(CNQP&KT) - Tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là một trong ba chức năng cơ bản của Quân đội; trong đó, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài...

 

Tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là một trong ba chức năng cơ bản của Quân đội; trong đó, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài. Tuy nhiên, quá trình đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) sẽ có những biến động về cơ cấu, tổ chức, cần thống nhất cao về chủ trương và giải pháp thực hiện.

Phóng viên Tạp chí CNQP&Kinh tế đã có buổi “Gặp gỡ - Đối thoại” cùng Thiếu tướng Trần Gia Thịnh, nguyên Phó Chủ nhiệm – Tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, để cùng luận giải rõ hơn về vấn đề này.

       Kết hợp kinh tế - quốc phòng là yêu cầu khách quan

 

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Thiếu tướng, thời gian qua, một số ý kiến trên các trang mạng xã hội cho rằng, Quân đội không nên làm kinh tế nữa. Vậy quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

 

Thiếu tướng Trần Gia Thịnh: Lao động sản xuất là một trong ba chức năng cơ bản của Quân đội ta. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là nhiệm vụ chiến lược, là quan điểm nhất quán của Đảng từ trước tới nay. Việc thành lập các DNQĐ trước hết là để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Trên thực tế, nhờ kết hợp tốt hai nhiệm vụ này mà Quân đội đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn chiến lược

Đối với ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP), vấn đề giao nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế góp phần phát triển các doanh nghiệp quốc phòng đã được xác định trong Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Nhờ kết hợp tốt sản xuất quốc phòng với sản xuất kinh tế đã giúp các doanh nghiệp (DN) có điều kiện tái đầu tư chiều sâu, duy trì và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng, gìn giữ đội ngũ cán bộ, công nhân viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đồng thời cũng góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, củng cố sức mạnh Quân đội. Thực tiễn cho thấy, đơn vị nào làm kinh tế tốt sẽ có điều kiện làm quốc phòng tốt. Các nhà máy CNQP hiện đang có những sản phẩm kinh tế mũi nhọn là ví dụ điển hình. Đây là đòi hỏi khách quan, do đó việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng luôn là yếu tố sống còn đối với hệ thống các nhà máy CNQP hiện nay.

 

PV: Tôi nghĩ rằng, đối với DNQĐ, trong đó có các DN CNQP, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế. Chính trong Nghị quyết số 425- NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQĐ đến năm 2020 và những năm tiếp theo” có đánh giá: Hiệu quả hoạt động của không ít DN còn thấp?

 

Thiếu tướng Trần Gia Thịnh: Đánh giá trên là đúng. Theo góc nhìn của cá nhân tôi, nhìn chung, nhiều DNQĐ hoạt động còn thiếu tính chuyên nghiệp, cạnh tranh ở thị trường trong nước còn nhiều hạn chế, chưa nói đến cạnh tranh quốc tế. Bởi vậy, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, việc kiện toàn, nâng cao chất lượng quản trị DN phù hợp với tình hình mới, xu thế chung, nhất là trong hội nhập kinh tế quốc tế, là một giải pháp cần thiết. Nếu không, DN trong nước sẽ thua ngay trên sân nhà, nhất là khi DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều.

 

       Cổ phần hóa là xu thế chung

 

PV: Sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Vậy đồng chí nghĩ sao về vấn đề CPH?

 

Thiếu tướng Trần Gia Thịnh: Có thể nói, CPH là xu thế chung và tất yếu trong hoạt động của các DN toàn cầu. Có hai hình thức CPH, thứ nhất, đó là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện việc thoái vốn, bán cổ phiếu rộng rãi ra công chúng; thứ hai, các tổ chức, cá nhân góp vốn, hình thành công ty cổ phần. DN CPH được các chuyên gia kinh tế đánh giá là xu thế ưu việt, đặc biệt là khi lên sàn chứng khoán. Nếu DN hoạt động hiệu quả, giá cổ phiếu sẽ tăng và nhiều nhà đầu tư quan tâm; nếu không hiệu quả, giá cổ phiếu thấp và thậm chí DN phải phá sản. Với một DN thì phá sản là điều không ai muốn, nhưng với cả nền kinh tế quốc dân thì việc loại bỏ một bộ phận nhỏ DN yếu kém lại là đòi hỏi tự nhiên của quá trình phát triển. Vì thế, CPH là xu thế tất yếu. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, chúng ta cần tổ chức thực hiện tốt vì tính đúng đắn của chủ trương này.

 

PV: Tuy nhiên, việc triển khai CPH ở nước ta thời gian qua còn chậm, thậm chí nhiều DN ngại CPH. Đâu là nguyên nhân mà DNNN nói chung, nhiều DNQĐ nói riêng không muốn thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại, CPH, thưa đồng chí? 

 

Thiếu tướng Trần Gia Thịnh: Công tâm mà nói, trước đây nhờ cơ chế Nhà nước đầu tư và chính sách ưu đãi thì mới có một loạt DNNN và DNQĐ như ngày nay. Tôi nghĩ, do quen với chính sách ưu đãi trong thời gian dài, nên nhiều DNNN có tâm lý ngại thay đổi. Đây là một trong những nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đòi hỏi Nhà nước kéo dài chính sách ưu tiên cho DNNN là điều không phù hợp. Vì vậy, CPH là xu hướng đúng, là con đường đưa DN hoạt động lành mạnh và tăng cạnh tranh để tồn tại trong cơ chế thị trường.

 

PV: Như vậy có nghĩa là, cần phải quyết liệt trong tiến hành CPH DNQĐ?

 

Thiếu tướng Trần Gia Thịnh: Tất yếu là như thế. Nhưng để thực hiện phải có kế hoạch rất cụ thể, phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng với từng DN. Không thể nói từ chủ trương chung để ồ ạt CPH. Phải xem xét DN nào đủ điều kiện CPH; phải tính đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đối với từng DN mà Nhà nước giữ 100% vốn.

 

PV: Trong số các DNQĐ hiện nay, có các DN CNQP nòng cốt. Vậy về lâu dài, có nên CPH các DN này như một số nước đã làm hay không, thưa đồng chí?

 

Thiếu tướng Trần Gia Thịnh: Trên thế giới, nhiều DN tư nhân sản xuất phục vụ quốc phòng rất tốt. Quá trình hình thành và phát triển của họ có nhiều điều kiện khác chúng ta. Với trình độ của Việt Nam, việc CPH DN CNQP nòng cốt cần phải tính toán thật kỹ. Trước hết, các DN phải được chuẩn bị đủ các yếu tố về nhận thức, trình độ KHCN, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, đội ngũ, vốn… để đủ năng lực đứng vững trong cơ chế thị trường. Không đảm bảo các yếu tố đó rất dễ tổn hại đến thành quả xây dựng, phát triển hàng chục năm của DN CNQP. Cơ chế thị trường rất khốc liệt, đồng thời cũng là nơi đào luyện cho các DN và các nhà quản trị DN giỏi phục vụ đất nước. Vì vậy, dù hoạt động dưới mô hình quản lý nào cũng phải tránh để mặt trái của cơ chế thị trường xâm hại những lợi ích cốt lõi của DN quốc phòng.

 

PV: Thưa đồng chí, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) đã chỉ rõ cần đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng “kiên quyết cổ phần, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần”. Còn Nghị quyết 425 của Quân ủy Trung ương đã xác định cụ thể việc “kiên quyết cổ phần hóa các doanh nghiệp không có hoặc ít có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng”. Đồng chí nghĩ sao về sự kiên quyết này?

 

Thiếu tướng Trần Gia Thịnh: Việc CPH DN thuần kinh tế hoặc có nhiệm vụ quốc phòng ít là hoàn toàn phù hợp; sắp xếp lại DN nhỏ lẻ để có quy mô lớn là hợp lý. Xuất phát từ quan điểm và tính nhất quán trong các Nghị quyết của Đảng về việc “kiên quyết cổ phần hóa”, tôi nghĩ các cơ quan quản lý cũng như các DNNN phải nghiêm túc thực hiện. Dĩ nhiên, như tôi đã nói ở trên, sắp xếp, cơ cấu lại là việc không thể trì hoãn nhưng quá trình thực hiện phải thận trọng, phải tiến hành từng bước để đem lại sự đổi thay tích cực. Suy cho cùng, quy mô DN lớn hay nhỏ đều phải lấy hiệu quả hoạt động làm thước đo.

 

      Phát triển bền vững của doanh nghiệp là xuất khẩu sản phẩm quốc phòng

 

PV: Thưa đồng chí, sau khi cơ cấu, sắp xếp lại, các DN CNQP sẽ được tổ chức thành các tổng công ty (TCT) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Đồng chí nghĩ sao về tính tự chủ của DN theo mô hình mới?

 

Thiếu tướng Trần Gia Thịnh: Hiện nay, nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các DN CNQP vẫn là sản xuất hàng quốc phòng theo các chỉ tiêu pháp lệnh; còn sản xuất sản phẩm kinh tế do các DN tự bươn chải trên thị trường. Nếu sáp nhập mà TCT “bao tiêu” toàn bộ công việc cho các đơn vị thành viên sẽ rất khó khăn. Trong quản trị DN hiện đại, người ta tăng cường hành lang pháp lý, định hướng bằng cơ chế, chính sách và tăng trách nhiệm của bên dưới. Tôi cho rằng, nếu hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thì định hướng trong đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh vẫn phải là TCT, còn trực tiếp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh nên do đơn vị thành viên thực hiện. Không cân nhắc kỹ, dễ dẫn đến tình trạng thụ động, ỷ lại, dẫn tới hiệu quả hoạt động thấp đi.

 

PV: Theo đồng chí, mô hình TCT có quá sức với DN CNQP và người đứng đầu DN hay không?

 

Thiếu tướng Trần Gia Thịnh: Cái gì mới cũng dễ có lúng túng ban đầu, tuy nhiên, khi thực tế đòi hỏi cao hơn thì DN phải tự thích ứng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đối với người đứng đầu DN, việc tự học hỏi là yêu cầu thường xuyên. Dĩ nhiên, cấp trên cũng cần tạo điều kiện để đào tạo lại và sàng lọc, tuyển chọn những người xứng đáng vào vị trí điều hành DN.

PV: Dù hoạt động dưới mô hình tổ chức nào thì điều quan trọng DN CNQP cần hướng tới sự phát triển bền vững, thưa đồng chí?

 

Thiếu tướng Trần Gia Thịnh: Đúng thế! Theo tôi, định hướng phát triển bền vững của các DN CNQP là hướng đến xuất khẩu sản phẩm quốc phòng và đây là một giải pháp quan trọng. Thực tế, các DN CNQP trên thế giới sản xuất phục vụ trong nước chỉ một phần, còn phần đáng kể cung cấp ra thị trường thế giới. Chúng ta cũng phải hướng tới mục tiêu đó. Muốn vậy, phải đầu tư để có trình độ KHCN cao, năng suất cao, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, sản phẩm phải hấp dẫn được nhu cầu của thị trường… Dồn dịch, sắp xếp, cơ cấu lại và tăng hiệu quả hoạt động của DN CNQP cũng là để hướng tới mục tiêu này.

 

PV: Khi sắp xếp DN sẽ có biến động về quy mô, tổ chức dễ nảy sinh những tâm tư. Vấn đề này nên giải quyết như thế nào, thưa đồng chí?

 

Thiếu tướng Trần Gia Thịnh: Trước tiên, các cấp ủy Đảng, người chỉ huy, tổ chức đoàn thể phải làm tốt công tác tư tưởng. Cần thấu suốt quan điểm, sắp xếp DN không có nghĩa là giải tán mà chỉ dồn dịch, hợp nhất, cơ cấu lại để tăng hiệu quả hoạt động… Nhiệm vụ quốc phòng và sản xuất kinh tế của từng đơn vị vẫn phải theo xu hướng phát triển. Thực tế, chúng ta đã CPH nhiều DN, sắp xếp, dồn dịch nhiều DNQĐ và bây giờ là bước tiếp theo, nên tôi tin, chúng ta có kinh nghiệm để thực hiện tốt.

 

        Lạc quan với bước phát triển mới của ngành CNQP

 

PV: Thưa, đồng chí nghĩ sao khi trong Nghị quyết 425 của Quân ủy Trung ương có đề cập đến việc tách chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNQĐ?

 

Thiếu tướng Trần Gia Thịnh: Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và cũng là quy luật để các DN phát triển tốt. Tách chức năng quản lý nhà nước và chủ sở hữu ra khỏi DN để DN hoạt động đầy đủ theo Luật Doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không thể để cấp trên chịu trách nhiệm khi DN làm ăn thua lỗ và DN đổ lỗi do cấp trên chỉ đạo. Mặt khác, không phải cơ quan cấp trên nào cũng có tính chuyên nghiệp để chỉ đạo những vấn đề cụ thể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

 

PV: Là người đã trưởng thành, gắn bó và trải qua nhiều cương vị khác nhau ở Tổng cục CNQP, đồng chí suy nghĩ sao về bước phát triển của ngành CNQP trong thời gian tới?

 

Thiếu tướng Trần Gia Thịnh: Ngành CNQP đã trải qua hơn 72 năm xây dựng và phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu sửa chữa, sản xuất vũ khí, trang bị cho Quân đội trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Trong thời gian tới, nếu có sự sắp xếp, dồn dịch, xáo trộn nào đó, thì tôi vẫn luôn lạc quan với bước phát triển mới của ngành CNQP. Khi đã có tổ chức và cơ chế quản lý đúng, cho dù có thể có những điều chưa thích nghi được ngay, nhưng tôi tin, chúng ta sẽ bắt nhịp và gặt hái những thành công mới trong việc bảo đảm vũ khí, trang bị cho Quân đội. Quy luật tự nhiên sẽ không thể làm chúng ta thụt lùi. Hơn thế, những đòi hỏi khách quan của cuộc sống sẽ giúp các DN hoạt động tốt hơn; ngành CNQP từng bước vượt qua thách thức và tiếp tục phát triển.

 

 PV: Xin cảm ơn đồng chí!  

     NHẤT NGÔN - NAM ANH

(thực hiện)

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: