(CNQP&KT) - Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là loại hàng hóa đặc biệt, được Nhà nước quy định là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có vai trò quan trọng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình (thủy lợi, giao thông, điện...).

Là một đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước về VLNCN, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP) thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Quốc phòng đối với hoạt động này. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh VLNCN trong Tổng cục luôn chủ động triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong sản xuất, kinh doanh VLNCN. Những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh VLNCN trong Tổng cục luôn có nền nếp, góp phần bảo đảm cho Quân đội thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh; tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động.

Nhìn lại quy hoạch phát triển ngành VLNCN Việt Nam trong từng giai đoạn, có thể thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh VLNCN của Tổng cục CNQP đã có bước phát triển đáng kể, từ khâu nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nguyên liệu cơ bản đến khâu sản xuất, cung ứng, bảo quản, vận chuyển, dự trữ quốc gia về VLNCN và dịch vụ nổ mìn trọn gói. Hoạt động này luôn đảm bảo an toàn, tiện dụng, hiệu quả và bảo vệ môi trường; góp phần đáp ứng nhu cầu về VLNCN của nền kinh tế quốc dân và xuất khẩu.

Đối với công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nhà nước về VLNCN, Bộ Quốc phòng đã ban hành theo thẩm quyền, hoặc phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, góp phần vào việc hình thành hệ thống quy phạm, quy chuẩn kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, thống nhất; tạo môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển thị trường VLNCN mà vẫn đảm bảo được sự kiểm soát của Nhà nước về các mặt quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Bộ Quốc phòng cũng kịp thời ban hành các thông tư, chỉ thị liên quan đến hoạt động VLNCN trong Quân đội; phối hợp với Bộ Công an ban hành và tổ chức thực hiện thông tư liên tịch liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và vận chuyển hàng nguy hiểm, trong đó có VLNCN. Trong quá trình luật hóa công tác quản lý VLNCN, Bộ Quốc phòng cơ bản thực hiện các chức năng và thẩm quyền quản lý VLNCN như trước đây, bảo đảm chặt chẽ, chất lượng, không phát sinh chồng chéo trong tổ chức thực hiện.

Nét nổi bật trong bước phát triển ngành VLNCN trong Quân đội phải kể đến hoạt động sản xuất VLNCN. Hiện nay, hoạt động này do 7 đơn vị của Tổng cục CNQP đảm nhiệm, với 12 dây chuyền sản xuất thuốc nổ công nghiệp có công suất 90.000 tấn/năm; 3 dây chuyền sản xuất mồi nổ có công suất 750 tấn/năm; 5 dây chuyền sản xuất kíp các loại có công suất 82,5 triệu cái/năm; 4 dây chuyền sản xuất dây cháy chậm có công suất 10 triệu mét/năm và dây nổ đạt 17 triệu mét/năm; 1 dây chuyền sản xuất amoni nitrat có công suất 20.000 tấn/năm. Sản lượng tiêu thụ thuốc nổ công nghiệp hàng năm đạt từ 60.000 đến 65.000 tấn, đáp ứng 50% nhu cầu trong cả nước; sản lượng phụ kiện nổ công nghiệp cơ bản đáp ứng cho các ngành khai thác khoáng sản trên đất liền và xây dựng công trình. Các dây chuyền sản xuất VLNCN hiện nay có công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn trong sản xuất, thân thiện với môi trường và chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại. Trong đó phải kể đến dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương của Nhà máy Z113, Z114, Z115 có quy trình chế tạo và bí quyết công nghệ khác nhau, đáp ứng nhiều dạng khai thác và tính chất, đặc điểm của môi trường; đặc biệt là sản phẩm thuốc nổ nhũ tương an toàn hầm lò của Nhà máy Z113, Z131. Gần đây, Viện Thuốc phóng - Thuốc nổ cũng đã thành công trong việc cải tạo dây chuyền sản xuất thuốc nổ TNP-1 (dòng watergel, có chứa thuốc nổ TNT độc hại) sang dòng sản phẩm thuốc nổ nhũ tương TNP-1E (công suất 3.000 tấn/năm) được Bộ Công Thương cho phép sản xuất ở quy mô công nghiệp. Ngoài ra, Viện còn có dây chuyền sản xuất đạn bắn vỉa (công suất 104.000 viên/năm) cung ứng cho khai thác dầu khí, góp phần chủ động nguồn cung trong nước, giảm số lượng nhập khẩu và tiết kiệm ngoại tệ. Nhà máy Z121 đã nghiên cứu và phát triển các loại kíp nổ vi sai an toàn hầm lò (công suất 14.000 tấn/năm) cung ứng cho khai thác than. Về thuốc nổ mạnh, cả nước có duy nhất 1 dây chuyền sản xuất thuốc nổ Hecxogen của Nhà máy Z195. Ngoài ra, từ năm 2016, Nhà máy Z113 đã đưa vào khai thác dây chuyền sản xuất thuốc nổ TNT. Đây là những sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ quốc phòng và kết hợp kinh tế, giúp chủ động nguồn vật tư trong nước. Bên cạnh đó, Nhà máy Z115 đã liên danh với Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng - GAET (từ tháng 5/2017 về trước thuộc Tổng cục CNQP, nay trực thuộc Bộ Quốc phòng) đầu tư dây chuyền sản xuất thuốc nổ công nghiệp di động (xe MMU), hiện đang vận hành và khai thác có hiệu quả tại mỏ Núi Pháo (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

Nhìn chung đến nay, công nghệ và các dây chuyền sản xuất VLNCN của các nhà máy quốc phòng đạt trình độ tương đương với khu vực; xuất xứ công nghệ và thiết bị của các nước tiên tiến trên thế giới.

Trong kinh doanh VLNCN, cả nước có 2 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được phép hoạt động ở lĩnh vực này là GAET và Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất Mỏ (MICCO) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, sản lượng cung ứng của 2 doanh nghiệp tăng bình quân 4,5%/năm, trong đó ngành than tiêu thụ khoảng 60% tổng sản lượng. Nhờ đẩy mạnh hoạt động tiếp thị mở rộng thị trường và xây dựng mạng lưới kho chứa VLNCN, từ năm 2015, GAET đã xuất khẩu được VLNCN sang thị trường Lào. Cùng với việc mở rộng mạng lưới tiêu thụ VLNCN, GAET không ngừng phát triển mạng lưới dịch vụ nổ mìn theo hướng chuyên môn hóa; GAET gần như thực hiện độc quyền dịch vụ nổ mìn cho ngành dầu khí, mang lại doanh thu từ 30 đến 40 tỷ đồng/năm.

Dây chuyền thiết bị sản xuất thuốc nổ Hecxogen của Nhà máy Z195.     Ảnh: KIM THANH

Công tác huấn luyện, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh VLNCN cũng thường xuyên được các cấp lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Quân đội coi trọng. Trong hồ sơ pháp lý về hoạt động VLNCN, các đơn vị đều có đầy đủ các loại giấy tờ, văn bản pháp lý chứng minh đủ điều kiện hoạt động VLNCN theo quy định, như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất; Giấy phép kinh doanh; Giấy phép xuất, nhập khẩu; Giấy phép sử dụng; Giấy phép dịch vụ nổ mìn, v.v. Ngoài ra, tuỳ theo nhiệm vụ, các đơn vị còn có kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp đối với cơ sở sản xuất, kho, phương tiện vận chuyển VLNCN; giấy phép xả thải ra môi trường; các quy chế, văn bản phối hợp hiệp đồng trong công tác tuyên truyền, tập huấn, diễn tập các tình huống về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn hoạt động; nâng cao hiệu quả xử lý khi có tình huống xảy ra.

Những năm tới, ngành VLNCN Việt Nam cần tiếp tục được xây dựng và phát triển vững chắc. Đối với lĩnh vực VLNCN của Quân đội, xác định mục tiêu chung là phải bổ sung đầu tư, đổi mới công nghệ; khai thác tối đa năng lực sản xuất, đáp ứng đủ các loại VLNCN truyền thống, tiến tới cung ứng một số loại VLNCN mạnh; từng bước tiếp cận các thị trường trong khu vực như Lào, Cam-pu-chia... Để thực hiện được các mục tiêu trên, ngành VLNCN của Quân đội cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp trong quản lý hoạt động từ khâu nghiên cứu, sản xuất, cung ứng, bảo quản, vận chuyển sử dụng và tiêu huỷ VLNCN bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

Hai là, các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát sản xuất, kinh doanh VLNCN đối với các đơn vị, doanh nghiệp thuộc quyền, đảm bảo quản lý chặt chẽ, thống nhất, an toàn từ khâu nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, kinh doanh đến cung ứng, vận chuyển và sử dụng; đặc biệt là việc theo dõi, kiểm soát, thống kê, báo cáo tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển VLNCN và cấp phép vận chuyển, sử dụng VLNCN.

Ba là, tiếp tục kiện toàn tổ chức, phát triển mạng lưới cung ứng VLNCN và dịch vụ nổ mìn trên toàn quốc; trong đó nâng cao tính chủ động và hiệu quả hoạt động của các chi nhánh; chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống kho chứa theo đúng quy chuẩn hiện hành, bố trí hợp lý theo nhu cầu vùng miền. Có cơ chế phân cấp, uỷ quyền hợp lý nhằm tăng cường, nâng cao trách nhiệm quản lý, đồng thời bảo đảm thời gian, tiến độ cung ứng VLNCN được nhanh và hiệu quả nhất. Tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Tổng cục CNQP trong chỉ đạo; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ, lập hệ thống sổ sách theo dõi xuất, nhập VLNCN theo đúng Quy chuẩn QCVN 02:2008/BCT.

Bốn là, thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện bảo đảm an toàn trong vận chuyển, lưu giữ và phòng cháy, chữa cháy; đề nghị cấp mới và đổi thẻ an toàn, huấn luyện kỹ thuật an toàn, giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho các đối tượng tham gia hoạt động VLNCN theo quy định. Tổ chức luyện tập thành thục các phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp đối với kho bảo quản, phương tiện vận chuyển VLNCN, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Năm là, nghiên cứu phương thức cung ứng VLNCN theo hình thức trọn gói, từ việc khảo sát, tư vấn xây dựng phương án nổ mìn, phương án giám sát ảnh hưởng nổ mìn đến việc chủ động tổ chức huấn luyện định kỳ cho các đối tượng liên quan đến VLNCN (quản lý, chỉ huy, thợ mìn, người vận chuyển, thủ kho VLNCN...) và cung ứng VLNCN cho các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng VLNCN.

Sáu là, coi trọng việc đầu tư phát triển nguồn lực, trong đó đầu tư thiết bị dây chuyền công nghệ theo hướng nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm nhằm nâng cao sức cạnh tranh, phù hợp với quy hoạch lâu dài; nâng cao năng lực và khai thác hiệu quả các phương tiện vận tải, hệ thống kho chứa phù hợp với vị trí địa lý và mục đích sử dụng VLNCN của thị trường tiêu thụ. Đa dạng hóa cách thức tiếp cận, chăm sóc khách hàng và hợp tác với đối tác để bảo đảm cho sản xuất được liên tục, ổn định. Đào tạo đội ngũ có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp tốt; ưu tiên phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực tại địa phương trong việc phát triển mạng lưới kinh doanh, dịch vụ, bảo đảm sự ổn định về tổ chức và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ theo hướng lâu dài. Bên cạnh đó, quan tâm học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm mô hình cung ứng dịch vụ, chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới và khu vực. 

Bảy là, kết hợp chặt chẽ việc mở rộng thị trường tiêu thụ VLNCN với các đề án phát triển thị trường, đề án phát triển kinh tế gắn với việc tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp Quân đội. Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc nâng cao hiệu quả quản trị và sử dụng internet để góp phần đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, quảng bá hình ảnh, thương hiệu.

Ngành VLNCN có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ Tổ quốc (nhờ tính lưỡng dụng của sản phẩm và khả năng sẵn sàng đáp ứng năng lực sản xuất khi quốc phòng, an ninh có nhu cầu động viên công nghiệp). Thời gian qua, sự ghi nhận của Nhà nước về vai trò, tác động của VLNCN trong việc phát triển kinh tế đất nước; sự phối hợp thống nhất giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương về công tác quản lý VLNCN; tình hình chính trị xã hội trong nước ổn định, môi trường đầu tư có nhiều cải cách... là yếu tố thuận lợi đối với sự phát triển của ngành VLNCN Việt Nam nói chung và lĩnh vực VLNCN Quân đội nói riêng. Hy vọng, những thuận lợi này cùng với sự đầu tư đúng mức cho sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp, ngành VLNCN của Quân đội sẽ có bước phát triển mới trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tá, Ths. Trần Xuân Sơn

 Bộ Tham mưu - Tổng cục CNQP

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: