CNQP&KT - Trao đổi với Đại tá Phạm Văn Vỹ, Giám đốc Nhà máy X61 (thuộc Binh chủng Hóa học), để hiểu rõ hơn về một cơ sở quốc phòng nòng cốt, đầu ngành về sản xuất trang - thiết bị, khí tài hóa học và sửa chữa xe máy, khí tài đặc chủng cho các đơn vị hóa học trong toàn quân.

 

Đại tá Phạm Văn Vỹ.

ĐIỂM TỰA TRUYỀN THỐNG VẺ VANG

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Giám đốc, để mọi người hiểu một cách khái quát nhất về Nhà máy, đồng chí có thể bày tỏ những gì?

Đại tá Phạm Văn Vỹ: Với bề dày hơn 5 thập kỷ, để nói một cách “khái quát nhất” về đơn vị quả thật không dễ. Có lẽ, tôi chỉ có thể nói một cách vắn tắt nhất thế này: Từ ngày đầu thành lập vào ngày 15/8/1967, Nhà máy X61 (ngày mới thành lập là Xưởng Khí tài hóa học X61) chỉ có gần 50 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ. Sau gần 20 năm, chính xác là vào tháng 4/1995, Bộ Tổng tham mưu ra quyết định “nâng” Xưởng Khí tài hóa học X61 thành Xí nghiệp X61, đồng thời, tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sửa chữa, sản xuất, nghiên cứu cải tiến trang bị, khí tài phòng hóa.

Tiếp đó, năm 2012, Bộ Tổng tham mưu ban hành quyết định về biểu tổ chức biên chế Xí nghiệp 61 tương đương cấp lữ đoàn, trực thuộc Binh chủng Hóa học. Đến năm 2015, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định nâng cấp và đổi tên Xí nghiệp 61 thành Nhà máy X61. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của Nhà máy. Từ đây, Nhà máy trở thành đơn vị cấp chiến lược, là cơ sở quốc phòng nòng cốt, đầu ngành về sản xuất trang - thiết bị, khí tài hóa học và sửa chữa xe máy, khí tài đặc chủng cho các đơn vị hóa học toàn quân… Bên cạnh đó, Nhà máy còn sản xuất một số trang - thiết bị, vật chất chuyên dùng cho Bộ Công an và phục vụ đời sống dân sinh. Ngoài ra, Nhà máy còn được Bộ Quốc phòng, Binh chủng Hóa học giao nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật trang - thiết bị phòng hóa cho Quân đội nhân dân Lào…

PV: Được biết, truyền thống sáng tạo của đơn vị đã được hun đúc từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vậy, hiện nay, truyền thống đó tiếp tục được kế thừa và phát triển như thế nào, thưa đồng chí Giám đốc?

Đại tá Phạm Văn Vỹ: Đúng vậy! Như tôi đã đề cập ở trên, Nhà máy X61 có tiền thân là Tổ sửa chữa cơ động được tách ra từ Kho Khí tài 61, để thành lập Xưởng Khí tài hóa học X61 trực thuộc Cục Hóa học, vào giữa năm 1967 - khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt. Chỉ 3 năm sau ngày thành lập, Xưởng Khí tài hóa học X61 đã sản xuất hàng trăm nghìn hộp lọc độc, mặt trùm KT-69, hộp ống chống khói, ống trinh độc, hộp khói, hòm hóa nghiệm, cùng hàng tấn than hoạt tính, vật tư các loại cung cấp cho các đơn vị quân đội và chiến trường miền Nam. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đã phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để sửa chữa, phục hồi, khai thác xe máy, khí tài, trang bị phòng hóa, như máy đo gió, vũ khí khói lửa... Sản phẩm của Xưởng đã được bộ đội Hóa học sử dụng để tạo khói bảo vệ Nhà máy Điện Yên Phụ (Hà Nội) và các công trình trọng điểm trên miền Bắc, nhằm chống lại sự đánh phá của Không quân Mỹ.

Phát huy truyền thống hào hùng, những kinh nghiệm từ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Nhà máy không ngừng nỗ lực sáng tạo, cải tiến, hồi phục số lượng lớn xe máy, trang bị khí tài hóa học, trong đó có nhiều loại quý hiếm, đồng thời tham gia sản xuất quốc phòng, nghiên cứu chế tạo nhiều sản phẩm mới đưa vào trang bị cho Quân đội.

Hơn 50 năm qua, hàng trăm đề tài khoa học - công nghệ và hàng nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Nhà máy đã được áp dụng hiệu quả. Trong đó, có nhiều đề tài đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học - Công nghệ; được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công; Bộ Quốc phòng, Binh chủng Hóa học và các bộ, ngành, địa phương khen thưởng. Nhiều sản phẩm giành huy chương Vàng và chứng nhận sản phẩm chất lượng cao tại các triển lãm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Tiêu biểu như sản phẩm đề tài "Nghiên cứu, chế tạo các phương tiện phát khói ngụy trang và trang bị A2" đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học- Công nghệ.

LÀM CHỦ DÂY CHUYỀN HIỆN ĐẠI, MỞ RỘNG DỊCH VỤ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

  PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về trình độ công nghệ, năng lực hiện có của Nhà máy X61?

Đại tá Phạm Văn Vỹ: Để thực hiện tốt chức năng đầu ngành về bảo đảm kỹ thuật và sản xuất trang - thiết bị phòng hóa, từ năm 2000 đến nay, Nhà máy liên tục được đầu tư dây chuyền công nghệ với trang - thiết bị hiện đại. Nổi bật là, năm 2007, Nhà máy tiếp tục được giao nhiệm vụ tiếp thu công nghệ sản xuất 4 loại ống trinh độc còn lại (OTĐ-36, OTĐ-46, OTĐ-45, OTĐ-49). Hiện nay, Nhà máy đã tự sản xuất được 5 loại ống trinh sát phát hiện các nhóm chất độc quân sự chủ yếu, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Cũng trong năm 2007, Nhà máy tiếp nhận Dự án Đầu tư dây chuyền sản xuất than hoạt tính tẩm xúc tác TX- 05, nhờ vậy đã chủ động được nguồn than hoạt tính chất lượng tốt cho sản xuất mặt nạ MV-5. Như vậy, trên 130 loại vật tư sản xuất mặt nạ MV-5, duy nhất chỉ còn giấy lọc là Nhà máy phải nhập ngoại, số còn lại được khai thác trong nước.

Năm 2009, Nhà máy được Binh chủng Hóa học giao tiếp nhận Dự án TBH-08, gồm các dây chuyền công nghệ: Sản xuất bao tiêu độc cá nhân TCN-10; bộ quần áo phòng da polime 5 lớp và mặt nạ cách ly MC-12 và bổ sung thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất các loại khí tài khói. Dự án hoàn thành, Nhà máy đã cơ bản bảo đảm được các trang bị phòng hóa cá nhân trang bị cho bộ đội. Một số sản phẩm còn phục vụ nhu cầu dân sinh và xuất khẩu, như mặt nạ MV-5, ống trinh độc v.v.

Năm 2014, Binh chủng Hóa học tiếp tục triển khai dự án đầu tư công nghệ sửa chữa các loại khí tài trinh sát NBC thế hệ mới (TSH-14) tại Nhà máy. Hiện nay, dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, bảo đảm chủ động được việc sửa chữa các khí tài trinh sát thế hệ mới trong nước, đảm bảo tiến độ thời gian, tiết kiệm ngân sách.

Huấn luyện chuyển giao kỹ thuật vận hành máy phay CNC 4 trục tại Nhà máy X61.  Ảnh: ĐÌNH ĐỨC

PV: Việc sản xuất được những sản phẩm đặc chủng mà đồng chí vừa đề cập có phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế không?

Đại tá Phạm Văn Vỹ: Tất nhiên rồi! Hệ thống trang - thiết bị và các sản phẩm mà tôi vừa đề cập được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận chất lượng. Cụ thể, Nhà máy đã được Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cấp Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001: 2008 cho hai sản phẩm mặt nạ MV-5, ống trinh độc và chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường theo Tiêu chuẩn Việt Nam ISO 14001: 2005 cho toàn bộ hoạt động sản xuất, sửa chữa tại Nhà máy.

PV: Để khai thác hiệu quả các dây chuyền công nghệ hiện đại trên, Nhà máy đã có những giải pháp gì, thưa đồng chí?

Đại tá Phạm Văn Vỹ: Tôi cho rằng, vấn đề then chốt phải là chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể đối với X61, Đảng ủy Nhà máy đã có nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên. Nhà máy thường xuyên rà soát, kiện toàn, bổ sung, sắp xếp lại lực lượng một cách hợp lý, bảo đảm cho các xưởng đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ. Trong đó, Nhà máy chú trọng việc bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Hằng năm, Nhà máy đều tổ chức tốt việc thi tay nghề, nâng bậc thợ cho quân nhân chuyên nghiệp và nhân viên kỹ thuật. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Nhà máy có sự phát triển đồng đều về trình độ, tay nghề; năng động, sáng tạo trong tiếp thu kiến thức, công nghệ mới; có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết gắn bó với đơn vị.

Nhà máy cũng lấy việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ, nhân viên, thợ kỹ thuật. Chỉ tính riêng năm 2018, Nhà máy đã công nhận 19 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đưa vào ứng dụng sản xuất, sửa chữa, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Không những thế, cán bộ Nhà máy còn tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng và biên soạn tài liệu phục vụ bảo đảm kỹ thuật sản xuất quốc phòng; huấn luyện phòng hóa toàn quân.

PV: Vừa qua, tôi được dự một cuộc tập huấn về sử dụng một số mặt nạ, kỹ năng thoát nạn khi có tình huống cháy, nổ do cán bộ của Nhà máy X61 hướng dẫn. Cuộc tập huấn được lãnh đạo TP. Hà Nội đánh giá rất cao. Đó có phải là một trong những hình thức giới thiệu sản phẩm, góp phần mở rộng sản xuất, tổ chức dịch vụ khoa học - công nghệ của Nhà máy?

Đại tá Phạm Văn Vỹ: Đúng vậy! Đó là một trong những hướng đi và giải pháp mở rộng sản xuất, phân phối sản phẩm của Nhà máy.

Những năm gần đây, Nhà máy X61 đã nghiên cứu thiết kế, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, tổ chức sản xuất 8 chủng loại sản phẩm với hàng trăm mặt hàng. Đó là các sản phẩm khói lửa, hệ thống phòng hô hấp tập thể - cá nhân, bộ quần áo phòng da, sản phẩm tiêu độc, vật liệu hấp phụ, các loại ống dò độc công nghiệp, sản phẩm về cao su - nhựa cao cấp... phục vụ cho quốc phòng, công nghiệp dân sinh và bảo đảm an ninh. Các hệ thống phòng hộ tập thể, cá nhân như hộp tái sinh ô-xy tập thể dùng trong nhà, trên tàu, xe kín, nơi đông người thiếu khí ô-xy; hệ thống thông gió lọc độc lắp đặt trong hệ thống hầm, nhà kín để lọc không khí ô nhiễm thành không khí sạch; hệ thống thông gió lọc độc trên xe và các loại hộp lọc độc, không khí ô nhiễm, quy mô dùng cho một người đến hàng trăm người sử dụng. Mặt nạ phòng độc V-5 của Nhà máy sản xuất theo hướng gọn nhẹ, bảo đảm những tính năng kỹ thuật chính như lọc độc, bụi, tác nhân sinh học, đặc biệt sử dụng trong công tác phòng cháy, chữa cháy...

PV: Điểm mấu chốt mà Nhà máy phấn đấu trong thời gian tới là gì?

Đại tá Phạm Văn Vỹ: Tôi nghĩ rằng, điểm mấu chốt trong những năm tới là lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy X61 phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hơn nữa năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tạo được “thương hiệu”, uy tín đối với khách hàng, xứng đáng là cơ sở quốc phòng nòng cốt, cơ sở kỹ thuật phòng hóa đầu ngành của toàn quân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

XUÂN GIANG (thực hiện)

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: