CNQP&KT - Những ai có dịp đến với huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), hẳn sẽ bất ngờ, thích thú khi được chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ, tráng lệ, nhưng cũng hết sức bình dị, thuần khiết của Lý Sơn, được nhiều người ví như “thiên đường” giữa biển khơi.

Được nghe nhiều, đọc nhiều và cũng xem nhiều về Lý Sơn, tôi mong ngóng từng ngày được đặt chân lên mảnh đất này. Dịp may đã đến khi đầu tháng 7 vừa qua, tôi có chuyến công tác ra đảo.

Sau hải trình gần 20 hải lý, cuối cùng con tàu cao tốc cũng cập bến trong niềm hân hoan của đông đảo hành khách. Còn tôi, từ khi bóng dáng hòn đảo lờ mờ hiện ra đã đứng ngồi không yên, đôi mắt như dán vào màu xanh mát dịu ấy. Đang mải mê trước cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và không khỏi tò mò, thích thú khi chứng kiến những bước chân hối hả của bà con ngư dân trên đảo vận chuyển những thùng cá tươi, đầy ăm ắp từ các khoang tàu xuống bến, tôi bỗng giật mình bởi bàn tay ai đó vỗ mạnh xuống vai:

Chắc lần đầu ra Lý Sơn phải không? Cứ vào đơn vị nghỉ ngơi chút đã rồi bọn mình sẽ dẫn đi tham quan đảo, nhiều điều thú vị lắm!

Trước mắt tôi là một sĩ quan biên phòng nước da cháy nắng, gương mặt anh toát lên vẻ cương nghị nhưng cởi mở, thân thiện. Sau lời giới thiệu, được biết anh là Thiếu tá Lâm Đình Hiếu, Phó đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Lý Sơn, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ngãi. Được sự phân công của chỉ huy đồn, anh ra đón chúng tôi từ sớm. Gắn bó với Lý Sơn ngót chục năm nay nên Thiếu tá Lâm Đình Hiếu thuộc lòng lịch sử, con người, văn hóa nơi đây. Trên đường vào đơn vị, anh tranh thủ hướng dẫn chúng tôi các địa danh cần khám phá, các di tích lịch sử nên tìm đến, chiêm nghiệm, rồi cả những món ẩm thực thú vị trên đảo...


Lý Sơn có nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ thu hút khách du lịch.

Nghe Hiếu giới thiệu, tôi nghĩ, anh bạn này quả là “thổ công” ở Lý Sơn. Nhưng khi tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ biên phòng trên đảo, tôi mới vỡ lẽ, hóa ra ở đây ai cũng tường tận về “ngôi nhà chung” Lý Sơn, nắm chắc từng cung đường, ngõ xóm, cho đến hoàn cảnh mỗi gia đình. Cũng bởi, trên hòn đảo nhỏ bé chưa đầy 10km2 này, tình cảm quân dân càng trở nên gắn kết. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo chẳng khác nào con em ruột thịt trong đại gia đình Lý Sơn. Câu chuyện của chúng tôi càng trở nên gần gũi, vui vẻ khi có sự góp mặt của đồng chí Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn. Chị tâm sự: “Nhiều năm trở lại đây, tình cảm quân dân trên đảo gắn bó như máu thịt. Nơi đầu sóng ngọn gió này, bộ đội dựa vào dân và dân cũng chỉ biết trông cậy vào bộ đội. Hằng năm, Đồn Biên phòng 328 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi), Ban Chỉ huy quân sự huyện, đơn vị ra-đa của Hải quân đều có chương trình phối hợp hành động với địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nghĩa vụ về quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, các lực lượng luôn chủ động trong việc giúp dân phòng, chống thiên tai”.


Tàu đánh cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn.

Theo tìm hiểu, trên đảo Lý Sơn có 3 lớp cư dân: Sa Huỳnh - Chămpa - Việt. Hơn 600 năm qua, họ sống quần cư, gắn bó, cùng nhau xây dựng, phát triển Lý Sơn, có công lao to lớn trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để lại nhiều di sản văn hóa vô cùng giá trị, hiện vẫn được bảo tồn, phát huy. Đảo có 5 ngọn núi, đều là chứng tích của núi lửa đã phun trào. Sự phun trào và tắt đi của núi lửa tạo cho Lý Sơn cảnh quan thiên nhiên hết sức kỳ thú. Trong đó, Thới Lới là đỉnh núi cao nhất ở Lý Sơn (149m). Trên đỉnh núi có một hồ nước ngọt chứa khoảng 30.000m3, có thể cung cấp toàn bộ nước ngọt cho cả đảo lớn và đảo bé.

Năm 2019, Lý Sơn đón hơn 265.000 lượt khách và được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Sau thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du khách đang trở lại Lý Sơn ngày một đông.

Đi khắp đảo Lý Sơn, tôi thực sự thích thú khi nhận ra vẻ đẹp quyến rũ của con đường bê tông chạy vòng quanh đảo, của những con tàu thấp thoáng ngoài khơi và những rừng cây xanh tốt... Tôi thấy mình như lạc vào công viên sinh thái giữa biển trời Tổ quốc. Quả đúng như nhận định của ai đó: Lý Sơn thực sự là “đảo Maldives”, đảo “Jeju” của Việt Nam. Đến với Lý Sơn, không chỉ riêng tôi mà ai cũng có thể liên tưởng ngay đến những bí ẩn nơi đảo thiêng. Với 30 điểm di sản địa chất và văn hóa đan xen, Lý Sơn mê hoặc lòng người bởi vách Hang Câu, miệng Giếng Tiền, núi Thới Lới như thể dẫn dụ du khách lạc vào bảo tàng tự nhiên. Đến đây du khách có thể chiêm ngưỡng những tàn tích từ sự phun trào nham thạch của núi lửa cách đây hàng triệu năm, đã hào phóng ban cho Lý Sơn cảnh quan tuyệt đẹp, không nơi nào có được.

Sau một hồi thong dong chạy xe máy vòng quanh đảo, tôi quyết định dừng xe, leo lên đỉnh Thới Lới. Từ đây, tôi có dịp phóng tầm mắt, chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp được kết hợp hài hòa giữa màu xanh ngọc bích của nước biển, màu xanh mướt của cây cối, màu trắng tinh khôi của cát biển. Tất cả tạo nên bức tranh thiên nhiên đa sắc màu mang tên Lý Sơn.


Bộ đội Biên phòng tuần tra trên đảo Lý Sơn.

Quả thật, ra với Lý Sơn, tôi thêm hiểu về truyền thống văn hóa lịch sử của đảo, về những chiến công oai hùng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Nơi đây có đội hùng binh năm xưa vâng lệnh Chúa Nguyễn, lên đường bảo vệ biên cương của Tổ quốc, có lớp cư dân bản địa từng sinh sống trên đảo hàng nghìn năm về trước. Hiện trên đảo có hơn 50 di tích lịch sử, trong đó có 6 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh, 2 di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh các di tích lịch sử văn hóa đặc sắc, Lý Sơn còn lưu truyền nhiều phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, văn hóa dân gian, ẩm thực độc đáo. Trải qua hàng trăm năm, người dân Lý Sơn còn để lại nhiều lễ hội truyền thống ghi đậm dấu ấn của cư dân trên đảo, như: Lễ cầu ngư, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013). Điều độc đáo nữa là, đất đai trên đảo Lý Sơn do tro núi lửa hình thành nên rất phì nhiêu, thuận lợi cho việc trồng, phát triển các giống cây, như: tỏi, hành, đậu xanh, dưa hấu, mè (vừng)... Những nông sản này được đông đảo khách du lịch tìm mua mỗi khi ra với Lý Sơn.

Sau một ngày khám phá Lý Sơn, bên ấm trà nóng trong khuôn viên xanh -sạch - đẹp của các chiến sĩ biên phòng, Chủ tịch UBND xã Phạm Thị Hương phấn khởi cho hay, Lý Sơn được ví như “thiên đường giữa biển khơi”, bởi nét độc đáo từ các di tích lịch sử mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân, đồng thời sở hữu nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hòa quyện giữa núi và biển. Hiện du lịch Lý Sơn đang chiếm tỷ trọng cao trong hoạt động của ngành du lịch Quảng Ngãi. Năm 2019, tổng lượt khách đến Lý Sơn là 265.000 người và được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Sau thời gian bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du khách đang trở lại Lý Sơn ngày một đông và chắc chắn sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho du lịch của tỉnh nhà.

Truyền thống, bản sắc văn hóa trên đảo Lý Sơn đã và đang được quân và dân nơi đây không ngừng giữ gìn, phát huy. Chính nhờ những giá trị tinh thần quý báu này mà Lý Sơn sẽ trở thành điểm đến của đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân, đồng thời khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài và ảnh: HỒNG SÁNG

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: