CNQP&KT - Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất các sản phẩm quốc phòng có chất lượng phục vụ Quân đội, Công ty TNHH Một thành viên 76 (phiên hiệu quân sự là Nhà máy Z176), đã rất chủ động, nhạy bén tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tăng trưởng nhanh và bền vững; đời sống của cán bộ, công nhân viên không ngừng được nâng cao.

 

Những năm gần đây, Công ty TNHH Một thành viên 76 (gọi tắt là Công ty 76) gặp không ít khó khăn do sản lượng hàng quốc phòng giảm, chỉ đạt khoảng 5% doanh thu và chưa khai thác hết 10% công suất dây chuyền. Bên cạnh đó, thị trường thương mại thế giới diễn biến hết sức khó lường; hàng hóa, nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn từ các nước xuất khẩu như Myanmar, Campuchia, Bangladesh có chi phí thấp hơn so với Việt Nam; lợi thế về nhân công giá rẻ trong lĩnh vực dệt may không còn khi nhiều quốc gia có giá nhân công chỉ bằng một nửa của ngành dệt may Việt Nam (chỉ từ 100-150 USD/tháng)… dẫn đến việc các khách hàng dệt may truyền thống của Việt Nam đã dần có xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang các nước có chi phí sản xuất thấp hơn. Mặt khác, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm nhiều loại thuế, thúc đẩy xuất khẩu, đã được một số quốc gia áp dụng khiến nguy cơ mất đơn hàng, giảm sút lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cao. Chi phí lao động rẻ vốn là một lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước để thu hút các đơn hàng, nhưng hiện nay một số doanh nghiệp dệt may, giày dép, thủy sản, hàng điện tử của Trung Quốc có nhu cầu dịch chuyển sang Việt Nam sản xuất để tránh thuế với lượng tuyển dụng từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn lao động mỗi công ty. Việc này sẽ gây áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước về nguồn lao động, đất đai… kéo theo là giá nhân công đang dần cao hơn so với doanh nghiệp của các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, việc các doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do cũng là một trong những thách thức không nhỏ. Với ngành dệt may, yêu cầu xuất xứ là “từ sợi” trong khi khâu dệt nhuộm trong nước yếu kém, phải nhập khẩu nguyên liệu, đây là “nút thắt” không dễ tháo gỡ trong bài toán về quy tắc xuất xứ. Từ đó, dẫn đến tình trạng gian lận xuất xứ, nếu không kiểm soát tốt có thể dẫn đến việc bị áp thuế chống gian lận thương mại khi xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU…

Công nhân Nhà máy Z176 may sản phẩm xuất khẩu sang các nước châu Âu. Ảnh: PV

Đứng trước khó khăn, thách thức đó, để duy trì, cũng như gìn giữ nguồn nhân lực, dây chuyền, thiết bị sản xuất quốc phòng, tạo công ăn việc làm cho gần 2.000 cán bộ, công nhân viên, lãnh đạo, chỉ huy Công ty 76 đã xác định phải mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm mà đơn vị có thế mạnh, coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Công ty. Từ việc xác định rõ mục tiêu, Công ty đã triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó tập trung đột phá vào các khâu:

Một là, tập trung xây dựng nội lực mạnh, tăng sức cạnh tranh bằng việc hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Để làm được điều đó, Công ty đã thực hiện hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động thông qua triển khai thực hiện sản xuất tinh gọn, tránh lãng phí; đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Công ty đã thiết kế, chế tạo nhiều thiết bị tự động có giá trị cao như: máy may 3 đường (dùng may hộp đựng đồ) giúp tăng năng suất lên gấp 3-5 lần, máy dán túi bằng công nghệ siêu âm đã tăng năng suất lên hàng chục lần.

Hai là, Công ty luôn coi trọng công tác phát triển sản phẩm mới, bạn hàng mới. Tập quán tiêu dùng của châu Âu, Mỹ đòi hỏi sản phẩm phải liên tục thay đổi mãu mã, kiểu dáng, rất ít sản phẩm có tuổi đời quá 5 năm - nhất là sản phẩm may mặc. Để đáp ứng yêu cầu thị trường và đối tác, Công ty thành lập Ban Phát triển mẫu, chuyên nghiên cứu, phát triển mẫu mã, sản phẩm mới. 5 năm qua, Công ty đã phát triển thành công 62 sản phẩm mới, riêng 2 năm gần đây (2018-2019) là trên 40 sản phẩm mới. Bên cạnh các khách hàng truyền thống, Công ty cũng đã có thêm khách hàng đến từ Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu.

Nhà máy Z176 đầu tư nhiều dây chuyền, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất sản phẩm.  Ảnh: PV

Ba là, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó quan tâm ứng dụng thương mại điện tử, như: xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, xây dựng website, fanpage, thiết lập hệ thống email tên miền, tham gia sàn giao dịch điện tử... Các kênh truyền thống cũng được quan tâm, như: tham dự hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; thiết kế, in ấn phẩm quảng cáo; tham gia các sự kiện xã hội…

Bốn là, nghiên cứu, vận dụng những ưu đãi của các hiệp định thương mại và lợi thế của doanh nghiệp xuất khẩu. Việt Nam ngày càng tham gia mạnh mẽ vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, đến nay, đã hoàn thành đàm phán và đang đàm phán 17 hiệp định. Trong số đó, đáng lưu ý là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Tận dụng cơ hội đó, Công ty đã chủ động nghiên cứu và khai thác tối đa nguồn vật tư nguyên liệu có giá cả hợp lý của các nước có hiệp định thương mại tự do, như nguồn nhựa từ Hàn Quốc; vải, nguyên phụ liệu may từ các nước Đông Nam Á… tránh tình trạng khách hàng chỉ định và kiểm soát toàn bộ đầu vào, dẫn đến Công ty trở thành đơn vị gia công, làm thuê cho các đối tác nước ngoài. Mặt khác, để linh hoạt trong thanh khoản, Công ty cân đối sử dụng ngoại tệ thu về nhằm tăng hiệu quả hoạt động tài chính thông qua việc nhập khẩu trực tiếp nguyên vật liệu, giảm thiểu chuyển đổi giữa các đồng tiền để giảm chênh lệch tỷ giá mua, bán trên thị trường.

Qua 5 năm (2014-2019) kiên trì triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, Công ty 76 đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và tiềm lực; doanh thu xuất khẩu tăng trưởng bình quân trên 12%/năm, khẳng định vị thế là nhà cung cấp ưu tiên đối với Tập đoàn IKEA (Thụy Điển), Decathlon (Pháp). Năm 2019, doanh thu của Công ty ước đạt trên 1.400 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu tăng trưởng 20% so với năm 2018.  Liên tục 2 năm (2017- 2018), Công ty được Bộ Công Thương công nhận là một trong 225 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của cả nước. 

Hoạt động sản xuất kinh tế xuất khẩu ổn định không những giúp Công ty bảo đảm việc làm, đời sống cho cán bộ, công nhân viên và người lao động mà còn góp phần duy trì và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng. Nhiều sản phẩm quốc phòng của Công ty được thiết kế dựa trên mẫu các sản phẩm xuất khẩu như: lều cá nhân (đạt Giải A trong kỳ thi cải tiến trang bị cho bộ đội năm 2016), quần áo cho lực lượng đặc nhiệm, phao chở vũ khí vượt sông, đệm hơi huấn luyện trên cao, các loại trang cụ nghi binh, nghi trang… phục vụ cho bộ đội huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Những kết quả trong sản xuất hàng kinh tế xuất khẩu đã khẳng định ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và truyền thống “Tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo” của người lính Quân giới - Công nghiệp quốc phòng trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần cùng các doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội tự tin trên đường hội nhập, mở rộng giao thương cùng phát triển với kinh tế thế giới.

Đại tá, ThS.  PHẠM ANH TUẤN

Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên 76

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: