CNQP&KT - “Ta tìm phiến đá vòm cây/Tìm đêm trăng tỏ tìm ngày nắng chang/Công binh xưởng đó ngày xưa/Những ngày cần mẫn góp vào chiến công…”. Câu thơ mộc mạc vang lên từ tiếng loa trên con đò xuôi theo dòng nước du ngoạn miền non nước Ninh Bình đã thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách, trong đó có đoàn cựu chiến binh Quân giới tỉnh Ninh Bình...

Tham gia chuyến đi cùng đoàn cựu chiến binh, chúng tôi được trải nghiệm cũng như biết được nhiều thống tin thú vị về vùng đất cố đô xưa. Những dãy núi đá vôi nguyên sơ chứa đựng giá trị địa mạo, địa chất, bao quanh nhiều thung lũng, hồ đầm, sông nước mênh mông đã làm nên quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO công nhận là di sản “kép”. Cũng bởi đặc điểm địa hình có nhiều núi đá, hang động, thung lũng, bến sông, cửa lạch, đình chùa nên trong những năm kháng chiến chống Pháp, Ninh Bình được chọn là “khu an toàn đỏ” tổ chức các xưởng sản xuất vũ khí, huấn luyện tân binh… phục vụ chiến trường.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là thăm nơi đóng quân của Xưởng B4-Trần Phú ở hang Đá Bàn (thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư). Xưa kia, ở hang Đá Bàn có chùa cổ Liên Hoa rất linh thiêng, được bà con quanh vùng tôn thờ, bảo vệ. Theo lời bà Nguyễn Thị Tạo, 66 tuổi, người được chính quyền địa phương giao trông nom chùa Liên Hoa, thì ngôi chùa này có niên đại đã hàng trăm năm. Bà Tạo được mẹ đẻ là cụ Dương Thị Miền (có thâm niên hàng chục năm giúp việc nhà chùa) kể rằng, khoảng sau năm 1951, khi Cục Quân giới về khảo sát, xây dựng công binh xưởng tại đây, được nhân dân rất ủng hộ. Dưới bình phong là đi lễ chùa để che mắt kẻ thù, mọi sự ra vào của các bộ phận làm việc đều rất thuận lợi. Mặc dù cũng có lần nghi ngờ muốn kiểm tra nhưng trước sự phản đối gay gắt của nhân dân địa phương không cho phép quấy quả chốn linh thiêng, quân Pháp và bọn tay sai đành bất lực.

 
Non nước Ninh Bình.  

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, B4 là xưởng “đầu đàn” của Quân giới Khu 2 với hàng chục máy công cụ, có máy phát điện chạy bằng hơi nước cùng hơn 300 công nhân, trong đó có nhiều thợ giỏi. Sản phẩm chủ yếu của B4 là lựu đạn mỏ vịt, lựu đạn đập, lựu phóng và súng phóng lựu. Ban đầu, xưởng hoạt động độc lập, sau đó nhập thêm các xưởng: Lương Khánh Thiện ở Thung Khống, Tràng An; Lửa Hồng ở núi Ba Cửa và Xưởng 316 - Nguyễn Văn Tố ở Hang Binh (Chi Phong) thành cụm Kỹ nghệ quốc phòng Trần Phú.


Các cựu chiến binh Ban liên lạc Quân giới - CNQP bên Đài truyền thống Quân giới ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Tuy nhiên, có một câu chuyện đau lòng mà mỗi khi có khách đến thăm địa danh này, ông Bùi Xuân Phiều, Phó trưởng Ban liên lạc truyền thống Quân giới - Công nghiệp quốc phòng (CNQP) tỉnh Ninh Bình, lại xúc động kể lại: “Đó là sự kiện 9 công nhân Xưởng B4 hy sinh ngày 24/10/1948 khi Trung đoàn 34, Liên khu 3 tổ chức trận đánh tàu chiến của quân Pháp đi càn bằng địa thủy lôi tự tạo. Công cụ sản xuất của chúng tôi đều rất thô sơ, anh em lại không được đào tạo bài bản nên biết việc chủ yếu nhờ kinh nghiệm của lớp trước truyền thụ lại. Hôm ấy, trong lúc tra kíp, một quả thủy lôi bị nổ khiến 9 công nhân, trong đó có hai người là anh em ruột hy sinh ngay trong hang. Nén đau thương, Quản đốc Bùi Văn Mạo phân công một bộ phận thực hiện công tác tử sĩ, một bộ phận thay thế lực lượng vừa hy sinh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ”. Sau này, Tổng cục CNQP đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng Đài Truyền thống Quân giới Ninh Bình cùng với bia ghi danh các liệt sĩ hy sinh tại đây.

Từ năm 1946 đến 1952, Ty Quân giới Khu 2 (sau là Liên khu 3) đã tổ chức được 7 công binh xưởng, cụm kỹ nghệ quốc phòng, 7 xưởng vũ khí dân quân tại 16 xã của Ninh Bình.

Theo thống kê, từ ngày 15/12/1946 đến năm 1952, Ty Quân giới Khu 2 (sau là Liên khu 3) từ 3 xưởng ban đầu đã phát triển tới 7 công binh xưởng, cụm kỹ nghệ quốc phòng, 7 xưởng vũ khí dân quân tại 16 xã của Ninh Bình và vươn ra một số địa phương lân cận. Ngày nay, dấu tích hoạt động của các công binh xưởng vẫn còn ở nhiều nơi. Vào hang Đá Bàn, sâu trong chùa Liên Hoa là Xưởng B4, hay từ núi Ba Cửa về chùa Bàn Long đến Hang Lội là nơi đóng quân của Xưởng K1-Lửa Hồng... Dấu vết của bộ đội Quân giới với khẩu hiệu “Công nhân nỗ lực tăng gia sản xuất” viết trên vách đá vẫn còn đó. Bất kể ngày cũng như đêm, những chiến sĩ, công nhân Quân giới ở các công binh xưởng tích cực hoàn thành phần việc được giao, đưa thành phẩm xuôi theo dòng suối, con sông đi khắp các chiến trường. Đêm đêm, ánh sáng từ lửa hàn, từ ngọn đèn chiếu rọi trong các hang đá luôn bừng sáng bất chấp rừng sâu, núi thẳm.


Các cựu chiến binh thăm nơi Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Công Cậy từng sản xuất, chiến đấu.

Là người lớn tuổi nhất đoàn, lại từng làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, ông Phạm Hữu Quốc (100 tuổi, hiện sống ở thành phố Ninh Bình) nhớ rõ từng địa điểm đóng quân của các công binh xưởng và các trường hợp hy sinh của đồng đội. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Quốc cũng như nhiều cựu chiến binh luôn nhắc đến trường hợp hy sinh đặc biệt anh dũng của Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Công Cậy, Quản đốc Xưởng V16 thuộc Ban Vũ khí dân quân Khu 2 đóng quân trong dãy Tam Cốc (thuộc làng Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

“Phát huy các thế mạnh về du lịch kết hợp với giao lưu văn hóa, truyền thống lịch sử là chủ trương chung của tỉnh Ninh Bình”.

(Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình)

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Xưởng V16 cùng các xưởng khác trong vùng rừng núi Ninh Bình ngày một phát triển cả về số lượng, chất lượng, chủng loại vũ khí. Sau một thời gian hoạt động, V16 được đổi tên là Công binh xưởng 57. Nhằm chặn đứng nguồn cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Minh ở Hà Nội và các vùng lân cận, mờ sáng 11/10/1948, giặc Pháp mở cuộc tấn công “Nước đục” tìm và diệt các xưởng sản xuất Quân giới của ta, trong đó có Công binh xưởng 57. Các lực lượng bảo vệ xưởng vòng ngoài bao gồm dân quân, bộ đội địa phương, tự vệ, công nhân cùng một phân đội của Trung đoàn 34 (Liên khu 2) đồng loạt nổ súng. Quân Pháp bị đánh bất ngờ từ nhiều phía nên bỏ chạy tán loạn, rút về căn cứ. Ban chỉ huy nhận định, chúng sẽ tấn công tiếp với quy mô lớn hơn nên việc chuẩn bị phòng ngự, đánh trả cũng cần phải quyết liệt hơn. Đúng như dự đoán, ngày 19/12/1948, quân Pháp chia thành nhiều mũi, đi cả bằng đường bộ và đường thủy, tìm cách tiến vào khu vực hai xưởng 57 và 58. Nguyễn Công Cậy chỉ huy trận địa phòng ngự ở quèn Lòng Cách, một trong những trận địa then chốt bảo vệ Công binh xưởng 57. Trong quá trình làm nhiệm vụ, không may Nguyễn Công Cậy bị một mảnh đạn pháo găm sâu vào đùi. Do mất máu quá nhiều nên anh đã anh dũng hy sinh.


Du khách tham quan danh thắng Tam Cốc - Bích Động, nơi từng đặt các công binh xưởng Quân giới.

Cùng các cựu chiến binh, chúng tôi lên đò xuôi dòng nước hướng về hang Tam Cốc-Bích Động, liền bắt gặp tấm biển gắn dòng chữ: “Nơi đây, CBX Nguyễn Công Cậy từng sản xuất và chiến đấu”. Ngoài ra, nhiều địa danh khác, nơi từng có các công binh xưởng Quân giới đóng quân tại Hoa Lư nói riêng và Ninh Bình nói chung cũng được gắn biển lưu danh. Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, cho biết: Phát huy các thế mạnh về du lịch kết hợp với giao lưu văn hóa, truyền thống lịch sử đang là chủ trương chung của tỉnh Ninh Bình. Lợi thế của du lịch Ninh Bình là có nhiều tài nguyên du lịch gắn với lịch sử, văn hóa, như Di sản Tràng An, Cố đô Hoa Lư; Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Ðính, Tam Cốc - Bích Ðộng, Vườn chim Thung Nham, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu dự trữ sinh quyển ven biển Kim Sơn, Vườn quốc gia Cúc Phương… “Những “địa chỉ đỏ” trong hành trình du lịch truyền thống của du khách khi đến với Ninh Bình vừa thể hiện sự trân trọng đối với những đóng góp của thế hệ cha anh, vừa tạo ra động lực mới cho sự phát triển của địa phương. Con số gần 1,8 triệu lượt khách tham quan, trong đó có hơn 18.000 lượt khách quốc tế đến Ninh Bình trong nửa đầu năm 2022 chính là một minh chứng sống động”- ông Phạm Quang Ngọc khẳng định.

Bài và ảnh: BÍCH TRANG

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: