CNQP&KT - Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một trong những chức năng, nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện sâu sắc bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam; thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị của Quân đội trong quán triệt, thực hiện chủ trương, quan điểm về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng.
Nói đến quân đội là nói đến chức năng chiến đấu bằng vũ trang, nhưng nói đến quân đội vô sản thì cùng với việc khẳng định chức năng chiến đấu là chức năng cơ bản hàng đầu, cần phải thấy rõ sự xuất hiện của các chức năng khác như là một tất yếu khách quan được quy định bởi bản chất giai cấp của quân đội. Đây chính là sự khác nhau căn bản về chức năng, nhiệm vụ quân đội của giai cấp vô sản - quân đội kiểu mới so với các kiểu quân đội trước đó. Chức năng đội quân lao động sản xuất của quân đội vô sản đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định; trong đó C. Mác cho rằng: “Lịch sử quân đội xác định một cách rõ ràng hơn hết sự đúng đắn của quan điểm của chúng ta về mối liên hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ xã hội. Nói chung quân đội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế”1. V.I. Lênin cũng chỉ rõ quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản có vai trò rất quan trọng đối với nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế: “Cần phải tập trung toàn lực vào nhiệm vụ đó, cần phải tung vào những quỹ đạo mới đó toàn bộ lực lượng quân sự đã biểu lộ rõ tác dụng của mình trong việc xây dựng quân sự. Đó là tình hình đặc thù, là bước quá độ đặc thù khiến chúng ta nghĩ đến việc tổ chức các đội quân lao động…”2. Bộ đội Sư đoàn 316 và nhân dân trong ngày hội ra quân lao động sản xuất, xây dựng nông trường Điện Biên (năm 1958). Ảnh: TL Vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về quân đội của giai cấp vô sản vào điều kiện cụ thể Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sáng lập, tổ chức ra Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Đó là quân đội kiểu mới mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Mục tiêu chiến đấu của QĐND Việt Nam không có gì khác là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - mục tiêu mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Thực hiện mục tiêu đó, chức năng của QĐND Việt Nam không chỉ là đội quân chiến đấu mà còn là đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Chức năng đội quân lao động sản xuất của QĐND Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra phù hợp với điều kiện cụ thể của tình hình đất nước, quân đội trong từng thời kỳ, giai đoạn. Trong bài Nói chuyện về nhiệm vụ sản xuất của Quân đội tháng 3/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Hiện nay Quân đội ta có hai nhiệm vụ chính. Một là xây dựng một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu. Hai là tăng gia sản xuất cùng với toàn dân để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho quân đội. Thực hiện nhiệm vụ đó có khó khăn, nhưng khó khăn là tạm thời, thuận lợi mới là căn bản, phải phát triển thuận lợi và khắc phục khó khăn”3. Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu lực lượng vũ trang, trong đó có quân đội “phải thực hành tự cấp tự túc bằng cách thiết thực, bằng tăng gia sản xuất”4. Có thể thấy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lao động sản xuất của Quân đội rất thiết thực và cụ thể, phù hợp với tình hình nhiệm vụ. Người luôn căn dặn các cơ quan, đơn vị quân đội phải chú trọng thực hiện tốt công việc chuyên môn, đồng thời phải cố gắng, tích cực tăng gia để có thể tự túc một phần lương thực, thực phẩm, giảm bớt gánh nặng cho nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tăng gia sản xuất của Quân đội không chỉ là những hoạt động làm ra lương thực, thực phẩm phục vụ trực tiếp cho sinh hoạt hằng ngày, mà còn bao gồm việc giúp dân, bảo vệ của công, sử dụng tiết kiệm vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí... Điều này thể hiện rõ trong bài phát biểu của Người tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất tháng 6/1952: “Tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Đó là chính sách chung của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân, của bộ đội. Trước hết nói về tăng gia sản xuất. Các cơ quan trong quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân. Tuy công việc chuyên môn vẫn là chính, nhưng phải cố sức tăng gia. Bộ đội đánh thắng giặc thu được nhiều chiến lợi phẩm, đấy cũng là tăng gia”5. Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, thực hiện tăng gia sản xuất của Quân đội, nói cách khác là tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế là một trong những chức năng, nhiệm vụ của QĐND Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mặc dù chiến tranh ác liệt, nhưng Quân đội luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tích cực tăng gia sản xuất và tham gia cùng toàn dân đẩy mạnh sản xuất, xây dựng hậu phương lớn miền Bắc và căn cứ hậu cần tại chỗ trên các vùng chiến lược, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” và “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam”. Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản về nhiệm vụ tham gia sản xuất, phát triển kinh tế của Quân đội, như: Nghị quyết số 71/ĐUQSTW, ngày 25/4/2002 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 520-NQ/QUTW, ngày 25/9/2012 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020; Thông tư số 69/2017/TT-BQP ngày 3/4/2017 của Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh kinh tế của Quân đội. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có bước phát triển toàn diện, đạt kết quả tích cực. Đáng chú ý là Quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; tham gia xây dựng nông thôn mới; cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai... Trong đó, các khu kinh tế - quốc phòng có vai trò quan trọng trong tham gia xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) đã luôn đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Bộ đội Sư đoàn 388 hăng say lao động, khai hoang đất trồng trọt (năm 1960). Ảnh: TL Theo số liệu thống kê của Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng) từ năm 1998 đến 2018, các đoàn kinh tế - quốc phòng đã ổn định dân cư cho gần 145.000 hộ dân, tạo việc làm cho khoảng 70.000 hộ dân trên địa bàn. Trong khi đó, các DNQĐ sau những lần đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động đều có bước phát triển mới. Các chỉ số doanh thu, giá trị tăng thêm, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động đều tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động với mức thu nhập ổn định. Hiện, các DNQĐ đang có 38 dự án đầu tư ra nước ngoài (gồm cả DNQĐ đã cổ phần) với tổng số vốn đầu tư hơn 5,2 tỷ USD6. Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn đều cho thấy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lao động sản xuất của Quân đội là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quân đội của giai cấp vô sản nói chung, về bản chất, chức năng, nhiệm vụ quân đội vô sản nói riêng vào điều kiện cụ thể Việt Nam. Đây không chỉ là cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế của Quân đội, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới mà còn là căn cứ khoa học để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; chia rẽ mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt giữa Quân đội với nhân dân. Để tiếp tục quán triệt thực hiện tốt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta về tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, Quân đội cần thấu suốt, nắm vững quan điểm của Đảng, chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Đi đôi với tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, Quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Theo đó, cần tiếp tục tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và người lao động trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trong đó có chức năng đội quân lao động sản xuất; sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNQĐ và các đoàn kinh tế - quốc phòng; tham gia tích cực đối với phong trào Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới và ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; giữ tốt, dùng bền các trang, thiết bị; thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch… góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Đại tá, PGS, TS. PHẠM VĂN SƠN Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Nhân văn quân sự
__________________ TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 29, Nxb CTQG, Hà Nội.1996, tr. 246. 2. V.I.Lênin toàn tập, tập 40, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1977, tr. 122. 3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr.376. 4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr.509. 5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr.431. 6. Trần Đình Thăng, Quân đội tham gia lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Website Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 26/4/2018.
|