CNQP&KT - Ba Son được coi là "chiếc nôi" của giai cấp công nhân Việt Nam, là doanh nghiệp đầu tiên trong nước đóng được tàu chiến đấu hiện đại công nghệ cao và các gam tàu bổ trợ, tàu chuyên dụng, tàu vận tải quân sự đến 10.000 DWT. Phát huy nội lực, những năm gần đây, Tổng công ty Ba Son mở hướng phát triển một số ngành nghề, dịch vụ mới.

Trong “Gặp gỡ - Đối thoại” số Đặc biệt này, Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng, Tổng giám đốc Tổng công ty Ba Son, chia sẻ với phóng viên Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế về hành trình khẳng định thương hiệu “đóng tàu Ba Son” và những định hướng phát triển trong thời gian tới.

PHÁT HUY GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Tổng giám đốc, tôi mạo muội suy đoán, có lẽ đến nay áp lực ngồi “ghế nóng” đã vơi bớt so với hồi đồng chí mới nhậm chức! (Cười).

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: (Cũng cười). Vẫn nóng lắm nhà báo! Nói vui vậy thôi, áp lực cũng giúp mỗi chúng ta phải cố gắng hơn. Bản thân tôi luôn tâm niệm, chính áp lực sẽ tạo động lực để mình cùng tập thể doanh nghiệp chung sức, đồng lòng vượt mọi khó khăn, thách thức, xây dựng đơn vị phát triển.


Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng.  Ảnh: PV

PV: Đã gần 2 năm trên cương vị “thuyền trưởng”, chắc hẳn đồng chí vẫn chưa quên “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Tất nhiên rồi! Tôi chính thức nhậm chức Tổng giám đốc Tổng công ty Ba Son từ tháng 10/2021. Đây là vinh dự rất lớn của bản thân tôi khi được Thủ trưởng các cấp tin tưởng giao nhiệm vụ. Bởi xét tuổi đời của tôi với bề dày truyền thống của Ba Son thì… cách biệt đến mấy thế hệ (cười). Tôi vẫn nhớ, ngày đầu ra mắt đã phát biểu với cán bộ, công nhân viên, người lao động Ba Son rằng: “Với niềm vinh dự và trọng trách được giao, tôi sẽ phát huy trí tuệ và lòng nhiệt huyết để cùng các đồng chí xây dựng Tổng công ty Ba Son phát triển ngày càng lớn mạnh”. Và cho đến nay, điều tâm niệm ấy vẫn là “kim chỉ nam” trong mọi quyết sách và hành động của tôi.

PV: Thưa đồng chí, với bề dày lịch sử hơn một thế kỷ xây dựng và phát triển, những mốc son luôn được các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động Ba Son nhắc nhớ là gì?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Tổng công ty Ba Son có nguồn gốc là Xưởng Chu Sư (còn gọi là xưởng Thủy) được chúa Nguyễn Ánh cho xây dựng vào khoảng năm 1790. Đến năm 1863, Chính phủ Pháp quyết định xây dựng thành công xưởng hải quân “Arsenal de Saigon”.  Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, khu công xưởng do Hải quân chế độ ngụy quyền Sài Gòn quản lý và được gọi là Hải quân Công xưởng. Sau năm 1975, công xưởng được Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản, xây dựng và phát triển thành Tổng công ty Ba Son ngày nay. Với bề dày lịch sử hơn 160 năm, Ba Son được biết đến là một trong những “chiếc nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam với người lãnh tụ tiêu biểu là Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Tiếp nối truyền thống và kinh nghiệm trong ngành công nghiệp đóng tàu và gia công chế tạo cơ khí, đến nay, Ba Son đã cung cấp cho các khách hàng trong và ngoài nước nhiều sản phẩm chất lượng. Ba Son là đơn vị đóng tàu chiến đấu công nghệ cao (tàu tên lửa) duy nhất tại Việt Nam và đã đóng mới thành công nhiều loại tàu hiện đại trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam.

PV: Làm nên những dấu ấn - sự kiện đó, là những người lính thợ Ba Son kiên trung, anh dũng mà trang Sử vàng Ba Son vẫn lưu danh, như: Chủ tịch Tôn Đức Thắng, các đồng chí Ngô Văn Năm, Lý Chính Thắng, Đoàn Văn Bơ, Nguyễn Đình Chính?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Đúng thế! Như chúng ta đã biết, đầu thế kỷ XX, công nhân trở thành một lực lượng xã hội đông đảo, bắt đầu tiếp xúc với những tư tưởng cách mạng tiến bộ thông qua tài liệu, sách báo do các nhà yêu nước ở hải ngoại gửi về, và nhất là qua “đồng thợ, đồng thuyền” là những người Việt bị bắt đi lính, làm công cho Pháp trong Thế chiến thứ nhất. Nổi bật trong số đó là Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Từ những ngày mới vào làm ở Xưởng Ba Son, ông đã mau chóng được những người thợ yêu mến, tin tưởng và đứng lên thành lập Công hội Đỏ - tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay. Công hội đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân, chống áp bức bóc lột, tiêu biểu nhất là cuộc bãi công vào tháng 8/1925 có sự tham gia của hơn 1.000 công nhân Xưởng Ba Son để ủng hộ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Châu - Trung Quốc. Cuộc bãi công Ba Son đã đánh dấu bước trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam; thể hiện năng lực tổ chức, ý thức giác ngộ, đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế.

Sử vàng Ba Son cũng nhắc nhớ đến các đồng chí: Lý Chính Thắng, Đào Sơn Tây, Lê Văn Lương, Ngô Văn Năm, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Văn Nghi, Đoàn Văn Bơ, Võ Thành Công… mà sau này đã trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước và Quân đội.


Tổng công ty Ba Son hạ thủy cụm kết cấu siêu trường, siêu trọng Skirt Pile thuộc Dự án SHWE (Myanmar).        Ảnh: CTV

PV: Tôi được biết, năm 1890, các xưởng của Ba Son bắt tay vào đóng chiếc tàu đầu tiên và ở thời điểm đó, Ba Son được tiếp cận với những thành tựu khoa học kỹ thuật của châu Âu: sử dụng nước máy, máy hơi nước, điện... trong sản xuất?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Chúng tôi rất tự hào là đơn vị có truyền thống và kinh nghiệm trong ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu và gia công chế tạo cơ khí. Ba Son cũng là một trong những đơn vị đầu tiên tại Đông Dương và khu vực được tiếp cận với những thành tựu khoa học kỹ thuật của châu Âu. Năm 1890, các xưởng của Ba Son bắt tay vào đóng chiếc tàu đầu tiên, đến năm 1894, Ba Son hạ thủy thành công 4 chiếc sà lan và 1 tàu thủy nhỏ. Vào năm 1899, được giao đóng thử 1 tàu phóng ngư lôi hạng nhất, Xưởng đã nhanh chóng hoàn thành và tiếp tục đóng thêm 4 tàu phóng ngư lôi, được các kỹ sư Pháp nhận xét: “Kết quả rất tốt, đúng quy cách, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian thi công nhanh và tiết kiệm nhiều so với mua hoặc đóng ở Pháp”.

PV: Chắc chắn rằng, mạch nguồn truyền thống của Ba Son đã tạo nên nội lực để các thế hệ kế thừa và phát huy trong hành trình xây dựng, phát triển đơn vị, thưa đồng chí?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Suốt chiều dài lịch sử, truyền thống của một đơn vị Anh hùng, tinh thần đoàn kết thống nhất, lao động sáng tạo được xây dựng và vun đắp qua nhiều thế hệ chính là những yếu tố tạo nên thành công của Ba Son. Đó cũng là cơ sở, tiền đề cho sự phát triển vững mạnh của Tổng công ty ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.

VƯỢT THÁCH THỨC KHẲNG ĐỊNH THƯƠNG HIỆU

PV: Dẫu Ba Son có nền tảng vững chắc, được tạo dựng qua cả trăm năm lịch sử, nhưng hành trình phát triển hẳn không dễ dàng, thưa đồng chí?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Đúng vậy! Đặc biệt là những năm gần đây, Ba Son gặp rất nhiều khó khăn, thách thức khi di dời, tiếp nhận cơ sở mới trùng với thời điểm hệ sinh thái ngành đóng tàu nói chung và đóng tàu quân sự nói riêng đang bị chững lại. Các sản phẩm quốc phòng và khách hàng truyền thống của Ba Son đều giảm, lực lượng lao động cũng bị hao hụt do khoảng cách vị trí địa lý giữa 2 địa phương. Có thể nói, trong 2 năm 2020-2021, hiện trạng của Ba Son rất đáng báo động khi mọi thứ như "mớ bòng bong", chưa có chiến lược phát triển “dài hơi”, sở hữu nhiều nhân tài nhưng thiếu tính kết nối để phát huy sức mạnh tập thể…

"Tổng công ty Ba Son xác định tăng cường hợp tác với các đối tác, bạn hàng trong nước và quốc tế... góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người lao động, xây dựng thương hiệu "đóng tàu Ba Son” ngày càng phát triển lớn mạnh”.

                       (Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng)

PV: Trước hiện trạng đó, đồng chí đã “gỡ khó” như thế nào?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Tất nhiên là “một cây làm chẳng nên non”! Tôi và anh em trong ban lãnh đạo, chỉ huy cùng đưa ra chủ trương, định hướng phát triển Ba Son nhưng đều phải bàn bạc, thống nhất trong Đảng ủy, tạo sự đồng thuận cao nhất để quyết tâm thực hiện. Đảng ủy, chỉ huy Tổng công ty xác định phải xây dựng chiến lược phát triển dài hạn theo 3 ngành nghề chính: đóng và sửa chữa tàu (quốc phòng và kinh tế); gia công kết cấu siêu trường, siêu trọng cho hệ thống điện gió, khai thác dầu khí; cung ứng dịch vụ logistics. Cùng với đó, chức năng, nhiệm vụ của một số phòng, ban chuyên môn cũng được quy định rõ ràng hơn và gắn với trách nhiệm của tập thể, cá nhân; các khâu quản lý, quản trị doanh nghiệp được thắt chặt bằng hệ thống quy chế, quy định cụ thể…

PV: “Di dời Ba Son” từ TP. Hồ Chí Minh đến Thị Vải - Vũng Tàu, là thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội mới cho Tổng công ty. Vậy, lợi thế cạnh tranh của Ba Son là gì, thưa đồng chí?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Hiện, Tổng công ty sở hữu 3 cầu cảng với tổng chiều dài 800m, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 30.000 DWT đầy tải và 150.000 DWT vơi tải; hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu về đóng mới và sửa chữa các loại tàu có tải trọng đến 12.500 DWT. Đặc biệt, Tổng công ty có hơn 1.000 máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, như: sàn nâng hạ 4.500T; cẩu nổi 60T; tàu kéo, tàu đẩy với tổng công suất đến 7.000CV; cổng trục CoK200T; hệ thống xe nâng, xe vận chuyển, xe cẩu và cẩu trục nhà xưởng từ 10-50 tấn; đốc nổi từ 2.000T-8.850T; dây chuyền sản xuất vũ khí và khí tài quân sự trên tàu chiến; hệ thống xử lý bề mặt; một số phương tiện, trang - thiết bị đặc chủng… Ba Son cũng có hơn 300.000m2 kho bãi phục vụ sản xuất kết cấu siêu trường, siêu trọng, cung ứng dịch vụ logistics và các hoạt động vận tải khác.

Cũng cần nói thêm, Tổng công ty đã ứng dụng các phần mềm Shipconstructor trong thiết kế đóng mới phương tiện thủy, gồm: thiết kế thi công, xây dựng kết cấu 3D, lập trình thảo đồ cắt các chi tiết gia công cho máy CNC, góp phần nâng cao năng lực thiết kế và thi công đóng mới các tàu mặt nước có lượng giãn nước đến 4.500 tấn, tàu bổ trợ, tàu chuyên dụng, tàu vận tải quân sự đến 10.000 DWT và tàu kinh tế.

PV: Tôi nghĩ, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là thế mạnh của Ba Son?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Chắc chắn rồi! Ba Son hiện có đội ngũ kỹ sư các chuyên ngành được đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài nước. Cùng với đó là đội ngũ lao động đông đảo có tay nghề cao, kỷ luật tốt, cần cù, sáng tạo, trong đó có hàng trăm thợ hàn có chứng chỉ của đăng kiểm DNV (Na Uy), Lloyd’s (Anh), ABS (Mỹ), NK (Nhật Bản), KR (Hàn Quốc), VR (Việt Nam)… về hàn thép, kim loại màu, ống, đặc biệt là được chuyển giao công nghệ về hàn hợp kim titan. Nhưng điều quan trọng là phải sử dụng đúng người, đúng việc và ở Ba Son, mọi người đều có cơ hội phát triển, nhất là cán bộ trẻ năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

PV: Chính nguồn nhân lực và vật lực này đã làm nên những sản phẩm khẳng định thương hiệu “đóng tàu Ba Son”?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Trải qua hơn một thế kỷ xây dựng và phát triển, Tổng công ty Ba Son đã đóng mới rất nhiều sản phẩm chất lượng cho các đối tác trong và ngoài Quân đội, tiêu biểu như: tàu HQ 381 (đóng mới năm 1999) - là một trong những lớp tàu tên lửa đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam và đặc biệt là 6 tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya - tàu tên lửa hiện đại nhất hiện nay được đóng tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số sản phẩm khác như: tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển 2013, TT200; tàu chuyên dụng chở khí hóa lỏng (LGP) - OPEC GAS…

MỞ HƯỚNG PHÁT TRIỂN MỚI

PV: Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là ngành đóng tàu hiện đang gặp khó. Điều đó tác động như thế nào đến Ba Son?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Thời gian qua, do hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp đã làm cho ngành đóng tàu nói chung và ngành đóng tàu quân sự nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đây cũng là nguyên nhân khách quan khiến cho việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty chưa thật sự ổn định. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP); sự nỗ lực không ngừng của tập thể Ba Son, cùng sự tin tưởng của các đối tác, khách hàng, Tổng công ty Ba Son đã mở hướng phát triển thêm nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới và bước đầu đạt được những thành công nhất định.


Tổng công ty Ba Son đóng mới loạt tàu dịch vụ hậu cần cho Cục Dân quân tự vệ (Bộ Tổng Tham mưu).         Ảnh: CTV

PV: Với cơ sở hạ tầng, trang - thiết bị được đầu tư đồng bộ, hiện đại, Ba Son cần có những giải pháp căn cơ gì để tránh lãng phí nguồn lực, thưa đồng chí?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Với năng lực hiện có, Tổng công ty Ba Son đã mạnh dạn mở rộng hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới, điều này rất nhanh đã tạo nên được những thay đổi về mặt nhận thức đối với cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty. Một số cán bộ trẻ có cơ hội được phát huy hết năng lực của mình, và cũng chính từ đây, Ba Son đã có những bước chuyển mình mang tính bước ngoặt, đánh dấu chặng đường phát triển mới. Các dự án đóng mới, sửa chữa tàu tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu. Từ việc còn thụ động trong thiết kế, Tổng công ty đã chủ động tiếp cận các dự án; chủ động phối hợp với các viện nghiên cứu để nghiên cứu, thiết kế các mẫu tàu chiến đấu, tàu đổ bộ, tàu đa năng chất lượng cao. Hiện nay, Ba Son trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp lớn, như: Tập đoàn Damen (Hà Lan), Myklebust (Na Uy), NOC (Qatar), Liên doanh Vietso Petro, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn; các công ty PTSC, Vosco, Gemadept, Vinaship, Vinalines, PV Oil Shipping, Đông Long, Haduco... cùng hàng trăm đối tác khác. Đặc biệt, mới đây, Ba Son đã khởi công dự án đóng mới 6 tàu CF3850 cho Tập đoàn Damen. Đây là sản phẩm tàu chở hàng chất lượng cao xuất khẩu đầu tiên của Ba Son.

PV: Là doanh nghiệp đóng tàu "dày thâm niên" nhưng lần đầu tiên đóng tàu xuất khẩu, chắc chắn đây cũng là dấu ấn mới trong hành trình “vươn ra biển lớn” của Ba Son?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Vâng! So với các nhà máy đóng tàu của Tổng cục CNQP, đúng là Ba Son đã “đi trước, về sau” vì đến bây giờ mới đóng tàu xuất khẩu. Đây cũng là kết quả của cả quá trình chúng tôi gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, chứng minh với đối tác rằng, người Ba Son có tinh thần cầu tiến, có tư duy đổi mới sáng tạo để gia nhập “sân chơi lớn” bằng những sản phẩm đạt chất lượng cao. Và chắc chắn, kết quả sẽ không dừng lại ở 6 tàu đầu tiên đóng cho Damen, mà còn mở ra triển vọng hợp tác với các đối tác đến từ Mỹ, Trung Quốc, Úc, Nauy, Ả Rập Xê Út…

PV: Chiến lược mở rộng cơ cấu ngành nghề, dịch vụ mới đã mang lại kết quả cụ thể gì, thưa đồng chí?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Với tiềm năng, ưu thế lớn về vị trí địa lý, diện tích bãi thi công rộng, hệ thống nhà xưởng, trang - thiết bị hiện đại, cầu cảng tải trọng lớn, mớn nước sâu, Ba Son đã ký kết và thực hiện các hợp đồng có giá trị kinh tế cao, khẳng định thương hiệu và uy tín Ba Son trên trường quốc tế, như: ché tạo ống siêu trọng cho dự án SHWE (Myanmar); gia công chế tạo ống cọc cho dự án Gallaf 3 (Qatar); sản xuất ống Tubular cho dự án điện gió Hải Long (Đài Loan). Bên cạnh đó, Tổng công ty đã ký kết và thực hiện nhiều hợp đồng dịch vụ bốc xếp dỡ, lưu bãi phục vụ các dự án điện gió Đắk Lắk, Đắk Nông, Trà Vinh V1-7, Viên An Cà Mau...

PV: Được biết, Ba Son là doanh nghiệp đầu tiên trong Tổng cục CNQP thực hiện chủ trương của trên về cơ cấu, sắp xếp các doanh nghiệp quốc phòng. Việc cơ cấu, sắp xếp đang được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Thực hiện đường lối, chủ trương của Bộ Quốc phòng và Tổng cục CNQP, Tổng công ty Ba Son đã kịp thời ra Nghị quyết lãnh đạo chuyên đề; nghiên cứu, triển khai thực hiện, tiến trình cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp theo đúng chủ trương của trên và phù hợp tình hình thực tiễn đơn vị. Hiện, Tổng công ty đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên để tiếp tục triển khai các bước tiếp theo, trong đó phải đặc biệt chú trọng tới tiêu chí "tinh, gọn, mạnh" ; sau cơ cấu, sắp xếp phải thực sự nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và có bước phát triển mới.

PV: Xin đồng chí cho biết, mục tiêu và định hướng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới?

Thượng tá, TS. Mai Quốc Trưởng: Trong thời gian tới, Tổng công ty Ba Son chủ động nghiên cứu đề xuất với cấp có thẩm quyền đóng mới các gam tàu quân sự hiện đại; nâng cao chất lượng sửa chữa trang bị, vũ khí, khí tài trên các tàu quân sự... Xây dựng chiến lược sản phẩm, chiến lược khách hàng linh hoạt, phù hợp; tăng cường tiếp thị, đóng mới, sửa chữa các tàu, thuyền xuất khẩu đạt chuẩn quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đẩy mạnh gia công cơ khí với các sản phẩm siêu trường, siêu trọng, nhất là trong lĩnh vực điện gió; dịch vụ cảng, kho, bãi. Tổng công ty Ba Son xác định tăng cường hợp tác với các đối tác, bạn hàng trong nước và quốc tế... góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người lao động, xây dựng thương hiệu “đóng tàu Ba Son” ngày càng phát triển lớn mạnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

HÀ ANH (Thực hiện)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: