Z125 - Tự hào với thế hệ cha anh28/09/2020CNQP&KT - Tiền thân là Xưởng Sửa chữa pháo I, trực thuộc Cục Quân giới (nay là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - CNQP), qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Nhà máy Z125 luôn phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. NHỮNG TRANG SỬ VẺ VANG Nhà máy Z125 đóng quân trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đây vốn là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng chống giặc ngoại xâm. Có lẽ bởi vậy, mà “tinh thần, ý chí quật cường của Thánh Gióng” dường như đã thấm sâu vào suy nghĩ, hành động của những người lính thợ Quân giới nơi đây. Lật giở lại những trang sử vàng truyền thống của đơn vị, chúng tôi được biết, ngày 7/9/1966, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đã ký quyết định tách Phân xưởng sửa chữa pháo I ra khỏi Nhà máy X10, thành một xưởng riêng trực thuộc Cục Quân giới, với tên gọi Xưởng sửa chữa pháo I (hay X11). Từ ngày đầu thành lập đến nay, đơn vị đã nhiều lần thay đổi tên gọi, từ Xưởng X11 (năm 1966), đến Nhà máy V125 (tháng 6/1967) và từ tháng 7/1975 là Nhà máy Z125. Những ngày đầu thành lập, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra cam go, ác liệt, Xưởng 11 có nhiệm vụ sửa chữa, bảo dưỡng các loại súng, pháo; sản xuất các chi tiết thay thế cho súng, pháo và các loại quân cụ khác. Các cán bộ, công nhân viên Xưởng đã hòa chung khí thế thi đua “mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Giai đoạn 1966-1972, Xưởng X11 đã sửa chữa, khắc phục hơn 1.000 lượt khẩu pháo cỡ lớn bị hư hỏng nặng, 40 khẩu cối 120mm, 500 khẩu cối 60mm, 13.000 khẩu B40; sản xuất hơn 300.000 dao găm, kìm bóp kíp; 14.000 kéo cắt dây thép gai, 5.000 cân treo các loại, 10.000 ngoàm nối đường ống xăng dầu; hơn 200.000 chi tiết, với gần 200 chủng loại phụ tùng thay thế của các loại súng, pháo... lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. ![]() Cán bộ, kỹ sư Nhà máy Z125 kiểm tra súng cối 120mm trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: TL Những đóng góp, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của những người lính thợ Z125, đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao. Ngày 26/12/1974, Nhà máy vinh dự và tự hào là đơn vị đầu tiên của ngành Quân giới được đón đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thăm, làm việc. Trong chuyến thăm lịch sử ấy, đồng chí Lê Duẩn đã phát biểu ghi nhận những đóng góp của Nhà máy Z125: “Tôi rất vui mừng thay mặt Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân quốc phòng ở Nhà máy V125 và trong toàn ngành Quân giới đã sản xuất được những vũ khí có chất lượng tốt, đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của chiến trường…”. Không chỉ một lần, vào năm 1984, đồng chí Lê Duẩn, trên cương vị Tổng bí thư, tiếp tục đến thăm và động viên cán bộ, công nhân viên Nhà máy. Những năm sau này, Nhà máy Z125 còn vinh dự được đón đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (ngày 23/3/1987), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngày 2/1/1975)… cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đến thăm và làm việc tại đơn vị.
TRUYỀN THỐNG LÀ HÀNH TRANG VÀ ĐỘNG LỰC Trong chuyến công tác tại Nhà máy Z125 gần đây, chúng tôi có dịp gặp gỡ với một số cán bộ, công nhân viên các thế hệ để thêm hiểu về giá trị truyền thống mà những người lính thợ Z125 ra sức giữ gìn, vun đắp.Tiếp đón chúng tôi trong căn nhà ba tầng khang trang là vợ chồng ông Hoàng Ngọc Thảo và bà Phạm Thị Thanh Phương, những người “đặt viên gạch” đầu tiên xây dựng nên Nhà máy. Ở tuổi 87 - độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Thảo vẫn còn khỏe và có thể kể tường tận về từng cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời binh nghiệp của mình. “Quê gốc của tôi ở Thừa Thiên - Huế. Năm 1954, tôi tập kết ra Bắc và gia nhập Xưởng X10 ở Hải Phòng. Năm 1966, tôi được điều về Xưởng X11, nay là Nhà máy Z125 và làm việc tại đó đến khi nghỉ hưu vào năm 1982” - ông Hoàng Ngọc Thảo kể. Còn bà Phạm Thị Thanh Phương, người có nhiều năm công tác tại Phòng Kỹ thuật của Nhà máy, bồi hồi nhớ lại: “Thời đó có biết bao kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ nhất những ngày anh chị em miệt mài lao động, sản xuất trong các phòng ban, phân xưởng; những đêm còi báo động máy bay địch ném bom, vội vàng bồng bế con chạy đi sơ tán ở các làng, xã lân cận...”. Theo bà Phương, những ngày đầu chuyển đến nơi sơ tán, cán bộ, công nhân Xưởng X11 đã tích cực khắc phục khó khăn để ổn định nơi ăn, chốn ở; nhanh chóng dựng lên các lán trại, nhà xưởng tạm, lắp đắt máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất để sớm bắt tay vào công việc. Sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân địa phương đã góp phần giúp Xưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Bà Phương tự hào khoe với chúng tôi, ông bà có 8 người con cả dâu lẫn rể, thì có tới 7 người đã và đang công tác tại Nhà máy. Hiện, cháu nội của ông bà là thế hệ thứ ba, cũng tiếp bước truyền thống gia đình dựng xây Nhà máy. ![]() Ông Lương Việt Cường cung cấp tư liệu về Nhà máy Z125 cho phóng viên Tạp chí CNQP và Kinh tế. Ảnh: MINH TUẤN Chia tay vợ chồng ông Thảo, bà Phương, chúng tôi đến thăm gia đình Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lương Việt Cường, trước khi nghỉ hưu là nhân viên kỹ thuật của Phân xưởng A2, Nhà máy Z125. Ông Cường là con trai trưởng của đồng chí Lương Duy Quảng, Giám đốc Nhà máy giai đoạn 1971-1985. Trong câu chuyện với chúng tôi, người cựu chiến binh luôn nhắc về cha mình với niềm xúc động, tự hào. Ông Cường kể: “Trước khi về công tác tại Nhà máy Z125, cha tôi từng có 5 năm là Phó Giám đốc Kỹ thuật của Nhà máy Z1 (nay là Nhà máy Z111) và Nhà máy Z2 (nay là Nhà máy Z113), do đó, ông rất am hiểu về khoa học kỹ thuật, giàu kinh nghiệm trong quản lý, điều hành sản xuất vũ khí. Gần 15 năm trên cương vị Giám đốc Nhà máy Z125, cha tôi đã có nhiều đóng góp vào thành tích của đơn vị. Trong đó, phải kể đến việc ông là một trong những thành viên chủ chốt tham gia thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí nòng trơn”, sản phẩm chủ lực mang “thương hiệu Z125”. Đề tài này sau đó đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (năm 2002). Hiện nay, tiếp nối truyền thống “nhà nòi kỹ thuật”, con gái và con rể của của ông Lương Việt Cường cũng đang làm việc tại các phòng chuyên môn về khoa học, kỹ thuật của Nhà máy. Ông chia sẻ: “Thực tế, mấy năm trước, Nhà máy gặp một số khó khăn, khiến các cháu có lúc nản lòng. Thế nhưng, nhờ truyền thống gia đình, cùng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, các cháu đã cố gắng khắc phục, yên tâm gắn bó, cống hiến cho đơn vị”. Qua câu chuyện với các thế hệ đã góp công viết nên những trang sử vẻ vang của Nhà máy Z125, chúng tôi nhận thấy điểm chung ở họ đó là niềm tự hào, sự trân trọng, gắn bó đối với Nhà máy, với ngành Quân giới - CNQP Việt Nam. Cũng như một số nhà máy Quân giới khác, trên hành trình phát triển, Nhà máy Z125 có nhiều giai đoạn khó khăn, thăng trầm. Trong buổi làm việc với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí chính xác 25 (tên giao dịch của Nhà máy Z125), cho biết: “Giai đoạn 2013-2017, Nhà máy gặp khá nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh. Điều đáng mừng là 2 năm trở lại đây, được sự quan tâm của trên và nỗ lực của cán bộ, công nhân viên, người lao động, Nhà máy đã có những khởi sắc, chuyển biến tích cực. Năm 2019, Nhà máy được cấp trên giao nhiệm vụ sản xuất quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề này, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phù hợp, đảm bảo đầy đủ yếu tố về trang bị, vật tư, công nghệ… phục vụ sản xuất”. Có thể nói, hơn nửa thế kỷ qua, Nhà máy Z125 đã nghiên cứu, sản xuất được nhiều loại súng, pháo có uy lực mạnh, tính năng chiến đấu cao, chất lượng ổn định, góp phần cùng Tổng cục CNQP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ chiến tranh giải phóng dân tộc trước kia cũng như bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Với những đóng góp quan trọng đó, năm 2012, Nhà máy Z125 vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. CHI ANH
|