CNQP&KT - Là đơn vị có bề dày truyền thống của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), trong 55 năm xây dựng, trưởng thành, Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 (phiên hiệu quân sự là Nhà máy Z121) đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành CNQP.

Trong “Gặp gỡ - Đối thoại” kỳ này, Đại tá Chu Việt Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21, sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hành trình tạo nên thương hiệu và những định hướng trên chặng đường mới của một đơn vị hai lần Anh hùng.

NƠI SẢN XUẤT “TRÁI TIM CỦA VŨ KHÍ”

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, xin mở đầu cuộc đối thoại này bằng một câu hỏi mang tính cá nhân: Cơ duyên nào đưa đồng chí đến với ngành sản xuất vũ khí, cụ thể là trở thành “lính thợ” Z121?

Đại tá Chu Việt Sơn: (Cười) Cảm ơn nhà báo đã cho tôi có dịp được bộc bạch. Cơ duyên đưa tôi đến với ngành sản xuất vũ khí rất tự nhiên. Thú thực, khi thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật Quân sự năm 1994, được phân học theo chuyên ngành thuốc phóng - thuốc nổ, tôi chưa thể hình dung công việc mình sẽ làm sau này như thế nào. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp, tôi được Bộ Quốc phòng điều về Tổng cục CNQP và được Tổng cục “chuyển tiếp” xuống Nhà máy Z121 nhận công tác. Thời điểm đó, tôi chỉ hiểu một cách khái lược: Z121 là đơn vị chuyên sản xuất các loại hỏa cụ, rất phù hợp với chuyên ngành mà tôi đã được đào tạo. Thật may mắn khi tôi được công tác tại đơn vị đóng quân trên chính mảnh đất trung du Phú Thọ quê nhà. Tôi thấy, dường như mình rất có duyên với nghề, với quê hương khi trở thành “lính thợ” Z121.

PV: Vâng! Thật đúng là cơ duyên. Trở lại với chủ đề chính, sau nhiều năm công tác và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của đơn vị, hẳn đồng chí rất hiểu về quá trình ra đời của Nhà máy?


Đại tá Chu Việt Sơn.  Ảnh: CTV

Đại tá Chu Việt Sơn: Tôi xin được nói vắn tắt như sau. Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam. Theo chỉ đạo của trên, Cục Quân giới cần tổ chức lại lực lượng sản xuất vũ khí, đảm bảo phục vụ bộ đội chiến đấu trên chiến trường. Ngày 7/9/1966, Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần (cơ quan chủ quản của các nhà máy Quân giới lúc đó - PV) ký quyết định tách Phân xưởng Hỏa cụ của Nhà máy Z2 (nay là Nhà máy Z113) thành một xưởng độc lập, trực thuộc Cục Quân giới, lấy tên gọi là Xưởng Bộ lửa, với phiên hiệu là đơn vị 9316, ký hiệu là Z4 (tiền thân của Nhà máy Z121 hiện nay). Nhiệm vụ xuyên suốt Nhà máy được Bộ Quốc phòng giao là sản xuất các loại hỏa cụ trang bị cho Quân đội.

PV: Thưa đồng chí, chức năng, nhiệm vụ và tính chất đặc thù của Z121 so với các nhà máy quốc phòng khác là gì?

Đại tá Chu Việt Sơn: Z121 là đơn vị sản xuất các sản phẩm được ví như “trái tim của vũ khí”. Đặc điểm của sản phẩm là rất dễ cháy, nhạy nổ nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong sản xuất. Bởi vậy, đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật tham gia thiết kế, chế tạo sản phẩm phải thực sự là những người được đào tạo chuyên ngành sản xuất hỏa cụ mới có thể nắm bắt được các công đoạn sản xuất và yên tâm làm việc. Đây là điểm khác biệt cơ bản và đặc thù của Z121 so với các nhà máy quốc phòng khác.

PV: Xin đồng chí khái quát những nỗ lực vượt khó của cán bộ, công nhân viên (CB-CNV) trong thời kỳ đầu xây dựng Nhà máy Z121 và những đóng góp trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước?

Đại tá Chu Việt Sơn: Nếu nhà báo xem những bức ảnh được trưng bày trong nhà truyền thống sẽ dễ dàng nhận ra sự khó khăn của Nhà máy thời chống Mỹ. Đó là thời kỳ vừa xây dựng, vừa sản xuất và nghiên cứu chế thử vũ khí trong điều kiện nhà xưởng tranh tre nứa lá, cơ sở vật chất, máy móc thô sơ, thiếu thốn... Tuy vậy, với sự giúp đỡ, cưu mang đùm bọc của chính quyền, nhân dân địa phương, cùng tinh thần quyết tâm, sự sáng tạo của những người lính thợ Quân giới Z121, nhiều sản phẩm vũ khí đã ra đời từ các nhà xưởng của khu rừng Minh Tiến.

Đầu năm 1970, để đảm bảo an toàn và đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất trong thời chiến, Nhà máy tổ chức di chuyển cơ sở sản xuất từ Minh Tiến - Đoan Hùng về địa điểm mới tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ. Vừa thực hiện di chuyển, sửa chữa, xây dựng cơ sở mới, vừa đảm bảo sản xuất, nhưng Nhà máy vẫn hoàn thành sản xuất đúng tiến độ các sản phẩm kịp thời phục vụ chiến trường miền Nam.

Bước ngoặt của Nhà máy trong thời kỳ này là tổ chức tiếp nhận công trình 6504. Đây là một trong những công trình do Trung Quốc viện trợ, việc tổ chức lắp đặt dây chuyền gặp rất nhiều khó khăn. Đội ngũ chuyên gia và các kỹ sư, công nhân kỹ thuật đã quyết tâm làm chủ công nghệ, đưa vào khai thác, sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại nhất lúc bấy giờ.

Có thể nói, trong điều kiện chiến tranh, sơ tán, nhưng CB-CNV Nhà máy vẫn ngày đêm bám xưởng, tăng ca sản xuất, kịp thời cung cấp vũ khí cho chiến trường miền Nam, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

“Là cơ sở sản xuất hỏa cụ duy nhất của ngành CNQP Việt Nam, Nhà máy Z121 có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, cung cấp “trái tim vũ khí” - bộ phận trung tâm của đạn, mìn, bảo đảm cho quân và dân ta chiến đấu và chiến thắng”.

   (Nguồn: Nhà máy Z121 - Biên niên sự kiện lịch sử (1966-2006) - NXB QĐND 2006)

PV: Công cuộc xây dựng và phát triển Nhà máy sau chiến tranh cũng không đơn giản, thưa đồng chí?

Đại tá Chu Việt Sơn: Đúng thế! Sau giải phóng miền Nam 1975, cùng với các nhà máy Quân giới khác, Z121 vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, vừa tham gia sản xuất kinh tế. Khó khăn lớn nhất của Nhà máy là vấn đề bảo đảm việc làm và đời sống cho đội ngũ CB-CNV. Tận dụng thế mạnh về kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất quốc phòng, Nhà máy đã nghiên cứu, đầu tư sản xuất nhiều mặt hàng dân sinh. Tuy đây là những sản phẩm có giá trị không cao nhưng đã giúp Nhà máy “vượt khó” thời bao cấp.

Bước vào những năm đầu đổi mới, Nhà máy mạnh dạn đổi mới phương thức quản lý từ sản xuất theo kế hoạch cấp trên giao sang chế độ hạch toán kinh doanh, áp dụng chi trả lương sản phẩm trên tất cả các khâu nhằm thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống máy móc được trang bị từ những năm 1970 đã lạc hậu so với nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy xác định tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị hiện có; tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc; chủ động đầu tư vào khoa học - công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm mới. Trong thời gian này, Nhà máy đã tự lực xây dựng 3 dây chuyền lớn là dây chuyền sản xuất thuốc đen - dây cháy chậm, dây chuyền sản xuất dây nổ và dây chuyền sản xuất thuốc nổ công nghiệp AD-1, tạo việc làm cho gần 1.000 công nhân và đưa doanh thu của Nhà máy lên một nấc thang mới. Cùng với đó, nhiều sản phẩm quốc phòng và kinh tế quan trọng được nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất...

Là một trong những đơn vị đặc thù sản xuất vũ khí, độ nguy hiểm cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhưng với tinh thần, ý chí và những đóng góp của các thế hệ lính thợ Z121 trên mặt trận thầm lặng, Nhà máy hai lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1989) và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2004).


Trung tâm điều khiển dây chuyền tự động sản xuất dây nổ tại Xí nghiệp 1, Nhà máy Z121.    Ảnh: CTV

 KẾT HỢP TỐT QUỐC PHÒNG VỚI KINH TẾ

PV: Chúng ta vừa đề cập đến những gian khó và vinh quang trong hành trình phát triển Z121, vậy những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy ra sao, thưa đồng chí?

Đại tá Chu Việt Sơn: Để đứng vững và phát triển trong nền kinh tế thị trường, Nhà máy đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu, các sản phẩm đều được áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015. Các sản phẩm phụ kiện nổ và pháo hoa do Nhà máy sản xuất không chỉ đứng vững tại thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, Nhà máy tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt khâu đột phá “triển khai các dự án đầu tư theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng”. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cấp nhà xưởng, hợp lý hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường liên kết với các đơn vị sản xuất, nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại để đưa ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, có chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường và giá thành hợp lý. Nhờ phát triển sản xuất, kinh doanh, Nhà máy không chỉ phát huy tốt năng lực, hiệu quả của các trang, thiết bị hiện có, mà còn tạo nguồn lực đầu tư mua sắm hiện đại hóa trang bị, góp phần giữ vững, nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng.

Mặt khác, căn cứ vào nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Nhà máy đã thực hiện điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ, biên chế tổ chức của các phòng, ban, phân xưởng, xí nghiệp; thực hiện tinh giản biên chế, bố trí, sắp xếp nhân sự phù hợp với công việc... Hiện nay, Nhà máy đã kiện toàn hệ thống tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, năng động, phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh theo kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

PV: Xin đồng chí nói rõ hơn về việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng ở Nhà máy? 

Đại tá Chu Việt Sơn: Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy Nhà máy xác định: Trong mọi hoàn cảnh, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng; đồng thời, tận dụng nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất kinh tế. Vì thế, Nhà máy triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng việc xây dựng nguồn nhân lực, đổi mới thiết bị, công nghệ, phát huy nội lực để thực hiện tốt nhiệm vụ. Trong 5 năm (2015 - 2020), Nhà máy đã sản xuất hàng chục chủng loại sản phẩm quốc phòng, trong đó có nhiều sản phẩm mới đảm bảo an toàn và chất lượng.

Những di sản “phi vật thể” mà các thế hệ cán bộ, công nhân viên Nhà máy Z121 đã gây dựng và dày công vun đắp chính là sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt khó; là khả năng lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; là tinh thần tự lực, tự cường và sự hy sinh, cống hiến thầm lặng...”.

(Đại tá Chu Việt Sơn)

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm kinh tế, Nhà máy đặc biệt quan tâm tới công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao… Những năm gần đây, sản xuất hàng quốc phòng chỉ chiếm từ 30% - 40% giá trị sản lượng. Vì vậy, trên cơ sở phát huy thế mạnh về các lĩnh vực chuyên môn, trang bị kỹ thuật sẵn có, Nhà máy ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm, như: dây nổ 40g/m, kíp vi sai phi điện chậm nổ LP15, thuốc nổ nhũ tương, các mẫu pháo hoa mới. Đồng thời, chủ động tìm kiếm đối tác để phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị lớn, như: kíp vi sai phi điện, kíp vi sai điện, dây nổ, các loại pháo hoa... sang một số nước trong khu vực Đông Nam Á, thị trường Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), v.v. Hằng năm, Nhà máy luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.

PV: Sản xuất quốc phòng là một ngành đặc thù, người lính thợ vào ca cũng chính là những chiến sĩ chiến đấu trên “mặt trận không tiếng súng”. Đồng chí có thể chia sẻ gì về những hy sinh, mất mát thầm lặng đó?

Đại tá Chu Việt Sơn: Cảm ơn nhà báo đã thấu cảm! Sản xuất quốc phòng thực sự là “mặt trận không tiếng súng”! Để có được thành tựu to lớn như ngày hôm nay, Nhà máy Z121 đã trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức và cả những hy sinh, mất mát. Trong quá trình nghiên cứu, chế thử, sản xuất vũ khí, đạn dược, pháo hoa, hàng chục cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy đã hy sinh, tử nạn. Những hy sinh, mất mát đó cùng với sự đóng góp công sức, trí tuệ của các thế hệ CB-CNV đã góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của đơn vị. CB-CNV Nhà máy Z121 hôm nay luôn vinh danh, ghi nhớ và tri ân những đóng góp, hy sinh thầm lặng đó trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đơn vị.

PV: Các nhà máy Quân giới trước đây và CNQP ngày nay vẫn được nhắc đến như là mẫu hình của tính tự lực, tự cường. Vậy tính “tự lực” ở Z121 được thể hiện như thế nào?

Đại tá Chu Việt Sơn: Tôi nghĩ rằng, theo đúng quy luật, để duy trì và phát triển thì bắt buộc phải không ngừng vận động. Đối với Z121, ở giai đoạn khó khăn nhất như thời kỳ sau năm 1975, khi sản xuất quốc phòng giảm mạnh, Nhà máy đã phải chủ động tìm kiếm công ăn việc làm để duy trì thu nhập cho đội ngũ công nhân. Hay như thời điểm thị trường vật liệu nổ công nghiệp trong nước gần như bão hòa, có khi cung lớn hơn cầu, Nhà máy cũng phải tự thân vận động đầu tư nâng cấp các dây chuyền công nghệ hiện đại để cho ra các sản phẩm ưu việt, có tính cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Nhà máy Z121 rất tự hào vì có những sản phẩm “độc quyền” do chúng tôi chủ động nghiên cứu, sản xuất, doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng/năm.

HƯỚNG TỚI NHỮNG MỤC TIÊU MỚI!

PV: Là một nhà máy có thế mạnh trong lĩnh vực hóa nổ nhưng đồng thời nguy cơ xảy ra rủi ro cũng rất cao, vậy đâu là biện pháp để phòng ngừa?

Đại tá Chu Việt Sơn: Đối với Z121, xuất phát từ đặc thù trong sản xuất, nên công tác bảo đảm an toàn sản luôn được đặt lên hàng đầu. Để tiếp tục quán triệt sâu rộng, kịp thời chấn chỉnh và nâng cao ý thức trách nhiệm cho người lao động, Đảng ủy Nhà máy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “Lãnh đạo công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn mới”, trong đó đề ra các giải pháp cụ thể cho việc tăng cường đảm bảo an toàn. Nhà máy đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm an toàn; chú trọng thực hiện cơ khí hóa, tự động hóa, đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các dây chuyền, công đoạn sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thông qua hệ thống camera tại các dây chuyền; thực hiện kiểm tra định kỳ theo phân cấp, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm trong sản xuất, ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động. Nhờ đó, 5 năm trở lại đây, Nhà máy luôn đảm bảo an toàn trong sản xuất, ý thức tự giác chấp hành quy định của người lao động được nâng lên rõ rệt.

PV: Nhiều người vẫn nghĩ, Nhà máy Z121 “làm giàu” chủ yếu nhờ pháo hoa?

Đại tá Chu Việt Sơn: Thú thật là câu hỏi của nhà báo làm tôi thấy vui vui, vì chứng tỏ pháo hoa của Z121 rất nổi tiếng (Cười)!

Thực ra, nếu xếp hạng theo nhóm ngành nghề, thì pháo hoa chỉ là sản phẩm đứng thứ ba về doanh thu, chiếm khoảng từ 8 đến 12% tổng doanh thu hằng năm. Tuy nhiên, pháo hoa lại là một sản phẩm đặc biệt, là “món ăn tinh thần” của mọi người dân Việt Nam trong các dịp lễ, tết. Do đó, sản xuất pháo hoa trước hết mang ý nghĩa chính trị, phục vụ nhu cầu giải trí, tinh thần của người dân chứ chúng tôi không đề cao yếu tố lợi nhuận.

Cũng phải khẳng định một điều, nhờ pháo hoa mà thương hiệu của Z121 được đông đảo khách hàng và người dân trong nước biết đến. Nhờ xuất khẩu pháo hoa cho các đối tác “khó tính” như Nhật Bản, Mỹ... đã giúp Nhà máy “làm giàu” về thương hiệu; đồng thời, đội ngũ CB-CNV thường xuyên được tiếp cận với những công nghệ sản xuất có tính chuẩn mực (về kỹ thuật, mẫu mã, chất lượng sản phẩm và tiến độ thời gian), qua đó học hỏi, tích lũy và “làm giàu” thêm về kinh nghiệm, trình độ tay nghề...

PV: Trong giai đoạn 2020-2025, Nhà máy xác định những mục tiêu quan trọng gì để tiếp tục phát triển, thưa đồng chí?

Đại tá Chu Việt Sơn: Nhiệm vụ xuyên suốt trong thời gian tới của Nhà máy là tiếp tục thực hiện tốt sản xuất quốc phòng kết hợp với sản xuất kinh tế. Đổi mới mạnh mẽ về tư duy và hành động; tập trung nguồn lực nâng cấp các dây chuyền sản xuất lạc hậu theo hướng tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhà máy cũng sẽ từng bước ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các lĩnh vực; kiện toàn tổ chức và hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng và khai thác tốt thị trường xuất khẩu, đáp ứng xu thế hội nhập.

PV: Vậy đâu là khâu đột phá?

Đại tá Chu Việt Sơn: Từ nay đến năm 2025, chúng tôi ưu tiên tập trung thực hiện tốt hai khâu đột phá, đó là: Thứ nhất, đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm quốc phòng và kinh tế, nâng cao an toàn và chất lượng sản phẩm; thứ hai, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của CB-CNV.

PV:  Để xứng tầm là doanh nghiệp quốc phòng sản xuất hỏa cụ duy nhất trong Quân đội, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy quan tâm giải quyết những vấn đề gì?

Đại tá Chu Việt Sơn: Tôi cho rằng, vấn đề cần giải quyết trước tiên là yếu tố con người. Để phục vụ tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh thì việc xây dựng đội ngũ CB-CNV có phẩm chất chính trị, có trình độ, năng lực, thực sự yêu và tâm huyết với nghề vẫn là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của doanh nghiệp. Đối với đội ngũ cán bộ, Nhà máy quan tâm tuyển chọn, bổ sung nguồn từ các học viện, nhà trường có uy tín trong và ngoài Quân đội, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đối với đội ngũ công nhân kỹ thuật, Nhà máy sẽ thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, đặc biệt là đội ngũ làm việc trên các dây chuyền công nghệ mới, để nâng cao tay nghề, năng lực cho người lao động.

Cùng với đó, chúng tôi tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các dây chuyền công nghệ mới. Đây có thể xem là giải pháp quyết định đến năng lực cạnh tranh của Nhà máy. Việc đầu tư các dây chuyền công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại đối với một số sản phẩm chính sẽ đảm bảo để Nhà máy đáp ứng được những yêu cầu về năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.

PV: Tôi luôn nghĩ rằng, truyền thống là một dòng chảy kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, vậy những di sản “phi vật thể” mà các thế hệ đi trước gây dựng cho thế hệ Nhà máy Z121 hôm nay là gì?

Đại tá Chu Việt Sơn: Những di sản “phi vật thể” mà các thế hệ CB-CNV đã gây dựng và dày công vun đắp chính là sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt khó; là khả năng lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; là tinh thần tự lực, tự cường và sự hy sinh, cống hiến thầm lặng... Tôi nghĩ, đó chính là những giá trị cốt lõi cao đẹp, là niềm tự hào mà thế hệ chúng tôi và mai sau phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

LÊ BÁ ANH (Thực hiện)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: