CNQP&KT - Bén duyên với xứ Quảng (gồm Quảng Nam và Đà Nẵng) từ lâu và có nhiều trải nghiệm với vùng văn hóa đặc sắc này nên tôi thấy quá đỗi thân thương.

Mỗi lần trở lại xứ Quảng, tôi đều nhận thấy nơi đây đổi thay từng ngày, xứng đáng là “đầu tàu”, động lực tăng trưởng của “khúc ruột miền Trung”.

Lịch sử ghi nhận, người Việt đã đến định cư ở Quảng Nam - Đà Nẵng từ thời nhà Trần. Đến năm 1471, vua Lê Thánh Tông ban danh xưng Quảng Nam với nghĩa là “mở rộng về phía Nam”. Đặc biệt, năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (nghĩa là một dải núi Hoành Sơn có thể đủ dung thân nhiều đời) xin đi trấn thủ Thuận Hóa. Từ đó, các chúa Nguyễn gọi vùng đất này là “Quảng Nam quốc”. Đất Quảng Nam phì nhiêu, sản vật phong phú, có vị trí chiến lược gần kinh đô Phú Xuân nên các thái tử trước khi nối nghiệp Chúa đều được cử trấn thủ.

Cầu sông Hàn (Đà Nẵng) quay nhịp phục vụ du khách vào dịp cuối tuần.

Sở dĩ cần nói một chút về lịch sử để thấy Quảng Nam là miền đất có bề dày lịch sử văn hóa khá lâu đời, hòa quyện văn hóa Chăm, Việt và phần nào đó là văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản... Khác với cư dân thuần nông ở đồng bằng Bắc Bộ, những người Việt đến xứ Quảng mấy trăm năm trước là những lưu dân - những người không có đất đai hoặc vì lý do đặc biệt phải ly hương đến vùng đất mới. Ở đó, họ phải đấu tranh để sinh tồn, vì thế, người xứ Quảng kiên cường, bất khuất, cởi mở, phóng khoáng...

Người xứ Quảng có tư duy đổi mới thoát khỏi quan niệm coi thường thương nghiệp (đặc biệt ngoại thương) để buôn bán, trao đổi hàng hóa với người nước ngoài. Có nhiều phố cổ thương nghiệp từng tồn tại ở nước ta nhưng chỉ có Hội An còn giữ được nguyên vẹn. Đó là nhờ tầm nhìn vượt thời đại của ông Hồ Nghinh (1915-2007), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng suốt 19 năm (1963-1982). Sau năm 1975, một số người dân và cả cán bộ có tư duy giáo điều đòi xóa sổ phố cổ Hội An nhưng ông Hồ Nghinh đã ngăn cản quyết liệt để bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển du lịch mai sau. Chính vì được bảo tồn nguyên vẹn mà đến năm 1999, Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Cũng với cách nghĩ mới mẻ, thức thời như vậy mà thế hệ người Hội An sau này đã quy hoạch bài bản để nơi đây tiếp tục là điểm sáng của du lịch Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” vừa mới đạt 1 triệu lượt người xem.

Năng động, sáng tạo là vậy nhưng người xứ Quảng không hề dễ dãi, những vấn đề thuộc về nguyên tắc, là chân lý, là lý tưởng sống thì bảo vệ đến cùng. Thuộc tính đó ăn vào máu đến mức có câu: “Quảng Nam hay cãi”. Có lẽ cũng vì lý do đó mà người xứ Quảng luôn đi đầu trong các phong trào chống áp bức, bóc lột của phong kiến, chống giặc ngoại xâm, được cả nước ngưỡng mộ tôn vinh: “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt giặc”. Trong kháng chiến chống thực dân  Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Quảng Nam là tỉnh có nhiều liệt sĩ nhất cả nước với hơn 65.000 liệt sĩ, hơn 30.000 thương binh, 11.658 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chỉ riêng thị xã Điện Bàn là vùng chiến trường ác liệt nhất đã có tới 19.800 người con ngã xuống. Lịch sử đã chọn xứ Quảng là nơi thử thách đầu tiên của người Việt chống hai kẻ thù hùng mạnh nhất khi thực dân Pháp tấn công vào Đà Nẵng năm 1858 và đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam năm 1965.

  Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) ra quân huấn luyện.

Khó có thể kể hết những câu chuyện cảm động, đầy tính nhân văn, những câu chuyện tưởng chỉ có trong truyền thuyết về người xứ Quảng chống ngoại xâm. Khách du lịch có thể tham quan Thành Điện Hải để thấy người xứ Quảng đã phòng bị, bảo vệ đất nước thế nào trước dã tâm của thực dân Pháp. Có thể thăm di tích Khu ủy Khu 5 để biết người xứ Quảng đã kiên cường bám trụ giữa mưa bom bão đạn chống lại Mỹ ngụy ra sao. Đó là tài sản vô giá của lớp cha anh xứ Quảng để lại cho hậu thế tiếp nối, khẳng định tinh thần thà chết không phản bội lại quê hương, đất nước. Tôi từng đến thăm một số đơn vị quân đội, đặc biệt là Sư đoàn 2 của Quân khu 5, được chứng kiến những chàng trai tân binh xứ Quảng hôm nay tiếp bước cha anh, ra sức luyện tập, chấp hành nghiêm kỷ luật nơi đèo núi An Khê (Gia Lai) nắng gió. Hễ có nhiệm vụ nào khó khăn nặng nề, lãnh đạo, chỉ huy Quân khu 5 đều giao Sư đoàn 2 thực hiện. Đáp lại sự tin tưởng của cấp trên, những tân binh của Sư đoàn đa số là người xứ Quảng luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiếp tục xứng danh “sư đoàn thép” từng khiến quân thù khiếp sợ trong chiến tranh.

 

Cây cầu Vàng giữa núi rừng Đà Nẵng.

Đất và người xứ Quảng có lịch sử, truyền thống tự hào là thế nhưng mảnh đất này từng thuộc diện kinh tế khó khăn. Đến ngay thành phố trực thuộc Trung ương là Đà Nẵng, một thời gian dài chỉ có Tổng công ty Sông Thu (thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) được xem là “lá cờ đầu” của thành phố về lĩnh vực công nghiệp đóng tàu. Đến nay, nhờ những nỗ lực vượt bậc của chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã tạo ra “kỳ tích sông Hàn” thời bình, được cả nước ngưỡng mộ. Biểu tượng sự phát triển của thành phố có thể nhìn thấy ở những cây cầu nổi tiếng là cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý. Năm 2018, Đà Nẵng trở thành địa phương có tổng sản phẩm (GRDP) đạt 90.023 tỷ đồng, với du lịch, dịch vụ chiếm hơn 60% cơ cấu nền kinh tế. Rất nhiều dự án khác đang được Đà Nẵng chuẩn bị khởi công, như: Cảng nước sâu Liên Chiểu, Khu du lịch sinh thái Nam Ô, nhà hát và bến du thuyền tại khu vực phía Nam cảng Sông Hàn, Dự án nhà máy nước Hòa Liên, Dự án đầu tư các trạm quan trắc môi trường tự động… sẽ tiếp tục giữ cho Đà Nẵng danh hiệu “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”.

Khu phức hợp sản xuất, lắp ráp ô tô Chu Lai – Trường Hải tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. 

Quảng Nam sau hơn 20 năm tái lập, từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước (nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương), đến nay đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung. Quy mô kinh tế tăng hơn 30 lần, trong đó, công nghiệp - dịch vụ chiếm hơn 88% trong cơ cấu kinh tế với giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 160 lần so với năm đầu tái lập (năm 1997). Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 53 triệu đồng/năm, gấp 28 lần so với thời điểm chia tách tỉnh, vượt mức bình quân cả nước. Nếu ai từng có dịp tham quan Khu kinh tế mở Chu Lai, nhất là nhà máy Trường Hải Auto rộng mênh mông, với rất nhiều máy móc hiện đại sẽ thấy sự chủ động của lãnh đạo địa phương hơn chục năm trước mời gọi doanh nghiệp lớn đầu tư đã phát huy hiệu quả to lớn. Giờ đây, Quảng Nam chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng địa phương trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Những khu nghỉ dưỡng cao cấp bậc nhất đã mọc lên ở thành phố Hội An, huyện Thăng Bình, huyện Núi Thành cho phép mơ tới một ngày Quảng Nam thành điểm đến du lịch hàng đầu của khu vực.

Với phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau”, Quảng Nam đang ra sức đầu tư phát triển kinh tế - xã hội những huyện miền núi. Ở Nam Trà My, dưới những cánh rừng quanh năm sương phủ, những cây sâm Ngọc Linh quý giá đang được ươm trồng, mai đây sẽ giúp bà con đổi đời. Cao su, cà phê và nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả được trồng nhiều ở huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Hiệp Đức… đã dần dần giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo. Năm tới, khi đường Trường Sơn Đông (điểm đầu ở thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, điểm cuối là cầu Suối Vàng, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) thông xe sẽ giúp kinh tế các huyện miền núi Quảng Nam phát triển nhanh hơn nữa, góp sức cùng thành thị và các huyện miền xuôi đưa Quảng Nam phát triển tương xứng với tiềm năng.

Ghi chép của HOÀNG LINH

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: