CNQP&KT -75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với hoàn thành tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”, Quân đội ta luôn chủ động thực hiện có hiệu quả chức năng “đội quân lao động sản xuất”, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.
Từ thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã khẳng định những đóng góp to lớn, quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc cũng như dấu ấn trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế đất nước. Ngay sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), Quân đội là lực lượng xung kích, nòng cốt, tham gia đắc lực vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Gần 280 nghìn cán bộ, chiến sĩ được chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quan trọng này đã hoàn thành nhiều chương trình, dự án trọng điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trên địa bàn cả nước. Quân đội đã xây dựng các lâm trường, nông trường, nhà máy, xí nghiệp quốc phòng; trở thành lực lượng nòng cốt trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng được Đại hội VI đề ra: “Toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước”1, Quân đội tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 150/ĐUQSTW ngày 1/8/1998 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Quân đội được giao nhiệm vụ làm nòng cốt xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng (KT-QP). Đến nay, Quân đội đã triển khai xây dựng 28 khu KT-QP trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo. Các đoàn KT-QP đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tổ chức quy hoạch, bố trí dân cư, tạo việc làm ổn định và cải thiện đời sống cho hàng trăm nghìn hộ dân, hình thành hàng trăm điểm, cụm, làng bản dân cư trên vành đai biên giới, khu vực xung yếu, tạo thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn, hướng chiến lược của đất nước; được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao. Các khu KT-QP từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh ở những vị trí trọng yếu trên tuyến biên giới, biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời, trở thành nhân tố không thể thiếu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, tổ chức lại dân cư trên các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Trong thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, Quân đội đã đạt được những thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực quốc phòng, tham gia vào phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các ngành công nghiệp, viễn thông, hậu cần, kỹ thuật, dịch vụ... của Quân đội cũng từng bước được đổi mới, phát triển. Quân đội đã sản xuất được nhiều loại trang bị, vũ khí kỹ thuật, đồ dùng thiết yếu phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; sản xuất nhiều mặt hàng dân dụng phục vụ đời sống xã hội. Nhiều doanh nghiệp quân đội đã xây dựng được thương hiệu mạnh, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân; đầu tư có hiệu quả ra nước ngoài, là đối tác kinh tế quốc tế có uy tín, tích cực trong công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng trong triển khai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, các doanh nghiệp quân đội còn tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghệ mới, dịch vụ lưỡng dụng, để vừa sản xuất thiết bị, phương tiện, khí tài quân sự, vừa sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ dân dụng. Những hoạt động xây dựng kinh tế đã đáp ứng tốt sự nghiệp quốc phòng, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, từng bước bố trí lực lượng và tạo thế chủ động trên các địa bàn chiến lược, giải quyết việc làm và thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Thông qua sản xuất, xây dựng kinh tế, Quân đội đã có những đóng góp quan trọng vào việc điều chỉnh lại lực lượng trên các vùng, miền, phù hợp chiến lược bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc trên các địa bàn chiến lược, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đồng thời, góp phần vào sự tăng trưởng, tăng thêm năng lực cho nền kinh tế quốc dân.
Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương,Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các đại biểu ấn nút khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam tại Myanmar (tháng 7/2019). Ảnh: CTV
Thời gian tới, tình hình chính trị - an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh mạng... tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Thực tế đó đòi hỏi, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế quốc phòng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số định hướng cơ bản sau: Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ sản xuất, phát triển kinh tế quốc phòng. Theo đó, toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và người lao động nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, yêu cầu, tầm quan trọng của nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trong thời kỳ mới, cũng như vai trò của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ này; từ đó, nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Cùng với đó, tập trung chấn chỉnh tổ chức biên chế các đoàn KT-QP, các doanh nghiệp quân đội phù hợp với chức năng, yêu cầu nhiệm vụ, theo hướng giảm khâu trung gian, giảm tối đa biên chế cơ quan để tăng cường quân số cho các đơn vị, đội sản xuất; thực hiện tốt việc điều chuyển đoàn KT-QP về trực thuộc quân khu, nhằm thống nhất trong quản lý, chỉ đạo. Đối với những đơn vị hoạt động trên các địa bàn chiến lược, phải góp phần tăng nguồn lực cho quốc phòng, đóng góp ngân sách Nhà nước và phục vụ cho các hoạt động xã hội, chính sách hậu phương quân đội, v.v.. Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc trên các địa bàn chiến lược, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Hai là, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, các đơn vị cần nắm vững và vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về “kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Quán triệt sâu sắc và nắm vững tư tưởng chỉ đạo: lấy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh là mục tiêu hàng đầu; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội... Đồng thời, khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược.
Công trình thủy điện Lai Châu do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tham gia thi công. Ảnh: CTV
Ba là, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu KT-QP trên các địa bàn chiến lược theo Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển các khu KT-QP đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây vừa là giải pháp vừa là định hướng; đồng thời, là sự thể chế hóa quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong thực tiễn. Trong đó, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội bao gồm việc kết hợp mọi hoạt động về quốc phòng với hoạt động xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các đoàn KT-QP chú trọng xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chuyên môn kỹ thuật ở các cấp; đào tạo, tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số ở địa phương, trí thức trẻ tình nguyện; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực về quản lý, phát triển kinh tế, kiến thức, kinh nghiệm về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, công tác vận động quần chúng... để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện việc tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội, gắn với giữ vững, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển kinh tế. Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới, sắp xếp các doanh nghiệp quân đội và bước đầu đạt được kết quả quan trọng; từng bước chuyển đổi mô hình tổ chức, hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Qua đó, góp phần giữ vững, nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng, ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp quân đội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; trên cơ sở đó, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 425-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, trọng tâm là thực hiện tốt Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội giai đoạn 2016 - 2020”. Trong đó, các doanh nghiệp quân đội cần rà soát, xây dựng chiến lược phát triển, chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp với mô hình hoạt động; tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Quân đội. Năm là, ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế quốc phòng, thực hiện có hiệu quả chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng trên địa bàn chiến lược, nhất là cần tập trung đầu tư nguồn lực cho các doanh nghiệp quốc phòng, các doanh nghiệp quân đội có thế mạnh thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới, vùng ven biển, trên các đảo và quần đảo... Trong đó, ưu tiên xây dựng các trung tâm dịch vụ, phát triển các khu KT-QP mạnh có đủ khả năng kết hợp phát triển kinh tế với tạo lập thế trận phòng thủ trên tuyến biên giới, ven biển; tập trung nguồn lực khoa học - công nghệ, nguồn lao động để khai thác có hiệu quả tiềm năng của từng địa phương; ưu tiên phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế với quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất của nhân dân trên tuyến biên giới, các vùng biển, đảo. Thấm nhuần huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, Quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ và phát triển đất nước. Thượng tướng TRẦN ĐƠN Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng __________________ TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI); Nxb CTQG, H. 2013, tr.29.
|