CNQP&KT - Văn hóa công sở là một dạng đặc thù của văn hóa xã hội, bao gồm tổng thể các giá trị, chuẩn mực, thái độ, hành vi, ứng xử… của mỗi người trong hoạt động tại công sở. Thực hiện văn hóa công sở đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi cơ quan, đơn vị trong Quân đội. Trong “Gặp gỡ - Đối thoại” kỳ này, Đại tá Lê Ngọc Thân, Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), sẽ cùng phóng viên Tạp chí CNQP và Kinh tế làm rõ hơn những nội dung liên quan đến việc thực hiện phong trào thi đua “thực hiện văn hóa công sở, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” ở Tổng cục CNQP. “TIÊU CHÍ MỞ” TRONG THỰC HIỆN VĂN HÓA CÔNG SỞ Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, cần phải hiểu như thế nào về văn hóa công sở? Đại tá Lê Ngọc Thân: Trong thời gian gần đây, cụm từ văn hóa công sở được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông. Nhắc đến văn hóa công sở, chúng ta thường nghĩ ngay đến thái độ, hành vi, ứng xử, hình ảnh mang tính chuẩn mực, tốt đẹp, có văn hóa của mỗi người, mỗi tổ chức trong hoạt động ở công sở. Trong Quân đội, “công sở” là nơi công tác, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên và người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Nói cách khác, văn hóa công sở là những quy định, tiêu chí hay các yêu cầu về làm việc, giao tiếp, tác phong, hành vi mà mỗi người cần phải đáp ứng để môi trường công sở trở nên chuyên nghiệp, hiện đại, làm việc có hiệu quả; mọi người tự giác, thoải mái, vui vẻ, tôn trọng nhau. PV: Vậy đối với Quân đội nói chung và Tổng cục CNQP nói riêng, văn hóa công sở có những tiêu chí cụ thể gì, thưa đồng chí? Đại tá Lê Ngọc Thân: Trong Quân đội, ngoài những tiêu chí chung còn có những tiêu chí riêng, phù hợp với đặc điểm tình hình của mỗi cơ quan, đơn vị. Đối với tiêu chí văn hóa công sở trong Tổng cục CNQP, tôi nghĩ rằng, đây là “tiêu chí mở” chứ không chỉ đơn thuần là phong cách ứng xử, giao tiếp. Tiêu chí văn hóa công sở mà cán bộ, công nhân viên, người lao động trong Tổng cục CNQP cần đạt được thể hiện cả về phẩm chất chính trị, về tinh thần, thái độ làm việc, về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, về đạo đức, lối sống, lễ tiết, tác phong... Chẳng hạn, đối với tiêu chí tinh thần, thái độ làm việc, đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động trong Tổng cục phải luôn có tác phong và phương pháp làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả; tận tụy, tận tâm, tận lực với công việc theo tinh thần “Làm hết việc, không chỉ làm hết giờ”; không thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn của đơn vị và đồng chí, đồng đội... Nét đẹp trong lao động sản xuất của công nhân Nhà máy Z121. Ảnh: PHAN LONG PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn một tiêu chí mang tính cốt lõi của văn hóa công sở, đó là giao tiếp, ứng xử? Đại tá Lê Ngọc Thân: Thực ra, tiêu chí này về cơ bản mang tính phổ biến trong toàn quân, đó là những chuẩn mực về giao tiếp, ứng xử, như: Thực hiện đúng phong cách quân nhân, làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của Tổng cục và cơ quan, đơn vị. Trong thực hiện nhiệm vụ và giải quyết các mối quan hệ phải luôn hướng về cơ sở, gần gũi với mọi người, giúp cấp dưới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tôn trọng, ứng xử có văn hóa; lắng nghe và giải quyết nguyện vọng chính đáng của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, người lao động. Tất nhiên, điều dễ nhận thấy nhất trong thực hiện văn hóa công sở phải là chấp hành nghiêm quy định của điều lệnh quản lý bộ đội về mang mặc, lễ tiết, tác phong. Thực hiện văn hóa công sở tránh mang tính đối phó, hình thức mà cần coi trọng tính thực chất, trở thành nền nếp tự giác và phải tiến hành thường xuyên, liên tục. PV: Thưa đồng chí, cần phải làm gì để thực hiện tốt văn hóa công sở ở Tổng cục CNQP? Đại tá Lê Ngọc Thân: Muốn thực hiện tốt, trước hết phải chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở tất cả các cấp. Trên thực tế, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục CNQP đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, hướng dẫn của trên về văn hóa công sở. Đặc biệt là phát động và tổ chức phong trào thi đua “Thực hiện văn hóa công sở, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”; gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh và các phong trào thi đua: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Xây dựng đơn vị văn hóa”; “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”... Tôi cũng nhấn mạnh, kết quả thực hiện phong trào này được xác định là một chỉ tiêu quan trọng trong bình xét thi đua hằng năm. Do đó, các nội dung thi đua đã thực sự đi vào thực tiễn, tạo được sự ảnh hưởng và sức lan tỏa sâu rộng. KẾT QUẢ TÍCH CỰC TRONG THỰC HIỆN VĂN HÓA CÔNG SỞ PV: Thưa đồng chí, thực hiện văn hóa công sở trong các doanh nghiệp quốc phòng có đặc thù gì so với các đơn vị trong toàn quân? Đại tá Lê Ngọc Thân: Các đơn vị trong Tổng cục CNQP có tính chất, nhiệm vụ đặc thù so với các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tính đặc thù thể hiện ở nhiệm vụ sản xuất quốc phòng đòi hỏi những yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, là sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường trong sản xuất hàng kinh tế, là tính cộng cư trong những khu tập thể, “phố thợ”, “làng quân nhân”, “làng Quân giới” như một xã hội thu nhỏ, phong phú nhưng cũng rất phức tạp. Ở một khía cạnh khác, hầu hết các doanh nghiệp được trên chủ động đặt hàng, duyệt giá sản xuất sản phẩm quốc phòng, do đó, tính tự chủ, năng động trong sản xuất kinh tế chưa cao. Có lẽ, đây cũng là một nét đặc thù trong thực hiện văn hóa công sở ở Tổng cục CNQP. ![]() Học tập chính trị tại một phân xưởng sản xuất quốc phòng của Nhà máy Z115. Ảnh: NGUYỄN XUÂN SƠN PV: Vậy kết quả trong thực hiện văn hóa công sở ở Tổng cục CNQP trong 3 năm qua ra sao, thưa đồng chí? Đại tá Lê Ngọc Thân: Kết quả thực hiện phong trào thi đua “Thực hiện văn hóa công sở, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong Tổng cục CNQP” giai đoạn 2019-2022 là rất tích cực. Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng, ban hành kế hoạch, hướng dẫn tổ chức và cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi và góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã triển khai các giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, những việc làm thiết thực đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, sử dụng thời gian làm việc hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn chu trình giải quyết công việc; mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, chuẩn mực trong giao tiếp, kỹ năng ứng xử, mang mặc đồng phục... Chú trọng xây dựng văn hóa công sở gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Quá trình thực hiện luôn đề cao trách nhiệm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của người đứng đầu, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức quần chúng và lực lượng đoàn viên, hội viên. PV: Xin đồng chí nói rõ hơn những kết quả trongthực hiện văn hóa công sở ở khối doanh nghiệp? Đại tá Lê Ngọc Thân: Mỗi cán bộ, công nhân viên và người lao động trong các nhà máy quốc phòng luôn có ý thức rất cao trong thực hiện văn hóa công sở, nỗ lực chung vì sự phát triển; coi trọng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm, không ngừng đổi mới, sáng tạo. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng những phương pháp quản trị hiện đại và các giải pháp trong quản lý doanh nghiệp, như: ứng dụng phần mềm Priority vào quản lý văn bản hành chính và sử dụng các phầm mềm trong quản lý nhân lực, vật tư, tài chính; thực hiện Quy định trả lương theo phương pháp “3P”; bảng mô tả công việc KPI, PDCA... gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của lao động gián tiếp, phục vụ, bổ trợ. Đồng thời, áp dụng có hiệu quả một số phương pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến, như: phần mềm quản trị doanh nghiệp ERP; hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO: 1900-2015; Chương trình Kaizen - 5S; Đề án sản xuất tinh gọn LEAN; Đề án sử dụng nguyên liệu tái chế; các chứng chỉ quốc tế IWAY, QWAY, HRP... Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã chú trọng phát triển doanh nghiệp theo định hướng phù hợp với xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Có thể khẳng định, bằng những việc làm thiết thực, các doanh nghiệp trong Tổng cục không ngừng củng cố uy tín, thương hiệu, xây dựng môi trường làm việc văn minh công nghiệp, văn hóa doanh nghiệp hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Cũng cần nói thêm, hầu hết các đơn vị trong Tổng cục đã quan tâm, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, đoàn kết. Chú trọng tu bổ, nâng cấp các trang - thiết bị phục vụ công tác và các công trình phúc lợi, duy trì tốt chế độ ăn ca, bồi dưỡng nặng nhọc, độc hại và tổ chức khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp để có chính sách đãi ngộ, sử dụng phù hợp.
PV: Xin đồng chí cho biết một đơn vị tiêu biểu của Tổng cục CNQP thực hiện tốt văn hóa công sở? Đại tá Lê Ngọc Thân: Quá trình chỉ đạo, tổ chức phong trào đã có nhiều đơn vị cụ thể hóa vào điều kiện thực tế bằng những việc làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, Nhà máy Z175 là đơn vị tiêu biểu, nổi bật; tổ chức thực hiện phong trào thi đua gắn với việc áp dụng các phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập. Nhà máy đã mời chuyên gia quản trị doanh nghiệp bồi dưỡng kiến thức văn hóa doanh nghiệp cho cán bộ, công nhân viên; xây dựng khẩu hiệu hành động tại các vị trí làm việc; quan tâm xây dựng, ban hành hệ thống quy chế, quy định, bộ quy tắc ứng xử để tác động, điều chỉnh suy nghĩ, định hướng hành động đến mọi đối tượng; phát huy vai trò các tổ chức quần chúng, các lực lượng chung tay xây dựng cảnh quan, môi trường, đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc theo hướng hiện đại, thống nhất... Đặc biệt, Nhà máy đã áp dụng tốt Chương trình Kaizen-5S, Chương trình quản lý chất lượng, quản trị nhân lực... coi trọng cải tạo hệ thống nhà xưởng, thiết bị, máy móc luôn sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng mát; môi trường làm việc thực sự xanh, sạch, đẹp. Có thể nói, phong trào thi đua “Thực hiện văn hóa công sở, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” tại Nhà máy Z175 đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua Quyết thắng, thiết thực nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, tăng trưởng bình quân năm sau cao hơn năm trước từ 8-10%, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. VĂN HÓA CÔNG SỞ GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PV: Là người từng giữ cương vị đứng đầu một doanh nghiệp, đồng chí nghĩ sao về tính kỷ luật và biện pháp giáo dục, thuyết phục trong thực hiện văn hóa công sở? Đại tá Lê Ngọc Thân: Tôi nghĩ rằng, đã ở trong môi trường Quân đội, mọi quân nhân và mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động đều phải chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ có thể không tránh khỏi thiếu sót, sai lầm, do đó, cần linh hoạt, hài hòa trong xử lý, sao cho người mắc lỗi không có những phản ứng tiêu cực. Trước đây, trong thực hiện nhiệm vụ, các doanh nghiệp thường dùng biện pháp hành chính, mang tính áp đặt đối với người lao động. Ví như, khi xảy ra hỏng hóc sản phẩm thường “mặc định” rằng lỗi do công nhân trực tiếp sản xuất gây ra. Sự áp đặt này thường làm họ không “tâm phục, khẩu phục” và tìm cách đối phó. Từ khi thực hiện Chương trình Kaizen-5S, lãnh đạo, chỉ huy các doanh nghiệp đã coi trọng biện pháp giáo dục thuyết phục, phát huy tính tự giác, tự soi, tự sửa của người lao động. Thời gian giữ cương vị Giám đốc Nhà máy Z115, tôi cam kết không xử phạt những trường hợp vô tình mắc lỗi trong thực hiện nhiệm vụ. Trách nhiệm phải ở cán bộ quản lý, ở cả các bộ phận liên quan, ở quy trình công nghệ và chỉ có khách quan, công bằng như vậy thì người lao động mới mạnh dạn bày tỏ sự bất cập và đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp. PV: Thưa đồng chí, đâu là những tồn tại, hạn chế trong thực hiện phong trào thi đua “Thực hiện văn hóa công sở, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” ở Tổng cục CNQP”? Đại tá Lê Ngọc Thân: Có thể nói, giai đoạn 2019 - 2022, phong trào thi đua “Thực hiện văn hóa công sở, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” ở Tổng cục CNQP” đã đạt được những kết quả thiết thực và có ý nghĩa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Nhận thức về vị trí, vai trò văn hóa công sở của một số cán bộ, công nhân viên, người lao động chưa sâu sắc. Việc đề ra các chỉ tiêu phấn đấu tại một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, dẫn đến hiệu quả phong trào chưa cao. Quá trình bổ sung hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định của một số đơn vị chưa sâu sát, cập nhật thường xuyên. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến xây dựng thương hiệu, hình ảnh văn hóa doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Việc đổi mới, áp dụng các phương thức quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của một số doanh nghiệp còn chậm, chưa đồng bộ. PV: Thời gian tới, Tổng cục CNQP sẽ thực hiện văn hóa công sở theo những nội dung nào, thưa đồng chí? Đại tá Lê Ngọc Thân: Phát huy những thành tích đã đạt được trong giai đoạn 2019 - 2022, Tổng cục CNQP sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, người lao động Tổng cục CNQP thi đua thực hiện văn hóa công sở, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; phát huy hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ đổi mới. Trọng tâm là, xây dựng tác phong, phương pháp làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả; bồi dưỡng kiên thức, năng lực công tác, thái độ trong giao tiếp, ứng xử và giải quyết công việc… Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống quy chế, nội quy trên các mặt hoạt động, nhằm phát huy tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng trong xây dựng cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ quản lý, điều hành công việc; cải tiến nội dung, hình thức hội họp theo hướng hiệu quả, tiết kiệm thời gian, kinh phí. Quan tâm cải thiện cơ sở vật chất, môi trường làm việc và nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên, người lao động nhằm tạo động lực làm việc và tạo môi trường văn hóa trong cơ quan, đơn vị, góp phần tô thắm phẩm chất tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" thời kỳ mới. LÊ BÁ ANH (Thực hiện)
|