CNQP&KT - Phóng viên Tạp chí CNQP&Kinh tế trao đổi với Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân, Giám đốc Nhà máy Z115, để giúp bạn đọc hiểu thêm về hành trình 55 năm xây dựng và phát triển của đơn vị (16/6/1965-16/6/2020).

Trong sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP), đóng góp của Nhà máy Z115 được khẳng định ở cả thời chiến và thời bình, cả trong sản xuất quốc phòng và sản xuất kinh tế. Xứng danh đơn vị hai lần Anh hùng, những năm qua, Z115 là một trong những đơn vị điển hình trong phong trào thi đua Quyết thắng của Tổng cục CNQP.

TRÂN TRỌNG GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG

Phóng viên (PV):Thưa đồng chí Giám đốc! Thú thật, khi đến đây, tôi thật khó tìm lại nét quá vãng của một nhà máy Quân giới đã có 55 năm hình thành và phát triển, mà thay vào đó là diện mạo của một doanh nghiệp khang trang, hiện đại… (cười).

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Vâng! Quả thật, nếu không có thành quả từ truyền thống 55 năm xây dựng, phát triển thì cũng không có những “dấu hiệu” như nhà báo đã nhận biết đâu (cười). Tôi nghĩ, để có Z115 ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp công sức, trí tuệ, thậm chí cả xương máu của các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy. Và tất nhiên không thể không nhờ sự lãnh đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của các ngành, các cấp trong và ngoài Quân đội, nhất là vào những thời điểm khó khăn tưởng như không thể vượt qua nổi.

PV: Lịch sử phát triển của mỗi đơn vị, doanh nghiệp đều gắn với những dấu mốc, giai đoạn quan trọng. Vậy đối với Nhà máy Z115, giai đoạn nào để lại dấu ấn khó phai, thưa đồng chí?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Tôi cho rằng, bất cứ đơn vị, doanh nghiệp nào, mỗi giai đoạn đều có giá trị và dấu ấn riêng, góp phần làm nên truyền thống. Đối với Nhà máy Z115, lịch sử phát triển có thể chia thành 3 giai đoạn: Từ 1965 đến năm 1975 là giai đoạn thành lập và ghi nhận những đóng góp quan trọng của Nhà máy vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ năm 1975 đến năm 1987, là giai đoạn Nhà máy tập trung sản xuất, bảo đảm cho Quân đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và góp phần xây dựng đất nước. Và giai đoạn từ 1988 đến nay, Nhà máy kiện toàn tổ chức, mở rộng sản xuất, đầu tư chiều sâu nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng, đẩy mạnh sản xuất kinh tế, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đồng thời nỗ lực cùng các doanh nghiệp quân đội tích cực tham gia sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PV:Tôi được biết, những đóng góp đặc biệt xuất sắc của Nhà máy trong giai đoạn 1965-1975 đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Đúng vậy! Vào năm 2018, Nhà máy Z115 đã vinh dự đón nhận danh hiệu này. Lịch sử Nhà máy nhắc nhớ, giai đoạn 1965-1975, thành lập Nhà máy MZ431 và phát triển thành Nhà máy V115 (nay là Z115). Trong điều kiện chiến tranh gian khổ, cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã vươn lên khắc phục khó khăn, tích cực nghiên cứu, chế tạo nhiều loại vũ khí, góp phần đảm bảo kịp thời yêu cầu của các đơn vị chiến đấu. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà máy đã sản xuất, cung cấp cho chiến trường gần 10 triệu sản phẩm vũ khí (lựu đạn các loại, mìn muỗi, đạn cối…); sửa chữa hơn 1 triệu sản phẩm đạn cối, lựu mìn, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

PV: Đơn vị Anh hùng trên mảnh đất Chiến khu lịch sử, là điều rất đỗi tự hào và tạo nên giá trị, thưa đồng chí?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Đương nhiên rồi! Z115 đứng chân trên địa bàn Chiến khu cách mạng, gắn với lịch sử chống Pháp hào hùng của dân tộc ta. Và gần gũi hơn, Thái Nguyên cũng là địa danh gắn với dấu ấn lịch sử của ngành Quân giới - CNQP, khi Bác Hồ về thăm Xưởng Quân giới Đội Cấn tại xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa. Chắc nhà báo cũng biết, hằng năm, Z115 luôn đồng hành trong các chuyến về nguồn của Tổng cục CNQP. Với chúng tôi, đây là dịp để “ôn cố tri tân”, giáo dục cho các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy luôn khắc ghi và trân trọng giá trị truyền thống. Bởi đó là cội nguồn sức mạnh để xây dựng Nhà máy phát triển bền vững.

HIỆU QUẢ TỪ ĐẦU TƯ CHIỀU SÂU

PV:Thưa đồng chí, hành trình phát triển của Nhà máy Z115 không phải lúc nào cũng thuận lợi, êm đềm, mà có lúc đã trải qua những biến cố, thăng trầm?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Như tôi đã đề cập, để có Z115 ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp công sức, trí tuệ, thậm chí cả xương máu của các thế hệ đi trước. Đặc thù sản xuất quốc phòng luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, Nhà máy Z115 đã trải qua những biến cố, thăng trầm, có lúc tưởng như không gượng dậy nổi, nhất là sự cố cháy nổ năm 2003. Sau sự cố này, Z115 đã phải xây dựng lại từ đầu về cơ sở vật chất, nhưng cũng chính vì thế, Nhà máy đã nỗ lực kiến tạo để chuyển mình mạnh mẽ sau gần hai thập niên.

Sản phẩm quốc phòng do Nhà máy Z115 sản xuất.

PV: Xin đồng chí cho biết rõ hơn về vấn đề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất sau thời điểm 2003?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Tôi có thể nói vắn tắt thế này, trong gần hai thập niên qua, đặc biệt là những năm gần đây, Nhà máy Z115 đã tập trung các nguồn lực để đầu tư chiều sâu từ cơ sở hạ tầng, dây chuyền, trang-thiết bị… phục vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế. Chính từ sự đầu tư căn bản và đúng đắn đã mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy. Từ một đơn vị phải kiến thiết lại tất cả các vị trí sản xuất, Z115 đã vươn lên thành doanh nghiệp phát triển tốp đầu của Tổng cục CNQP. Nhờ đó, vào năm 2014, Nhà máy đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Nhà máy Z115 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba; Cờ thi đua của Chính phủ; Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ; Giải thưởng Hồ Chí Minh… Đặc biệt, Nhà máy đã vinh dự 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

(Nguồn:Phòng Chính trị Nhà máy Z115)

PV:Quả là dấu ấn đặc biệt trong hành trình phát triển của Nhà máy. Như vậy, có thể hiểu rằng, mỗi dự án đầu tư đều phải tính kỹ, tính đúng để công cuộc phát triển Nhà máy không bị chậm nhịp?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Đúng thế! Đối với một đơn vị sản xuất, kinh doanh, trong mỗi bước đi, mỗi định hướng phát triển đều phải đảm bảo tính khả thi và mang lại hiệu quả. Nhà máy Z115 luôn xác định phải bước vững vàng bằng cả “hai chân” quốc phòng và kinh tế. Vì vậy, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến tính lưỡng dụng khi thực hiện các dự án đầu tư. Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà máy kiên định chủ trương: các hạng mục đầu tư phải đảm bảo phục vụ tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế, với khoa học công nghệ là nền tảng phát triển. Những năm qua, Nhà máy đã hoàn thành tốt việc đầu tư, mua sắm, tự thiết kế, chế tạo một số dây chuyền; mua sắm, cải tiến nâng cấp, chế tạo hàng trăm thiết bị, trong đó có một số thiết bị thay thế hàng ngoại nhập; tạo bước đột phá mới về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ chế tạo, sản xuất quốc phòng và kinh tế. Đơn cử như trong 2 năm 2018, 2019, Nhà máy đã đầu tư dây chuyền cắt – may - in bao bì tự động; dây chuyền sơn - sấy tự động và thực hiện dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất thuốc nổ công nghiệp, trong đó đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Nhà máy đã tự thiết kế, viết phần mềm điều khiển, lắp đặt, hiệu chỉnh toàn bộ dây chuyền. Hiện, đã mang lại kết quả nổi bật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy.

PV: Được biết, Nhà máy cũng rất chú trọng đến việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, nâng mức thụ hưởng của cán bộ, công nhân viên, người lao động?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Đúng là hiệu quả từ hoạt động sản xuất, kinh doanh giúp chúng tôi có điều kiện đầu tư nâng cao đời sống của cán bộ, công nhân viên, người lao động. Cụ thể là, Nhà máy đã đầu tư xây dựng nhà ăn ca, nhà văn hóa, sân thể thao… Đặc biệt, đối với việc xây dựng nhà công vụ, tuy được sự hỗ trợ của trên, nhưng Nhà máy cũng chủ động bổ sung kinh phí để khu nhà công vụ có sắc thái riêng và đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng của các hộ gia đình. Thậm chí có người nói vui với tôi, nhà công vụ của Z115 không khác biệt thự mini vì có sân, vườn trồng rau, "view" thoáng… (cười).

Sử dụng thiết bị hiện đại trong sản xuất. Ảnh: LÊ NAM

BÁM SÁT MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

PV:Trong Tổng cục CNQP hiện nay, Z115 đã nằm trong Top “doanh nghiệp nghìn tỷ”. Chắc hẳn đường đến thành công cũng không dễ dàng, thưa đồng chí?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Chắc chắn rồi, nhất là đối với một doanh nghiệp hoạt động sản xuất có liên quan đến lĩnh vực hóa nổ như Z115, thường đối mặt với nguy cơ mất an toàn trong sản xuất. Thế nên, kết quả đạt được trong sản xuất, kinh doanh của chúng tôi đều bắt nguồn từ ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân để tạo nên sức mạnh tập thể.

PV: Tức là yếu tố con người, thưa đồng chí?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Đúng là như thế! Tôi cũng phải khẳng định rằng, dù dây chuyền, thiết bị có tiên tiến, hiện đại đến đâu, nhưng nếu con người không thể làm chủ được công nghệ thì cũng sẽ không phát huy được hiệu quả như mong muốn. Do đó, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ, với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về bản lĩnh chính trị. Cũng nhờ có đội ngũ luôn xác định tốt chức trách nhiệm vụ nên trong 10 năm qua, tuy thực hiện nhiệm vụ sản xuất trong điều kiện tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng Nhà máy luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

PV:Vậy kết quả trong nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất của đội ngũ này ra sao?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Đúng là “bàn tay ta làm nên tất cả”, những năm qua, Nhà máy Z115 đã cải tiến nâng cấp hàng trăm thiết bị; nghiên cứu chế tạo được trên 40 thiết bị phục vụ sản xuất quốc phòng. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật, lính thợ của Nhà máy cũng thực hiện xuất sắc 215 đề tài khoa học kỹ thuật (làm lợi hơn 21 tỷ đồng); phát huy gần 2.800 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (làm lợi gần 26 tỷ đồng) và áp dụng các giải pháp quản lý thực hành tiết kiệm làm lợi trên 30 tỷ đồng. Cũng từ kết quả nghiên cứu, đã có nhiều sản phẩm được ứng dụng vào sản xuất và được Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Năm 2012, Nhà máy đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí bộ binh.

PV: Phải chăng từ chủ trương đầu tư đúng đắn và từ sự coi trọng nguồn nhân lực, nên Z115 luôn bước đi vững vàng bằng cả “hai chân” quốc phòng và kinh tế?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Tôi nghĩ thế này, trước hết, Nhà máy Z115 luôn quán triệt quan điểm kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng trong từng chặng đường phát triển. Chúng tôi cũng kiên định và bám sát mục tiêu phát triển đồng đều, vững chắc cả nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và sản xuất kinh tế. Từ năm 2015 đến nay, Z115 đã sản xuất hàng triệu sản phẩm quốc phòng phục vụ lực lượng vũ trang huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, Nhà máy đã phối hợp với Viện Vũ khí nghiên cứu, chế thử thành công nhiều chủng loại, sản phẩm vũ khí thế hệ mới…

Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, Nhà máy tận dụng công năng dôi dư, trình độ công nghệ và khai thác tốt tính lưỡng dụng của các trang, thiết bị sẵn có để phát triển sản xuất kinh tế với các sản phẩm hóa chất, thuốc nổ công nghiệp và một số sản phẩm cơ khí cung ứng cho thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu. Nhà máy đã sản xuất, cung ứng, tiêu thụ được hàng trăm nghìn tấn thuốc nổ công nghiệp, cùng nhiều sản phẩm cơ khí phục vụ cho nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là các sản phẩm phòng cháy, chữa cháy…

PV: Và những “con số biết nói” đã chứng minh điều ấy?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân:(cười) Tất nhiên là tôi phải “nói có sách, mách có chứng” rồi. Chỉ xin lấy số liệu từ năm 2015 đến năm 2019 cho thấy, mức tăng trưởng doanh thu hằng năm của Nhà máy đạt bình quân 14,22%/năm (tiêu biểu là năm 2018 tăng 29%); tỷ suất lợi nhuận/vốn nhà nước đạt 14%/năm; thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy Z115 là một trong số ít đơn vị thuộc Tổng cục CNQP có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm (trong đó năm 2018 đạt 1.110 tỷ đồng, năm 2019 đạt 1.226 tỷ đồng).

TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG MỚI

PV: Là cán bộ đứng đầu một doanh nghiệp đã gặt hái được nhiều thành công, vậy áp lực của cá nhân đồng chí trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp là gì?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Nói thực với nhà báo, là người “đứng mũi, chịu sào” đối với một doanh nghiệp thì luôn có những áp lực từ nhiều phía. Nhưng đối với Nhà máy Z115 thì áp lực duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động như giai đoạn vừa qua là rất lớn, đặc biệt khi doanh thu của Nhà máy đã trên 1.200 tỷ đồng. Và lớn hơn cả là áp lực phải hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng trong mọi tình huống, với những yêu cầu kỹ thuật, công nghệ ngày càng cao hơn.

PV:Vậy những định hướng phát triển chủ yếu của Nhà máy trong thời gian tới là gì?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Trong những năm tới, Nhà máy Z115 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng kết hợp với sản xuất kinh tế trong bối cảnh cả nước đang tích cực chuyển đổi sang nền kinh tế số, áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Nhà máy kiên trì và quyết tâm thực hiện định hướng đầu tư, mua sắm, chế tạo các dây chuyền, thiết bị có tính tự động hóa cao, nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm độc hại và hạn chế ô nhiễm môi trường. Đồng thời, hoàn thiện các mẫu sản phẩm quốc phòng mới đang nghiên cứu và nghiên cứu những sản phẩm vũ khí mới công nghệ cao có tính năng ưu việt, độ chính xác cao, phát huy tốt uy lực trong tác chiến. Bên cạnh đó, Nhà máy sẽ tiếp cận và áp dụng các phương pháp, mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến nhằm giảm chi phí quản lý, giảm lãng phí, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, đời sống cho cán bộ, công nhân viên, người lao động.

“Nhà máy Z115 kiên trì và quyết tâm thực hiện định hướng đầu tư, mua sắm, chế tạo các dây chuyền, thiết bị có tính tự động hóa cao, nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm độc hại và hạn chế ô nhiễm môi trường”.

(Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân, Giám đốc Nhà máy Z115)

PV: Giải pháp để thực hiện những chủ trương trên là gì, thưa đồng chí?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Trước tiên là phải quán triệt cho toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động hiểu rõ những chủ trương, định hướng của Nhà máy và động viên, khích lệ để mọi người đồng lòng thực hiện chủ trương, định hướng đó. Trên cơ sở xác định những thuận lợi, khó khăn và đề ra các mục tiêu cụ thể, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy xây dựng kế hoạch, huy động các nguồn lực về con người, thiết bị, phương tiện và tài chính để thực hiện mục tiêu đó. Nhà máy cũng sẽ tiếp tục phát huy nội lực, kết hợp với các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp có năng lực để thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất thân vỏ lựu đạn theo hướng cấp phôi tự động; dây chuyền sơn - sấy sản phẩm hòm hộp tự động; thiết bị cấp phôi tự động cho máy gia công thân đạn cối các loại... Và một giải pháp rất quan trọng đó là chúng tôi sẽ thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý, đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng làm việc cho người lao động…

PV: Đồng chí cho biết rõ hơn về việc phát huy yếu tố con người, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong Nhà máy để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Những năm qua, Nhà máy Z115 rất quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực để phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Đảng ủy Nhà máy đã ra nghị quyết lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật công nghệ. Được sự quan tâm của trên, đội ngũ cán bộ của Nhà máy ngày càng được trẻ hóa, có năng lực thực sự và có tâm huyết xây dựng đơn vị; trong đó nhiều cán bộ mới tốt nghiệp các trường đại học trong và ngoài quân đội được điều động về Nhà máy đã kịp thời đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, chúng tôi không thụ động trông chờ vào nguồn cấp trên điều về, mà đã chủ động liên hệ với các cơ sở đào tạo, tìm chọn những cán bộ có năng lực, học lực tốt, khuyến khích họ “đầu quân” vào Nhà máy. Ngoài ra, việc tuyển dụng công nhân vào Nhà máy cũng được thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch và trên hết là phải đáp ứng các tiêu chí về ngành nghề, tay nghề, phẩm chất đạo đức… Hằng năm, Nhà máy đã mở nhiều lớp đào tạo, đào tạo lại để nâng cao tay nghề, năng lực cho cán bộ, công nhân viên, người lao động. Nhà máy cũng thường xuyên thực hiện tốt chế độ chính sách nhằm khuyến khích, gìn giữ đội ngũ có trình độ, năng lực tốt. Ở Z115, cán bộ thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là cán bộ trẻ, sẽ có cơ hội được bổ nhiệm, giao nhiệm vụ ở vị trí cao hơn, có thu nhập tốt hơn... 

PV: Là người hai lần vinh dự đại diện Nhà máy đón nhận danh hiệu Anh hùng trong 6 năm qua, đồng chí có cảm tưởng gì?

Đại tá, ThS. Lê Ngọc Thân: Bản thân tôi được cấp trên điều động, bổ nhiệm về công tác tại Nhà máy Z115 từ đầu năm 2015. Trong nhiệm kỳ qua, đơn vị rất vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới (đón nhận năm 2015) và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (đón nhận năm 2018). Đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng và ghi nhận công lao to lớn của tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy Z115 qua các thời kỳ.

Tôi rất vinh dự, tự hào là người hai lần được đại diện các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động Nhà máy đón nhận danh hiệu cao quý đó và tôi cũng luôn xác định phải có trách nhiệm gìn giữ truyền thống tốt đẹp của đơn vị hai lần Anh hùng, chung sức, đồng lòng cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy và toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động nỗ lực lao động sản xuất, phấn đấu đưa Nhà máy tiếp tục phát triển vững chắc.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HÀ ANH (thực hiện)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: