CNQP&KT - Nói đến miền Tây Nghệ An là nhắc đến vùng đất giáp biên giới với nước bạn Lào, nhiều địa bàn đi lại khó khăn, kinh tế - xã hội chậm phát triển, trong đó có hai huyện Kỳ Sơn và Quế Phong, nơi những người lính Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Quân khu 4) đang ngày đêm giúp dân xóa đói, giảm nghèo...

Mặc dù đã đến Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (KT-QP 4) nhiều lần và đường sá đi lại chẳng hề dễ dàng, nhưng mỗi lần “nhận lệnh” đi công tác đến với những người lính nơi đây, trong lòng tôi không khỏi phấn chấn, háo hức... Ngoài tình cảm với những người lính vùng biên, điều cuốn hút tôi là muốn tận mắt chứng kiến công sức của những người đồng đội đang hằng ngày giúp dân thay đổi cuộc sống. 

Ngược thời gian, năm 2002, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn KT-QP 4. Đoàn có nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý và tổ chức thực hiện Dự án KT-QP Kỳ Sơn, với mục tiêu phát triển hạ tầng KT-XH, ổn định dân cư, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên địa bàn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Vùng Dự án do Đoàn đảm nhiệm thuộc địa bàn của 4 xã biên giới thuộc huyện Kỳ Sơn là Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Mường Ải, với 94 km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Đây là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An và cả nước; địa hình phức tạp, núi cao, hiểm trở; cơ sở hạ tầng, KT-XH kém phát triển; thời tiết khắc nghiệt; mật độ dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số.


Cán bộ, nhân viên Đoàn KT - QP 4 hướng dẫn bà con nhân dân xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, kỹ thuật chăm sóc cây chanh leo.    Ảnh: CTV

Năm 2011, Khu KT-QP Kỳ Sơn đã mở rộng thêm các xã Tri Lễ, Nậm Giải, Thông Thụ, Hạnh Dịch của huyện Quế Phong. Cũng như các xã biên giới huyện Kỳ Sơn, đây là những xã vùng cao rất khó khăn của huyện Quế Phong; là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Thái, H’Mông, Khơ Mú... Địa bàn hoạt động của Đoàn KT-QP 4 tiếp giáp với tỉnh Xiêng Khoảng, Bô Li Khăm Xay và Hủa Phăn của nước bạn Lào, với 163,7 km đường biên giới. Đồng hành cùng nhân dân địa phương, những năm qua, Đoàn KT- QP 4 đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, đạt được nhiều mục tiêu đặt ra.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Lê Văn Thắng, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 4, cho biết: “Thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo ở Khu KT-QP Kỳ Sơn, những năm qua, Đoàn KT-QP 4 đã nỗ lực xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao để người dân học tập, làm theo. Những mô hình này không chỉ góp phần phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, mà còn làm hạn chế tình trạng di dịch cư tự do, đốt nương làm rẫy, bảo vệ rừng đầu nguồn, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung và nhiều việc làm với thu nhập ổn định”.


Đại diện Đoàn KT - QP 4 thăm và tặng quà gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.                        Ảnh: CTV

Từ trụ sở Đoàn, cùng với cán bộ của đơn vị, chúng tôi mất hàng giờ đồng hồ di chuyển trên những cung đường đèo núi mới đến được bản Ca Nọi, xã Na Ngoi của huyện Kỳ Sơn. Chẳng kịp nghỉ ngơi, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lầu Chồng Của ở bản Ca Nọi và không khỏi ngỡ ngàng trước mô hình kinh tế đang được gia đình anh triển khai với 3 héc-ta dong riềng, 8 con trâu, hơn 100 con gà đen, 11 con lợn bản địa. Anh Lầu Chồng Của thật thà kể: “Trước đây nhà mình nghèo lắm. Năm 2009, được Đoàn 4 hỗ trợ 8.700 chồi dong riềng và phân bón để trồng trên diện tích 1 héc-ta. Đến năm 2013, Đoàn lại hỗ trợ 1 con trâu cái sinh sản... Nhờ bộ đội Đoàn 4 hướng dẫn kỹ thuật, ngay mùa đầu tiên, 1 héc-ta dong riềng đã cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Được sự quan tâm, giúp đỡ, động viên của đơn vị, vợ chồng mình mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng dong riềng lên đến 3 héc-ta và đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, mang lại thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Giờ đây, gia đình mình không những thoát nghèo mà đã trở thành hộ khá ở địa phương”.

