CNQP&KT - Khởi tạo thực tại mới là việc mà Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) luôn theo đuổi. Viettel luôn trong tâm thế “tự phủ định” mình, “tự phá hủy” cái cũ để xây dựng cái mới, đón nguồn năng lượng phát triển mới, mặc dù có thể cái cũ vẫn còn giá trị.
Thực tại mới mà Viettel đang khởi tạo chính là nhiệm vụ mà Chính phủ tin tưởng giao: Tiên phong trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Cách mạng 4.0), góp phần xây dựng xã hội số, nền kinh tế số. NIỀM TỰ HÀO CỦA VIỆT NAM Ra đời vào ngày 1/6/1989 (tiền thân là Công ty Sigelco), năm 2019, Viettel tròn 30 năm xây dựng và phát triển. Đối với mỗi người, tuổi 30 là tuổi đã đủ tích lũy, đủ sức vóc, đủ kiến thức và kinh nghiệm để tạo ra sự vững vàng, chững chạc. Vậy, sức vóc của Viettel tuổi 30 ra sao? Đến nay, vốn chủ sở hữu của Viettel đạt 128 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản 220 nghìn tỷ đồng. Năm 2018, tổng lợi nhuận hợp nhất đạt 37.600 tỷ đồng; dự kiến năm 2019 đạt 39.000 tỷ đồng. Thương hiệu Viettel được Brand Finance (hãng định giá thương hiệu quốc tế) định giá hơn 4,3 tỷ USD, xếp thứ 478 trong Top 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới. Đồng thời, Viettel cũng lọt Top 30 công ty viễn thông hàng đầu về kết nối di động và nằm trong tốp các nhà khai thác viễn thông có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Bên cạnh việc kinh doanh dịch vụ viễn thông, Viettel tiếp tục đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, ngành công nghiệp điện tử - viễn thông, ngành công nghiệp an ninh mạng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xem giới thiệu về sơ đồ tổ chức doanh nghiệp của Viettel. Ảnh: CTV Năm 2019, theo công bố của Tổng cục Thuế, Viettel đã 3 năm liên tiếp là doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (2016, 2017, 2018). Số tiền nộp ngân sách Nhà nước của Viettel năm 2018 là 36.790 tỷ đồng, chiếm hơn 70% số tiền nộp ngân sách toàn ngành Viễn thông-Công nghệ thông tin, tương đương với tổng chi ngân sách Trung ương cho 4 lĩnh vực sự nghiệp: Giáo dục - Đào tạo, Khoa học - Công nghệ, Văn hóa - Thông tin và Phát thanh, Truyền hình. Theo kết quả đánh giá Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất năm 2019 do Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố, Viettel cũng 3 năm liên tiếp (2016, 2017, 2018) nằm trong Top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (Profit 500). Trong 9 tháng năm 2019, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 170,1 nghìn tỷ đồng, đạt 100,3% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất đạt 30,5 nghìn tỷ đồng, đạt 123,2% kế hoạch năm. Trong dịp kỷ niệm 30 thành lập Viettel, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: “Viettel xứng đáng là một hiện tượng, niềm tự hào của Việt Nam”. THỰC HIỆN TỐT NHIỆM VỤ QUỐC PHÒNG-AN NINH VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thành công của Viettel là minh chứng sống động cho hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực trọng yếu, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa tan quan niệm doanh nghiệp nhà nước khó có thể làm ăn hiệu quả. Điều đó cho thấy bài học, cho dù là doanh nghiệp trong thành phần kinh tế nào, thì con người và quản trị là mấu chốt của thành công. Lễ công bố thử nghiệm cuộc gọi 5G đầu tiên của Viettel. Ảnh: TRẦN THỌ Hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào vừa làm tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế như Viettel. Tập đoàn đã làm chủ công nghệ đối với các thiết bị, khí tài quân sự, sản xuất nhiều vũ khí hiện đại đưa vào trang bị trong Quân đội, có chất lượng tương đương với nước ngoài, thậm chí là có tính năng, kỹ thuật vượt trội, phù hợp khả năng tác chiến của Quân đội ta. Những trang - thiết bị đó đã từng bước được đưa vào sử dụng, tiết kiệm hàng trăm triệu USD cho đất nước. Quan trọng hơn là góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, không bị lệ thuộc công nghệ nước ngoài, tạo thế chủ động trong các tình huống. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đảng, Nhà nước và Chính phủ mong muốn có nhiều doanh nghiệp như Viettel”. Nhìn lại chặng đường phát triển của Viettel, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, văn hóa, triết lý, tinh thần chính là sức mạnh của Viettel. Đây là điều tưởng như không liên quan đến kinh tế, đến sản xuất - kinh doanh nhưng thực chất đó là nền tảng của thành công cho những người muốn đi đường xa để phát triển bền vững. Văn hóa khác biệt, đổi mới sáng tạo và đội ngũ nhân viên năng động, tràn đầy hoài bão là hai nguồn sức mạnh to lớn của Viettel. TIÊN PHONG TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA Viettel đang được kỳ vọng rất lớn trong việc chuyển đổi số quốc gia để giúp Việt Nam vượt lên trong cuộc Cách mạng 4.0. Viettel xác định phải thể hiện vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất sản phẩm. Trong đó, Viettel tập trung vào các dự án cho chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh… từ cấp Trung ương đến địa phương, tới từng lĩnh vực của cuộc sống. Mặc dù trong 3 năm qua, tăng trưởng liên tiếp đối với doanh thu dịch vụ viễn thông - lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn, nhưng hiện Viettel đang định hình hướng đi mới. Theo Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm quyền Tổng Giám đốc Viettel thì, Viettel cần phải vượt khỏi giới hạn của một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thuần túy để trở thành một nhà cung cấp dịch vụ số. Các kỹ sư của Viettel thử nghiệm thiết bị thông tin quân sự. Ảnh: TRẦN THỌ Đang phát triển tốt từ viễn thông, tại sao Viettel lại thúc ép mình chuyển đổi thành nhà cung cấp dịch vụ số? Đó là vì xã hội và nền kinh tế đang chuyển đổi số rất mạnh, xuất phát từ nhu cầu tất yếu, là quá trình không thể đảo ngược. Chuyển dịch số sẽ làm thay đổi rất nhanh, nếu không chủ động chuyển đổi thì doanh nghiệp sẽ thất bại. Bài học từ sự phá sản của doanh nghiệp sản xuất phim máy ảnh Kodak là ví dụ rõ nhất. Các kỹ sư của Kodak đã phát minh ra phim kỹ thuật số, nhưng lãnh đạo của hãng không dám sử dụng vì sợ phim kỹ thuật số sẽ giết chết phim truyền thống. Để đến khi các công ty khác áp dụng phim điện tử vào máy ảnh thì Kodak nhanh chóng thất bại và biến mất trên thị trường. Bài học ấy được các cán bộ, nhân viên Viettel hiểu sâu sắc. Do đó, trong việc xây dựng chiến lược về ngành nghề, Viettel luôn chú ý đến việc bỏ đi cái cũ và tìm cách làm mới. Quá trình chuyển đổi số ở Viettel hướng tới sự thay đổi toàn diện từ quản trị cho tới sản phẩm, dịch vụ đều ứng dụng số hóa. Vừa qua, Viettel đã cho phép tất cả các đơn vị, ngành nghề trực thuộc tự đi thuê tư vấn để tạo ra những sản phẩm, quy trình theo hướng số hóa. Tập đoàn cũng xây dựng lại danh mục ngành nghề, sản phẩm, chọn ra những gì sẽ làm, cái gì cần bỏ đi. “Cần nhấn mạnh việc tìm ra cái gì cần bỏ đi mới quan trọng. Nhiều cái chúng ta đã làm thì khó bỏ hơn cái mà chúng ta nghĩ mới” - Thiếu tướng Lê Đăng Dũng chia sẻ. TỰ TIN ĐỐI ĐẦU VỚI NHỮNG “GÃ KHỔNG LỒ QUỐC TẾ” Ngày 9/5/2019 đã đi vào lịch sử ngành Viễn thông Việt Nam khi Viettel thử nghiệm thành công kết nối 5G đầu tiên. Cũng chỉ sau đó vài tháng, Viettel tiếp tục triển khai mạng 5G ở một số nước, như: Campuchia, Myanmar, Peru, Lào và trở thành một trong những nhà mạng tiên phong của thế giới trong triển khai mạng 5G. Việc nhanh chóng triển khai mạng 5G - xương sống của cuộc Cách mạng 4.0 - là một minh chứng cho thấy Viettel luôn đi đầu trong việc triển khai hạ tầng mạng, coi đây là nền tảng cho phát triển. Hạ tầng viễn thông của Viettel đã rộng khắp, phủ sóng xấp xỉ 100% dân số Việt Nam, với các mạng 2G, 3G, 4G và sắp tới là 5G, ứng dụng các công nghệ tiên tiến để triển khai kết nối vạn vật, đầu tư các nền tảng về điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Trong thời gian qua, Viettel đã thực hiện cuộc đại chuyển đổi, sắp xếp, thành lập một loạt tổng công ty mới, để cùng với các đơn vị hiện có hình thành bức tranh hệ sinh thái số. Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) chuyên nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ cao cho cả quân sự và dân sự; Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp VT (VTS) cung cấp các giải pháp quản trị số cho doanh nghiệp và Chính phủ; Tổng công ty Bưu chính Viettel (VT Post) cung cấp các dịch vụ logistics công nghệ; Công ty Viettel Media cung cấp các dịch vụ nội dung số; Công ty An ninh mạng cung cấp các giải pháp an ninh mạng, an toàn thông tin; Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cung cấp các giải pháp quan trọng nhất cho toàn bộ hệ sinh thái số, gồm: thanh toán số và các dịch vụ tài chính số, tiến tới thương mại điện tử trên nền thanh toán số. Tổng công ty Dịch vụ số Viettel được coi là mảnh ghép hoàn thiện cho hệ sinh thái số của Viettel. Vì thanh toán số (với hạt nhân là Mobile Money) được coi là nền tảng quyết định để kiến trúc nền kinh tế số, là cơ sở để bùng nổ các dịch vụ số khác. Công cụ thanh toán phổ cập tới đâu, dịch vụ số sẽ phát triển đến đó và trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển của cả xã hội. Nếu mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, đều có thể mua sắm, chuyển tiền thì chúng ta sẽ kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng mong mỏi: “Chúng ta cần nhanh chóng triển khai thanh toán điện tử để chống tiêu cực, tạo thuận tiện cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa”. Sau 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm hợp tác với các ngân hàng, Viettel đã triển khai kinh doanh dịch vụ ví điện tử tại 9 quốc gia trên thế giới. Đến thời điểm này, Viettel tự tin vào năng lực và kinh nghiệm cung cấp những công cụ nền tảng thanh toán hiện đại hàng đầu trên thế giới. Với số lượng lớn dân số sử dụng điện thoại di động ở Việt Nam, việc triển khai Mobile Money có thể thực hiện nhanh chóng trên phạm vi cả nước, tránh được nguy cơ bị các công ty nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Hiện nay, thị trường Việt Nam chứng kiến rất nhiều sự gia nhập của những doanh nghiệp nước ngoài chuyên cung cấp dịch vụ, nội dung số, như: Facebook, Netflix, Alibaba, Lazada, Grab... Theo Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, các dịch vụ số đã được nhiều doanh nghiệp nước ngoài đi trước, nhưng nếu biết sáng tạo để chúng phù hợp với người Việt Nam thì chúng ta sẽ có khả năng chiến thắng. Do đó, việc đầu tiên là sáng tạo sao cho hợp với con người, văn hóa, cuộc sống và xã hội Việt Nam. Cung cấp nội dung số cũng phải lựa chọn những nội dung phù hợp với đặc trưng dân số trẻ của đất nước. Cần phải nhìn ra được hiện tượng, nhu cầu đang có ngay trong xã hội và giúp người dân giải quyết nhu cầu đó. Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng 10-15%/năm, trở thành tập đoàn công nghệ kinh doanh toàn cầu, tiếp tục duy trì vị thế dẫn dắt số 1 Việt Nam về viễn thông và công nghiệp công nghệ cao, đứng vào Top 150 doanh nghiệp lớn nhất thế giới vào năm 2030, trong đó, Top 10 về viễn thông và công nghệ thông tin, Top 20 về công nghiệp điện tử viễn thông, Top 50 về công nghiệp an toàn, an ninh mạng. Tin chắc rằng, với nền tảng doanh nghiệp vững chắc, với khát vọng lớn và cách làm đúng đắn, Viettel sẽ tiếp tục phát triển, xứng đáng là một trụ cột kinh tế, công nghệ của Quân đội và đất nước. HỒ QUANG PHƯƠNG
|