Khúc tráng ca lặng lẽ21/09/2020CNQP&KT - Mỗi khi trên báo chí, truyền hình xuất hiện hình ảnh những loại vũ khí mới, những gam tàu chiến hiện đại, ai cũng cảm thấy tự hào về sức mạnh của Quân đội ta. Có điều, đằng sau những sản phẩm đặc biệt đó là bao mồ hôi, công sức, thậm chí cả bằng máu của những người lính thợ công nghiệp quốc phòng (CNQP). Do đặc thù công việc, có những điều mà nhiều người chưa biết về họ... LÀM LẠI TỪ ĐẦU SAU “CƠN ĐỊA CHẤN”! Đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn không quên cái ngày được cử lên công tác tại Nhà máy Z115 và chứng kiến một khung cảnh đau lòng: Toàn bộ Nhà máy rộng nhiều héc-ta gần như bị san phẳng sau những tiếng nổ kinh hoàng! Sự việc xảy ra vào một buổi tối mùa hè năm 2003, gây chấn động tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này). Liên tiếp 6 kho đạn cấp 5 (loại đạn đã hết thời hạn sử dụng, đang chờ tháo gỡ thuốc nổ để tái chế) bỗng nhiên phát nổ! Dư chấn của hàng nghìn quả đạn đã san phẳng khu vực nhà xưởng, kho tàng, làm cho nhiều nhà dân gần đó bị sập mái, nứt tường; cách chục km còn bị rạn cửa kính… Rất may, những kho đạn này được quy hoạch vào một khu riêng, được che chắn bởi những ụ đất cao, sự cố xảy ra ngoài giờ sản xuất nên không gây thiệt hại về người. Trước đó ít năm, cùng lúc 7 công nhân Nhà máy Z115 đã hy sinh khi đang xử lý, tháo gỡ thuốc nổ trong đạn của địch để lại từ hồi chiến tranh, giúp một đơn vị phía Nam. Cho đến nay, mỗi khi nhắc lại những sự kiện này, cán bộ, công nhân viên đang công tác trong ngành CNQP đều coi đó là những bài học đắt giá về công tác an toàn trong quá trình sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật. ![]() Tiếp chúng tôi tại trụ sở, trong căn phòng khách sang trọng, có bức tranh màu hổ phách bằng đá hoa cương, Đại tá Lê Ngọc Thân, Giám đốc Nhà máy Z115, đã không quên nhắc tới những đóng góp thầm lặng của các thế hệ đi trước. Anh bày tỏ: Đặc thù sản xuất quốc phòng luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, Nhà máy Z115 đã trải qua những biến cố, thăng trầm, có lúc tưởng như không gượng dậy nổi. Sau sự cố xảy ra năm 2003, Z115 đã phải xây dựng lại từ đầu về cơ sở vật chất, nhưng cũng chính vì thế, Nhà máy đã nỗ lực kiến tạo để chuyển mình mạnh mẽ sau gần 2 thập niên. Có thể nói, “cơn địa chấn” là dịp thử thách bản lĩnh và ý chí người lính thợ quốc phòng. Thời điểm ấy, cùng lúc Nhà máy Z115 phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, như: Triển khai xây dựng Xí nghiệp Tổng lắp đạn và sản xuất thuốc nổ công nghiệp (cách trung tâm Nhà máy gần 40km); xây dựng lại nhà xưởng, kho tàng, cải tạo kết cấu hạ tầng, đầu tư mua sắm thêm máy móc, thiết bị mới, khôi phục nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, điều chuyển lực lượng đi “làm nhờ” ở nhà máy bạn, ổn định đời sống cho người lao động... Cứ như thế, ngày qua ngày, hoạt động sản xuất đã từng bước được khôi phục. Các sản phẩm quốc phòng tiếp tục được xuất xưởng. Các sản phẩm kinh tế vẫn “ra lò” đều đặn, đặc biệt là thuốc nổ ANFO, thuốc nổ chịu nước, mồi nổ mạnh phục vụ các ngành khai khoáng, xây dựng. Nhờ thế, Nhà máy không bị “mất mối” làm ăn, đời sống, thu nhập của cán bộ, công nhân viên từng bước cải thiện, nâng cao. Từ trong hoang tàn, đổ nát, Nhà máy Z115 đã gượng dậy, hồi phục và phát triển, để đến nay trở thành một trong những đơn vị thuộc Top đầu của Tổng cục CNQP. Những “con số biết nói” do cơ quan chính trị Nhà máy cung cấp cho tôi đã thể hiện rõ điều đó. Cụ thể, từ năm 2015 đến năm 2019, mức tăng trưởng doanh thu hằng năm của Nhà máy đạt bình quân 14,22%/năm (tiêu biểu là năm 2018 tăng 29%); tỷ suất lợi nhuận/vốn nhà nước đạt 14%/năm; thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy Z115 là một trong số ít đơn vị thuộc Tổng cục CNQP có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm (trong đó, năm 2019 vừa qua đạt 1.226 tỷ đồng).
Đại tá Lê Ngọc Thân cũng cho biết, anh được cấp trên điều động, bổ nhiệm về công tác tại đơn vị từ đầu năm 2015 và rất vinh dự hai lần được đại diện các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy đón nhận danh hiệu danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới (năm 2015) và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (năm 2018). “Vinh dự, tự hào cũng gắn liền với trách nhiệm lớn lao. Tôi và tập thể lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy luôn xác định phải cố gắng gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của đơn vị, chung sức, đồng lòng cùng cán bộ, công nhân viên, người lao động nỗ lực lao động sản xuất, phấn đấu đưa Nhà máy tiếp tục phát triển vững chắc” - Giám đốc Lê Ngọc Thân bộc bạch. ![]() TRONG GIAN KHÓ MỚI TỎ ANH HÙNG! Trong quá trình tìm hiểu, khai thác tư liệu phục vụ bài viết này, tôi may mắn gặp được một nhân vật cũng rất nổi tiếng trong Tổng cục CNQP, đó là Đại tá Hoàng Hữu Mùi, nguyên Giám đốc Nhà máy Z131, người vẫn được mọi người gọi đùa là “anh Mùi đen”. Cũng như Đại tá Lê Ngọc Thân ở Z115, thời kỳ giữ cương vị Giám đốc Nhà máy Z131, “anh Mùi đen” 2 lần vinh dự được đại diện Nhà máy đón nhận danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lao động năm 2012 và Anh hùng LLVT nhân dân năm 2014). Thế nhưng, trong vinh quang chung vẫn có những nỗi buồn riêng. Gặp tôi, Đại tá Hoàng Hữu Mùi bày tỏ: “Nếu nhà báo có viết thì không nên nói về cá nhân tôi mà hãy viết về tập thể, về những người lao động trong Nhà máy và cả những người đã hy sinh... Tôi chỉ là người may mắn đại diện cho tập thể lên nhận những phần thưởng cao quý đó thôi…”. Anh nói với ánh mắt đượm buồn! Ai đến Nhà máy Z131 hôm nay, nếu để ý sẽ thấy tại vị trí đặt xưởng máy đầu tiên thời kháng chiến chống Mỹ, có khu tưởng niệm 8 liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, trong đó có những nữ công nhân tuổi đời còn rất trẻ. Thời chiến tranh, Nhà máy V131 (nay là Z131) là một trong những mục tiêu bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ. Vượt lên vô vàn khó khăn, thử thách, những người lính thợ Z131 đã sản xuất hàng nghìn viên đạn B40, B41, lựu đạn, mìn… phục vụ các chiến trường, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Tôi đã có dịp tiếp xúc với một số người là nhân chứng của sự hy sinh, mất mát trong quá trình sản xuất vũ khí của Nhà máy Z131, trong đó có bà Phùng Thị Toan. Trong ký ức, bà Toan không bao giờ quên ngày 20/11/1967, máy bay Mỹ ào tới ném bom khu vực lán trại hậu cần và nơi đặt xưởng máy. Sau tiếng bom nổ, bà chứng kiến cảnh người bạn gái bị rất nhiều mảnh bom bi găm vào, người bê bết máu… Đó cũng là liệt sĩ đầu tiên của Nhà máy Z131. Còn bà Nguyễn Thị Đàm, một công nhân trực tiếp sản xuất vũ khí thời đánh Mỹ, bùi ngùi kể với tôi, có lẽ bà còn sống được đến ngày hôm nay là nhờ sự may mắn, bởi có tới 2 lần bà thoát chết trong gang tấc. Lần thứ nhất, năm 1972, Tổ Tổng lắp vũ khí của bà đang sản xuất lựu đạn cầu để kịp chuyển vào Nam cho các đơn vị chiến đấu. Đã hết giờ làm việc nhưng cô bạn cùng tổ (tên là Sớ) vẫn tranh thủ làm thêm. Cô nói: “Chị cứ về trước đi, em ở lại làm thêm mấy quả nữa rồi sẽ về sau”. Thật đau lòng, khi bà Đàm vừa rời khỏi phân xưởng chừng 2 phút thì nghe một tiếng nổ lớn, và bà đã không bao giờ còn được làm việc với người bạn ấy nữa. Lần thứ hai, vào năm 1986, thời kỳ bảo vệ biên giới phía Bắc, hôm ấy có việc riêng, bà được mọi người ưu tiên cho về trước. Thời gian cũng chỉ tính bằng vài chục cái “tích tắc”. Lại là một tiếng nổ oan nghiệt! Cô Út, người bạn thân thiết nhất của bà đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Phổ Yên (Thái Nguyên), nơi đặt xưởng máy đầu tiên... Đó là những trường hợp hy sinh trong thời chiến và trước giai đoạn đổi mới, nhưng đối với người lính thợ quốc phòng, ngay cả khi đất nước đã yên bình cũng chưa phải đã hết đau thương, mất mát. Trở lại với câu chuyện của “anh Mùi đen”. Sau này, khi “giã từ vũ khí” trở lại với cuộc sống đời thường, anh mới kể cho tôi nghe những lần tham gia phá bom, hủy đạn, sản xuất thuốc nổ… vô cùng nguy hiểm. Tại Phòng Truyền thống của Nhà máy Z131 hiện đang treo một bức ảnh đã ố vàng, ở một vị trí khiêm tốn trong ảnh, giữa một núi bom, thủy lôi của địch để lại từ hồi chiến tranh, nổi bật một người nhỏ bé khoác trên mình bộ quân phục bạc màu. Đó chính là “anh Mùi đen” (khi đó anh là Phó giám đốc kỹ thuật - PV). Ít ai ngờ, đó là người đã trực tiếp chỉ huy, góp phần vô hiệu hóa hàng tấn bom, thủy lôi của địch. Từng rạng rỡ khuôn mặt chiến thắng, anh Mùi không thể ngờ rằng, sự nguy hiểm lại xảy đến với đồng đội mình, ngay chính tại Nhà máy. Đó là vào năm 2006, Nhà máy Z131 liên tiếp xảy ra 2 vụ nổ trong khu vực sản xuất thuốc nổ nhũ tương, làm 6 cán bộ, công nhân tử nạn và bị thương… Hai vụ tai nạn lại xảy ra trên cùng một dây chuyền sản xuất, đã hằn sâu, ám ảnh tâm trí những người chứng kiến, đến mức sau khi đã tìm hiểu rõ nguyên nhân, cải tạo thay thế thiết bị, khôi phục sản xuất, nhiều công nhân vẫn tỏ ra hoang mang, chưa yên tâm làm việc. Phải có người dũng cảm trực tiếp “làm trước”. Mệnh lệnh đó được phát ra từ chỉ huy Nhà máy. Và “anh Mùi đen” đã cùng một công nhân trong bộ phận điều khiển dây chuyền xung phong vào vận hành thiết bị. Dây chuyền được khởi động, tiếng máy chạy ù ù. Không gian như ngưng lại. 5 giây, 10 giây, 30 giây... Các chế độ nhiệt, áp suất, đồng hồ lưu lượng kế hoạt động tốt. 2 phút, 4 phút, 5 phút… Động cơ máy vẫn chạy êm. “Anh Mùi đen” bình thản kiểm tra từng chi tiết máy, ghé tai từng bộ phận nghe ngóng, đến tận vị trí mà đồng đội đã hy sinh để xem xét. 7 phút, 10 phút… Tất cả đều tốt đẹp. Hoàng Hữu Mùi và người đồng đội bước ra khỏi xưởng sản xuất như những người lính thắng trận trở về. Mọi người ào đến chúc mừng các anh. Bản lĩnh, kiến thức, sự dũng cảm, tự tin đã giúp họ vượt qua thử thách!
Cho đến thời điểm này, sau 14 năm, dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương ở Nhà máy Z131 tiếp tục hoạt động an toàn, tất cả các thông số kỹ thuật luôn đảm bảo tốt, người công nhân thực sự yên tâm khi sản xuất. Sự hy sinh, mất mát là điều không gì có thể bù đắp nổi. Chính vì thế, các cán bộ, kỹ sư của Nhà máy đã tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, đồng thời cũng tự rút ra những kinh nghiệm xương máu để hạn chế những bất trắc, rủi ro… Điều quan trọng là từ trong đau thương, những người lính thợ Z131 đã bền gan, vững chí, đoàn kết cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vươn lên trở thành đơn vị “đầu tàu” của Tổng cục CNQP. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Nhà máy Z131, cho biết: Cán bộ, công nhân viên, người lao động hôm nay luôn ghi nhớ công lao của các thế hệ đi trước và cố gắng phát huy truyền thống tốt đẹp đó. 5 năm gần đây, Nhà máy đã sản xuất hơn 30 loại sản phẩm quốc phòng, trong đó có một số sản phẩm mới, như: đạn lựu phóng ĐLP-17, vũ khí phá vật cản FMV-B1, mìn MB-N7, mìn nước cho Hải quân, các loại thủy lôi. Cùng với đó, Nhà máy đã thực hiện tốt khâu đột phá về đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó thuốc nổ công nghiệp là một trong những sản phẩm chủ lực, bình quân mỗi năm sản xuất đạt trên 17.000 tấn. Nhờ kết hợp tốt quốc phòng với kinh tế, Nhà máy duy trì được năng lực sản xuất quốc phòng, bảo đảm thu nhập, đời sống người lao động với mức thu nhập bình quân đạt hơn 12,7 triệu đồng/người/tháng. ![]() Tuy nhiên, vấn đề an toàn trong sản xuất luôn được lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy Z131 đặc biệt quan tâm. “Không chỉ riêng với Z131 mà tất cả các nhà máy quốc phòng cần phải được Nhà nước quan tâm hơn nữa, tăng cường nghiên cứu đầu tư cải tiến, cơ khí hóa, tự động hóa để từng bước hạn chế người lao động trực tiếp tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất…”, Giám đốc Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ với tôi như vậy. NGUY HIỂM, ĐỘC HẠI TRONG NHỮNG PHÚT VÀO CA Nếu nói về sự cố trong các nhà máy quốc phòng, hẳn nhiều người chưa quên vụ nổ năm 2013 tại Nhà máy Z121, doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất pháo hoa. Vụ nổ hy hữu đó không chỉ phá hủy hệ thống nhà xưởng sản xuất, mà gây thiệt hại nặng nề về người, với 26 công nhân tử vong… Trung tá Nguyễn Hữu Đức, Giám đốc Xí nghiệp 4 - Sản xuất pháo hoa, thuốc nổ (Nhà máy Z121) nhớ lại: “Đó là thời khắc bi thương nhất của Nhà máy. Lúc đó tôi đang là Phó phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm, đã cùng mọi người lao vào dập lửa, cứu hộ. Cứ nghĩ không biết bao giờ mới khôi phục lại được sản xuất…”. Rất may, sau một thời gian tạm ngừng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã cho phép Nhà máy Z121 tiếp tục sản xuất sản phẩm đặc biệt này. Điều đó không chỉ nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người lao động của Nhà máy, mà vì đất nước không thể không sử dụng pháo hoa, cách tốt nhất vẫn là sản xuất và bảo quản cho tốt. Hiện nay, khu vực sản xuất pháo hoa được quy hoạch ra một nơi riêng, bảo đảm an toàn. Trung tá Nguyễn Hữu Đức phấn khởi cho chúng tôi biết: Dây chuyền được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu và các nước tiên tiến trên thế giới; nhà xưởng được đầu tư trang, thiết bị đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2016 với công suất hơn 300.000 quả pháo hoa tầm cao, 30.000 giàn pháo hoa tầm thấp và 10.000 giàn hỏa thuật các loại mỗi năm. Các sản phẩm pháo hoa không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí trong nước vào dịp lễ hội, mà còn xuất khẩu sang các nước, như: Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan và sắp tới là Liên minh châu Âu (EU). Rút kinh nghiệm từ sự cố năm 2013, công tác an toàn được lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy Z121 đề ra với những quy định nghiêm ngặt: Tất cả cán bộ, công nhân không được hút thuốc lá, phải để điện thoại hoặc những vật dễ gây cháy nổ ngoài cổng bảo vệ. Được ‘thực mục sở thị” nơi sản xuất pháo hoa, chúng tôi thấy tất cả các chặng sản xuất đều có hệ thống báo cháy cứu hỏa tự động hiện đại. Khi có dấu hiệu mất an toàn, hệ thống phun nước sẽ phun trực tiếp xuống vị trí đó để dập lửa. Thời gian từ lúc phát ra tia lửa đến khi xả nước không quá 5 giây. Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, trang phục của công nhân từ quần áo bảo hộ, găng tay, mặt nạ, mũ, giày, băng khẩu trang... đều làm bằng cotton. Tuy nhiên, pháo hoa chỉ là mặt hàng kinh tế, nhiệm vụ chính của Nhà máy Z121 vẫn là sản xuất các loại sản phẩm, như: hoả cụ, đạn dược, thuốc nổ, phụ kiện nổ, những sản phẩm này vừa mang tính nguy hiểm lại độc hại. Trong những năm qua, mặc dù duy trì nghiêm kỷ luật lao động, đề ra nhiều biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhưng do tính chất công việc, Nhà máy hiện vẫn là một trong những đơn vị có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao trong Tổng cục. Thậm chí, nhiều người đã mắc các chứng bệnh về phổi, tim mạch, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe về sau... Đề cập đến công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp trong các nhà máy sản xuất quốc phòng, Đại tá Lê Văn Nghĩa, Trưởng phòng Quân y, Tổng cục CNQP cho rằng: Mỗi loại bệnh có giải pháp kỹ thuật và y tế khác nhau, nhưng điểm chung là phải đổi mới trang - thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phải được đầu tư, bố trí lao động theo ca phù hợp, thực hiện tốt trang bị bảo hộ lao động, thường xuyên kiểm tra sức khỏe và có chế độ nghỉ ngơi, bồi dưỡng để khắc phục những yếu tố gây bệnh. THAY CHO LỜI KẾT Tôi may mắn được sống và làm việc nhiều năm trong Tổng cục CNQP, được thấu cảm bao vui buồn, sướng khổ của những người lính thợ, và lớn hơn là chứng kiến sự đổi thay, phát triển của ngành. Có thể nói, trong những năm qua, CNQP Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia. Trong đó, năng lực sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật có bước đột phá, đã làm chủ công nghệ sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược trang bị cho sư đoàn bộ binh; sản xuất vũ khí phòng không tầm thấp, đạn pháo, đạn trên tàu Hải quân, đạn nhiệt áp; sản xuất các loại thuốc phóng, thuốc nổ mạnh. Đặc biệt, năng lực đóng mới các loại tàu quân sự đã đạt tầm khu vực và thế giới, trong đó có những gam tàu đòi hỏi trình độ công nghệ rất cao như tàu pháo TT-400TP, tàu tên lửa tấn công nhanh... Hiện nay, hơn 80% vũ khí, trang bị kỹ thuật do CNQP sản xuất và sửa chữa là kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học trong nước. Thành công đó có những đóng góp rất lớn của các thế hệ lính thợ CNQP. Những nhân vật mà tôi đã gặp, những câu chuyện mà tôi được nghe, chưa thể nói hết những mất mát, hy sinh trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật của ngành CNQP. Thời gian đã làm dịu đi nỗi đau và tôi cũng không có ý gợi lại những chuyện thương tâm từng xảy ra trong các nhà máy sản xuất quốc phòng. Nhưng tôi vẫn muốn nói một điều rằng, chiến tranh đã lùi xa, hoà bình đã trở lại với mảnh đất hình chữ S, vậy mà những người lính thợ quốc phòng vẫn đang từng giờ, từng phút đối mặt với thách thức, hiểm nguy. Họ ý thức rõ điều đó, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Và rồi, các thế hệ lính thợ cứ tiếp nối nhau, thầm lặng lao động, cống hiến, thầm lặng viết nên những khúc tráng ca vẻ vang của ngành Quân giới - CNQP Việt Nam anh hùng. Đó là những khúc tráng ca lặng lẽ! Tháng 8/2020 Phóng sự của TRẦN HOÀNG |