Huyền tích Sông Gianh15/02/2024CNQP&KT - Nói đến Quảng Bình không thể không nhắc đến dòng Sông Gianh, biểu trưng địa lý của vùng đất này. Sông Gianh chứa đựng trong mình bao sự tích, chiến công và đã đi vào lịch sử dân tộc. Ngày nay, sông Gianh là một trong những lợi thế để tỉnh Quảng Bình khai thác, phát triển du lịch. Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Gianh trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sông Gianh có tên chữ là Linh Giang. Đây là sông lớn nhất trong 5 con sông của tỉnh Quảng Bình, chảy dọc theo sườn Nam dãy Hoành Sơn, địa giới tự nhiên của hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Bắt nguồn từ chân đỉnh Giăng Màn, cao trên 2.000m thuộc dãy Trường Sơn, sông Gianh chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Bố Trạch rồi đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Vượt qua những ghềnh thác ầm ào hiểm trở phía thượng nguồn, sông Gianh từ giữa huyện Tuyên Hóa quê tôi lững lờ trôi giữa đôi bờ phù sa trù mật, những làng xóm yên bình, cây trái sum suê... Tuổi thơ tôi có biết bao kỷ niệm về con sông quê, gắn liền với những năm tháng đội mũ rơm đi học dưới hào giao thông. Hồi đó, hễ có lũ về là bố tôi và các cô chú dân quân lại được lệnh đi "đẩy hàng" ngoài sông. Hàng là những thùng phuy các cỡ và những bao nilon màu xanh, to như cái thùng đựng thóc, trôi về cùng những khúc gỗ và củi rều. Nghe nói đó là hàng chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Quê tôi nghèo đói lắm, thiếu thốn trăm bề, nhưng không ai tơ hào vào hàng của chiến trường trôi ngoài sông. Nhỡ có thùng phuy, bao nilon bị vướng phải lùm cây hay mô đá, ai trông thấy cũng đều đẩy ra giữa dòng cho tiếp tục trôi xuôi. Ấy là chuyện ban ngày, còn ban đêm thì có các tiểu đội dân quân chèo thuyền đẩy hàng trên sông. Tất cả các làng hai bên bờ sông đều làm như thế. Bố tôi giải thích: Hàng hóa từ miền Bắc chở vô theo đường chiến lược, đến thượng nguồn sông Gianh thì thả cho tự trôi, về đến cảng Gianh được vớt lên, chở bằng ô tô hoặc tàu thủy đi tiếp… ![]() Một khúc sông Gianh. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, sông Gianh là dòng sông giới tuyến đau thương, gắn liền với cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh suốt hơn nửa thế kỷ XVII. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, sông Gianh gắn liền với biết bao chiến công hiển hách. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sông Gianh nổi tiếng với cảng Gianh và phà Gianh, với các trận địa phòng không của dân quân đặt trên những ngọn đồi và lèn đá soi bóng xuống lòng sông hiên ngang anh dũng chống trả máy bay địch để bảo đảm giao thông chi viện cho chiến trường… Những năm tháng ấy, quân và dân đôi bờ sông Gianh đã lập nên biết bao kỳ tích, góp phần làm nên những huyền thoại của quê hương "Quảng Bình 2 giỏi". Sông Gianh nổi tiếng là dòng sông của một vùng địa linh nhân kiệt, quê hương của nhiều anh hùng, danh tướng, danh sĩ... xưa và nay. Trong "Bát danh hương" (8 làng nổi tiếng) của Quảng Bình (Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim) thì có tới 4 làng nằm bên tả - hữu sông Gianh là: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương và Thổ Ngọa. Đặc biệt, cùng với truyền thống hiếu học và khoa bảng, làng Lệ Sơn còn đẹp như một bức tranh "sơn thủy hữu tình", với hậu cảnh là 99 ngọn núi đá vôi hùng vĩ của dãy Trường Sơn, tiền cảnh là dòng sông Gianh dạt dào sóng vỗ. Từ làng Lệ Sơn ngược dòng sông Gianh chừng dăm cây số là cả một vùng trên bến dưới thuyền tấp nập: bên bờ Bắc là xã Tiến Hóa, quê hương của Đề đốc Lê Trực, một lãnh binh của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX (khu mộ và đền thờ của ông tại quê nhà đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia); bên bờ Nam là hang Lệ Sơn, một kỳ quan nhân tạo trên tuyến đường sắt xuyên Việt, đồng thời là một hậu cứ của Bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. ![]() Đua thuyền ở bến chợ Gát. Tiếp tục ngược dòng sông Gianh chừng mươi cây số là Minh Cầm - một ngôi làng đẹp như tên gọi. Làng nằm giữa hai con sông phụ lưu của sông Gianh là Rào Trổ và Rào Nậy. Rào Trổ ở phía Bắc, bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn, nơi có Chiến khu Bu Lu Kịn của Liên khu 4 thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Xã Ngư Hóa nằm ở thượng nguồn Rào Trổ, nơi có suối nước nóng được các nhà khoa học đánh giá có hàm lượng vi khoáng rất tốt cho việc điều trị một số bệnh về xương khớp. Thế nên, gần đây đã có một vài đơn vị đến tìm hiểu, khảo sát, xây dựng đề án tiền khả thi về một khu du lịch sinh thái kết hợp chữa bệnh.
Từ làng Minh Cầm ngược dòng Rào Nậy là về An toàn khu của tỉnh Quảng Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp, còn được gọi là Chiến khu Tuyên Hóa. Vùng đất này còn lưu giữ nhiều dấu tích của lịch sử kháng chiến, như: hang Hung Bù ở xã Thạch Hóa là nơi thành lập Trường trung học kháng chiến Phan Bội Châu - trường trung học đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Nhiều học sinh của trường Phan Bội Châu sau này trở thành những tướng lĩnh và nhà khoa học danh tiếng, như: Trung tướng, GS, TS. Nguyễn Hoa Thịnh; Giáo sư, bác sĩ Trần Can; Nhà giáo Hoàng Hữu Xứng, học giả Hoàng Thiếu Sơn, v.v. Phía bên kia bờ Bắc sông Gianh, đối diện với hang Hung Bù là Xưởng Quân giới Trần Táo của Tỉnh đội Quảng Bình thời chống Pháp. Xưởng đặt trong hang đá ở xóm Niệt, hiện vẫn còn nhiều dấu tích. Phía trên xã Thạch Hóa là làng Còi (xã Đồng Hóa), nơi ra đời Chi đội vũ trang Lê Trực vào ngày 12/9/1945, là đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình, sau này phát triển thành Trung đoàn 18 Anh hùng của Sư đoàn 325 - Đại đoàn Bình Trị Thiên nổi tiếng. Hồi đó, doanh trại của Chi đội Lê Trực cũng là trụ sở của Tỉnh đội Quảng Bình. Tại đây, ngày 24/12/1947, Ban hành chính Tỉnh đội đã tổ chức một bữa cơm "tăng cường" làm tiệc cưới của Chính trị viên Đồng Sĩ Nguyên (sau này là Trung tướng, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn thời chống Mỹ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - nay là Chính phủ) với cô y tá Nguyễn Thị Ngọc Lan. ![]() Tượng đài Chiến thắng phà Gianh. Ở vùng Chiến khu Tuyên Hóa còn có 2 "di tích" văn hóa độc đáo. Đó là bài hát "Sơn nữ ca" đi cùng năm tháng đã được nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác ở làng Thuận Hoan, thuộc xã Thuận Hóa. Tiểu thuyết "Mùa hoa dẻ" được nhà văn Văn Linh hoàn thành ở chợ Gát thuộc xã Đức Hóa. Chiến khu Tuyên Hóa sau này tiếp tục là cảm hứng sáng tác của nhiều thế hệ văn nhân, trong đó có ca khúc "Đường về Đồng Lê" nhạc sĩ Trần Hoàn sáng tác năm 1980 và bộ tiểu thuyết 4 tập "Sông Gianh" của Văn Linh do NXB Thanh Niên ấn hành năm 1999. Sông Gianh thơ mộng, bi thương và hào hùng. Sông Gianh của những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang là một tuyến du lịch hấp dẫn đối với du khách gần xa, góp phần để Quảng Bình phát triển đa dạng các loại hình du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà… Bài và ảnh: BÙI MINH |