Đổi thay nơi miền Tây xứ Nghệ04/04/2022CNQP&KT - Bỏ lại sự ồn ào, náo nhiệt của thành Vinh (Nghệ An), chúng tôi ngược tuyến Quốc lộ 7 để đến thăm Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 (Quân khu 4). với sự đồng hành của NHỮNG NGƯỜI LÍNH "Bộ đội Cụ Hồ", qua gần 20 năm, trên rẻo cao xứ Nghệ nay đã “khoác tấm áo mới”, cuộc sống của đồng bào dân tộc đang từng ngày khởi sắc... NHỮNG MÔ HÌNH THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Lê Văn Thắng, Đoàn trưởng Đoàn kinh tế - quốc phòng (KT-QP) 4, cho biết: Năm 2002, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn KT-QP 4, có nhiệm vụ tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh ở 4 xã đặc biệt khó khăn là Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Mường Ải thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Năm 2011, Khu KT-QP Kỳ Sơn mở rộng thêm 4 xã Tri Lễ, Nậm Giải, Thông Thụ, Hạnh Dịch thuộc huyện Quế Phong. Đây là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An. Gần 20 năm từ ngày đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Đoàn KT-QP 4, bằng tình cảm, trách nhiệm với đồng bào, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Đoàn đã khắc phục mọi khó khăn, thử thách, thực hiện nhiều giải pháp giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Đoàn đã triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình để người dân học tập, làm theo, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giảm tình trạng di cư tự do, đốt nương làm rẫy, bảo vệ rừng đầu nguồn. Nhờ các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất của Đoàn KT-QP 4, cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng dự án Khu KT-QP Kỳ Sơn và Quế Phong đã đổi thay từng ngày. ![]() Đại diện lãnh đạo Đoàn KT-QP 4 trao vật chất hỗ trợ xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An phòng, chống dịch Covid-19. Từ trụ sở Đoàn, mất hàng giờ đồng hồ di chuyển trên những cung đường đèo núi, chiếc xe chở chúng tôi mới đến được nhà anh Lầu Chồng Của, ở bản Ca Nọi, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Ai cũng ngỡ ngàng trước “cơ ngơi” của anh Của với 3 héc-ta dong riềng, 8 con trâu, hơn 100 con gà đen, 11 con lợn bản địa. Anh Của thật thà kể: “Trước đây, nhà tôi nghèo lắm. Năm 2009, gia đình tôi được Đoàn KT-QP 4 hỗ trợ 8.700 chồi dong riềng và phân bón để trồng trên diện tích 1 héc-ta; năm 2013, Đoàn lại hỗ trợ 1 con trâu cái sinh sản... Nhờ bộ đội tận tình hướng dẫn kỹ thuật, ngay mùa đầu tiên, vườn dong riềng đã cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Vợ chồng tôi tiếp tục vay vốn, mở rộng diện tích vườn lên 3 héc-ta, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm, nâng thu nhập gần 150 triệu đồng/năm”. ![]() Bộ đội Đoàn KT-QP 4 hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây dong riềng. Cũng như gia đình anh Của, gia đình ông Lỳ Tồng Sùa ở bản Huội Mới 1, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, cũng thoát nghèo nhờ mô hình thí điểm nuôi gà đen, trồng chanh leo bằng nguồn vốn của Đoàn KT - QP 4, mang lại thu nhập trên 120 triệu đồng/năm. Đặc biệt, các sản phẩm do người dân làm ra đều được Đoàn KT-QP 4 thu mua hoặc liên hệ với các đầu mối tiêu thụ. Đơn cử như ông Sùa là khách hàng quen thuộc của Công ty Cổ phần Chanh leo Nafoods Nghệ An. Được biết, mô hình trồng dong riềng, chè Shan tuyết, chanh leo, nuôi trâu bò, gà đen của Đoàn KT-QP 4 đã được bà con hưởng ứng làm theo, tạo nguồn thu nhập ổn định. Từ năm 2009 đến nay, Đoàn đã hỗ trợ hơn 3,2 triệu chồi dong riềng, trên 400 nghìn cây chè Shan tuyết, 22.000kg gừng, 40.000 cây đào mốc, hơn 125 nghìn cây chanh leo, 385 con trâu, bò giống... trị giá hơn 30 tỷ đồng tặng 2.432 hộ nghèo trên địa bàn phát triển kinh tế gia đình.
NHIỀU ĐỔI THAY MỚI Bên cạnh việc xây dựng và phát triển những mô hình thiết thực, đem lại hiệu quả kinh tế, Đoàn KT-QP 4 còn tích cực tham gia tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng khác, góp phần ổn định đời sống người dân. Một trong số đó là triển khai thành công Dự án “Di dân khu vực biên giới”. Đại tá Chu Huy Lương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 4, chia sẻ: “Lãnh đạo, chỉ huy Đoàn xác định, để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, cần phải giúp người dân “an cư, lạc nghiệp”. Do đó, việc thành lập các bản làng, cụm dân cư ở khu vực giáp biên không chỉ nhằm mục đích xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, mà còn hạn chế, tiến tới xóa bỏ tập quán du canh, du cư của đồng bào; di dân khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét đến những nơi an toàn hơn”. Đoàn KT-QP 4 giúp dân làm đường giao thông nông thôn. Chúng tôi tiếp tục hành trình đến bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong - bản biên giới với 100% đồng bào dân tộc Thái. Theo Đại tá Chu Huy Lương, sau nhiều ngày khảo sát, nhận thấy nơi đây tương đối bằng phẳng, an toàn, thuận lợi để người dân “an cư, lạc nghiệp”, đơn vị đã đề nghị chọn địa điểm này để lập bản tái định cư và đặt tên là bản Piêng Lâng. Piêng Lâng trong tiếng Thái có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, có dòng nước chảy quanh, thể hiện khát vọng vươn lên của đồng bào. Sau hơn ba tiếng chạy xe, Piêng Lâng hiện ra trước mắt chúng tôi đẹp như một bức tranh. Giữa trùng điệp núi rừng, bản nằm trên ngọn đồi thoai thoải; dòng Nậm Giải trong vắt, hiền hòa, uốn lượn bao quanh, gợi lên vẻ yên bình. Chúng tôi đến đúng dịp cán bộ, chiến sĩ và bà con nơi đây đang tích cực xây dựng, sửa chữa đường sá để đón Tết; hai bên đường rợp sắc đỏ cờ Tổ quốc. Nhìn Piêng Lâng hôm nay không ai có thể nghĩ 14 năm về trước, nơi đây từng chịu trận lũ quét, cuốn trôi hết nhà cửa, cướp đi sinh mạng 13 người dân… Đưa chúng tôi đi thăm bản, đồng chí Lô Văn Thường, Bí thư Chi bộ Piêng Lâng, phấn khởi cho biết: “Những ngày đầu di dân về đây, chúng tôi được sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền địa phương và sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, đặc biệt là Đoàn KT-QP 4, để dần ổn định cuộc sống. Ban đầu, con đường độc đạo đến bản chật hẹp, gồ ghề; đến nay, đã được bê tông hóa khang trang, rộng rãi. Mọi công trình từ nhà văn hóa, đến hệ thống điện, nước sinh hoạt của bản đều là thành quả của “ý Đảng, lòng dân”. Với nỗ lực của dân bản, sự giúp sức của Bộ đội Cụ Hồ, Piêng Lâng đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của xã Nậm Giải”. Bác sĩ Đoàn KT-QP 4 tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc. Hiện nay, bản Piêng Lâng có 56 hộ với 238 nhân khẩu. Quá trình xây dựng bản, được sự hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4, bà con đã tự dựng nhà, trồng được lúa nương 2 vụ (năng suất khoảng 50 tạ/ha), trồng ngô lai năng suất cao, phát triển mô hình trồng rừng nguyên liệu keo lai, kết hợp chăn nuôi gia súc và xây dựng ao thả cá. Chị Quang Thị Xuân, người dân bản Piêng Lâng, chia sẻ: “Trước kia, gia đình tôi sống trên núi cao, luôn lo sợ lũ quét, sạt lở. Sau khi chuyển về đây, được bộ đội hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định. Piêng Lâng chính là quê hương mới của chúng tôi”. Từ chỗ sống rải rác ven những ngọn núi, bờ suối, giờ đây, người dân ở vùng dự án Khu KT-QP Kỳ Sơn và Quế Phong đã được quy tụ, quây quần trong những cụm bản mới, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt. Mỗi người dân không chỉ là nhân tố phát triển kinh tế - xã hội của vùng biên mà còn là hạt nhân để xây dựng khu vực phòng thủ nơi địa bàn chiến lược của tỉnh Nghệ An và Quân khu 4. Có thể khẳng định, sự chung sức, đồng hành của những người lính trên mặt trận KT-QP nơi đây đã góp phần làm “thay da, đổi thịt” miền Tây xứ Nghệ… Ghi chép của MẠNH HÙNG |