(CNQP&KT) - Cô Tô là một huyện đảo đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh, nơi đây gồm các hòn đảo xa bờ nhất, diện tích nhỏ nhất, dân số ít nhất, nhưng lại giữ vị trí tiền đồn rất quan trọng nơi vùng biển Đông Bắc. Cô Tô còn được gọi là đảo ngọc tiền tiêu của Tổ quốc, có tiềm năng kinh tế đa dạng đang trên đà phát triển nhanh cả về kinh tế và xã hội.

Nơi duy nhất được Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng khi Người còn sống

Vào một ngày cuối hè 2018, chúng tôi có mặt ở cảng Cái Rồng - huyện Vân Đồn, để lên tàu ra huyện đảo Cô Tô. Lúc con tàu cao tốc nổ máy thẳng tiến hướng Cái Rồng - Cô Tô, cảm giác hồi hộp, háo hức càng trào dâng trong tôi.

Huyện đảo Cô Tô nằm ở phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền 60 hải lý, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội... Toàn huyện có khoảng hơn 50 hòn đảo lớn, nhỏ; trong đó có 29 đảo hội tụ thành quần đảo Cô Tô, mà trung tâm là đảo Cô Tô Lớn và đảo Thanh Lân.


Một góc huyện đảo Cô Tô.     Ảnh: CTV

Điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Lê Hồng Giang giới thiệu cho chúng tôi về lịch sử của Khu Di tích; đặc biệt là về tượng đài Bác Hồ, bởi Cô Tô là nơi duy nhất được Bác đồng ý cho dựng tượng của mình khi Người còn sống. Ngày 9/5/1961, Bác Hồ đã ra thăm đảo Cô Tô và căn dặn đồng bào, chiến sĩ trên đảo: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”. Với tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Bác, quân và dân nơi đây đã xin được dựng tượng Người trên đảo. Nguyện vọng của quân, dân Cô Tô đã được Bác đồng ý, thể hiện tư duy và tầm nhìn chiến lược của Người; đó cũng như là một lời nhắc nhở cháu con hướng tầm nhìn ra biển Đông để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Năm 1968, tượng đài Bác Hồ được xây dựng tại Cô Tô. Lúc đầu, tượng được dựng bán thân, với chất liệu bằng thạch cao, công trình được khánh thành ngày 22/5/1968, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 78 của Bác. Năm 1976, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 86 của Bác, tượng bán thân được thay bằng tượng toàn thân, với chất liệu bê tông cốt thép. Tiếp đó, vào năm 1996, đúng dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 106, tượng Bác được thay bằng đá gra-nít. Cho đến nay, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cô Tô vẫn được đánh giá là tượng đài có quy mô to lớn, đẹp nhất vùng Đông Bắc.

Cùng với tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, năm 2005, huyện đã xây dựng đền thờ Bác trong khuôn viên ngay sau tượng đài. Năm 2010, Khu Di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô đã được đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục, như: Khuôn viên tượng đài, vườn cây, ao cá Bác Hồ, tường bao, hệ thống hồ điều hòa… thể hiện lòng thành kính của người dân trên đảo đối với Bác. Khu Di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

 Phát triển du lịch gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh


Ban Chỉ huy quân sự huyện Cô Tô làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. Ảnh: CTV

Cô Tô có nguồn tài nguyên tự nhiên đa dạng, phong phú như tài nguyên sinh thái, tài nguyên biển với các điều kiện rất thuận lợi cho việc khai thác để phát triển du lịch. Thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm, tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho Cô Tô về cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa... tạo diện mạo mới cho huyện đảo. Đặc biệt, từ khi có điện lưới quốc gia vào năm 2013, Cô Tô như được đánh thức tiềm năng du lịch - dịch vụ và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Quảng Ninh. Khách du lịch trong và ngoài nước đến Cô Tô ngày càng nhiều hơn, thương hiệu “Du lịch Cô Tô” cũng ngày càng khẳng định được vị thế. Nếu như năm 2010, huyện Cô Tô mới chỉ đón được khoảng 5.000 lượt khách, thì đến năm 2017, huyện đã đón 320.000 lượt khách du lịch (trong đó có khoảng 2.200 lượt khách quốc tế); doanh thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại đạt 482 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Năm 2018, huyện Cô Tô hướng tới mục tiêu đạt 330 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 3.500 lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 600 tỷ đồng. Hiện nay, tỷ trọng của ngành du lịch - dịch vụ và thương mại đứng thứ 2, chiếm 35% trong cơ cấu kinh tế của huyện Cô Tô.


 Chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Cô Tô chăm sóc ngư dân bị thương trên biển.                         Ảnh: CTV

 

Về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Lê Hồng Giang cho biết: “Cô Tô là một huyện đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh, giữ vai trò quan trọng trong thế trận phòng thủ - tấn công trên vùng biển Đông Bắc. Do đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Cô Tô luôn coi phát triển du lịch kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, chính trị, củng cố quốc phòng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới lãnh thổ là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu”.

Vẫn theo ông Lê Hồng Giang, huyện luôn coi trọng và quan tâm công tác phối hợp giữa các lực lượng đóng quân trên địa bàn, thực hiện xây dựng và củng cố vững chắc khu vực phòng thủ và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, không để xảy ra các tình huống đột xuất bất ngờ. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, huyện đảo Cô Tô chú trọng tăng cường trang bị phương tiện, nâng cao tiềm lực cho lực lượng vũ trang trên địa bàn nhằm đủ sức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Kết thúc chuyến thăm đầy cảm xúc và ý nghĩa, chúng tôi hy vọng, với sứ mệnh là “tấm giáp chở che” cho vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Cô Tô sẽ sớm trở thành đảo ngọc giàu mạnh về kinh tế, vững chắc về an ninh - quốc phòng.

TÔ THỊ THANH LÊ

 

 

 

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: