CNQP&KT - Trung úy Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Cảnh Nam, Nhà máy Z189, thuộc tốp thợ giỏi - đạt danh hiệu "bàn tay vàng" của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Hơn 12 năm làm việc tại Nhà máy, anh đã góp sức thi công nhiều con tàu chất lượng mang "thương hiệu Z189".

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên gặp Trung úy QNCN Nguyễn Cảnh Nam, Tổ trưởng Tổ hàn ống, Phân xưởng Gia công cơ khí, Nhà máy Z189, là tại Đại hội đại biểu Công đoàn Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) lần thứ IX, giai đoạn 2023-2028. Anh cũng là một trong 42 đoàn viên công đoàn ưu tú của Tổng cục được vinh danh tại lễ tuyên dương cán bộ, đoàn viên tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2018-2023. Thật ra, trước khi gặp Nam, tôi đã nghe phong thanh về "báo cáo thành tích" của anh. Đến lúc trực tiếp gặp Nguyễn Cảnh Nam, tôi thêm phần nể phục khi từ khối óc, đôi tay của người lính thợ rắn rỏi này đã góp phần thi công nhiều sản phẩm quốc phòng và kinh tế quan trọng của Z189. Tiêu biểu như các gam tàu dân quân tự vệ, tàu cứu hộ tàu ngầm cho Quân chủng Hải quân, tàu ST-294A cho Quân khu 3; các dự án đóng tàu xuất khẩu triệu đô, các loại xà lan hiện đại...


Trung úy QNCN Nguyễn Cảnh Nam, Tổ trưởng Tổ hàn ống, Phân xưởng Gia công cơ khí (Nhà máy Z189) gia công chi tiết đường ống phục vụ đóng tàu.  Ảnh: CTV

Ít ai biết, để có được những kết quả đó, Cảnh Nam đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách, thậm chí nhận "trái đắng" khi "trượt vỏ chuối" trong lần đầu tuyển dụng vào Z189, dù hành trang là tấm bằng loại giỏi chuyên ngành cơ khí của Trường Cao đẳng Công nghiệp quốc phòng (CNQP). Tuy vậy, Cảnh Nam không nản chí, anh quyết tâm xin vào Nhà máy thử việc không lương. Sau thời gian nỗ lực học hỏi, rèn luyện, anh chính thức trở thành công nhân Phân xưởng Gia công cơ khí. Đóng quân trên địa bàn khu công nghiệp Đình Vũ (quận Hải An, thành phố Hải Phòng), Z189 là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh hết sức đặc thù, người lao động thường xuyên làm việc trong môi trường vất vả, độc hại; song, Cảnh Nam không ngại khó, sợ khổ. Những ngày đầu, thấy mối hàn của mình chưa đẹp, Nam dành nhiều thời gian tỉ mỉ thao tác từng chi tiết sản phẩm. Anh cũng tích cực tìm kiếm, đọc thêm tài liệu liên quan đến ngành hàn; học hỏi kinh nghiệm từ những người thợ lâu năm… Qua thời gian, nhờ chăm chỉ, chịu khó, chẳng nề hà "khâu căng, việc khó", Cảnh Nam đã tạo được những mối hàn đẹp đẽ, sắc nét, với kỹ thuật ngày càng cao. Đến nay, anh có thể thực hiện được nhiều kỹ thuật khó trong ngành hàn; được các tổ chức đăng kiểm uy tín thế giới, như: Loyd’s, BV, DNV, VR... công nhận và cấp chứng chỉ nghề hàn.

Hiện, Trung úy QNCN Nguyễn Cảnh Nam trở thành người "thợ cả" có tay nghề cao hàng đầu Nhà máy Z189, đồng thời là "cây sáng kiến" của đơn vị. Anh đóng góp hơn 20 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, nổi bật là: "Kìm hàn điện 500 Ampe", "Giá tăng chỉnh và chống biến dạng cho hàn bánh lái tàu thủy", "Hệ con lăn xoay để hàn ống bao trục chân vịt", "Thiết bị phục vụ hàn, cắt hơi ống lồng sang phanh ống bằng đèn hơi"… Được biết, các sáng kiến này đều xuất phát từ những bất cập trong quá trình sản xuất. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, anh và đồng nghiệp đã tháo gỡ nhiều vướng mắc về kỹ thuật, chế tạo được các thiết bị phù hợp, hiệu quả, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn, tiết kiệm nhân công, chi phí và tạo giá trị làm lợi cao cho Nhà máy.

Nguyễn Cảnh Nam tâm sự rằng, bản thân anh có rất nhiều dấu mốc đáng nhớ trong suốt quá trình làm việc, song, Hội thi thợ giỏi cấp Tổng cục CNQP năm 2021 để lại cho anh nhiều kỷ niệm đẹp và những bài học quý. Từng giành quán quân tại Hội thi thợ giỏi năm 2015, thế nên áp lực lớn nhất với anh tại lần thi này là phải chiến thắng… chính bản thân mình! Trong đó, phần thi lý thuyết với lượng kiến thức lớn, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, khiến anh tốn khá nhiều công sức, thậm chí mất ngủ mấy đêm để "dùi mài kinh sử". Nhờ ý chí "vượt qua chính mình", cùng kinh nghiệm, kỹ năng được tích lũy, trau dồi hằng ngày, lính thợ Nguyễn Cảnh Nam đã xuất sắc giành giải Nhất nghề hàn và được trao chứng nhận "bàn tay vàng" tại hội thi. Sau đó, anh tiếp tục giành giải Nhất Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí toàn quân lần thứ V, giai đoạn 2016-2021. Đến đầu năm 2022, Nguyễn Cảnh Nam trở thành Tổ trưởng Tổ hàn ống, Phân xưởng Gia công cơ khí; tháng 1/2023, anh được chuyển Trung úy quân nhân chuyên nghiệp. "Đã từng "thất bại", nên tôi luôn quý trọng những gì đạt được hôm nay! Vì thế, dù mảnh đất Hải Phòng phồn hoa mang lại cho tôi không ít cơ hội làm việc với nhiều chế độ đãi ngộ rất tốt, nhưng tôi không "đứng núi này, trông núi nọ" mà luôn yên tâm công tác, cống hiến cho Nhà máy" - Nguyễn Cảnh Nam trải lòng.

Theo Thượng tá Nguyễn Đình Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Nhà máy Z189, Trung úy QNCN Nguyễn Cảnh Nam là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" của Z189; nhiều năm liền được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP tặng Bằng khen... Trong bối cảnh Nhà máy chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường và đối mặt với khó khăn chung của ngành đóng tàu, việc chú trọng bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động chính là một trong những chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng ủy Nhà máy. Do đó, những người thợ tay nghề cao như Cảnh Nam luôn được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tốt thế mạnh của mình. "Trên cương vị nào, Trung úy QNCN Nguyễn Cảnh Nam cũng phát huy tinh thần trách nhiệm, cầu tiến, ham học hỏi, góp phần giúp Phân xưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm" - Thượng tá Nguyễn Đình Tuấn khẳng định với chúng tôi.

Ở tuổi 38, có trong tay bảng thành tích đáng nể nhưng Trung úy QNCN Nguyễn Cảnh Nam vẫn khiêm tốn tự nhận mình là "thợ trẻ" và không ngừng nỗ lực hoàn thiện kỹ năng, tay nghề của mình. Với lòng nhiệt huyết, đam mê, sự cần cù, khéo léo, Nguyễn Cảnh Nam đã và đang dốc sức tham gia thi công đóng mới những con tàu chất lượng, đẹp mắt; góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

YÊN MINH

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: