CNQP&KT - Đầu tháng 11/2018, tại Indonesia đã diễn raTriển lãm Quốc phòng Quốc tế (Indo Defence 2018) với sự tham dự của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tại triển lãm, lần đầu tiên Việt Nam tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm vũ khí, thiết bị quân sự do công nghiệp quốc phòng (CNQP) sản xuất.

 

Thiếu tướng, PGS, TS. Đoàn Hùng Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, Trưởng đoàn Việt Nam tại Indo Defence 2018, đã có cuộc trao đổi cởi mở, thắng thắn về quá trình CNQP Việt Nam tham gia cuộc triển lãm này.

Thiếu tướng, PGS, TS Đoàn Hùng Minh trong cuộc đối thoại với đại diện Ban Biên tập Tạp chí CNQP&Kinh tế.

CÔNG KHAI, MINH BẠCH NĂNG LỰC CNQP VIỆT NAM LÀ CHỦ TRƯƠNG MỚI

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục CNQP, với việc tham gia Indo Defence 2018, Việt Nam đã chính thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm vũ khí, trang bị “Made in Vietnam” ra thế giới. Vậy sự kiện này có ý nghĩa gì với quốc phòng Việt Nam nói chung và ngành CNQP nói riêng?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Tổng cục CNQP phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật CNQP (GAET) lần đầu mang sản phẩm tham gia một triển lãm vũ khí quốc tế.

Trước hết, tôi xin được nhấn mạnh, đây là một trong những hoạt động trọng điểm của công tác đối ngoại quốc phòng năm 2018, nhằm thực hiện chủ trương thúc đẩy hội nhập quốc tế về quốc phòng nói chung và hội nhập quốc tế về CNQP nói riêng. Tham gia triển lãm quốc tế là dịp để giới thiệu, quảng bá năng lực CNQP Việt Nam. Hơn thế, việc công khai, minh bạch năng lực CNQP Việt Nam là chủ trương mới, góp phần khẳng định lòng tin với bạn bè quốc tế và chứng minh nội lực của CNQP Việt Nam. Đó là CNQP Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp cận với xu hướng phát triển mới nhất trên thị trường quốc tế về vũ khí và công nghệ quân sự. Đây cũng là hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) để ngành CNQP Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác cả trước mắt và lâu dài, nhất là hợp tác trong chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm CNQP ra thế giới.

PV: Lần đầu tham dự một triển lãm lớn về vũ khí, trang thiết bị quân sự, hẳn công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Đúng thế! Lần đầu tiên Việt Nam tham dự một triển lãm về vũ khí, trang - thiết bị kỹ thuật, đòi hỏi công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng và từ rất sớm. Tổng cục CNQP và các cơ quan, đơn vị liên quan đã phải tiến hành nhiều nội dung; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, kế hoạch toàn diện, tổng thể nhưng cũng hết sức cụ thể, tỉ mỉ... Quá trình chuẩn bị, chúng ta phải thực hiện đồng bộ cả về nhân lực, sản phẩm, thiết kế, trưng bày, cả về công tác truyền thông, an ninh, an toàn, thủ tục xuất nhập khẩu… Trong đó, đặc biệt quan trọng là chuẩn bị về nhân lực.

Thực tế, công tác chuẩn bị được Bộ Quốc phòng chỉ đạo về mọi mặt, bảo đảm các sản phẩm mang đi có tính ưu việt, nổi trội, thậm chí tính tới cả khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

PV: Có câu “Đem chuông đi đánh xứ người”. Vậy tại Indo Defence 2018, chúng ta đã mang những sản phẩm gì để giới thiệu với bạn bè quốc tế, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Tại Indo Defence 2018, tất cả vũ khí, thiết bị quân sự mà chúng ta mang tới triển lãm đều là sản phẩm “Made in Vietnam”. Nghĩa là những sản phẩm do Việt Nam tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, hoặc là sản phẩm hợp tác chuyển giao công nghệ nhưng hoàn toàn chế tạo tại Việt Nam. Trong đó, có 3 nhóm sản phẩm chính, gồm: Vũ khí, đạn dược lục quân; tàu đóng mới; các sản phẩm điện tử công nghệ cao. Trong các nhóm sản phẩm này có cả sản phẩm quân sự, sản phẩm lưỡng dụng và sản phẩm kinh tế. Chẳng hạn, đối với nhóm sản phẩm tàu, ngoài tàu chiến cho lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, chúng ta còn trưng bày cả tàu lưỡng dụng, như: Tàu quân y, tàu cứu hộ cứu nạn, du thuyền, tàu đánh cá xuất khẩu, tàu dịch vụ dầu khí; các sản phẩm điện tử của Viettel có tính lưỡng dụng cao như máy bay không người lái, thiết bị thông tin liên lạc...

PV: Sản phẩm của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm như thế nào của bạn bè quốc tế tại triển lãm, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Tôi cho rằng, qua triển lãm vừa qua, chúng ta hoàn toàn tự tin về sản phẩm của CNQP Việt Nam. Bởi vì, có rất nhiều đoàn quân sự cấp cao các nước đến tham quan gian hàng Việt Nam và họ tỏ rõ sự quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam.Chúng ta cũng đã nhận được một số đề xuất mua sản phẩm.Báo chí quốc tế có uy tín trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng đã đến đưa tin, ghi hình, phỏng vấn tại gian hàng Việt Nam.

Việc sản phẩm do CNQP sản xuất được ứng dụng, sử dụng trong Quân đội là rất quan trọng. Bởi vì, uy tín và sức mạnh của Quân đội ta, tiềm lực và khả năng sáng tạo trong khai thác sử dụng là điều mà bạn bè quốc tế quan tâm, đánh giá cao. Sản phẩm của chúng ta cũng gây bất ngờ lớn với người xem vì lần đầu tiên họ thấy được năng lực tương đối toàn diện của CNQP Việt Nam, sự độc đáo, sáng tạo riêng biệt của sản phẩm. Tôi nghĩ, đây là thế mạnh mà chúng ta cần phát huy để sớm có vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.

ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU LÀ VIỆC LÀM CẤP BÁCH, QUAN TRỌNG

PV: Thưa đồng chí, chúng ta học được những kinh nghiệm gì từ triển lãm vũ khí tại Indonesia?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Ngay từ đầu, chúng ta đã xác định: Tham gia triển lãm không chỉ để học hỏi, rút kinh nghiệm, mà đã mang sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu thì phải đạt hiệu quả cả trước mắt và lâu dài. Khó nhất là chúng ta phải chuẩn bị mọi giải pháp có tính khả thi và hiệu quả, kể cả công tác an toàn, an ninh, bảo mật...

Thành công của gian hàng Việt Nam tại triển lãm lần này trước hết là xác định đúng chủ trương, giải pháp mà Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo, tiếp đến là lựa chọn sản phẩm mang đi trưng bày cũng có ý nghĩa quyết định. Bởi vì, sản phẩm trước hết là của Việt Nam, sở hữu trí tuệ Việt Nam, không phát sinh tranh chấp, không nảy sinh vấn đề về an ninh, an toàn, gây mâu thuẫn lợi ích về chính trị, quốc phòng trong quá trình tham gia; đồng thời sản phẩm phải có sự khác biệt so với các nước, đặc biệt là giữ được thương hiệu “Made in Vietnam”.

Một kinh nghiệm quý nữa là chúng ta phải lựa chọn đúng nhân sự tham gia triển lãm. Tôi rất phấn khởi khi những người được lựa chọn đã hoàn thành tốt công việc, rất tự tin thuyết trình, giới thiệu sản phẩm bằng tiếng Anh. Họ đều là những cán bộ, kỹ sư làm việc tại các viện nghiên cứu, làm ra các sản phẩm đó nên hiểu biết rất sâu. Đó là yếu tố góp phần quyết định thành công của triển lãm.

PV: Tham gia triển lãm là một chuyện, còn việc bán được sản phẩm hay không lại là chuyện khác. Để sản phẩm do CNQP Việt Nam sản xuất đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, chúng ta phải làm gì?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Để sản phẩm do CNQP Việt Nam sản xuất có sức cạnh tranh thì còn nhiều việc phải làm. Trong đó, chúng ta cần quan tâm đến việc hoàn thiện chất lượng, bảo đảm tính ổn định của sản phẩm, giá cạnh tranh; đẩy mạnh công tác thông tin, tiếp thị, hậu mãi và quan tâm tới việc nâng cao hiểu biết luật pháp quốc tế và thương mại quốc tế. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo đến sản xuất, kinh doanh, tiếp thị, cung ứng, thì việc xuất khẩu vũ khí của chúng ta mới mang lại hiệu quả tốt hơn.

PV: Qua lần đầu tham gia một triển lãm quốc tế về vũ khí, đồng chí có suy nghĩ gì về hoạt động XTTM cho các sản phẩm CNQP hiện nay?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Có một thực tế, tất cả các cơ sở CNQP được xây dựng với quy mô công suất phục vụ cho thời chiến, vì vậy, trong thời bình nhu cầu hạn chế. Do đó, việc đẩy mạnh hoạt động kết hợp kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế, trong đó có XTTM đẩy mạnh xuất khẩu là việc làm rất cấp bách, quan trọng, góp phần duy trì năng lực CNQP, bảo đảm việc làm cho người lao động. Vì vậy, ngoài thị trường trong nước, mở rộng thị trường quốc tế là yêu cầu tất yếu.Tuy nhiên, vươn ra thị trường quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác XTTM của chúng ta.

 PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn nội hàm của những khó khăn đó là gì?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Tôi cho rằng có cả khó khăn do khách quan và cả khó khăn do chủ quan.

Về khách quan, chúng ta đều biết rằng, áp lực cạnh tranh về sản phẩm CNQP trên thị trường quốc tế rất lớn.Chúng ta đi sau, các cường quốc về CNQP đã chiếm lĩnh được hầu hết thị phần.Luật pháp quốc tế về mua bán vũ khí, công nghệ quân sự rất khác so với mua bán hàng hóa dân dụng. Nghĩa là hàng hóa dân dụng đi theo hướng tự do hóa toàn cầu, thế giới phẳng, nhưng thị trường quốc tế về vũ khí thì ngày càng thắt chặt. Các thể chế đa phương và đơn phương trong cấm vận, kiểm soát, hạn chế mua bán, nhất là hạn chế các nước đi sau. Nếu không hiểu rõ luật pháp quốc tế sẽ rất dễ bị đối tượng của chúng ta tạo cớ gây tổn hại tới lợi ích. Do đó, thị trường thế giới có yếu tố rất đặc thù mà chúng ta phải có kinh nghiệm, hiểu biết luật pháp quốc tế.

Về chủ quan, thành công của công tác XTTM trên thị trường quốc tế phụ thuộc trước hết vào nội lực của chúng ta. Dù khó khăn về luật pháp, môi trường nhưng nếu chúng ta có sản phẩm tính năng ưu việt, nổi trội về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng ổn định, đáp ứng yêu cầu chuyên biệt của khách hàng, có giá cả hợp lý... thì hoàn toàn có thể tham gia vào thị trường này. Thực tế một số sản phẩm CNQP đã được xuất khẩu đi các nước.Tôi nghĩ, trong thời gian tới, việc tập trung giải quyết vấn đề nội lực có ý nghĩa quyết định.

Lẽ dĩ nhiên, những khó khăn khách quan và chủ quan chính là động lực để CNQP Việt Nam trong thời gian tới phải đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục hiện đại hóa máy móc, thiết bị công nghệ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực. Có như vậy chúng ta mới nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc và xuất khẩu.

 CÓ THỂ THAM GIA NHIỀU CUỘC TRIỂN LÃM QUỐC TẾ KHÁC

PV: Vậy, định hướng công tác XTTM của ngành CNQP trong thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Mặc dù khó khăn nhưng phải thấy rằng, XTTM CNQP đang có những lợi thế mà chúng ta cần tích cực phát huy. Trước hết, đó là uy tín của đất nước.Mối quan hệ quốc tế về chính trị, quốc phòng, kinh tế của Việt Nam với các nước cũng rất thuận lợi để chúng ta có môi trường thúc đẩy xuất khẩu.Đó là điều chúng ta phải tập trung khai thác, tranh thủ trong thời gian tới.

Trong hoạt động XTTM, phải ưu tiên đối tác và bạn bè tin cậy; tập trung vào những sản phẩm, lĩnh vực công nghệ mà Việt Nam có thế mạnh, có đặc thù, lợi thế, khả năng cạnh tranh riêng; xây dựng lực lượng chuyên trách, công ty thương mại quân sự, nguồn nhân lực hiểu biết luật pháp quốc tế, ngoại ngữ; mối quan hệ với đối tác và các dịch vụ đi kèm... Nói tóm lại, chúng ta phải tìm cách đa dạng hóa các giải pháp để bảo đảm lợi ích kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng trong hoạt động XTTM trên thị trường quốc tế. Kể cả đa dạng hóa các nguồn lực huy động cho nhiệm vụ này cũng như các phương thức thực hiện liên doanh, liên kết và hợp tác xuất, nhập khẩu với các nước đối tác và bạn bè.

PV: Sau thành công tại Triển lãm Indo Defence 2018, ngành CNQP xác định bước đi tiếp theo như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Đoàn Hùng Minh: Với việc Chính phủ cho phép tham gia triển lãm đầu tiên này đã tạo tiền lệ rất tốt cho các lần tiếp theo. Cũng xin nói thêm, ngay tại triển lãm có rất nhiều các nhà tổ chức sự kiện triển lãm quốc tế đã đến mời chúng ta đăng ký tham gia ở nước họ trong hai năm tiếp theo. Và cũng có rất nhiều đề xuất đặt hàng nhưng chúng ta không thể đàm phán ký kết hợp đồng tại đó được, mà kết nối địa chỉ mời họ sang Việt Nam. Để có những bước đi tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục theo dõi báo chí quốc tế tổng hợp, đánh giá, bình luận về sự tham gia của Việt Nam như thế nào, qua đó chúng ta có nhận định tổng quát, toàn diện hơn. Tôi tin chắc rằng, chúng ta hoàn toàn có thể tham gia nhiều cuộc triển lãm quốc tế khác trong tương lai. Tuy nhiên, mỗi lần tham gia phải tính toán kỹ để có hiệu quả, đạt lợi ích, thực sự thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu của CNQP Việt Nam thêm một bước mới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: