CNQP&KT - Mặc dù cuộc suy thoái kinh tế thế giới đang gây khó khăn cho nhiều quốc gia, song các cường quốc quân sự vẫn ráo riết lao vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém hòng giành ưu thế quân sự.

NHỮNG NGHỊCH LÝ

Mới đây, tại các cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) tổ chức, các chuyên gia về kiểm soát vũ khí và một số chính trị gia hàng đầu thế giới, cho rằng: Lợi nhuận do ngành công nghiệp quân sự mang lại nhờ hoạt động nghiên cứu, phát triển các loại vũ khí, trang bị (VKTB) mới; hệ lụy của “cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ khởi xướng; việc tàng trữ VKTB của các nước xuất khẩu dầu mỏ và tham vọng của một số nước có nền kinh tế mới nổi… là những nguyên nhân chính gây ra cuộc chạy đua vũ trang hiện nay. Theo SIPRI, doanh số xuất khẩu VKTB của 100 tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới năm qua đạt hơn 410 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 60% so với năm 2002. Trong số đó, có 45 tập đoàn, công ty của Mỹ đạt doanh thu gần 247 tỷ USD, chiếm 61,5%; 33 công ty của 9 nước Tây Âu đạt 120 tỷ USD, chiếm 30%; số còn lại là từ châu Á và Trung Đông. Đây mới chỉ là con số của các thương vụ mua bán VKTB công khai, chưa kể số hợp đồng ngầm hàng chục tỷ USD liên quan tới các loại VKTB hiện đại mới.

Theo thống kê, các hợp đồng thương mại quân sự lớn chủ yếu từ các quốc gia có nền kinh tế phát triển và mới nổi, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi… và phần lớn các nước Ả-rập, châu Âu; đặc biệt là những nước xuất khẩu dầu mỏ đang chạy đua mua sắm VKTB, đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội. Điều đáng lo ngại hơn là những quốc gia này đã lợi dụng biến động của thị trường vũ khí thế giới, tranh thủ bán ra nhiều loại vũ khí thông thường với giá cạnh tranh cho những nước nghèo hơn hoặc các tổ chức, nhóm vũ trang chống đối tại một số nước đang phát triển và chịu nhiều biến động về kinh tế - xã hội. Tất cả các hoạt động đó càng làm cho cuộc chạy đua vũ trang phát triển sâu rộng, phức tạp và khó kiểm soát hơn.


Tiêm kích hiện đại KF-21 do Hàn Quốc nghiên cứu phát triển.   Ảnh: Internet

Thời gian gần đây, do khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, một số nước buộc phải cắt giảm ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, nhìn chung, các nước Nam Mỹ và châu Phi, đặc biệt là các nước Ả-rập và nhóm các nước mới nổi - BRICS (gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Brazil) vẫn tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Trong khi đó, năm 2023, mặc dù là con nợ lớn nhất thế giới, ngân sách quốc phòng Mỹ vẫn lên tới 858 tỷ USD. Nếu tính từ năm 2001, khoản ngân sách này đã tăng trên 80%, chiếm 43% ngân sách quân sự toàn thế giới và gấp 6 lần ngân sách quân sự của nước đứng thứ 2 là Trung Quốc. Theo SIPRI, năm 2023, các tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ bán ra số lượng lớn VKTB, tăng 49% so với năm 2022. Trong đó, Ukraine là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới, sau Qatar và Ấn Độ. Các chuyên gia lo ngại rằng, một phần trong số đó sẽ lọt vào tay lực lượng khủng bố, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia... Tuy nhiên đến nay, Lầu Năm Góc vẫn tuyên bố rằng các quy chế về kiểm soát vũ khí hiện rất chặt chẽ, nên an ninh quốc gia Mỹ chưa hề bị đe dọa.

Thực tế thời gian qua, do nhu cầu của thị trường vũ khí thế giới tăng nhanh, đồng thời phải cạnh tranh với các cường quốc khác, các tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ sử dụng nhiều biện pháp để cạnh tranh xuất khẩu vũ khí, giúp Mỹ vừa duy trì được các dây chuyền sản xuất VKTB trong nước, vừa thu được khoản lợi nhuận khổng lồ để đầu tư cho nghiên cứu, phát triển nhằm duy trì vị thế số một toàn cầu. Điều đó cũng tạo ra nghịch lý “ngân sách quốc phòng giảm, chi tiêu quốc phòng tăng” trên thực tế.

Doanh số xuất khẩu vũ khí, trang bị của 100 tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới năm 2022 đạt hơn 410 tỷ USD, tăng trưởng 60% so với năm 2002. Trong đó, có 45 tập đoàn, công ty của Mỹ đạt doanh thu gần 247 tỷ USD, chiếm 61,5%.

(Nguồn: Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm)

 SÔI ĐỘNG THỊ TRƯỜNG VŨ KHÍ TOÀN CẦU

Tổ chức nghiên cứu về vấn đề vũ khí Frost & Sullivan cho biết, gần đây, các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) là Ả-rập Xê-út, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Ô-man, Ba-ranh, Cô-oét cùng Gioóc-đa-ni đã chi tới 68 tỷ USD để mua sắm các loại VKTB (chưa kể các hợp đồng vũ khí đang tiến hành chuyển giao, thương thảo dự báo có thể lên tới 80 tỷ USD vào năm nay). Còn Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) thừa nhận, từ năm 2013 đến nay, Ả-rập Xê-út là khách hàng đứng đầu danh sách nhập khẩu VKTB quân sự từ Mỹ, với giá trị lên tới 29 tỷ USD; cùng bản hợp đồng trị giá hơn 60 tỷ USD sẽ được chuyển giao trong thập kỷ tới. CRS còn dự báo, với thị trường sôi động như hiện nay, các tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ, như: Lockheed Martin, Boeing, Sikorsky Aircraft Corp, Raytheon… sẽ thu về những khoản lợi nhuận kỷ lục trong thời gian tới, khi nhu cầu VKTB ngày càng tăng, nhất là các loại máy bay, tàu chiến, hệ thống tên lửa, trang-thiết bị quân sự và các dịch vụ bảo đảm.


Hệ thống tên lửa Brahmos do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất, trong một cuộc duyệt binh.   Ảnh: Internet

Với việc Quân đội Mỹ rút khỏi I-rắc, Áp-ga-ni-xtan và vấn đề hạt nhân của I-ran chưa được giải quyết, khiến nhiều nước trong khu vực thêm lo ngại và tạo cớ cho nhu cầu mua sắm VKTB tăng lên. Các chuyên gia quân sự Mỹ ước tính nhu cầu VKTB của các nước khu vực này trong thập kỷ tới có thể lên tới 123 tỷ USD. Nếu ngân sách quốc phòng Mỹ buộc phải cắt giảm, đây sẽ là nguồn giúp các tổ hợp quân sự Mỹ tiếp tục hoạt động. Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp quân sự Mỹ hiện phụ thuộc rất nhiều vào thị trường vũ khí Trung Đông. Các đơn đặt hàng quân sự thời gian qua không những giúp các tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ và phương Tây gặt hái được khoản lợi nhuận khổng lồ mà còn giúp họ duy trì và phát triển các dây chuyền sản xuất VKTB; đồng thời có vốn để phát triển các loại VKTB mới, hiện đại với các khoản lợi nhuận lớn hơn.

Xu thế này không chỉ diễn ra với các tập đoàn công nghiệp quân sự ở Mỹ và phương Tây mà cả Trung Quốc, Nga, I-xra-en và một số nước khác. Đức và Nhật Bản là hai quốc gia bị ràng buộc bởi hiến pháp, cũng đẩy mạnh phát triển công nghiệp quân sự và mở rộng xuất khẩu vũ khí, bất chấp phản ứng của dư luận trong nước và quốc tế. Thực tế, Đức hiện là nước cung cấp vũ khí chủ chốt cho I-xra-en và một số nước khu vực Trung Đông. Gần đây nhất, Đức đã nhận đơn đặt hàng của I-xra-en mua 3 tàu ngầm lớp Dolphin. Tạp chí Der Spiegel của Đức tiết lộ, An-giê-ri vừa ký hợp đồng mua tàu khu trục, xe bọc thép và các hệ thống đảm bảo an ninh biên giới của Đức trị giá 14 tỷ USD. Theo SIPRI, khoảng 70% sản phẩm của các tổ hợp công nghiệp quân sự Đức được bán ra thị trường nước ngoài và Đức đã trở thành quốc gia xuất khẩu VKTB lớn thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc.


Tổ hợp pháo tự hành tối tân M109 A5 + BR của Brazil do Mỹ cung cấp.   Ảnh: Internet

Một xu thế mới cũng đang làm cho các cuộc chạy đua vũ trang tranh giành thị phần xuất khẩu vũ khí ngày càng mạnh là việc những nước nhập khẩu cũng tìm cách bán VKTB cho nước khác để vừa thu lợi nhuận vừa phát triển vũ khí và gia tăng ảnh hưởng, đặc biệt là những nước giàu và BRICS, các nước có nền công nghiệp quân sự phát triển như I-ran, Hàn Quốc và thậm chí cả Triều Tiên. Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt đó, các quốc gia với những tập đoàn công nghiệp quân sự lớn sử dụng nhiều biện pháp linh hoạt nhằm chiếm lĩnh thị phần vũ khí, như: dùng tài trợ; cho vay để mua vũ khí kèm theo các thỏa thuận hợp tác, đầu tư liên doanh với các tập đoàn và công ty nước sở tại; lập cơ sở sản xuất phụ tùng thay thế, lắp ráp để chuyển giao công  nghệ... Về xu hướng này, các chuyên gia vũ khí của SIPRI cho biết, Ấn Độ vừa công bố báo cáo ngân sách năm 2023, trong đó ngân sách quốc phòng của nước này sẽ tăng thêm 13%, lên khoảng 90 tỷ USD và nhập khẩu tới 80% VKTB từ Nga. Ấn Độ cũng yêu cầu Nga hợp tác và chuyển giao công nghệ để giúp nước này phát triển ngành công nghiệp quân sự của mình. Nhờ thế, Ấn Độ cũng trở thành một trong những nước xuất khẩu VKTB tiềm năng.

Cũng là quốc gia nhập khẩu VKTB lớn nhất từ Nga, Trung Quốc lợi dụng tối đa các quan hệ “hữu nghị” và “đối tác chiến lược” để tranh thủ sự giúp đỡ của Nga, thông qua đó yêu cầu Nga chuyển giao công nghệ quân sự. Kết hợp với khả năng bắt chước, sao chép và thu thập công nghệ hiện đại, đến nay, Trung Quốc không những trở thành cường quốc quân sự ít phụ thuộc Nga hơn mà còn từng bước trở thành đối thủ đáng gờm của Nga trên thị trường vũ khí thế giới. Xu hướng này đang phát triển sang khu vực Trung Đông. Thời gian qua, Mỹ đã chuyển giao nhiều kỹ thuật, công nghệ quân sự cho I-xra-en, Ai Cập và đến nay, các nước Ả-rập khác cũng lợi dụng hình thức mua - bán này để phát triển ngành công nghiệp quân sự của mình. Theo SIPRI, xu hướng này đã được thực hiện rất thành công tại UAE, quốc gia nhỏ bé nhưng đã trở thành cường quốc quân sự khu vực. Ngoài ra, một số quốc gia Ả-rập còn hợp tác thành lập Quỹ Phát triển các hệ thống vũ khí để theo đuổi các mục tiêu riêng. 

Có thể thấy, thương mại quân sự đang ngày càng phát triển gắn với kinh tế nhiều hơn là gắn với quan điểm, tư tưởng như trước đây. SIPRI cho rằng, động cơ chính của các tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác là dựa trên lợi ích kinh tế hơn là dựa trên cơ sở chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Vì thế, giới nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới cho rằng, đây là điều đáng lo ngại đối với một thế giới còn nhiều khó khăn về kinh tế và bất ổn về chính trị - xã hội.

Đại tá LÊ VĂN THÀNH

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: