CNQP&KT - Từ một cơ sở làm nhiệm vụ sửa chữa vũ khí là chính, tới nay, sau hơn 63 năm hình thành và phát triển, Nhà máy Z111, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP), tên giao dịch là Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí chính xác 11 đã vươn lên chế tạo thành công nhiều loại súng mới, công nghệ cao, khẳng định CNQP nước ta tự lực sản xuất được toàn bộ vũ khí, trang bị cho sư đoàn bộ binh mang vác.

Cùng với đó, nhà máy còn sản xuất một số mặt hàng phục vụ phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao. Năng động, sáng tạo, nỗ lực làm chủ công nghệ mới là một trong những bí quyết giúp Nhà máy Z111 không ngừng phát triển.

Từ lúc phải nhận lương bằng phụ tùng xe đạp... 

Khác với không gian yên bình của núi rừng bên ngoài bao bọc lấy Nhà máy Z111, bên trong các phân xưởng của nhà máy là tiếng máy ầm ào cùng hàng trăm công nhân, kỹ sư khẩn trương, tập trung cao độ với công việc để bảo đảm tiến độ giao hàng...

Được thành lập ngày 19-3-1957 với tên gọi Nhà máy Z1, sau đó là Nhà máy V111 và nay là Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác 11 (Nhà máy Z111). Để có cơ ngơi bề thế ngày hôm nay, nhà máy đã phải trải qua 4 lần di chuyển địa điểm. Mỗi lần tháo dỡ, bảo đảm an toàn cho hàng nghìn tấn thiết bị, máy móc, vật tư; di chuyển hàng trăm gia đình với hàng nghìn nhân khẩu, Nhà máy Z111 lại bước vào một thời kỳ xây dựng mới.

Nhớ lại những ngày gian khó của nhà máy, Trung tá Trần Văn Biên, Chủ nhiệm Chính trị Nhà máy Z111 cho hay, ngay từ đầu, nhà máy đã gánh vác trách nhiệm lớn là sản xuất, góp phần bảo đảm trang bị, vũ khí cho Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Cũng có thời điểm, nhà máy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tỷ trọng hàng quốc phòng ít, các mặt hàng kinh tế khó quảng bá và tiêu thụ do nhà máy nằm ở địa bàn xa xôi, cách trở, thiết bị xuống cấp... Nhiều tháng liền, cán bộ, công nhân viên toàn nhà máy phải nhận lương bằng phụ tùng xe đạp do chính mình làm ra. Song, càng khó khăn, thử thách thì bản lĩnh kiên cường, tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn của người lính thợ Z111 càng phát huy cao độ, nhanh chóng kiến thiết, xây dựng, đưa nhà máy đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Sản xuất sản phẩm quốc phòng tại Nhà máy Z111.

...tới khi làm chủ dây chuyền sản xuất vũ khí hiện đại

Theo Thượng tá Hoàng Quốc Vinh, Giám đốc Nhà máy Z111, trong điều kiện chỉ tiêu sản xuất hàng quốc phòng hạn hẹp, nguồn hàng kinh tế chịu áp lực cạnh tranh gay gắt, để vượt qua khó khăn, nhà máy đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, bám sát chủ trương, định hướng của trên, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm để duy trì, phát triển sản xuất. Theo đó, một mặt, nhà máy tích cực sản xuất, sửa chữa các sản phẩm quốc phòng theo chỉ tiêu nhiệm vụ, cùng với đó, đẩy nhanh tốc độ các dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng. Kể từ năm 1999, nhà máy đã chế tạo thành công nhiều loại súng, pháo cao xạ mới. Đây đều là những loại vũ khí mới, có yêu cầu kỹ thuật cao, số lượng chi tiết nhiều. “Việc nghiên cứu, thiết kế và đưa vào sản xuất các sản phảm quốc phòng mới đánh dấu sự phát triển của Nhà máy Z111 trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng, đồng thời khẳng định CNQP nước ta có thể tự lực sản xuất được toàn bộ vũ khí, trang bị cho sư đoàn bộ binh mang vác”, Thượng tá Hoàng Quốc Vinh nhấn mạnh.

Đáng chú ý, từ năm 2011, nhà máy bắt đầu triển khai dự án đầu tư dây chuyền sản xuất súng bộ binh. Đây là dự án có quy mô lớn, chuyển giao công nghệ nước ngoài, trang thiết bị đồng bộ hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến. Trong quá trình triển khai thực hiện, nảy sinh không ít khó khăn, song đến nay, nhà máy đã làm chủ hoàn toàn dây chuyền công nghệ sản xuất súng bộ binh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thành công của dự án mở ra một chặng đường mới đối với Z111, đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa vũ khí trang bị cho bộ đội huấn luyện và SSCĐ, tiến tới xuất khẩu sản phẩm. Đến nay, nhà máy đã ký được hợp đồng khung xuất khẩu chi tiết súng với một số đối tác nước ngoài. 

Để tận dụng công suất dây chuyền sản xuất, nhà máy đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang để nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các loại vũ khí, chi tiết thay thế của vũ khí, trang bị kỹ thuật, mô hình, học cụ huấn luyện, các loại phụ tùng...  Nhà máy cũng tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống trong ngành dầu khí, xi măng, công nghiệp thực phẩm... để sản xuất, cung cấp các sản phẩm cơ khí đặc chủng chất lượng cao, thay thế hàng nhập ngoại. Đồng thời, nhà máy đẩy mạnh đầu tư các dây chuyền khai thác, chế biến đá; sản xuất nhựa gia dụng và công nghiệp. Các hoạt động này bước đầu đáp ứng mục tiêu mở rộng ngành nghề kinh doanh, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh tế của nhà máy.

Những cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện giúp Nhà máy Z111 hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch giai đoạn 2015-2020. Tổng doanh thu trong 5 năm qua đạt gần 2.940 tỷ đồng, tăng 94,8% so với giai đoạn 2010-2015, lợi nhuận đạt 115,4 tỷ đồng, tăng 93,1%, nộp ngân sách đạt hơn 185 tỷ đồng, tăng 96,8% so với giai đoạn 2010-2015. Đáng chú ý, tổng giá trị doanh thu trong sản xuất hàng kinh tế giai đoạn 2015-2020 đạt hơn 1.068 tỷ đồng, tăng hơn 296% so với giai đoạn 2010-2015. Thu nhập trung bình đầu người 6 tháng năm 2020 đạt 12,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 61,6% so với năm 2015.

Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu

Đối với Nhà máy Z111, nhiệm vụ đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh tế và xuất khẩu sản phẩm quốc phòng được xác định là một trong hai khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025. Theo Thiếu tá Đặng Duy Thái, Phó giám đốc nhà máy, thực tế các sản phẩm quốc phòng của nhà máy nói riêng, Tổng cục CNQP nói chung đã có được những yếu tố cạnh tranh nhất định, phù hợp với thị trường khu vực và thế giới. Tại Hội chợ và triển lãm quốc tế và quốc phòng tổ chức ở Indonesia năm 2018-một trong những triển lãm chuyên ngành CNQP lớn nhất khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp ngành CNQP Việt Nam đã mang tới nhiều sản phẩm vũ khí trang bị “made in Vietnam” hiện đại, như: Vũ khí đạn dược lục quân, các sản phẩm phục vụ đóng tàu quân sự, trang thiết bị điện tử công nghệ cao... "Một số sản phẩm của Tổng cục CNQP, trong đó có các sản phẩm của Nhà máy Z111 có tính năng chiến thuật cao, giá thành hấp dẫn, được nhiều khách hàng quan tâm, tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình hợp tác lâu dài”, Thiếu tá Đặng Duy Thái chia sẻ.

Theo Đại tá Nguyễn Tiến Quân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác 11 (Nhà máy Z111), trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường, vấn đề thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm là yếu tố quyết định đến kết quả sản xuất, kinh doanh. Do đó, nhà máy đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Cùng với đó, nhà máy chú trọng tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực mạnh, nhất là lực lượng kỹ thuật; quan tâm phát huy kinh nghiệm của những cán bộ có thâm niên công tác lâu năm, đồng thời mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ. “Điều đó không chỉ khẳng định tinh thần đoàn kết, tiềm năng, trí tuệ sáng tạo của cán bộ, nhân viên, người lao động Nhà máy Z111, mà là yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đơn vị”, Đại tá Nguyễn Tiến Quân chia sẻ.

Từ một đơn vị với nhiệm vụ chính là sửa chữa vũ khí, Nhà máy Z111, với tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới, đến nay đã phát triển thành một nhà máy sản xuất vũ khí bộ binh có tầm cỡ. Nhiệm vụ đối với nhà máy trong thời gian tới ngày càng lớn, yêu cầu ngày càng cao. Với truyền thống vẻ vang của đơn vị hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng (Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới), tin rằng, Nhà máy Z111 sẽ nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục vươn mình phát triển mạnh mẽ.

Bài và ảnh: VŨ DUNG

(Nguồn: QĐND Online)

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: