CNQP&KT - An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, giáp với biên giới nước bạn Campuchia, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, với 4 dân tộc là Kinh, Khơ-me, Chăm và Hoa sinh sống. Điều đó tạo ra lợi thế để An Giang phát triển đa dạng các loại hình du lịch...

Biết chúng tôi có ý định tham quan Đồng bằng sông Cửu Long, nhà văn trẻ Lê Quang Trạng - quê ở thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới (An Giang) - gợi ý: “Đi đâu thì đi, nên đi kỹ An Giang. Miền Tây có gì An Giang có cái đó. An Giang còn có những cái mà nơi khác không có, rất đặc biệt…”.

Thường xuyên đi “phượt” - tự trải nghiệm - nên chúng tôi có thói quen tìm hiểu trước địa điểm mình sẽ đến. An Giang có vùng Thất Sơn huyền bí với Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam linh thiêng, thành phố Châu Đốc sầm uất, rừng tràm Trà Sư hoang sơ… Thế nhưng khi theo chân nhà văn trẻ Lê Quang Trạng, chúng tôi còn được khám phá thêm về lịch sử vùng đất biên ải mà ít người biết.


 Ở Chợ Mới có hai cù lao rất nổi tiếng là Cù lao Giêng và Cù lao Ông Chưởng. Đó là tên gọi dân gian, còn trên bản đồ không có hai địa danh này nên muốn tìm hiểu cũng không dễ. Lê Quang Trạng giới thiệu: “Cù lao Giêng thuộc địa bàn của 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, nằm giữa sông Tiền. Cù lao Ông Chưởng thuộc địa bàn 5 xã: Kiến An, Kiến Thành, Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ và Long Giang; phía Bắc là sông Vàm Nao, Đông Bắc giáp sông Tiền, phía Tây giáp sông Hậu, Đông Nam giáp Rạch Ông Chưởng”. Vậy là có thể hình dung, huyện Chợ Mới là tập hợp những cù lao và những “đảo” nhỏ kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu, ngoài ra còn vô số kênh, rạch. Thời điểm du lịch Chợ Mới đẹp nhất là mùa nước nổi, khi nước từ đầu nguồn hai con sông đổ về, đồng ruộng mênh mông nước. Chợ Mới có chùa Tây An của Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (1807-1856) lập năm 1849. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là một môn phái Phật giáo được giản lược, khuyến khích người dân Nam Bộ xưa kia khẩn hoang làm chủ đất đai, sống thiện lành. Ngôi chùa này rất độc đáo bởi được trang trí bằng những mảnh sành sứ. Cù lao Giêng còn nổi tiếng là “thánh địa” của Thiên Chúa giáo. Tại đây, có nhà thờ được khởi công xây dựng vào năm 1879 thuộc diện sớm nhất ở nước ta. Hiện nay, còn tồn tại những tu viện dòng tu Fran-xít-cô, đưa nơi đây thành trung tâm Thiên Chúa giáo của các tỉnh miền Tây.

Làng bè Châu Đốc về đêm.

Ngược lên phía Bắc hơn chục cây số là Dinh Ông Chưởng - nơi thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700). Năm 1698, theo lệnh Chúa Nguyễn, ông vào Nam lập phủ Gia Định, tiền thân của TP. Hồ Chí Minh ngày nay. Năm sau, ông đem quân đánh Chân Lạp, trên đường thắng lợi trở về ông mất tại cù lao bởi trọng bệnh. Để tưởng nhớ công lao vị tướng đi mở cõi phương Nam, người dân địa phương lập đền thờ và gọi vùng này là Cù lao Ông Chưởng.

Nhà thờ Cù Lao Giêng.

Qua miền biên giới giáp nước bạn Campuchia, chúng tôi đến thành phố Châu Đốc - nơi con sông Tiền và sông Hậu gặp nhau ở lãnh thổ Việt Nam. Thành phố sát biên giới vô cùng sầm uất, mặt hàng nào cũng có, thú vị nhất là ẩm thực chợ Châu Đốc từ ba khía muối đậm đà, đường thốt nốt ngọt thanh, bánh hỏi bò nướng, bò viên thơm... có thể ăn no mà không biết chán. Từ Châu Đốc qua cầu Cồn Tiên là đến huyện An Phú - nơi có cộng đồng người Chăm lớn nhất tỉnh với hơn một vạn người. Cộng đồng người Chăm ở đây ngoài gốc từ Ninh Thuận, Bình Thuận, còn có người Chăm từ Malaysia, Campuchia di cư đến sinh sống. Giữa thế kỷ 18, Chúa Nguyễn là Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đồng ý cho người Chăm cư trú ở đây để vừa khai hoang, vừa bảo vệ biên giới. Nổi bật trong số các làng Chăm là làng Chăm Đa Phước đi đầu trong phát triển du lịch văn hóa. Đến đây, chúng tôi ngỡ mình đang ở vùng Trung Đông, bởi đi trên đường làng Chăm Đa Phước bắt gặp phụ nữ đầu đội khăn Mat’ra, đàn ông mặc xà rông, xa xa là Thánh đường Masjid Al-Ehsan. Người Chăm ở Đa Phước là những “bậc thầy” dệt thổ cẩm nổi tiếng khắp nơi. Sản phẩm được ưa chuộng nhất là những chiếc khăn rằn đủ màu sắc và kích cỡ, phù hợp để quàng cổ, che nắng vào mùa khô chói chang.

Từ Châu Đốc đi ngược lại sẽ đến hai huyện biên giới là Tịnh Biên và Tri Tôn. Nơi này thu hút du khách bởi đây là vùng Thất Sơn có bảy ngọn núi sừng sững trên miền đồng bằng Nam Bộ. Còn gì lãng mạn hơn khi ngắm hoàng hôn và ngủ đêm trên núi Cấm để ngắm sương bay bảng lảng, để biết vì sao lại gọi nơi đây là “Đà Lạt của miền Tây”. Dưới chân núi là những đồng lúa thẳng cánh cò bay; xa xa, sát biên giới là những hàng cây thốt nốt thẳng đứng, hiên ngang như những người lính gác biên cương đầy nắng gió. Ở huyện Tri Tôn, có những hồ đẹp, như: hồ Soài So, hồ Ô Tức Sa, hồ Ô Thum… Du khách có thể đến cắm trại, vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng biên hoang sơ, vừa thưởng thức món gà om lá chúc, gà đốt tuyệt ngon của đồng bào Khơ-me và bò cạp chiên giòn Bảy Núi.

Với những du khách thích tìm hiểu lịch sử, vùng biên An Giang còn là nơi ghi dấu tội ác của bè lũ diệt chủng Pôn-Pốt với Khu chứng tích tội ác diệt chủng Pôn-Pốt tại Ba Chúc (huyện Tri Tôn). Trong tháng 4/1978, quân Khơ-me Đỏ đã tràn vào thị trấn Ba Chúc sát hại hơn 3.000 người người dân vô tội, những người chạy lánh nạn lên chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai cũng bị bắt và giết sau đó. Chiến tranh đi qua, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã xây dựng tại đây quần thể chứng tích tội ác, minh chứng cho cuộc Chiến tranh biên giới Tây Nam là hành động tự vệ chính đáng. Để có được yên bình ở miền biên giới, hàng chục nghìn quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống ở chiến trường Campuchia. Nhiều năm qua, Đội K90 (Quân khu 9) và Đội K93 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) đã tìm kiếm, cất bốc, hồi hương nhiều hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên). Nghĩa trang cũng trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống quý báu để thế hệ trẻ ngày nay hiểu được sự hy sinh lớn lao của quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Thời gian chúng tôi lưu lại An Giang không nhiều, chưa thể khám phá hết mảnh đất nơi đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Chúng tôi tự hứa sẽ trở lại An Giang - một điểm hẹn miền Tây -  vào một dịp khác để hiểu thêm về mảnh đất, con người nơi đây...

Ghi chép của HOÀNG LINH

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: