous Combat Warrior (ACW), được trang bị bộ công nghệ cao tự chủ với hệ thống các thiết bị điều khiển tiên tiến; có thể tự vượt chướng ngại vật, cung cấp đạn dược, tiến hành trinh sát và khai hỏa. Ngoài ra, hãng tiếp tục phát triển mẫu xe chiến đấu tự hành (UGV), được thiết kế theo dạng mô-đun, tích hợp nhiều trang-thiết bị hiện đại, hoạt động đa nhiệm… Có thể thấy, vũ khí tự hành ra đời với khả năng thay thế người lính, trực tiếp thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường, đã mở ra cuộc cách mạng mới trong quân sự nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng. Dưới tác động của cuộc Cách mạng 4.0, các thế hệ vũ khí tự hành sẽ xuất hiện nhiều hơn, nhanh hơn, rẻ hơn và hiệu suất chiến đấu cao hơn; góp phần thay đổi phương thức tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Đại tá ĐOÀN MẠNH HÙNG |