CNQP&KT - Sáng 5/9, tại Hà Nội, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng long trọng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 110 năm Ngày sinh và tổng kết Cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 - 13/9/2023). Đến dự có Thượng tướng Trương Quang Khánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP); Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP dự và chủ trì buổi lễ. Cùng dự có Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục; các đồng chí Thủ trưởng, nguyên Thủ trưởng Tổng cục; cán bộ cấp tướng thuộc Tổng cục qua các thời kỳ; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Tổng cục; đại biểu Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), Trung ương Hội Điện ảnh Việt Nam; đại diện thân nhân đồng chí Trần Đại Nghĩa; đại diện các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải trong Cuộc thi tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Trung tướng Hồ Quang Tuấn đọc Diễn văn kỷ niệm. Đọc Diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, nêu rõ: Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa - tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chính Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Ngay từ khi còn là một cậu học trò, chứng kiến cảnh đồng bào bị thực dân Pháp đàn áp dã man, lòng yêu nước, chí căm thù giặc Pháp đã nhen nhóm và được nuôi dưỡng trong người thanh niên hiếu học Phạm Quang Lễ. Đây chính là động lực thôi thúc ông ra sức học tập, nghiên cứu, tìm cách chế tạo vũ khí phục vụ cho cuộc chiến đấu chống xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Năm 1933, Phạm Quang Lễ đỗ đầu cả hai kỳ thi tú tài (tú tài Tây và bản xứ). Tháng 9/1935, được sự giúp đỡ của nhà báo Vương Quang Ngươu, ông có được học bổng du học tại Pháp. Mặc dù Chính phủ Pháp nghiêm cấm người dân thuộc địa học tại các trường dạy nghề vũ khí, nhưng ông vẫn quyết tâm theo học, tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân và có chứng chỉ tại 6 trường đại học, học viện và làm việc tại các nhà máy điện khí, sản xuất máy bay, viện nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không của Pháp, Đức; đồng thời là hội viên của Hội Việt Nam ái hữu tại Pháp. Trong suốt quá trình này, ông đã bí mật nghiên cứu, tích lũy kiến thức về chế tạo vũ khí để trở về phục vụ đất nước. Tháng 9-1946, ông đã từ bỏ cuộc sống sung túc, đầy đủ để theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, chấp nhận mọi vất vả, khó khăn, hy sinh, gian khổ để hòa mình vào cuộc kháng chiến của dân tộc, với tâm nguyện suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ngày 5/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phạm Quang Lễ làm Cục trưởng Cục Quân giới và đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa. Ông cùng các cộng sự đã tổ chức xây dựng hàng trăm công binh xưởng trên khắp cả nước; thực hiện cuộc tổng di chuyển hàng chục vạn tấn máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu lên chiến khu Việt Bắc; từng bước hoàn thiện về tổ chức, lực lượng, huấn luyện đào tạo, phát triển đội ngũ; nghiên cứu, chế tạo, cải hoán thành công nhiều loại vũ khí, trang bị phù hợp với chiến trường Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thắng lợi của Quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tên tuổi, dấu ấn tổ chức, chỉ đạo của ông đã gắn liền với sự ra đời của những loại vũ khí làm xoay chuyển cục diện chiến trường, như: súng và đạn Bazoka, SKZ, súng cối, súng phóng bom, mìn lõm cỡ lớn, đạn bay, đạn chống tăng AT, đạn súng cối 40mm, dàn hỏa tiễn Ca-chiu-sa, cải tiến ra đa đánh B.52; các thiết bị chống thủy lôi, bom từ trường, bom bi, bom lade, lựu đạn vi điện tử, “cây nhiệt đới”, cùng nhiều loại vũ khí, khí tài đặc biệt khác... Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. Ngưỡng mộ tài năng, đức độ của một nhà khoa học quân sự tài ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi Giáo sư Trần Đại Nghĩa là “Ông Phật làm súng”. Giới khoa học quân sự, nhân dân Việt Nam và bạn bè đã mệnh danh Giáo sư là “Ông Vua vũ khí”. Những thành tích xuất sắc về khoa học quân sự cùng với tên tuổi của ông đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam và nhận được sự cảm phục, kính trọng của bạn bè quốc tế. Với 84 tuổi đời, gần 40 năm hoạt động cách mạng, ông không chỉ góp phần đặt nền móng cho sự phát triển lớn mạnh của ngành Quân giới và Quân đội nhân dân Việt Nam; mà còn đóng góp quan trọng vào nền khoa học, kỹ thuật, công nghệ nước nhà trên các cương vị: Thứ trưởng Bộ Công thương; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa; Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước; Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam; Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô; Đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III... Ông được phong quân hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên năm 1948; được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động (tại đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên năm 1952); cùng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, SKZ, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954… Quang cảnh Lễ kỷ niệm. Trung tướng Hồ Quang Tuấn nêu rõ: Tự hào nối tiếp, kế tục nhiệm vụ xây dựng và phát triển ngành Quân giới, nay là Công nghiệp quốc phòng Việt Nam; trước yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và toàn thể cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, người lao động trong Tổng cục CNQP đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị và chương trình, kế hoạch, đề án của Chính phủ về xây dựng và phát triển CNQP; chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả, hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Đến nay, ngành CNQP đã cơ bản làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo, sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược trang bị cho sư đoàn bộ binh đủ quân, trong đó nhiều sản phẩm có các tính năng hiện đại; các loại đạn pháo phản lực, chiến dịch, phòng không; các loại khí tài quan sát, ngắm bắn (ban ngày và ban đêm); đóng mới, sửa chữa tàu chiến, tàu bổ trợ, tàu chuyên dụng. Bước đầu nghiên cứu, chế tạo thành công một số vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao; sản xuất được nhiều chủng loại vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất quốc phòng. Cùng với đó, các doanh nghiệp CNQP đã phát huy khả năng lưỡng dụng của dây chuyền thiết bị, nghiên cứu, sản xuất được nhiều sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và xuất khẩu... Học tập tấm gương của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa; phát huy truyền thống của ngành Quân giới, Đảng bộ và cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức quốc phòng, chiến sĩ, người lao động toàn Tổng cục nguyện chung sức đồng lòng, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm xây dựng Tổng cục CNQP ngày càng lớn mạnh, luôn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền CNQP Việt Nam chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Đại diện gia đình Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa trao một số ấn phẩm tặng thư viện Tổng cục CNQP. Đại diện thế hệ trẻ Tổng cục CNQP, Trung tá Phạm Văn Hạnh, nghiên cứu viên Viện Vũ khí, đã phát biểu thể hiện quyết tâm học tập tấm gương của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa; tiếp bước truyền thống cha anh, xây dựng Tổng cục ngày càng phát triển. Cũng tại Lễ mít tinh, đại diện gia đình Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã tặng thư viện Tổng cục CNQP một số ấn phẩm của các nhà báo, nhà nghiên cứu viết về “người Anh hùng Quân giới” Trần Đại Nghĩa. Thủ trưởng Tổng cục CNQP trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Cuộc thi. Trong khuôn khổ chương trình Lễ mít tinh, Tổng cục CNQP đã tổ chức trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải trong Cuộc thi tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Cụ thể, Thủ trưởng Tổng cục đã trao giải Đặc biệt tặng Trung tá QNCN Đặng Thị Hằng (Cục Hậu cần); giải Nhất tặng tác giả Hoàng Ngọc Trâm (Nhà máy Z127); trao 5 giải Nhì tặng các tác giả thuộc Viện thiết kế tàu quân sự, Nhà máy Z113, Nhà máy Z131; 10 giải Ba, 15 giải Khuyến khích; tặng Bằng khen cho 5 tập thể là Nhà máy Z127, Nhà máy Z131, Nhà máy Z175, Nhà máy Z113 và Đoàn cơ sở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) là những đơn vị có nhiều tác phẩm đoạt giải và có nhiều người tham gia cuộc thi. Các đại biểu xem khu trưng bày các tác phẩm đạt giải cao trong Cuộc thi tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Tin, ảnh: PHƯƠNG ANH - NAM ANH |