CNQP&KT - Sáng 13/9, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa (13/9/1913-13/9/2023).

Tham dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố. Tham dự lễ kỷ niệm còn có Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; thân nhân gia đình Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa...

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nêu rõ: Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại làng Chính Hiệp, quận Tam Bình (nay là xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) trong một gia đình nhà giáo giàu tinh thần yêu nước, lòng nhân ái. Năm 1933, học xong bậc trung học, ông thi đỗ đầu hai kỳ thi là tú tài bản xứ và tú tài Tây - thành tích đặc biệt xuất sắc mà ít người có thể đạt được. Năm 1935, được sự giúp đỡ của ông Vương Quang Ngươu - một nhà báo yêu nước, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học. Ngoài chương trình học tập trên lớp, người thanh niên yêu nước còn nỗ lực nghiên cứu, học thêm về chế tạo vũ khí và hàng không quân sự. Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp, Phạm Quang Lễ đã được giữ lại làm việc tại Pháp và Đức.


Tiết mục văn nghệ chào mừng.

Năm 1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ và một số nhà trí thức yêu nước được gặp Bác Hồ tại Pháp và cùng Bác về nước tham gia kháng chiến. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, Phạm Quang Lễ đã từ bỏ con đường công danh, phú quý đang rộng mở để trở về gắn bó với cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc. Trân trọng tấm lòng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn và đặt tên mới cho Phạm Quang Lễ là Trần Đại Nghĩa và giao nhiệm vụ làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Quân giới. Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa lên Chiến khu Việt Bắc trực tiếp chỉ đạo sản xuất các loại vũ khí như: Lựu đạn, súng phóng lựu đạn, cối 80,8mm, Bazooka, SKZ… Năm 1948, kỹ sư Trần Đại Nghĩa trở thành một trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và là Thiếu tướng đầu tiên của ngành Quân giới. Năm 1952, tại Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ nhất, đồng chí Trần Đại Nghĩa được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đồng chí Trần Đại Nghĩa được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Đồng chí được phân công đảm nhiệm các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Chuyên nghiệp Bách khoa, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng; Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Đến năm 1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam... 


Các đại biểu dâng hương tại Khu lưu niệm Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. 

Lễ kỷ niệm là dịp bày tỏ lòng tri ân của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Vĩnh Long đối với công lao to lớn của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; là dịp để tôn vinh nhà khoa học tài năng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một đại trí thức trọn đời vì dân, vì nước, người con ưu tú của tỉnh Vĩnh Long. 

Đây còn là cơ hội để các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc hơn cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước; lan tỏa trong thế hệ trẻ hôm nay tinh thần, ý chí nỗ lực vượt mọi khó khăn để học tập, rèn luyện, khơi dậy khát vọng, hoài bão tuổi trẻ, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.  


Các đại biểu tham quan Khu lưu niệm. 

Được biết, những ngày qua, tỉnh Vĩnh Long cũng đã tổ chức nhiều sự kiện như: Hội thảo khoa học “Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa: Nhà khoa học quân sự tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; trao học bổng tặng học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc; tổng kết cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của iáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; chương trình nghệ thuật đặc biệt… 

Tin, ảnh: QUANG ĐỨC (Báo QĐND Online)

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: