CNQP&KT - Ngày 27/3, tại nhà Quốc hội (Hà Nội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định. Dự hội nghị về phía Bộ Quốc phòng có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP; đại diện các ban, bộ, ngành liên quan. ![]() Lãnh đạo Quốc hội dự và chủ trì hội nghị. Phát biểu điều hành hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN) vô cùng quan trọng và cần thiết đối với việc phát triển CNQP, công nghiệp an ninh, đáp ứng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; do đó, mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thiện dự thảo Luật đạt chất lượng tốt nhất. ![]() Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự hội nghị. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp 102 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường, 1 ý kiến bằng văn bản về những vấn đề lớn, căn bản và nhiều điều khoản cụ thể của dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN. Tất cả các ý kiến đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa để có giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo; chỉ đạo các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức thêm nhiều hội thảo, khảo sát, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan tổ chức hữu quan để chỉnh lý dự thảo Luật. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các cơ quan hữu quan, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo đã làm việc qua nhiều vòng, nhiều lượt… để cho ý kiến kỹ lưỡng, bám sát các nhóm chính sách lớn, các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc chỉ đạo khi xây dựng dự án Luật. Trên cơ sở đó, trong phiên họp thường kỳ tháng 3/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, kết luận về việc tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án Luật; thống nhất chỉnh lý nhiều nội dung so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này. Đến nay, dự án Luật trình tại Hội nghị đã được chỉnh lý tương đối toàn diện. Cụ thể, dự thảo Luật có 7 chương, 84 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, đã bỏ 7 điều, bổ sung mới 18 điều, bổ sung Mục 7 vào Chương II về Tổ hợp CNQP, bố cục các mục mới về phát triển CNQP, AN lưỡng dụng; ngân sách bảo đảm và dự trữ vật tư cho ĐVCN; chế độ chính sách đối với hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ CNQP, AN. Đồng thời, nhiều nội dung đã được chỉnh lý, sắp xếp, bố cục lại các điều, mục trong các chương cho hợp lý, thống nhất. ![]() Các đại biểu dự hội nghị. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nhấn mạnh, dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN có chính sách đặc thù, vượt trội khác với quy định của luật hiện hành. Để giải quyết vấn đề này, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã đề xuất và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình để quy định tại điều khoản về áp dụng pháp luật. Đây là việc khó, khá phức tạp để khi ban hành bảo đảm được tính khả thi, không làm chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục xem xét cơ sở chính trị của dự thảo Luật; tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với các công ước, hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, rà soát nội dung dự án Luật đã bám sát các chính sách lớn đặt ra khi xây dựng luật; cho ý kiến đối với những vấn đề lớn và những vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau; rà soát những vấn đề liên quan đến áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp... ![]() Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, phát biểu tại hội nghị. Tại hội nghị các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến cụ thể vào các nội dung của dự thảo Luật, như: cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển CNQP, AN; quản lý hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh; quỹ hỗ trợ đầu tư; quỹ CNQP, AN; tổ hợp CNQP; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp… ![]() Quang cảnh hội nghị. Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu chỉnh lý cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại hội nghị để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới đây. Trong đó, cần lưu ý đến tính chất đặc thù của lĩnh vực quốc phòng, an ninh so với các lĩnh vực khác; mối quan hệ giữa Luật CNQP, AN và ĐVCN với các luật khác, như: Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, Luật Khoa học công nghệ nhằm đảm bảo tính khả thi và phát huy tối đa các nguồn lực cho phát triển CNQP, AN, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc... Tin, ảnh: PHƯƠNG ANH |