CNQP&KT - Từ bộ phim đình đám “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” công chiếu cách đây 6 năm, mọi người bắt đầu tìm đến Phú Yên để chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ được lấy làm bối cảnh phim.

Đó là “cú huých” để Phú Yên được biết đến nhiều hơn, còn sự thực mảnh đất này chứa đựng bao điều thú vị để khám phá từ lịch sử hơn 400 năm và nhiều tiềm năng chưa được đánh thức.

Địa giới tỉnh Phú Yên được đánh dấu từ phía Nam đèo Cù Mông, giáp tỉnh Bình Định và phía Bắc đèo Cả, giáp tỉnh Khánh Hòa. Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, đất Phú Yên cơ bản nằm giữa hai con đèo hùng vĩ của “khúc ruột” miền Trung.

 Với dải đồng bằng ven biển có nhiều con sông chảy qua, Phú Yên trở thành vựa lúa của Nam Trung Bộ. Địa phương này lại có thế mạnh về nông - lâm nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản nên chuyện “đứt bữa” ít khi xảy ra. Song, Phú Yên vẫn chưa phải là vùng đất “trù phú” như ước mong của tiền nhân khi tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chỉ đứng thứ 49/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước; thu nhập bình quân đầu người 1.753 USD/người/năm (xếp thứ 44 toàn quốc). Kinh tế Phú Yên vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp giá trị thấp, chưa có những dự án công nghiệp tầm cỡ để vươn lên. Hơn 70% diện tích Phú Yên là đồi núi, đất trồng trọt tương đối nhiều nhưng cây trồng chủ lực vẫn chỉ là mía, ngô, sắn, rau… Theo đề xuất của nhiều chuyên gia, nông nghiệp Phú Yên cần ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và phát triển những cây trồng mới giúp mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Vì thế, dược liệu và cây ăn quả đang là hướng đi mà Phú Yên kỳ vọng sẽ làm tăng giá trị nông nghiệp. Điều mà Phú Yên tự hào nhất vẫn là nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản. Đi qua thị xã Sông Cầu có thể thấy cơ man lồng bè nuôi tôm hùm xuất khẩu; nghề đánh bắt cá ngừ được ngư dân Phú Yên khai thác từ năm 1994 vẫn đang mang lại lợi nhuận cao. Khả năng phát triển của lĩnh vực này còn rất lớn nếu chính quyền địa phương tái cơ cấu, sắp xếp nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản một cách khoa học, bền vững, theo hướng công nghệ cao, tránh rủi ro dịch bệnh, được mùa mất giá.

 

 

Cảnh quan Bãi Xép.

Nhìn vào mảng công nghiệp, tình hình có khởi sắc nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn còn chậm. Một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh giữ mức tăng trưởng khá, như: sản xuất thuốc viên các loại, tinh bột sắn, phân bón... Một số nhà máy cũng vừa đi vào hoạt động tạo ra sản phẩm mới trong lĩnh vực chế biến dăm gỗ. Đáng chú ý, trong năm 2019, có 5 nhà máy điện mặt trời đi vào hoạt động, với tổng công suất thiết kế hơn 413 MWh. Công nghiệp của Phú Yên đã có thể khởi sắc, làm động lực cho phát triển nếu nhà máy lọc dầu Vũng Rô (huyện Đông Hòa) được hoàn thành. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, mục tiêu thu 100 triệu USD hằng năm cho ngân sách tỉnh vẫn còn dang dở khi các nhà đầu tư đã chấm dứt dự án. UBND tỉnh Phú Yên đang làm thủ tục để chọn thầu các nhà tư vấn quốc tế định hướng sử dụng quỹ đất đã thu hồi.

Điểm sáng của kinh tế Phú Yên thời gian qua là sự tăng tốc của lĩnh vực du lịch. Năm 2019, tổng số lượt khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 1,83 triệu lượt, trong đó khách nước ngoài khoảng 45.000 lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu ước đạt 1.940 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018. So với các tỉnh cùng khu vực như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Thuận, những con số trên vẫn còn rất khiêm tốn, nhưng đó là bước khởi sắc đáng ghi nhận. Tôi chợt nhớ năm 2011, khi tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tại thành phố Tuy Hòa, cả thành phố chỉ có một khách sạn 4 sao, nhưng ấn tượng về con người thân thiện, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, ẩm thực ngon, rẻ, ai nấy đều tin tưởng du lịch Phú Yên sẽ có ngày đi lên. Và đúng là chỉ vài năm sau, Phú Yên đã có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam với thương hiệu “xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh”.

 

 

Tháp Nhạn về đêm.

Phú Yên không có nhiều di tích lịch sử bởi thời tiết khắc nghiệt, ngoài ra vùng đất này từng là chiến trường giao tranh ác liệt. Công trình cổ xưa nhất còn lại là tháp Nhạn được người Chăm xây từ thế kỷ XII đã đi vào câu ca: “Phú Yên có đỉnh Cù Mông/Có hòn tháp Nhạn, có dòng sông Ba”. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, cao hơn 23 mét. Vật liệu xây dựng bằng gạch nung và được xếp liền khít, không thấy mạch hồ. Bất kỳ ai khi đến với Phú Yên không thể bỏ qua điểm đến tháp Nhạn bởi từ đây có thể ngắm nhìn toàn bộ thành phố Tuy Hòa với cánh đồng lúa trải tít chân trời, núi cao, biển rộng, sông dài… Một điểm đến nổi tiếng không kém là nhà thờ Mằng Lăng nằm ở huyện Tuy An được xây dựng vào năm 1892. Bên cạnh kiến trúc tuyệt đẹp, nhà thờ còn là nơi lưu giữ cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên “Phép giảng tám ngày” do linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma (Italia).

Lợi thế cho du lịch Phú Yên là cảnh quan thiên nhiên đa dạng của một Việt Nam thu nhỏ còn rất hoang sơ. Ghềnh Đá Đĩa, đầm Ô Loan (huyện Tuy An), mũi Đại Lãnh (huyện Đông Hòa) đã nổi tiếng, nay du khách còn biết thêm Bãi Xép (thành phố Tuy Hòa), những cánh đồng lúa, con đường thôn quê bình yên có ở khắp nơi; ngược lên những huyện miền núi như Sơn Hòa, Sông Hinh với rừng xanh, núi đỏ làm say đắm lòng người. Phú Yên chủ trương tập trung thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng hiện đại phục vụ du lịch nhưng nếu “bê tông hóa” quá nhanh, thiếu quy hoạch, xứ sở này rất dễ đánh mất bản sắc riêng. Khi đi du lịch Phú Yên, du khách khá ngạc nhiên với giá cả sinh hoạt rẻ, cảm thấy như đang ở nhà bởi người dân hiếu khách, không có hiện tượng chặt chém, chèo kéo du khách… Vì thế, bản sắc văn hóa của người Phú Yên cũng cần được gìn giữ tránh bị thương mại hóa.

 

Bộ đội Biên phòng Phú Yên tuần tra bảo vệ bờ biển.

Không phải là địa phương giàu mạnh nhưng Phú Yên lại có vị trí chiến lược về quốc phòng. Phú Yên là nơi ghi dấu chiến công đầu tiên của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ năm 1775 khi mới 22 tuổi. Đến thời Cần Vương chống Pháp, Phú Yên trở thành căn cứ quan trọng với tên tuổi của lãnh tụ Lê Thành Phương (1825-1887). Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quân dân Phú Yên anh dũng kiên cường đứng lên chống giặc ngoại xâm, lập nên nhiều chiến công chói sáng. Ngày nay, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn Phú Yên vẫn ra sức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm tốt công tác dân vận để thắt chặt mối đoàn kết quân dân.

 

 

Ngư dân Phú Yên đánh bắt cá ngừ.

Điểm sáng trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh ở Phú Yên là lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP). Không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên biển, BĐBP Phú Yên còn làm tốt công tác giám sát tàu cá Phú Yên đánh bắt hải sản đúng pháp luật. Lâu nay, do nhận thức chưa đầy đủ, không ít tàu cá của ngư dân Phú Yên đánh bắt hải sản bất hợp pháp, bị bắt giữ. Trước tình hình này, BĐBP Phú Yên đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vùng 3 Cảnh sát biển cùng chính quyền các địa phương ven biển phổ biến quy định của các nước trong khu vực về khai thác thủy sản cho ngư dân. Lực lượng chức năng cũng cung cấp, hướng dẫn ngư dân thực hiện ghi chép nhật ký khai thác hải sản và thực hiện xác nhận sản phẩm hải sản khai thác... Đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có hàng nghìn chủ tàu cá đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Các địa phương ven biển cũng đã thành lập 117 tổ, đội sản xuất trên biển với 883 tàu cá và 7.727 ngư dân tham gia. Hiệu quả thấy rõ khi gần đây trên địa bàn tỉnh Phú Yên không ghi nhận trường hợp tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ. Với sự giúp đỡ tận tình của BĐBP, hy vọng ngư dân Phú Yên cùng với các tỉnh thành khác sẽ sớm gỡ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu đối với hải sản; để những chuyến ra khơi khai thác nguồn lợi từ biển bạc mang lại ấm no cho bà con.

Nắm giữ nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, nếu đầu tư bài bản, phù hợp, đúc rút kinh nghiệm đi lên từ các tỉnh trong khu vực và giữ gìn được bản sắc văn hóa, Phú Yên sẽ có cơ hội bứt phá vươn lên, nhất là trong phát triển du lịch, ngư nghiệp, đưa hai lĩnh vực này trở thành mũi nhọn và thế mạnh cạnh tranh trong phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

Bài và ảnh: HOÀNG DƯƠNG

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: