CNQP&KT - Đó là nội dung tọa đàm thực trạng hoạt động động viên công nghiệp và việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về động viên công nghiệp được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức sáng ngày 25/1 tại thành phố Đà Nẵng. Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, chủ trì tọa đàm. Cùng dự tọa đàm có các đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP); đồng chí Phan Quốc Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và đại diện lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan Bộ Quốc phòng và Tổng cục CNQP... Báo cáo đề dẫn tại tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nêu rõ: Động viên công nghiệp (ĐVCN) là một nội dung quan trọng trong dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN), được đại biểu Quốc hội quan tâm và chỉ ra những bất cập, hạn chế như: ĐVCN chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; việc khảo sát, lựa chọn, quản lý cơ sở ĐVCN chưa hiệu quả; đối tượng tham gia ĐVCN chỉ giới hạn đối với doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cơ khí, luyện kim, hóa chất và điện tử, làm hạn chế khả năng huy động năng lực, tiềm lực công nghiệp quốc gia tham gia ĐVCN; việc huy động các doanh nghiệp công nghiệp để ĐVCN chỉ được tiến hành nhỏ lẻ, riêng rẽ; chưa có quy hoạch tổng thể, kế hoạch thống nhất của Nhà nước; các dây chuyền ĐVCN được đầu tư chưa có khả năng sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị hiện đại, công nghệ cao; sự kết hợp giữa CNQP với công nghiệp dân sinh trong ĐVCN còn thiếu chặt chẽ và chưa toàn diện… ![]() Đồng chí Phan Quốc Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, phát biểu tại tọa đàm. Trung tướng Nguyễn Hải Hưng cho biết, để chuyển hóa ĐVCN thành tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, cần có giải pháp mới để ĐVCN, thông qua ý kiến đóng góp của các đại biểu để Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban soạn thảo dự án Luật tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. ![]() Đại tá Hoàng Hải Đăng, Trưởng phòng Động viên, Cục Quân lực, Bộ Quốc phòng phát biểu tại tọa đàm. Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung phân tích, làm rõ về những nội dung quy định ĐVCN trong dự án Luật như: nội hàm khái niệm, vị trí, nhiệm vụ của ĐVCN; cần thiết phải mở rộng lĩnh vực, đối tượng ĐVCN đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; công tác chuẩn bị ĐVCN cho từng trạng thái; việc giao chỉ tiêu ĐVCN; đặt hàng, đấu thầu sản xuất sản phẩm ĐVCN; quản lý, duy trì năng lực dây chuyền ĐVCN, đáp ứng được yêu cầu khi có tình huống; vai trò của các cơ sở CNQP nòng cốt trong việc duy trì, hỗ trợ các cơ sở ĐVCN. Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động tham gia trực tiếp ĐVCN… ![]() Quang cảnh tọa đàm. Phát biểu kết luận tọa đàm, Thượng tướng Trần Quang Phương yêu cầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban soạn thảo Luật tiếp thu ý kiến của các đại biểu để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật. Quá trình nghiên cứu chỉnh lý phải phân định rõ được các nội dung, như: quy định sản phẩm sản xuất trên dây chuyền ĐVCN; nguyên tắc ĐVCN phải sát thực tiễn; xác định doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế thực hiện ĐVCN… đảm bảo chặt chẽ, khả thi và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Tin, ảnh: LÂM MINH |