Về miền tháp nắng03/03/2020CNQP&KT - 1.400km là khoảng cách đường bộ từ Hà Nội đến miền “tháp nắng” Ninh Thuận đong đầy thương nhớ. Miền đất ấy không chỉ có nắng gió, cát bỏng mà còn chứa đựng bao điều lạ lẫm và… nghịch lý: Tạo hóa ban tặng thiên nhiên đẹp đẽ sao lại quá đỗi khắc nghiệt? Những người dân đôn hậu, cần cù sao cứ nghèo mãi?... Mới đây trở lại Ninh Thuận, những băn khoăn trước đây của chúng tôi đã thay bằng những lạc quan, hy vọng mới... Trong lúc ngồi cà phê chờ anh bạn đồng nghiệp ở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Ninh Thuận dẫn đi tham quan, chúng tôi đã được nhân viên phục vụ quán mời chào “đầu tư” bất động sản bằng lời ngỏ ý muốn giúp có mảnh đất vị trí đắc địa, giá mềm. Thuật lại chuyện cho anh bạn đồng nghiệp nghe, anh cười, nói: “Người giàu ở Hà Nội, Sài Gòn vô Ninh Thuận đầu tư mua đất đai nhiều lắm. Trước kia chưa phát triển du lịch, đất Ninh Thuận rẻ bèo. Nay giá đất tăng gấp đôi, gấp ba; như nhà mình trong ngõ giờ cũng có giá lắm”. Nghe chuyện mừng cho anh bạn đồng nghiệp quê huyện miền núi Ninh Sơn đã mua được nhà, sinh sống ổn định ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Quần thể tháp Chăm Po Klong Gara.
Vô số chuyện tiếu lâm kể cái nghèo khó, nỗi vất vả của tỉnh Ninh Thuận, kiểu như nhìn thấy đàn cừu thì có người lại hỏi: “Chó ở đâu mà đi thành đàn thế này?”. Hoặc đơn giản là câu nói đùa về thời tiết chiết tự từ địa danh Phan Rang: “Gió thì như phang, nắng thì như rang”. Vị trí địa lý Ninh Thuận nằm ở vùng đất cuối của dãy Trường Sơn với nhiều dãy núi đâm ra Biển Đông, có địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Do được bao bọc bởi ba mặt núi với ba dạng địa hình (núi, đồi gò bán sơn địa và đồng bằng ven biển), trong đó đồi núi chiếm hơn 63% diện tích nên Ninh Thuận có khí hậu nhiệt đới xa-van đến cận hoang mạc với đặc trưng khô nóng, gió nhiều, bốc hơi mạnh. Đã vậy, mùa khô kéo dài tới 9 tháng (từ tháng 12 năm trước đến tháng 9 năm sau), thế nên đến Ninh Thuận, chúng tôi cứ cảm giác như đang ở vùng thảo nguyên Trung Á, Trung Đông. Là miền đất khí hậu khắc nghiệt nên dân số toàn tỉnh chưa đến 600.000 người (năm 2019) trong khi diện tích lên tới 3.355km2. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chỉ hơn 24.000 tỷ đồng (năm 2018), nhỉnh hơn mấy tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên một chút. Không cam chịu đói nghèo, mấy năm gần đây, chính quyền và người dân Ninh Thuận đã tìm hướng phát triển kinh tế dựa trên nội lực, tiềm năng có sẵn, thậm chí là từ những bất lợi, với ba trụ cột: du lịch, nông nghiệp, năng lượng. Điều thú vị là các lĩnh vực này hoàn toàn có thể kết hợp, bổ trợ lẫn nhau để Ninh Thuận phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường cho những lợi ích kinh tế trước mắt.
Vịnh Vĩnh Hy nhìn từ trên cao.
Ninh Thuận có chiều dài bờ biển 105km, với những vịnh biển, bãi biển nức tiếng: Ninh Chữ, Vĩnh Hy, Mũi Dinh, Bình Sơn… nhưng du lịch kém phát triển bởi bị kẹp giữa hai “ông lớn” là Khánh Hòa và Bình Thuận. Khi đời sống người dân trong nước khấm khá và thế giới ngày càng “phẳng”, nhu cầu du lịch ngày một tăng lên, chẳng lẽ nghỉ dưỡng biển cứ đi mãi Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang… thế nên, du lịch biển Ninh Thuận mấy năm trở lại đây rất thu hút khách, năm 2019 ước đạt hơn 2 triệu lượt người. Ninh Thuận đi sau cũng có nhiều kinh nghiệm, như không để bãi biển bị “băm nát” bởi các dự án nhỏ lẻ, phá vỡ quy hoạch, làm mất cảnh quan... Chính quyền tỉnh chỉ chấp nhận những dự án đầu tư quy mô lớn. Vấn đề không nằm ở chuyện chê “nhặt tiền lẻ” mà muốn tăng sức cạnh tranh, cần có những “cú huých” hoành tráng. Điểm sáng là vào đầu tháng 4/2019, Tập đoàn Crystal Bay cùng các đối tác đã động thổ tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang tại khu vực trung tâm công viên biển Bình Sơn (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) có quy mô lên tới 3.300 phòng, với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng. Nhiều “ông lớn” khác trong lĩnh vực bất động sản, du lịch như Vinpearl, T&T, FLC... cũng bước đầu tính toán đầu tư vào các dự án. Muốn tăng nguồn thu từ du lịch không có cách nào khác là giữ được du khách lưu trú dài ngày với những chương trình hấp dẫn. Bước đầu, Ninh Thuận đã kết hợp du lịch biển với du lịch sinh thái nông nghiệp thăm vườn nho Ba Mọi, Thái An trĩu quả, đồng cừu An Hoa cỏ xanh mơn mởn (huyện Ninh Hải), “xã nước mắm” Cà Ná (huyện Thuận Nam), măng tây và tỏi (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm)... Những sản phẩm nông nghiệp kể trên đã góp phần giúp người dân Ninh Thuận đổi đời, nhất là những sản phẩm mới như táo xanh, măng tây. Điểm yếu của Ninh Thuận là chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Như chuyện tỏi Phan Rang dù không nổi danh bằng tỏi Lý Sơn, nhưng chúng tôi tìm hiểu được biết, nhiều người dân Lý Sơn vào tận Phan Rang mua giống về trồng.
Sản xuất điện gió ở Ninh Thuận. Những sản phẩm nông nghiệp đã trở thành đặc sản của vùng “tháp nắng” như thịt cừu mềm ngọt, gà chạy đồi cát, rượu nho… thưởng thức một lần đủ nhớ lâu. Người Ninh Thuận vui vẻ, hiền hòa nên du khách không mất phí tham quan, chụp ảnh, không bị ép mua đồ lưu niệm hay quà bánh... Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ vườn nho Thái An nói với chúng tôi: “Mỗi ngày vườn nho đón ít nhất 10 đoàn khách, với chúng tôi khách mua quà ít hay nhiều chúng tôi đều vui vẻ, làm du lịch là phải chuyên nghiệp như mấy bác lãnh đạo từng khuyên chúng tôi”. Đối với du lịch văn hóa, những tour khám phá văn hóa Chăm hiện đang hút khách. Người Chăm cư trú ở Ninh Thuận rất đông, tập trung ở các làng Chăm riêng biệt với số dân hơn 67.000 người. Họ vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống ngàn đời, như theo chế độ mẫu hệ khi gọi bên nội là nhà mẹ đẻ, con gái được truyền nghề thủ công và đi tìm chồng; con gái út có trách nhiệm nuôi dưỡng bố mẹ, thờ cúng tổ tiên; kiến trúc độc đáo, hùng vĩ với cụm đền tháp Po Klong Garai (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm); âm nhạc với kèn Saranai, trống Paranưng, trống Ginăng khi hùng tráng khi bi thiết; gốm Bàu Trúc và thổ cẩm Mỹ Nghiệp tinh xảo; lễ hội Kate náo nhiệt đầy sắc màu… Du lịch Ninh Thuận cũng có thể khai thác thêm du lịch khám phá rừng núi, với lợi thế có hai vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bắc Ái), Núi Chúa (huyện Ninh Hải), cùng với đó là văn hóa dân tộc Raglai (thể hiện trong ca khúc nổi tiếng “Cây đàn Chapi”). Lúc đó, Ninh Thuận sẽ hình thành sản phẩm du lịch mới, như leo núi, dù lượn, lưu trú tại nhà đồng bào dân tộc…
Huấn luyện vòng lăn của chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công nước 5. Với đặc thù khí hậu nắng gió quanh năm, tỉnh Ninh Thuận được xem là một trong những địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng để đầu tư phát triển năng lượng sạch của cả nước với điện mặt trời và điện gió. Hiện, toàn tỉnh Ninh Thuận có 30 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.817MW, 3 dự án điện gió với tổng công suất 116,925MW đã đưa vào vận hành; cùng nhiều dự án với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng đang được xây dựng, góp phần quan trọng giải quyết an ninh năng lượng quốc gia. Cũng giống như những “cánh đồng” điện gió ở Bạc Liêu, khách du lịch cũng đang tìm đến những cánh đồng điện gió Ninh Thuận để lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp.
Xe téc của Lữ đoàn Đặc công nước 5 giúp các hộ dân địa phương khắc phục thời điểm thiếu nước sinh hoạt. Không phải là địa phương giàu mạnh nhưng Ninh Thuận lại có vị trí chiến lược về quốc phòng, người dân kiên trung, yêu nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người Ninh Thuận sống giữa lòng địch vẫn một lòng hướng về Đảng, Bác Hồ, đã đứng lên thành lập Chiến khu Bác Ái với tên tuổi của các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân người Raglai, như: Pi-năng Tắc, Pi-năng Thạnh, Chamaléa Châu… Đặc biệt, Anh hùng Pi-năng Tắc (1910-1977), với trận đánh “bẫy đá” nổi tiếng ngày 10/4/1961 đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam, tiêu diệt hơn 100 tên địch, khiến chúng không dám càn quét căn cứ cách mạng. Ngày nay, phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, Lữ đoàn Đặc công nước 5 Anh hùng (Binh chủng Đặc công) - một trong những đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, nổi tiếng là lực lượng đặc công nước tinh nhuệ, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngoài huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đơn vị luôn có mối quan hệ mật thiết với đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Công Long, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công nước 5, cho biết: “Những năm qua, cùng với các hoạt động giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; tìm kiếm cứu nạn, đơn vị đã tích cực đóng góp ủng hộ các chương trình “Ngày vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Hũ gạo tiết kiệm”; thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết hằng năm; các hoạt động phối hợp của tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ giữa đơn vị và địa phương... được đảng bộ, chính quyền địa phương đánh giá cao, nhân dân cảm phục, quý mến”. Chứng kiến, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công nước 5 chở nước ngọt cấp cho nhân dân chống hạn tại xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, nhất là các hộ nghèo dân tộc Chăm, Raglai, càng thêm tin tưởng tình quân dân thắm thiết sẽ là nền tảng để giữ vững thế trận quốc phòng - an ninh, góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận ngày càng phát triển. Ghi chép của HOÀNG PHONG
|