Từ năm 2009 đến nay, Đoàn KT-QP 4 đã hỗ trợ hơn 3,2 triệu chồi dong riềng, trên 400 nghìn cây chè Shan tuyết, 22.000kg gừng, 40.000 cây đào mốc, hơn 125 nghìn cây chanh leo, 385 con trâu, bò giống... cho 2.432 hộ nghèo, trị giá hơn 30 tỷ đồng.

Cũng giống như gia đình anh Của, gia đình ông Lỳ Tồng Sùa ở bản Huội Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, cũng thoát nghèo nhờ có sự giúp đỡ của Đoàn KT - QP 4. Chúng tôi đến thăm đúng lúc gia đình ông đang tất bật thu hoạch chanh leo để bán cho Công ty Cổ phần chanh leo Nafoods Nghệ An. Theo lời ông Lỳ Tồng Sùa thì năm 2010, gia đình ông gồm 5 người di cư từ Lào về, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên được cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy quân sự huyện Quế Phong hỗ trợ dựng nhà, cấp đất sản xuất và được Đoàn KT-QP 4 lựa chọn triển khai thí điểm mô hình nuôi gà đen, trồng chanh leo. Ban đầu, ông không mấy mặn mà nhưng sau khi làm theo hướng dẫn của bộ đội, ông dần thấy “mê”. Giờ đây, mô hình kinh tế đang áp dụng đã mang lại thu nhập trên 120 triệu đồng/năm cho gia đình ông. “Mắt thấy, tai nghe” mô hình trồng chanh leo, nuôi gà đen của gia đình ông Sùa, đến nay, hầu hết các hộ dân ở xã biên giới Tri Lễ đều học tập, làm theo... Đặc biệt, các sản phẩm người dân làm ra đều được Đoàn KT-QP 4 liên hệ với các đầu mối tiêu thụ hết.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, để thực hiện có hiệu quả các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo tại Khu KT-QP Kỳ Sơn, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 4 đã chủ động thành lập Ban quản lý dự án; nghiên cứu, khảo sát kỹ tình hình địa bàn để lập, thiết kế kỹ thuật, dự toán hợp lý; chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Tính từ năm 2009 đến nay, Đoàn đã thực hiện được 91 mô hình chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức 106 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hơn 2.470 lượt người tham gia; hỗ trợ hơn 3,2 triệu chồi dong riềng, trên 400 nghìn cây chè Shan tuyết, 22.000kg gừng, 40.000 cây đào mốc, hơn 125 nghìn cây chanh leo, 385 con trâu, bò giống... cho 2.432 hộ nghèo trên địa bàn, trị giá hơn 30 tỷ đồng. Sự hỗ trợ đó đã góp phần giúp 896 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng dự án giảm khoảng 13%. Năng suất cây trồng, vật nuôi tăng 16,7%; thu nhập bình quân hộ nghèo tăng khoảng 13 đến 15%, tạo việc làm cho 19,7% lao động địa phương. Bên cạnh đó, Đoàn còn tích cực hỗ trợ địa phương kinh phí, ngày công để xây dựng mới và tu sửa cơ sở hạ tầng; tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân; thực hiện các hoạt động chính sách, v.v. Từ những việc làm mang lại hiệu quả kinh tế, làm thay đổi điều kiện sinh hoạt, từng bước cải thiện đời sống của người dân, đồng bào ngày càng tin tưởng và lắng nghe bộ đội Đoàn, từ bỏ các hủ tục lạc hậu, tránh xa các tệ nạn xã hội, trở thành “tai mắt” cho bộ đội và chính quyền địa phương ngăn chặn những hoạt động gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội và biên giới...


Đoàn KT - QP 4 trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: CTV

Theo đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, bằng những việc làm thiết thực, Đoàn KT-QP 4 đã giúp địa phương thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao; nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có điều kiện vươn lên. Việc đầu tư thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo Khu KT-QP Kỳ Sơn thực sự là đòn bẩy có ý nghĩa quan trọng cả về KT-XH và củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn như Kỳ Sơn.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT- QP 4, trong lòng tôi tràn đầy niềm tin họ sẽ luôn vượt qua được mọi khó khăn, thử thách, phát huy được kinh nghiệm và lòng nhiệt huyết để tiếp tục giúp đồng bào thoát cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu; góp phần quan trọng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên địa bàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

HUY CƯỜNG

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: