CNQP&KT - Công nghiệp quốc phòng (CNQP) là một bộ phận của công nghiệp quốc gia, một phần quan trọng khẳng định thực lực và tiềm lực của quân đội, đất nước; luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo xây dựng.

Xây dựng và phát triển CNQP là chủ trương chiến lược xuyên suốt của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trong đó Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI xác định: “Xây dựng và phát triển CNQP là nhiệm vụ cơ bản, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân…”. Vì vậy, tiếp tục phát triển CNQP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới là vấn đề cần thiết.

Quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về xây dựng, phát triển CNQP, an ninh, trọng tâm là Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngành CNQP Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo bước phát triển vững chắc. Nổi bật là, cơ chế, chính sách, công tác quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển CNQP được quan tâm xây dựng đồng bộ, từng bước hoàn thiện. Tổ chức lực lượng CNQP được củng cố, kiện toàn, ngày càng gắn kết, hòa nhập với công nghiệp quốc gia. Đầu tư cho CNQP được chú trọng, nhất là những ngành mũi nhọn, đặc thù. Việc huy động tiềm lực khoa học-công nghệ (KHCN) và công nghiệp quốc gia tham gia xây dựng, phát triển CNQP, an ninh có bước chuyển biến tích cực; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Các dự án đầu tư phát triển CNQP, an ninh, nhất là các dự án trọng điểm, công nghệ cao được triển khai quyết liệt, đúng định hướng. Nhiều dự án, sản phẩm trọng điểm đã được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả. Năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) của ngành CNQP chuyển biến rõ nét và có bước đột phá. Đội ngũ cán bộ, lực lượng kỹ thuật từng bước được nâng cao trình độ, làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến nhiều loại VKTBKT thế hệ mới, công nghệ cao, hiện đại, đáp ứng một phần nhu cầu VKTBKT cũng như phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ cho nhiệm vụ SSCĐ, hiện đại hóa quân đội và LLVT nhân dân.

Sản xuất sản phẩm quốc phòng tại Nhà máy Z183 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Ảnh: HƯNG MẠNH

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng, phát triển CNQP còn gặp không ít khó khăn và bộc lộ những hạn chế. Thể chế, chính sách về CNQP, an ninh đã có sự đổi mới nhưng còn chậm và thiếu đồng bộ. Công tác quy hoạch, kế hoạch đối với nhiệm vụ của ngành CNQP có mặt còn hạn chế. Tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý và nguồn nhân lực còn những mặt bất cập, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Việc đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực cho xây dựng, phát triển CNQP ở một số khâu chưa có sự đột phá.

Trong bối cảnh xây dựng, phát triển CNQP, nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao khả năng chiến đấu của LLVT nhân dân và trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới càng trở nên quan trọng, cấp thiết. Để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, làm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng thấu suốt việc xây dựng, phát triển CNQP là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài và là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Qua đó, đẩy mạnh đổi mới tư duy, nhận thức, cách thức tổ chức, đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Đối với Bộ Quốc phòng, theo chức năng được giao, Tổng cục CNQP cần làm tốt công tác tham mưu về tiếp tục chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển CNQP. Xác định tầm nhìn, những định hướng, nội dung, mục tiêu cần đạt được cho từng giai đoạn; nhất là các chương trình, dự án trung hạn, dài hạn. Trong đó, tập trung vào tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế về CNQP, an ninh; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển; huy động tiềm lực quốc gia, kết hợp nội lực với ngoại lực trong xây dựng, phát triển lĩnh vực CNQP, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thứ hai, tham mưu có hiệu quả cho Bộ Quốc phòng trong chỉ đạo, điều hành, triển khai, tổ chức thực hiện tốt chương trình đầu tư cho CNQP theo hướng thiết thực, hiệu quả. Các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách đặc thù để tận dụng và phát huy tối đa nguồn lực phát triển CNQP; chú trọng xác định cơ chế ưu tiên để huy động nguồn lực tài chính, KHCN và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường đầu tư cho xây dựng, phát triển CNQP trên cơ sở đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, trong đó xác định nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước là chính; đồng thời, phải thực sự chú trọng huy động, khai thác các nguồn vốn khác. Tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư, xây dựng; thực hiện đầu tư có chọn lọc, đúng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tiếp cận được công nghệ tiên tiến, hiện đại và thực hiện có hiệu quả việc nhận chuyển giao công nghệ.

Cùng với việc tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn dự án, cần phát huy vai trò thẩm định, phản biện của các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu KHCN, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc tổ chức lập, thẩm định dự án, giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện đầu tư. Mặt khác, khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án, công trình chuyển tiếp theo kế hoạch; tập trung đầu tư các dự án trọng điểm theo hướng tập trung, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng, độ tin cậy và ổn định. Quan tâm đầu tư, hoàn thiện công nghệ sản xuất, sửa chữa các loại VKTBKT quân sự thiết yếu và nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế của các viện nghiên cứu, một số cơ sở sản xuất vật tư kỹ thuật đặc chủng. Hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, phấn đấu cơ bản hoàn thành một số dự án trong năm 2020; tham mưu cho Bộ Quốc phòng trong triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án mới có tính cấp bách trong giai đoạn tới.

Thứ ba, chuẩn bị tốt các yếu tố nguồn nhân lực, hiệu quả quản trị doanh nghiệp và thực hiện sắp xếp, đổi mới phát triển doanh nghiệp trong Tổng cục CNQP. Chú trọng kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, cơ cấu lực lượng CNQP bảo đảm đúng quy định, cơ cấu vùng miền, địa bàn hợp lý. Nhất là chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho toàn ngành CNQP, nhân lực chất lượng cao cho những lĩnh vực mũi nhọn, trọng điểm. Kết hợp tốt việc xây dựng nguồn nhân lực với sắp xếp, tổ chức bộ máy phát triển doanh nghiệp trong Tổng cục CNQP. Hiện nay, thực hiện việc sắp xếp, quy hoạch có nội dung chưa thực sự hợp lý; quy mô của các cơ sở CNQP nòng cốt còn phân tán; ngành nghề, lĩnh vực sản xuất còn trùng lặp. Trước thực tế đó, Tổng cục CNQP cần đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức lực lượng, mô hình hoạt động của các đơn vị CNQP theo hướng tập trung, tinh, gọn, hiệu quả, nâng cao năng lực bảo đảm cho quốc phòng, an ninh và ngày càng hòa nhập với công nghiệp quốc gia. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội giai đoạn 2016-2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về: “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi, bước phát triển đột phá chiến lược cho phát triển CNQP trong những năm tới.

Thứ tư, tiếp tục ưu tiên đầu tư lĩnh vực CNQP mũi nhọn, hiện đại hóa công nghệ theo hướng “đi tắt đón đầu”. Chú trọng việc tiếp nhận công nghệ ứng dụng chuyên sâu, công nghệ mới, tiên tiến, mũi nhọn trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất, sửa chữa quốc phòng. Ưu tiên lựa chọn, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư chiều sâu công nghệ cho các cơ sở CNQP, kết hợp đầu tư nâng cao năng lực của các viện nghiên cứu và một số cơ sở sản xuất trong thiết kế, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa các loại VKTBKT có tính năng kỹ thuật, chiến thuật cao. Đẩy mạnh việc hợp tác, huy động các cơ sở KHCN, cơ sở công nghiệp dân sinh tham gia đào tạo, nghiên cứu, phục vụ xây dựng, phát triển CNQP. Bám sát thực tiễn chiến đấu, huấn luyện của các đơn vị toàn quân để nghiên cứu, cải tiến, sản xuất vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tình hình mới, phù hợp điều kiện đất nước, đặc điểm con người và cách đánh của Quân đội ta. Coi trọng công tác giáo dục, đào tạo cán bộ KHCN quân sự cho CNQP, ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ thiết kế và công nghệ chế tạo các ngành đặc thù; chủ động tạo nguồn, quy hoạch, đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng, kết hợp xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài xã hội vào phục vụ trong ngành. Phấn đấu đến năm 2025, tạo sự chuyển biến quan trọng về năng lực công nghệ sản xuất, sửa chữa, nghiên cứu thiết kế, chế tạo, cải tiến các sản phẩm mới.

Thứ năm, trên cơ sở định hướng, phương hướng tiếp tục xây dựng và phát triển CNQP dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, sự phối hợp thực hiện của các bộ, ngành chức năng liên quan, Tổng cục CNQP cần tiếp tục hoàn thành tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chiến lược xây dựng và phát triển CNQP; tiếp tục hoàn thiện các chương trình và cơ chế đặc thù trình Chính phủ; tổng kết Pháp lệnh CNQP. Với các dự án trọng điểm phải chỉ đạo một cách quyết liệt, thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, an toàn; với những dự án đã nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng cần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tổ chức nghiệm thu, đánh giá, bắn trình diễn một số loại vũ khí đạt kết quả tốt. Trong sản xuất kinh doanh cần tập trung làm tốt 3 mặt năng lực quản trị kinh doanh, chất lượng sản phẩm và thị trường. Cùng với đó, cần rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành và xây dựng chính sách đặc thù để thu hút, giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích ngày càng đông nhân tài tham gia xây dựng, phát triển CNQP, bảo đảm cho lĩnh vực CNQP phát triển ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

 Đại tá, TS. DƯƠNG VĂN LONG, Phó Tổng biên tập Tạp chí Quân sự quốc phòng

(Nguồn: QĐND Online)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: