CNQP&KT - Công nghệ lưỡng dụng là công nghệ có thể ứng dụng đồng thời cho việc thiết kế, chế tạo các sản phẩm quân sự và các sản phẩm phục vụ cho mục đích dân sự. Công nghệ lưỡng dụng được nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đầu tư và tỏ rõ hiệu quả kết hợp kinh tế với quốc phòng. Vậy mà vẫn có những người “phản biện” trên mạng xã hội rằng “không nên đầu tư công nghệ lưỡng dụng ở Việt Nam”.

NHÌN RA NƯỚC NGOÀI

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (tháng 2/2022) đến nay, thuật ngữ “công nghệ lưỡng dụng” xuất hiện ngày càng nhiều trong báo cáo của các chính phủ, bộ quốc phòng và phương tiện thông tin đại chúng của nhiều nước. Trên thực tế, công nghệ lưỡng dụng là sự lựa chọn của nhiều quốc gia trong chiến lược phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP). 

Nước Mỹ đã đầu tư phát triển công nghệ lưỡng dụng từ nhiều năm trước, mạnh nhất là hàng không siêu thanh, các giải pháp định vị tiên tiến, thiết bị đo đạc thời gian hay dẫn đường… Các nhà thầu chính thường tập trung vào các công nghệ bắt nguồn từ quốc phòng và phần lớn vẫn tập trung vào thị trường quốc phòng.  

Nga là một trong những quốc gia có nền CNQP chiếm ưu thế vượt trội, trong đó các tổ hợp CNQP là lực lượng nòng cốt, có ý nghĩa quyết định tiềm lực quân sự và sức mạnh quốc phòng. Sau khi Liên Xô tan rã, kế thừa thành tựu xây dựng, phát triển các tổ hợp CNQP Liên Xô trước đây, Nga rất coi trọng đầu tư xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP theo mô hình và cơ chế mới, phù hợp với nền kinh tế thị trường. Mục đích xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP của Nga là duy trì sức mạnh quân sự như một cường quốc; đồng thời, phát triển kinh tế nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và duy trì thế cân bằng chiến lược. Với mục đích này, Nga chủ trương từng bước hội nhập với mức độ phù hợp giữa sản xuất quân sự với sản xuất dân dụng nhằm xây dựng, phát triển tổ hợp CNQP theo hướng lưỡng dụng, hiện đại. Nhờ đó, tổ hợp CNQP hoạt động hiệu quả như một khu vực kinh tế đa ngành công nghệ cao, có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu vũ khí, khí tài quân sự hiện đại và thiết bị đặc biệt cho các lực lượng vũ trang; đảm bảo sự hiện diện chiến lược của các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao của Nga trên thị trường thế giới.

Tại Ấn Độ, mới đây, Hội chợ Triển lãm CNQP Ấn Độ đã được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Diễn tập song phương về gìn giữ hòa bình Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 3 năm 2022 (VINBAX). Tại đây, các doanh nghiệp Ấn Độ đã trưng bày, triển lãm trang - thiết bị phục vụ cho các lực lượng hải quân, lục quân và không quân; thiết bị quân sự, máy bay không người lái, thiết bị quan sát, ống nhòm, trang - thiết bị phục vụ cho quân nhân, sĩ quan. Đáng chú ý là phần lớn các sản phẩm này đều làm từ công nghệ lưỡng dụng. Các doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn hợp tác với Việt Nam cùng nghiên cứu, phát triển ngành CNQP theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, vừa phục vụ công nghiệp dân sự vừa phục vụ bảo vệ Tổ quốc và gắn kết với các ngành công nghiệp khác để trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của quốc gia.

KINH NGHIỆM VỀ CÔNG NGHỆ LƯỠNG DỤNG Ở VIỆT NAM

Tại Việt Nam, trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta đã tự làm ra vũ khí để bảo vệ Tổ quốc. Tổ tiên của chúng ta đã làm chủ công nghệ tinh luyện đồng và chế tạo Nỏ thần huyền thoại của thành Cổ Loa, đồng thời cũng sáng tạo nên các loại trống đồng và rất nhiều đồ đạc dân dụng, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, phục vụ đời sống xã hội.


Nhà máy Z129 (thuộc Tổng cục CNQP) đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất.   Ảnh: THÁI ANH

Kế thừa truyền thống đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển CNQP, Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao lợi ích và tầm quan trọng của công nghệ lưỡng dụng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bên cạnh việc sản xuất, bảo đảm vũ khí cho chiến trường, các công binh xưởng Quân giới cũng đã chế tạo, sản xuất các sản phẩm tiêu dùng phục vụ đời sống của bộ đội và nhân dân trong thời chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các cơ sở sản xuất CNQP giữa đại ngàn Trường Sơn, ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long… chế tạo nhiều loại vũ khí sắc bén mà quân thù khiếp sợ, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm tiêu dùng mà bộ đội và nhân dân ta yêu thích, như: nồi quân dụng, phụ tùng xe đạp, bình đựng nước, dép cao su…

Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khi nhu cầu đặt hàng sản xuất quốc phòng giảm xuống thì công nghệ lưỡng dụng đã trở thành giải pháp cứu cánh giúp các nhà máy CNQP giữ gìn tiềm lực quốc phòng, nhất là giữ gìn đội ngũ công nhân lành nghề. Có nhiều nhà máy CNQP đơn hàng phục vụ quốc phòng chỉ chiếm khoảng 10% năng lực sản xuất nhưng vẫn phải duy trì sản xuất để có thể sẵn sàng chuyển trạng thái sang sản xuất quốc phòng khi có chiến tranh xảy ra.

Nhờ đầu tư công nghệ lưỡng dụng mà đến nay, ngành CNQP Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa được nhiều loại vũ khí, khí tài, trang bị, đạn dược, các sản phẩm kinh tế có tính chuyên môn hóa với hàm lượng khoa học cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”.1

Với các cơ sở sản xuất CNQP thì việc tận dụng năng lực, thiết bị, nguồn nhân lực sẵn có để sản xuất hàng kinh tế là giải pháp hữu hiệu nhất để giữ gìn,  duy trì tiềm lực quốc phòng.

CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU THÂM ĐỘC ĐÒI “XÓA BỎ CÔNG NGHỆ LƯỠNG DỤNG”

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một số “ý kiến”, “kiến nghị” cho rằng: “Phải xóa bỏ công nghệ lưỡng dụng”, “Việt Nam không nên đầu tư công nghệ lưỡng dụng để phát triển CNQP”, “Quân đội không nên làm kinh tế”, “Không thể một tay cầm súng, một tay cầm dự án”, “Không nên để các nhà máy quốc phòng sản xuất hàng kinh tế”, “Bộ Quốc phòng không nên quản lý ngành CNQP”…

Có lẽ những người phát ngôn như vậy không biết hoặc cố tình không biết xu thế phát triển CNQP trên thế giới, cũng như lịch sử truyền thống và thực tế của nền CNQP Việt Nam. Không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều xác định CNQP là một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, là tiềm lực quốc phòng và an ninh đất nước. Để giữ gìn tiềm lực quốc phòng - an ninh, hầu hết các nước đều lựa chọn công nghệ lưỡng dụng trong đầu tư, phát triển CNQP.

Quân đội nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng là kế tục truyền thống “ngụ binh ư nông”, “biên thịnh quốc cường”… trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Thực tế cho thấy, Quân đội làm kinh tế kết hợp với quốc phòng trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo là hợp lý, hợp pháp, thực sự mang lại hiệu quả cả về kinh tế và quốc phòng. Với các cơ sở sản xuất CNQP thì việc tận dụng năng lực, thiết bị, nguồn nhân lực sẵn có để sản xuất hàng kinh tế là giải pháp hữu hiệu nhất để giữ gìn, duy trì tiềm lực quốc phòng. Khi có chiến tranh xảy ra thì các cơ sở này có thể nhanh chóng chuyển sang sản xuất hàng quốc phòng. Chính vì vậy, việc đầu tư dây chuyền sản xuất CNQP mới phải là công nghệ lưỡng dụng mới đáp ứng được yêu cầu nói trên. Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CNQP và trực tiếp đảm trách việc nghiên cứu, sản xuất CNQP là phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Quốc phòng và các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam.


Công nhân Nhà máy Z127 vận hành thiết bị CNC phục vụ sản xuất. Ảnh: TRÂM ANH

Trong giai đoạn phát triển mới của CNQP Việt Nam, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của tình hình trong nước và quốc tế, đòi hỏi phải chú trọng thực hiện tốt quan điểm kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Phát triển CNQP tự chủ phải đem lại hiệu quả tổng hợp, toàn diện và lâu dài, vừa bảo đảm cho mục tiêu quốc phòng, vừa thúc đẩy sự đóng góp tích cực của CNQP vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để giải quyết hài hòa vấn đề này thì bắt buộc phải đầu tư công nghệ lưỡng dụng. 

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo” do Quân ủy Trung ương tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển CNQP trong thời gian tới theo hướng: Chủ động, tự lực, tự cường; phát triển CNQP hiện đại dựa trên 3 yếu tố then chốt là: Tiềm lực khoa học - công nghệ, nhân lực và xây dựng thể chế; phát triển CNQP lưỡng dụng (phục vụ cả quân sự và dân sự) nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết số 08 đã đề ra.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương cần nắm vững, hiểu sâu, thực hiện đúng, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 08; tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, thống nhất cao ý chí và hành động để phát triển CNQP gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đủ sức mạnh, tiềm lực, khả năng phục vụ có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, như Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển, ngành Quân giới - CNQP Việt Nam luôn được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước. Các quan điểm chỉ đạo về xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam, trong đó sử dụng công nghệ lưỡng dụng đã trở thành những nguyên tắc cơ bản, lâu dài, được kế thừa, khẳng định và phát triển trong các nghị quyết về CNQP. 

Xây dựng và phát triển nền CNQP theo hướng hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thực tế phát triển CNQP trên thế giới và tại Việt Nam thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất để bác bỏ luận điệu “không nên đầu tư công nghệ lưỡng dụng ở Việt Nam”.

Đại tá, Ths. ĐỖ PHÚ THỌ

Chuyên gia Ban chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, tập 1, Hà Nội, tr. 158.

2. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.

 3. Bế Xuân Trường, “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại cho Quân đội nhân dân Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản (tháng 9/2020).

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: