CNQP&KT - Lịch sử Quân giới Việt Nam thời chống Pháp đã chứng minh, tổ chức Phòng Quân giới là bước đi khởi đầu hết sức quan trọng và cần thiết để tạo lập nền móng vững chắc cho ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng sau này.

Thời ở An toàn khu Việt Bắc (gọi tắt là ATK), những năm kháng chiến chống Pháp, đêm đêm trong rừng sâu, đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân, Bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng Cục Quân giới, thường trò chuyện với chúng tôi về những huyền thoại của ngành Quân giới. Anh kể tỉ mỉ về Xưởng vũ khí Làng Chè - một công binh xưởng “tiền khởi nghĩa” của Đảng được Xứ ủy Bắc Kỳ giao cho đồng chí Ngô Gia Khảm và anh phụ trách.

Khi được hỏi về Phòng Quân giới thuộc Bộ Quốc phòng thời kỳ còn đóng quân ở Hà Nội năm 1945, đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân nhớ lại: Ngày 7/5/1944, theo chủ trương của Trung ương Ðảng, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về “Sửa soạn khởi nghĩa” để đẩy mạnh phong trào cách mạng lên một bước mới. Trong đó nêu rõ: “Một dân tộc bị áp bức cũng như một giai cấp bị bóc lột, muốn tự giải phóng phải cầm vũ khí trong tay mà chiến đấu. Không thể tay không mà đuổi giặc được. Dân ta muốn đánh đổ Nhật, Pháp cũng không thể không sắm sửa và tập dùng vũ khí”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm xưởng Quân giới Đội Cấn ở Chiến khu Việt Bắc (12/9/1950).         Ảnh: TL

Ngày 15/9/1945, đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân được Bác Hồ giao nhiệm vụ làm Chánh phòng Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng (tức trưởng phòng). Bác nói đại ý: Có quân thì phải có súng; quân đội quốc gia phải được trang bị; đế quốc Pháp, các lực lượng phản động quốc tế và tay sai đang lăm le bóp chết thành quả cách mạng, phải có vũ khí để chống ngoại xâm, trừ nội phản…

 Được sự chỉ đạo của đồng chí Vũ Anh, Ủy viên Ủy ban Quân sự toàn quốc của Đảng, người phụ trách công tác cung cấp của lực lượng vũ trang, nên chỉ trong thời gian ngắn, bộ máy Phòng Quân giới đã được hình thành và đi vào hoạt động. Phòng có các bộ phận: Bộ phận chỉ đạo sản xuất do đồng chí Hoàng Phúc phụ trách. Bộ phận tiếp liệu, phân phối do đồng chí Phan Cao Sơn phụ trách. Ngoài ra, còn có bộ phận văn thư, hành chính do đồng chí Nguyễn Văn Vy phụ trách. Đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân phụ trách chung, Phó trưởng phòng là đồng chí Nguyễn Quang.

Cuối năm 1945, với tinh thần khẩn trương, chỉ trong thời gian ngắn, Phòng Quân giới cùng các lực lượng khác đã chuẩn bị trên 13 tấn vũ khí, khí tài gửi tàu hỏa vào Quảng Ngãi để Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam chuyển vào chiến trường.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp gây hấn, nổ súng tấn công Sài Gòn, Phòng Quân giới được lệnh chuẩn bị vũ khí, chi viện cho Nam Bộ kháng chiến và trang bị cho các đội quân Nam tiến. Cũng thời điểm này, quân Nhật bại trận; quân Tàu Tưởng ô hợp, tham lam, sẵn sàng bán vũ khí cho ta. Đây là cơ hội để ta dùng tiền, vàng mua vũ khí từ trong kho của chúng, trang bị cho lực lượng vũ trang.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân đến gặp đồng chí Nguyễn Tấn, người phụ trách Tài chính Quân đội, bàn việc sử dụng số tiền, vàng thu được qua “Tuần lề vàng” mà Chính phủ quyết định dành cho quốc phòng mua sắm vũ khí, trang bị. Sau khi trao đổi thống nhất giữa các cơ quan trong Chính phủ, cán bộ, nhân viên Phòng Quân giới đã tỏa đi các hướng để mua sắm vũ khí. Kinh phí mua sắm dựa vào nguồn tự tạo, tự kiếm, nguồn do bà con Việt kiều ủng hộ. Các hướng đi mua sắm vũ khí đều đạt được kết quả. Tại Hòa Bình, ta thu mua được của quân Tưởng hàng nghìn khẩu súng trường, súng máy và nhiều cơ số đạn. Ở Vĩnh Yên, ta mua được gần như toàn bộ súng, đạn, bom, khí tài quân sự, vật liệu của quân Tưởng ở Kho Đình Ấm.

Trong lúc Phòng Quân giới đang tỏa đi mua súng, đạn cung cấp cho Nam Bộ thì đoàn cán bộ của Nam Bộ do chị Ba Định (Nguyễn Thị Định) làm trưởng đoàn, từ Bến Tre ra Hà Nội xin Trung ương chi viện vũ khí. Tại buổi tiếp các đại biểu Nam Bộ, Bác Hồ nói: “Thế nào Trung ương và Chính phủ cũng có súng gửi về Nam. Nhưng nước ta còn nghèo, các cô, các chú về, phải đánh Pháp cho giỏi, cướp lấy súng của nó dùng thì cái vốn đó mới nhiều”.

Văn bản của Chính phủ lâm thời chứng nhận đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân - Trưởng phòng Quân giới phụ trách việc quản lý và chế tạo vũ khí đạn dược.   Ảnh: TL

Với tinh thần khẩn trương, chỉ trong thời gian ngắn, Phòng Quân giới cùng các lực lượng khác đã chuẩn bị trên 13 tấn vũ khí, khí tài gửi tàu hỏa vào Quảng Ngãi để Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam chuyển vào chiến trường.

Trước tình hình nhiệm vụ mới, theo đà phát triển của Quân đội quốc gia, ngày 25/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tổ chức lại cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó có chế tạo Quân giới Cục (tức Phòng Quân giới được nâng lên Cục Quân giới) do đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân làm Phó Cục trưởng.

Để cung cấp kịp thời vũ khí, đạn dược, trang - thiết bị quân sự cho các lực lượng vũ trang tác chiến, Cục Quân giới đã liên kết với một số cơ sở, như: Sở Công binh Việt Nam, các xưởng kim khí cũ của hãng STAR mà ta đã trưng dụng ngày 25/10/1945; Xưởng Tương lai của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Công ty cơ khí Cao Thắng; Công ty vũ khí Phan Đình Phùng; Xưởng vũ khí của Tổng bộ Việt Minh… đặt hàng sản xuất vũ khí, trang bị.

Về hướng chế tạo, ngoài việc nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí cơ bản, như: mìn, địa lôi, thủy lôi, lựu đạn… lãnh đạo Bộ Quốc phòng rất quan tâm đến chế tạo súng Bazoka. Tháng 3/1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lên thăm Xưởng Giang Tiên đã trực tiếp giao cho xưởng nghiên cứu, chế tạo súng Bazoka. Đây là loại vũ khí hiện đại, bộ đội ta đang rất cần để hạn chế sức mạnh là cơ giới, thiết giáp, xe tăng của quân Pháp. Trên tinh thần đó, cán bộ, công nhân, các nhà khoa học Cục Quân giới đều rất quyết tâm và tin tưởng có thể chế tạo thành công súng Bazoka phục vụ bộ đội đánh địch.

Tháng 9/1945, tại Xưởng Giang Tiên (Thái Nguyên), đồng chí Hoàng Phúc đã mổ xẻ viện đạn Bazoka do quân đồng minh giúp ta trước Cách mạng tháng Tám 1945. Sau một thời gian nghiên cứu thiết kế, cải tiến công nghệ, hoàn thiện các công đoạn chế tạo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, cuối năm 1946, súng Bazoka đã được cán bộ, kỹ sư Phòng Quân giới bắn thử nghiệm tại Đồng Hỷ (Thái Nguyên) và đến tháng 2/1947 được thử nghiệm thành công ở Ứng Hòa (Hà Tây cũ).

Theo chỉ thị của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Phan Mỹ, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, đã trực tiếp yêu cầu đồng chí Trần Đại Nghĩa cung cấp ngay súng, đạn chống chiến xa để chặn quân Pháp đang dùng xe tăng - thiết giáp từ Hà Nội tiến ra vùng Chùa Trầm. Lập tức toàn tổ nghiên cứu khẩn trương nhồi lắp hoàn chỉnh được 10 quả đạn. Đồng chí Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng cùng đồng chí Tôn Thất Hoàng, cán bộ Nha Nghiên cứu kỹ thuật mang ngay về mặt trận đường số 6 trước khi trời sáng. Quân ta đã dùng số súng, đạn Bazoka diệt gọn 2 xe tăng địch ở Chúc Sơn - Chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội); số xe còn lại của địch hốt hoảng quay trở về Hà Nội. Trận đánh đó đã góp phần bẻ gãy cuộc tiến quân của địch vây quét vùng Chương Mỹ - Quốc Oai. Chiến thắng vang dội này là một kỳ tích, thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta nói chung, những người lính thợ Quân giới nói riêng, làm cho kẻ thù bất ngờ, sửng sốt.

Bên cạnh công tác nghiên cứu, thiết kế chế tạo, mua sắm vũ khí, khí tài, Cục Quân giới còn chỉ đạo các binh công xưởng tích cực sửa chữa vũ khí. Những khẩu Sten, súng trường, lựu đạn thu được của địch bị hỏng hóc đã được các binh công xưởng sửa chữa và đưa vào trang bị cho các lực lượng vũ trang chiến đấu rất hiệu quả. Đồng thời, tham mưu với Bộ Quốc phòng tạm thời không nghiên cứu thiết kế, chế tạo súng tiểu liên Sten, do ta chưa có vật tư, nguyên liệu, trình độ công nghệ còn nhiều hạn chế không thể gia công nòng súng đúng yêu cầu kỹ chiến thuật; ngừng sản xuất súng cối kích cỡ lớn, trọng lượng nặng, rất khó cho bộ đội cơ động, hiệu quả chiến đấu thấp.

Có thể nói, việc tổ chức Phòng Quân giới là bước đi khởi đầu hết sức quan trọng và cần thiết để tạo lập nền móng vững chắc cho ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng sau này. Bằng ý chí và nghị lực phi thường, cán bộ, công nhân, các nhà khoa học Quân giới đã làm nên kỳ tích chặng mở đầu: Tập hợp lực lượng, quy về một mối những người thợ lành nghề, cán bộ quản lý, nhà khoa học, các thanh niên, học sinh, sinh viên, các chủ xưởng, chủ hãng, bà con nông dân… cùng tham gia đóng góp sức lực, trí tuệ chế tạo vũ khí - một mặt trận “Quân giới nhân dân” chống xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được.

Trong điều kiện hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, từ trong rừng sâu, núi thẳm, với sự tham mưu, tổ chức thực hiện của Phòng Quân giới (sau này là Cục Quân giới), chúng ta đã kịp thời chuyển ra mặt trận hàng trăm, hàng nghìn tấn vũ khí, góp phần làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của kẻ thù, xây dựng tiềm lực kháng chiến để chiến thắng giặc Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

TRẦN LÊ MINH

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: