CNQP&KT - Trong bối cảnh ngành đóng tàu quân sự vẫn còn rất khó khăn do chưa có nhiều đơn hàng đóng mới, thì Nhà máy X51 (Tổng công ty Ba Son) vẫn giữ được nhịp tăng trưởng 5-7%/năm. Hiện, trong số các doanh nghiệp đóng tàu thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), X51 đã trở thành điểm sáng ở khu vực phía Nam.

 

KẾT HỢP TỐT QUỐC PHÒNG VỚI KINH TẾ

 Đối với một doanh nghiệp đóng tàu, quy luật “thịnh - suy” cũng là lẽ thường tình, nhưng nếu không nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ, dễ dẫn đến tình trạng “xuống dốc không phanh”. Thực tế đã chứng minh, ngay cả doanh nghiệp có vị thế trong ngành cũng đang phải “đau đầu” tìm hướng vượt khó. Dù rằng, năm 2019, khối các nhà máy đóng tàu trong Tổng cục CNQP đã có chiều hướng khởi sắc bởi một số chương trình, dự án mới bước đầu được triển khai. Nhưng cũng chính vì thế, áp lực cạnh tranh giữa các nhà máy đóng tàu trong và ngoài Quân đội sẽ càng trở nên quyết liệt. Vắn tắt đôi dòng về hiện trạng của ngành đóng tàu để thấy, trong cuộc “thử lửa” này, sự thành công sẽ thuộc về những doanh nghiệp “kiên gan bền chí” như Nhà máy X51.

Tàu kiểm ngư do Nhà máy X51 đóng mới. Ảnh: BẢO LÂM

Vẫn biết X51 không bị “cuốn” vào cơn khủng hoảng của ngành đóng tàu, nhưng trong chuyến công tác gần đây đến Nhà máy, chúng tôi vẫn khá bất ngờ khi chứng kiến nhịp độ sản xuất hối hả của những người lính thợ nơi đây. Từ trong nhà xưởng đến bến bãi cầu cảng, ngập tràn sắc áo công nhân X51 và cả những “màu áo lạ”, mà sau chúng tôi mới biết họ đến từ công ty liên doanh với X51. Thượng tá Trương Huy Ngụ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Đóng và Sửa chữa tàu Hải Minh (tên giao dịch của Nhà máy X51), thông tin với chúng tôi: Để không bị “quá tải” về lao động và giảm chi phí đầu tư, một số hạng mục gia công chi tiết đơn vị thực hiện liên doanh với doanh nghiệp bên ngoài. Cái khó hiện nay của doanh nghiệp là vốn dành cho tái đầu tư và sản xuất, kinh doanh hạn chế; hạ tầng và dây chuyền thiết bị chưa đồng bộ; trong khi đó lực lượng thợ kỹ thuật có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn đa phần tuổi cao, sức khỏe giảm, việc tuyển dụng, đào tạo lớp thợ trẻ để thay thế còn khó khăn. Dẫu vậy, bằng những chủ trương, giải pháp đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành các mặt công tác, Nhà máy tiếp tục khẳng định được uy tín đối với khách hàng. Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, Nhà máy vẫn nhận được các đơn hàng đóng mới và sửa chữa, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Công nhân Nhà máy thi công lắp đặt chân vịt. Ảnh: TUẤN MINH

Xét về năng lực đóng mới tàu kinh tế, hiện, Nhà máy X51 đóng được tàu có tải trọng đến 6.500 tấn; đối với tàu quân sự là tàu có lượng giãn nước đến 500 tấn. Trong lĩnh vực sửa chữa, X51 đã được Quân chủng Hải quân tin tưởng giao sửa chữa một số gam tàu có độ khó và phức tạp cao như tàu ngầm, tàu quét mìn vỏ gỗ… Có một thực tế, những năm qua, Nhà máy X51 chưa được đầu tư bài bản và đồng bộ, thậm chí đơn vị vẫn đang phải khai thác sử dụng một số thiết bị đã cũ kỹ, lạc hậu. Ngay cả việc tổ chức đóng và sửa chữa tàu trong nhà xưởng cũng là mục tiêu của năm 2019 - 2020. Như vậy, để đảm bảo đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, Nhà máy X51 đã phải nỗ lực rất nhiều, nhất là trong việc khắc phục các khâu yếu, mặt yếu và tìm được các giải pháp đột phá. Thượng tá Trương Huy Ngụ bộc bạch với chúng tôi: Nhà máy luôn xác định kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, trong đó quốc phòng là nhiệm vụ trọng tâm; quan tâm phát triển kinh tế nhưng không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng và lấy hiệu quả từ sản xuất kinh tế để duy trì năng lực quốc phòng. Chủ trương chung và được thống nhất cao trong Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy là “không kén việc”. Nhà máy tích cực, chủ động “tìm việc” và sẵn sàng nhận việc có lợi nhuận không cao, miễn sao đảm bảo được việc làm cho người lao động.

KHI ĐI ĐÚNG HƯỚNG

Có thể thấy, những đầu việc mà X51 hiện đảm nhiệm tương đối nhiều, cả đóng mới và sửa chữa. Đối với nhiệm vụ đóng mới tàu quân sự, Nhà máy đang “dồn sức” cho 2 tàu vận tải đa năng 150 tấn và hoàn thiện tàu TN 75; đồng thời chuẩn bị đầy đủ điều kiện tham gia các chương trình, dự án đóng mới khác khi được giao nhiệm vụ. Nhà máy cũng đảm bảo hoàn thành sửa chữa định kỳ hàng chục tàu Hải quân, Cảnh sát biển. Trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa tàu kinh tế và xuất khẩu, Nhà máy đã mở rộng ngành nghề đóng mới các sản phẩm tàu nhôm, tàu composite và tàu du lịch hạng sang cho đối tác trong và ngoài nước. Tính riêng 9 tháng năm 2019, Nhà máy triển khai đóng mới và hạ thủy 5 tàu cho Công ty Pirrou Việt Nam; đóng mới tàu du lịch Aqa Nera tiêu chuẩn 5 sao cho Công ty Aqua Expeditions; ký hợp đồng đóng mới 1 tàu dầu 3.000 tấn và 1 tàu kéo 3.200CV; sửa chữa 15 tàu kinh tế… Kết quả các chỉ tiêu mà Nhà máy đã đạt được trong 9 tháng cụ thể là: Giá trị sản xuất đạt 378,354 tỷ đồng, bằng 67,59% kế hoạch năm; doanh thu đạt 445,599 tỷ đồng, bằng 75,43% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt 14,851 tỷ đồng, bằng 88,53% kế hoạch năm; thu nhập bình quân đạt 11,556 triệu đồng/người/tháng, bằng 97,28% kế hoạch năm. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Nhà máy khẳng định: Kết quả đạt được thể hiện vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy và sự quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ của tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động. Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2019, Đảng ủy Nhà máy đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo năm với hai khâu đột phá để tạo tiền đề phát triển các năm tiếp theo; đồng thời, Ban giám đốc Nhà máy đưa ra các nhóm giải pháp tổ chức thực hiện, trọng tâm là: Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh thông qua nâng cao năng suất lao động, chất lượng, tiến độ các sản phẩm đóng mới; sửa chữa tàu gắn với đẩy mạnh các khâu đột phá về quy trình công nghệ sản xuất, tổ chức nhân lực và hoàn thiện định mức. Cụ thể, Nhà máy đã thuê chuyên gia tư vấn và triển khai đồng bộ chương trình KAIZEN 5S để cải tiến, đổi mới môi trường làm việc theo hướng hiện đại, công nghiệp. Nhà máy cũng quan tâm hoàn chỉnh cơ chế quản lý điều hành, đổi mới tác phong làm việc, đổi mới tư duy, chấn chỉnh nền nếp chính quy, kỷ luật lao động và khuyến khích các đề xuất, ý tưởng sáng tạo phục vụ cho sản xuất và mọi hoạt động của đơn vị. Bên cạnh đó, Nhà máy tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng; duy tu, bảo dưỡng trang, thiết bị và tu bổ các công trình công cộng, văn phòng, kho bãi để tạo môi trường khang trang, xanh, sạch, đẹp…

Tàu kinh tế của các doanh nghiệp vận tải vào sửa chữa tại Nhà máy X51. Ảnh: HỒNG HẠNH

LỜI KẾT

 Mặc dù đã hẹn trước, nhưng khi chúng tôi đến Nhà máy X51 cũng là lúc Trung tá Mai Quốc Trưởng, Giám đốc Nhà máy, phải vội vã ra sân bay để đi Cam Ranh (Khánh Hòa) giải quyết việc đột xuất cho đơn vị. Thật tiếc vì không được trò chuyện cùng “vị thuyền trưởng” để hiểu thêm về X51, nhưng chúng tôi chợt nghĩ, sự tất bật của anh có thể sẽ mang lại cơ hội mới trong sản xuất của Nhà máy. Với mục tiêu đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm chiến lược trung và dài hạn (5 đến 10 năm), hình thành những gam tàu kinh tế đặc thù mang “thương hiệu X51” và các sản phẩm tàu quân sự ngày càng hiện đại, có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao… thì cá nhân đồng chí Giám đốc và tập thể Nhà máy X51 sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi tin rằng, với định hướng và giải pháp đúng đắn, với ý chí bền bỉ và khả năng lao động sáng tạo, cán bộ, công nhân viên, người lao động X51 sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt được những mục tiêu đề ra, tiếp tục là điểm sáng trong số các doanh nghiệp đóng tàu quân sự thuộc Tổng cục CNQP.

             LAM THU

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: