CNQP&KT - “Duy trì vai trò dẫn dắt trong phát triển công nghiệp công nghệ cao vừa là khát vọng, nhu cầu nội tại của Viettel, vừa là yêu cầu của đất nước” - Đó là khẳng định của Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng về những chiến lược của Tập đoàn trong lĩnh vực này.

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO, LƯỠNG DỤNG

Phóng viên (PV): Nhận nhiệm vụ “chèo lái” Viettel khi Tập đoàn vừa tuyên bố sẽ là nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CNQP) công nghệ cao, quyết tâm của lãnh đạo Viettel như thế nào đối với lĩnh vực nghiên cứu công nghệ cao, thưa đồng chí?

Đại tá Tào Đức Thắng: Tổ hợp CNQP đóng vai trò rất quan trọng, dẫn dắt trong hệ thống đổi mới sáng tạo tại các cường quốc trên thế giới. Ở Việt Nam, quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua về phát triển CNQP là tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, thực sự trở thành bộ phận quan trọng và mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững. Thấu suốt quan điểm này, việc trở thành tổ hợp CNQP công nghệ cao là khát vọng của Tập đoàn và là con đường Viettel chắc chắn phải đi. Theo tôi, có 3 lý do để khẳng định điều này:

Thứ nhất, chỉ có tự chủ được thiết bị công nghệ cao phục vụ cả quân sự lẫn dân sự thì mới có thể đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và không bị phụ thuộc. Nhìn ra thế giới có thể thấy, để tự chủ về công nghệ, hướng tới những mục tiêu lâu dài, các nước có những bước đi hết sức bài bản, dành ưu tiên cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Chúng ta sẽ không có nền công nghiệp công nghệ cao hiện đại nếu vẫn tiếp tục mua sản phẩm, thiết bị của quốc gia khác.

Thứ hai, tiên phong, dẫn dắt luôn là yêu cầu hàng đầu được Viettel đặt ra trong quá trình phát triển của mình. Điều đó giúp Viettel thực hiện được những mục tiêu đột phá.

Thứ ba, môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt, Viettel bắt buộc phải chuyển dịch, thay đổi từ lấy viễn thông làm chủ đạo trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ.


Đại tá Tào Đức Thắng.   Ảnh: CTV

PV:  Xin đồng chí chia sẻ rõ hơn về những mục tiêu và giải pháp mà Viettel sẽ triển khai để hiện thực hóa khát vọng của mình?

Đại tá Tào Đức Thắng:  Đối với lĩnh vực CNQP công nghệ cao, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu sản xuất các loại khí tài “thông minh hơn, chính xác hơn, tin cậy hơn” theo mô hình C5ISR (Command, Control, Communication, Computer, Cyber, Intelligence, Surveillance, Reconnaissance). Đây là mô hình tác chiến hiện đại được áp dụng ở nhiều nước có nền khoa học quân sự tiên tiến trên thế giới. Theo đó, Viettel tập trung vào các thiết bị thu thập thông tin, truyền nhận thông tin, xử lý thông tin…

 

Trong lĩnh vực công nghiệp điện tử - viễn thông, Viettel phấn đấu làm chủ các thiết bị hạ tầng của mạng 5G, triển khai diện rộng trên mạng lưới và tiến tới xuất khẩu; hoàn thiện và đưa vào ứng dụng các sản phẩm chipset 5G cho thiết bị hạ tầng mạng 5G…

Viettel còn xây dựng nền tảng kết nối vạn vật (IoT - Internet of Things) và phát triển các chuẩn kết nối thiết bị IoT tạo ra hệ sinh thái IoT của người Việt Nam, đảm bảo an toàn thông tin cho người dân và quốc gia. Cùng với đó, tiếp tục phát triển các thiết bị trong hệ sinh thái sản phẩm IoT phục vụ dân sinh, y tế, giáo dục, giao thông, nhà máy thông minh. Viettel cũng nghiên cứu các công nghệ năng lượng xanh tập trung vào quản lý, sử dụng và lưu trữ năng lượng đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế tối đa phát thải ra môi trường.


Kỹ sư Viettel vận hành hệ thống trinh sát vô tuyến điện tử VSI-3.   Ảnh: THU HƯƠNG

PV: Có thể thấy, Viettel đặt ra mục tiêu rất lớn đối với lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Điều gì khiến Viettel tự tin đến vậy?

Đại tá Tào Đức Thắng:  Viettel xác định trở thành nòng cốt xây dựng tổ hợp CNQP công nghệ cao, không phải là ý tưởng ngày một, ngày hai, mà chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ hơn 10 năm trước. Từ những bước đi đầu tiên, đến nay, doanh thu từ nghiên cứu, sản xuất đang dần chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng doanh thu của Tập đoàn. Chúng tôi đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm quân sự và dân sự “Make in Vietnam”, có tính năng tương đương hoặc ưu việt hơn các sản phẩm cùng loại của các nước phát triển. Đặc biệt, Viettel hiện đang làm chủ nhiều công nghệ lõi quan trọng, sở hữu nhiều bằng sáng chế ở cả những thị trường khó tính nhất.

“Quan điểm và cách làm của Viettel đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao chính là phải làm chủ từ gốc của quá trình nghiên cứu, phát triển. Đó là tự nghiên cứu, làm chủ tối đa công nghệ lõi như chipset, bán dẫn, phần mềm… chứ không đi theo con đường gia công, lắp ráp, sản xuất theo bằng sáng chế của nước ngoài”.

     (Đại tá Tào Đức Thắng)

PV: 10 năm là quãng thời gian chưa dài, nhưng Viettel đã từng bước khẳng định những bước tiến trên hành trình nghiên cứu sản xuất công nghệ cao. Nhờ đâu mà Viettel đạt được những thành tựu đó, thưa đồng chí?

Đại tá Tào Đức Thắng:  Quan điểm và cách làm của Viettel đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao chính là phải làm chủ từ gốc của quá trình nghiên cứu, phát triển. Đó là tự nghiên cứu, làm chủ tối đa công nghệ lõi như chipset, bán dẫn, phần mềm… chứ không đi theo con đường gia công, lắp ráp, sản xuất theo bằng sáng chế của nước ngoài. Chúng tôi xác định rõ, chỉ khi làm chủ sản phẩm thì mới chủ động trong đảm bảo kỹ thuật, thay đổi tính năng phù hợp, xây dựng được nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm...

Chính vì vậy, đối với từng việc cụ thể, như về thiết kế, phải làm chủ thiết kế hệ thống và sở hữu thiết kế. Hay về sản phẩm, chúng tôi chia hệ thống thành các sub-systems (hệ thống phụ - PV), xác định phần nào làm được, phần nào cần đi mua để có lộ trình làm chủ sản xuất. Trong quá trình thực hiện, Viettel cho rằng, nền tảng ban đầu ở phần mềm - là lõi của sản phẩm và cũng chính là thế mạnh của Việt Nam; rồi tiến tới làm chủ phần cứng và đặc biệt là chipset. Với một số lĩnh vực quan trọng khác như vật liệu mới, có thể phát triển theo hướng hợp tác.

Đặc biệt, về sản xuất lưỡng dụng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, Viettel tối ưu bằng cách những công nghệ, kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất sau khi được triển khai cho quốc phòng sẽ được ứng dụng cho dân sự, tạo ra những sản phẩm có tính dẫn dắt thị trường, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Giải pháp lưỡng dụng này vừa góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng quốc gia vừa giúp phát triển kinh tế đất nước.


Radar cảnh giới bờ biển tầm trung VRS-CSX của Viettel.   Ảnh: THU HƯƠNG

 PV: Đồng chí vừa nhắc đến khái niệm “lưỡng dụng”, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa việc này như thế nào?

Đại tá Tào Đức Thắng: Chúng tôi nhận thấy, phần lớn các sản phẩm CNQP công nghệ cao có thể sử dụng trong dân sinh, như: máy bay không người lái (UAV), vệ tinh viễn thám, hệ thống mô hình mô phỏng… Trong những năm tới, Quỹ Phát triển khoa học -  công nghệ của Viettel sẽ đầu tư phần lớn kinh phí để phát triển các công nghệ quân sự nền tảng và các sản phẩm dân sinh sẽ được phát triển trên các công nghệ nền tảng đó. Ngược lại, nhiều công nghệ ứng dụng cho lĩnh vực dân sinh sẽ được Viettel nghiên cứu đưa vào sản xuất các trang - thiết bị quân sự. Tôi cho rằng, khả năng lưỡng dụng là cực kỳ quan trọng, đem lại giá trị gia tăng và sức cạnh tranh lớn. Tuy vậy, để phát huy lợi thế của công nghệ lưỡng dụng lại là vấn đề khó. Nhiều quốc gia có tiềm lực CNQP và công nghệ quân sự hùng mạnh nhưng chưa chắc đã phát triển được các sản phẩm dân sự có chất lượng và trình độ công nghệ cao.

PV: Đây có phải là những thách thức mà Viettel đang phải đối mặt, thưa đồng chí?

Đại tá Tào Đức Thắng: Tôi nghĩ rằng, cơ hội luôn nhiều hơn thách thức, giải pháp luôn nhiều hơn khó khăn. Tư duy của Viettel là đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá. Việc Viettel chuyển dịch từ quân sự sang nghiên cứu sản phẩm lưỡng dụng được bắt đầu ở một số lĩnh vực mà chúng tôi có thế mạnh, như: hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống quang điện tử và mô phỏng. Viettel đã cơ bản làm chủ hoàn toàn công nghệ hạ tầng mạng lõi viễn thông, gồm tổng đài chuyển mạch, hệ thống nhắn tin, tính cước thời gian thực, hệ thống IMS, các thiết bị truyền dẫn 10Gbps và 100Gbps; thử nghiệm thành công mạng 5G; phát triển một số nền tảng, giải pháp mới cho dân sự như IoT Platform, AI Camera, bộ điều khiển ắc-quy lithium, nguồn thông minh… Từ đó, bước đầu hình thành các hệ sinh thái và nền tảng chung, kết hợp giữa quân sự và dân sự trên cơ sở ứng dụng những thành tựu của công nghệ  4.0.

Định hướng của Viettel thời gian tới là nhanh chóng phát triển, làm chủ cả về phần cứng, phần mềm các hệ sinh thái số quan trọng của xã hội. Đây là một trong những điểm then chốt quyết định tiến độ của sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số của Viettel.

 

“Phần lớn các sản phẩm CNQP công nghệ cao có thể sử dụng trong dân sinh, như: máy bay không người lái (UAV), vệ tinh viễn thám, hệ thống mô hình mô phỏng… Ngược lại, nhiều công nghệ ứng dụng cho lĩnh vực dân sinh sẽ được Viettel nghiên cứu đưa vào sản xuất các trang - thiết bị quân sự”.

(Đại tá Tào Đức Thắng)

TIÊN PHONG, CHỦ LỰC TRONG KIẾN TẠO XÃ HỘI SỐ

PV: Câu chuyện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng xã hội số phải được phát triển từ nền tảng hạ tầng số. Việc Viettel nghiên cứu và thử nghiệm thiết bị mạng 5G có phải để thúc đẩy các dịch vụ số của mình?

Đại tá Tào Đức Thắng:  Đích đến của Viettel không chỉ là hạ tầng viễn thông mà là một hạ tầng hiện đại, thông minh phục vụ đất nước. Hạ tầng viễn thông chỉ là những bước khởi đầu, là hạ tầng chuyển đổi số quốc gia. Điều lớn hơn cả đó chính là sự tự chủ của quốc gia về công nghệ, sự đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin của quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Trọng trách này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Viettel.


Hệ thống tác chiến điện tử V-ELINT 18 của Viettel.             Ảnh: MAI LINH

PV: Vậy là 5G không chỉ có vai trò rất lớn trong lĩnh vực dân sinh mà còn tác động lớn đến lĩnh vực quốc phòng - an ninh, thưa đồng chí?

Đại tá Tào Đức Thắng: Câu chuyện Viettel nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G cần được nhìn nhận trên hai góc độ:

Thứ nhất, trên khía cạnh kinh doanh, có thể nhận thấy xu hướng phát triển mạnh của thị trường 5G phục vụ quốc phòng toàn cầu. Có đánh giá cho rằng, thị trường này sẽ đạt giá trị gần 9 tỷ USD trong 5 năm tới với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 48,50% trong giai đoạn 2022-2027. Chúng ta đã biết, 5G được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Trong lĩnh vực quốc phòng, 5G giúp nâng cao chất lượng các hệ thống trinh sát, tình báo, giám sát và xử lý, hệ thống hậu cần để tăng hiệu quả các phương pháp kiểm soát và chỉ huy mới. Bên cạnh đó, xu hướng ứng dụng rộng rãi các trang bị kỹ thuật, robot tự động, phát triển các công nghệ hiện đại như IoT, cho phép kết nối nhiều thiết bị ở tốc độ cao cũng là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thị trường 5G.

Thứ hai, trên khía cạnh phát triển công nghệ cao, bảo đảm các loại trang bị kỹ thuật là yêu cầu tối quan trọng trong xây dựng quân đội của bất cứ quốc gia nào. Các nước trên thế giới đều có xu hướng phát triển CNQP hiện đại, bảo đảm cho lực lượng vũ trang có trang bị kỹ thuật hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu nhằm ứng phó hiệu quả với chiến tranh công nghệ cao.

PV: Những điều trên cho thấy, dường như Viettel đang dần xác lập vị thế với vai trò dẫn dắt, thúc đẩy trong lĩnh vực công nghệ cao như đã làm với lĩnh vực viễn thông?

Đại tá Tào Đức Thắng: Chúng tôi xác định sứ mệnh của mình là tiên phong, chủ lực trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng nền kinh tế số, kiến tạo xã hội số ở Việt Nam là một cam kết của Viettel với Chính phủ và khách hàng. Việc Viettel duy trì vai trò dẫn dắt trong phát triển công nghiệp công nghệ cao vừa là khát vọng, nhu cầu nội tại của Viettel, vừa là yêu cầu của đất nước đối với Viettel.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

SƠN ĐỖ (Thực hiện)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: