CNQP&KT - Lâu nay, thuật ngữ “lưỡng dụng” được nhắc nhiều trên hệ thống thông tin đại chúng. Hiểu nôm na, “lưỡng dụng” nghĩa là có hai hoặc đa tác dụng. Còn hiểu theo cách phổ cập hiện nay, thuật ngữ “công nghệ lưỡng dụng” (tiếng Anh là dual-use technology) thường gắn với ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP), bao gồm các lĩnh vực công nghệ có thể ứng dụng đồng thời cho việc thiết kế, chế tạo sản phẩm quân sự và sản phẩm phục vụ dân sự.

Nhìn ra thế giới, việc các doanh nghiệp đa quốc gia phát huy tối đa tính lưỡng dụng trong sản xuất sản phẩm quân sự và dân sự đã mang lại hiệu quả rất cao. Không ít người vẫn nghĩ, Boeing (Mỹ) là tập đoàn chuyên sản xuất các dòng máy bay dân dụng. Kỳ thực, đây là tập đoàn đa lĩnh vực (đặc biệt là hàng không vũ trụ), cùng với việc sản xuất các dòng máy bay dân dụng, tập đoàn này đã chế tạo nhiều loại máy bay quân sự theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ và nhiều đối tác trên thế giới, lợi nhuận rất lớn, tiêu biểu như: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, các loai tên lửa chống tàu chiến, tên lửa liên lục địa, tên lửa đánh chặn, rocket, trạm laser trên không…

Tại Việt Nam, “lưỡng dụng hóa” trong sản xuất của doanh nghiệp quân đội chính là sự cụ thể hóa quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng ta. Kết quả của việc “lưỡng dụng hóa” trong sản xuất tại các doanh nghiệp CNQP thời gian qua là minh chứng sống động, thiết thực, khẳng định tính đúng đắn, mang tính chiến lược của chủ trương này. Chẳng hạn, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã sản xuất nhiều loại máy móc, thiết bị thông tin liên lạc, radar, viễn thông, máy tính… phục vụ cả mục đích quân sự và thương mại, trở thành tập đoàn kinh tế hùng mạnh, có uy tín ở cả trong và ngoài nước. Tại Tổng cục CNQP, các doanh nghiệp cũng không ngừng đầu tư, đổi mới dây chuyền công nghệ từ chuyên dụng sang lưỡng dụng, đáp ứng tốt cả hai nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế. Từ việc mở rộng sản xuất, tăng cường hợp tác giao thương với các đối tác quốc tế, Nhà máy Z176 đã trở thành đơn vị dẫn đầu Tổng cục CNQP về sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu. Điều đáng nói, từ sản xuất sản phẩm dệt may xuất khẩu đã giúp Nhà máy duy trì và phát triển đội ngũ chuyên môn kỹ thuật nòng cốt trên các dây chuyền quốc phòng, thu hút được nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tiếp cận công nghệ sản xuất và phương pháp quản trị hiện đại, chủ động nghiên cứu thiết kế, sản xuất các sản phẩm phục vụ quốc phòng, như: bộ quân phục cho người lính 4.0, bộ quần áo cho lính bắn tỉa, ba lô cho lực lượng đặc nhiệm, lều cá nhân, túi đựng vỏ liều phóng, khí tài quang học… Nhờ đó, Nhà máy liên tục có sự tăng trưởng kinh tế cao, ngay cả trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành. Tại Nhà máy Z121, tiến trình “lưỡng dụng hóa” được thực hiện ngay sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), các dây chuyền quốc phòng sản xuất thuốc đen (dùng chế tạo liều phóng, bộ lửa, ngòi giữ chậm, liều mồi), còn được sử dụng để sản xuất dây cháy chậm phục vụ công nghiệp, pháo hoa; dây chuyền sản xuất dây nổ chịu nước phục vụ công nghiệp khai thác có thể kết hợp sản xuất dây nổ trong chế tạo các loại mìn phá rào, v.v. Còn tại Nhà máy Z183, các thiết bị gia công sản phẩm quốc phòng được khai thác để sản xuất một số sản phẩm kinh tế và hàng xuất khẩu, giúp Nhà máy trở thành điểm sáng về nỗ lực vượt khó trong bối cảnh hàng quốc phòng giảm.  

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhiệm kỳ 2021-2026, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, đều nhất quán mục tiêu “hiện đại, lưỡng dụng” trong xây dựng và phát triển CNQP, coi đây là yếu tố quan trọng để hiện đại hóa Quân đội vào năm 2030. Để đẩy mạnh tiến trình “lưỡng dụng hóa” trong các doanh nghiệp CNQP cần tiến hành đồng thời nhiều giải pháp, trước hết là đổi mới cơ chế quản lý và kiện toàn tổ chức CNQP theo hướng lưỡng dụng. Theo đó, quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về CNQP nên chú ý tới yêu cầu tháo gỡ các “rào chắn” không phù hợp để khuyến khích và thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghệ lưỡng dụng; từng bước cụ thể hóa việc áp dụng trong ngành CNQP các văn bản pháp luật về: sở hữu trí tuệ, thị trường khoa học - công nghệ, chuyển giao công nghệ, bảo vệ bí mật nhà nước, cạnh tranh, đấu thầu, v.v. Mô hình tổ chức của các đơn vị CNQP cũng cần có sự chuyển đổi cho phù hợp với hoạt động đặc thù của sản xuất quân sự, từng bước khắc phục tình trạng khép kín, biệt lập, thúc đẩy năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Mặt khác, phải có sự quy hoạch và định hướng lâu dài các sản phẩm lưỡng dụng, phù hợp với thế mạnh và khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp; quan tâm đầu tư công nghệ lưỡng dụng, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các sản phẩm lưỡng dụng. Đặc biệt, trong bất kỳ sự đổi mới và thành công nào, yếu tố con người vẫn mang tính quyết định. Vì vậy, nguồn nhân lực phục vụ cho tiến trình “lưỡng dụng hóa” cần được đào tạo bài bản, có trình độ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về cạnh tranh thị trường, luật pháp quốc tế về vũ khí, công nghệ quân sự, các lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng, kỹ năng làm việc với các đối tác nước ngoài… Đó cũng là yêu cầu, là điều kiện “cần và đủ” để việc “lưỡng dụng hóa” trong sản xuất tại các doanh nghiệp CNQP ngày càng thực chất, hiệu quả và thành công.

NHẤT NGÔN

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: