Đất võ, xứ văn22/09/2017(CNQP&KT) - Đường nhựa êm ru nhưng ôtô phải từ từ lăn bánh để hạ đèo đưa chúng tôi xuống thành phố Quy Nhơn (thủ phủ của tỉnh Bình Định). Đến cuối đường, đột nhiên như một pha chuyển cảnh trong phim, cả thành phố Quy Nhơn vàng sáng dưới ánh nắng chiều, xa xa biển xanh vỗ về bờ cát vàng. Cô bạn đồng hành người địa phương vừa chỉ tay vừa thốt lên như muốn khoe với tôi: “Quy Nhơn đó anh!”
Địa điểm cô bạn dẫn tôi đến tham quan đầu tiên là Ghềnh Ráng - nơi yên nghỉ của thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Khách đến đâyđể viếng ngôi mộ đơn sơ, tỏ lòng ngưỡng mộ một thiên tài thơ ca nước Nam. Ngẫm về “nhóm thơ Bình Định” trước năm 1945 mới nhận ra, Quy Nhơn và cả xứ Bình Định đúng là xứ văn. Cùng với Yến Lan, Quách Tấn là người bản địa, còn có các thi sĩ từ phương xa hội tụ về, như: Xuân Diệu gốc Hà Tĩnh, Hàn Mặc Tử đến từ Quảng Bình, Chế Lan Viên quê Quảng Trị... Đến Ghềnh Ráng, ngắm nhìn một vùng non nước đẹp như tranh, với những dãy núi đâm ra biển, mới ngộ ra rằng, ai gắn bó với miền đất này cũng có thể trở thành thi sĩ trước phong cảnh hữu tình như vậy. Di tích Tháp Đôi tại thành phố Quy Nhơn. Ảnh CTV
Sử sách có ghi, chủ nhân lâu đời của đất Bình Định xưa kia là người Chăm Pa, đã từng tạo lập một vương quốc hùng mạnh trải dài suốt dải đất Nam Trung Bộ. Hiện, ở thành phố Quy Nhơn chẳng còn dấu tích về nơi từng là cửa biển Thị Nại xưa, có chăng là di tích Tháp Đôi từ thế kỷ thứ XII. Cô bạn đồng hànhnóirằng,côkhông quan tâm đến hai ngôi tháp này nhưng cô thấy di tích quý giá bởi giá trị cổ xưa. Nói chuyện nhận thức, chợt nhớ vài năm trước đi thăm Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) cùng một người bạn làm ngân hàng ở Đà Nẵng, anh mắng tôi đi đâu không đi, lại đi thăm mấy cái “lò gạch”! Nhưng chính mấy cái “lò gạch” này lại khiến du khách mê mẩn bởi vẻ đẹp kết cấu và cách chạm trổ tinh vi, được các nhà khoa học định danh là“phong cách Bình Định”, nổi bật trong số 7 phong cách tháp Chăm kéo dài gần 10 thế kỷ. Nhìn ngắm các tháp Chăm, chợt nhớ đến thi nhân Chế Lan Viên - người đã mê mẩn vẻ đẹp tháp Chăm để có những câu thơ đặc sắc trong tập thơ “Điêu tàn” khi mới 17 tuổi: “Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi/ Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian/ Những sông vắng lê mình trong bóng tối/ Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than”. Sự quyến rũ của tháp Chăm còn nằm trong những bí ẩn chưa được giải mã. Từ khi người Pháp bắt đầu nghiên cứu tháp Chăm hồi đầu thế kỷ XX, hơn 100 năm sau, giới khoa học mới lờ mờ phác thảo cách thức những nghệ nhân Chăm đã xây dựng những đền tháp kỳ vĩ: Nào là dùng gạch làm từ đất sét pha cát, rồi dùng keo cây dầu rái, rồi nung tháp từ trên xuống dưới... Nhưng biết là một chuyện, làm theo lại là chuyện khác! Đi khắp các tháp Chăm ở Bình Định được tôn tạo sẽ thấy, gạch của dự án bảo tồn mốc đen đi chỉ sau chục năm, trong khi gạch của nghệ nhân Chăm sau gần ngàn năm vẫn tươi sắc hồng! Trò chuyện với những người thợ chạm khắc trùng tu các tháp Chăm, họ đều thừa nhận là, có khéo léo đến mấy cũng không thể tạo những nét khắc sắc ngọt mềm mại sống động như người Chăm đã làm hàng ngàn năm trước. Các tháp Chăm ở Bình Định giờ nằm rải rác ven sông Côn kéo dài từ Quy Nhơn lên tận huyện Tây Sơn, sát với tỉnh Gia Lai. Di sản kiến trúc mà có người ví là “mỏ vàng” giờ phục vụ tích cực cho phát triển du lịch của địa phương. Biểu diễn võ nhạc Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung.
Một dấu ấn lịch sử còn lại rõ rệt của Bình Định liên quan đến “Tây Sơn tam kiệt” tức ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Nếu làm một “tua” du lịch cứ ngược theo Quốc lộ 19 sẽ gặp hai khu di tích quan trọng: Thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc ở thị xã An Nhơn và Bảo tàng Quang Trung ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Một hướng dẫn viên du lịch ở thành Hoàng Đế chỉ cho chúng tôi mấy con voi, sư tử đá có phong cách tạo hình rất lạ. Hóa ra, cùng với tháp Cánh Tiên nhô lên giữa trời xanh, những bức tượng linh vật là những gì còn sót lại của người Chăm. Và cũng từ đây, chúng tôi mới biết, thành Hoàng Đế được xây trên nền móng thành Vijaya (tức Đồ Bàn). Di tích thành Hoàng Đế giờ chỉ còn tường bao đá ong, hào cạn, hồ bán nguyệt... Quốc lộ 19 song song với sông Côn, đến thị trấn Phú Phong thì chạy sát nhau, nhìn gần có thể thấy Bến Trầu, hơn 200 năm trước, Nguyễn Nhạc từng là một doanh nhân buôn trầu xuôi dòng sông Côn về Quy Nhơn. Trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung chỉ còn sót lại một giếng cổ nước mát lành và cây me cổ thụ mà anh em Nguyễn Huệ từng luyện võ, ôn văn tại đó. Cũng dễ hiểu, có rất ít hiện vật của triều đại Tây Sơn còn lưu giữ được, vì khi trở thành vua Gia Long, Nguyễn Ánh đã tìm cách xóa mọi dấu tích. Vật chất mất đi nhưng tinh thần, khí phách của phong trào Tây Sơn vẫn còn, thể hiện trong các thế võ Bình Định. Ở Bảo tàng Quang Trung, chúng tôi gặp võ sư Hồ Văn Sĩ - con trai võ sư nổi tiếng Hồ Sừng. Không như cha anh phải lay lắt kiếm nghề mưu sinh để giữ nghề võ trong quá khứ, Hồ Văn Sĩ bây giờ “sống khỏe” nhờ phục vụ khách du lịch bằng những “sô” biểu diễn võ nhạc và còn đi dạy võ để người dân, lực lượng dân quân tự vệ đất Tây Sơn thượng võ như thế hệ tiền nhân. Khí chất rắn rỏi, cương trực, thẳng thắn hòa trộn với tinh thần thượng võ của người Bình Định có thể thấy từ những đứa trẻ. Người Tây Sơn giờ xem chuyện đi học võ chính là cách thức để rèn luyện sức khỏe và bảo tồn tinh hoa võ thuật Bình Định... Khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC tại thành phố Quy Nhơn.
Đến với Bình Định, không thể bỏ qua việc tham quan thành phố biển Quy Nhơn. Thiên nhiên ban cho mảnh đất Quy Nhơn sự hài hòa giữa núi non cùng biển cả tạo nên cảnh sắc hùng vĩ. Mảnh đất này trải dài như hình cánh cung, với sự kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc tự nhiên đến từ biển cả và những resort, khách sạn sang trọng dưới bàn tay kiến tạo của con người. Hiện nay, ở Quy Nhơn đã có khu nghỉ dưỡng 5 sao cùng với nhiều dự án tiếp tục được đầu tư, như căn hộ khách sạn đẳng cấp 5 saođượ c xây dựng tại trung tâm thành phố. Với truyền thống văn hóa, cảnh quan tự nhiên, người dân bản địa mến khách, dễ hiểu vì sao Bình Định đang trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Ghi chép của BÌNH AN
|