(CNQP&KT) - Thương mại quân sự là một nội dung của hoạt động thương mại. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động thương mại quân sự Việt Nam là tham gia xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng. Do đó xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng cũng là nội dung của hoạt động thương mại Việt Nam.

        Hàng quốc phòng là một loại hàng hóa đặc biệt, được sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, nhằm “đảm bảo cho quân đội thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng gồm: vũ khí, trang bị kỹ thuật, các dây chuyền công nghệ, sản phẩm công nghệ, dịch vụ, vật tư và các hàng hóa khác"1. Hàng quốc phòng được chia thành 2 loại: Hàng chuyên dùng quân sự và hàng lưỡng dụng. Trong đó: “hàng chuyên dùng quân sự là hàng quốc phòng đặc biệt bao gồm vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ, vật tư chuyên dùng quốc phòng"2, “hàng lưỡng dụng là hàng quốc phòng, gồm trang thiết bị kỹ thuật, dịch vụ, vật tư, hàng hóa, có thể sử dụng cho quốc phòng và cả trong lĩnh vực kinh tế - xã hội”3. Trong 2 loại hàng quốc phòng, có loại bị cấm sản xuất, cấm sử dụng, cấm tàng trữ trái phép, cấm xuất và nhập khẩu, cấm lưu thông rộng rãi trên thị trường, nhất là vật tư chiến lược chuyên dùng, hay trang bị kỹ thuật, dây chuyền công nghệ và sản phẩm công nghệ đặc thù quân sự, trực tiếp phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP). Quy chế xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng ghi rõ: Nhập khẩu hàng quốc phòng là “nhập khẩu trực tiếp hàng quốc phòng để phục vụ nhiệm vụ quân sự của Quân đội, bằng các nguồn ngân sách Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng quản lý”4. Việc nhập khẩu hàng chuyên dùng quân sự chủ yếu như: Máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tàu chiến, tên lửa, rađa quân sự… và các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật chính khác đã xác định trong kế hoạch mua sắm trang bị, Bộ Quốc phòng giao cho Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Vạn Xuân (Vaxuco) thực hiện. Đối với các loại khí tài chuyên dùng khác thuộc danh mục trang bị nhóm I thực hiện chào hàng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Quân đội: Vaxuco, Hitaco, GAET, Tecapro, Elinco và Viettel để lựa chọn doanh nghiệp nhập khẩu. Đối với hàng hoá phổ thông, lưỡng dụng thực hiện tổ chức đấu thầu trong nước hoặc đấu thầu quốc tế khi cần thiết để lựa chọn doanh nghiệp nhập khẩu và cung cấp hàng quốc phòng.

       Xuất khẩu hàng quốc phòng là “xuất khẩu các vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; các sản phẩm, công nghệ, dịch vụ chuyên dùng cho quân sự của CNQP; các hàng quân sự mua sắm giúp hoặc viện trợ cho Quân đội các nước theo Nghị định thư do Bộ Quốc phòng ký"5. Hàng quốc phòng xuất khẩu gồm: Các sản phẩm do CNQP Việt Nam sản xuất, sửa chữa, xuất bán thu ngoại tệ như vũ khí, trang bị kỹ thuật, đạn dược, vật liệu nổ, vật tư kỹ thuật, công nghệ, bí quyết công nghệ, phần mềm tin học, dịch vụ kỹ thuật; các hàng hoá mua giúp hoặc viện trợ cho quân đội các nước theo Nghị định thư; vũ khí, trang bị và phế liệu quân sự đã đưa ra khỏi biên chế hoặc dự trữ của Quân đội theo quy định6. Việc xuất khẩu hàng quốc phòng do các doanh nghiệp Quân đội có chức năng xuất, nhập khẩu thực hiện7, bao gồm doanh nghiệp CNQP (doanh nghiệp sản xuất) và doanh nghiệp Quân đội có chức năng xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng.

       Do sự khác biệt về điều kiện địa lý, tài nguyên thiên nhiên, trình độ phát triển của nền công nghiệp nói chung, CNQP nói riêng, mà không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào có thể sản xuất để tự đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu tiêu dùng quân sự, quốc phòng của mình. Vì vậy, thương mại quân sự, đặc biệt là xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng đã trở thành hoạt động thường xuyên, quan trọng của mọi nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay. Thực tiễn ở các nước có nền CNQP phát triển cho thấy, xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng tác động trực tiếp, thậm chí có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của CNQP. Thương mại quân sự vừa thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa CNQP của một quốc gia với CNQP khu vực và thế giới, vừa phản ánh sự phụ thuộc lẫn nhau của CNQP. Ngoài mục tiêu lợi nhuận, thương mại quân sự còn có nhiều mục đích khác, như: Bổ sung các loại hàng hoá và dịch vụ cho lĩnh vực quân sự, quốc phòng nói chung, cho CNQP nói riêng, mà trong nước chưa có khả năng sản xuất, không thể sản xuất hoặc đã sản xuất nhưng không đáp ứng được nhu cầu; hoặc thay thế các loại hàng hoá và dịch vụ mà nếu tiến hành sản xuất trong nước sẽ không có lợi bằng nhập khẩu.

 Bộ trưởng Quốc phòng Cuba cùng đoàn cán bộ cấp cao Lực lượng cách mạng Cuba tìm hiểu sản xuất sản phẩm quang học ở Xí nghiệp 23 - Nhà máy Z199.      Ảnh: CTV

       Với Việt Nam, do phải chịu hậu quả nặng nề của nhiều năm chiến tranh, lại đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nên trình độ phát triển của công nghiệp quốc gia cũng như CNQP còn thấp so với trình độ phát triển của CNQP khu vực và thế giới. Vì thế, thương mại quân sự, trong đó hoạt động xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng có vai trò rất quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển CNQP. Cần nhấn mạnh rằng, khi công nghiệp Việt Nam còn đang trong quá trình “phát triển có chọn lọc một số ngành…”8, nhất là khi ngành này “chủ yếu phát triển theo bề rộng, tỷ trọng gia công, lắp ráp là chủ yếu. Những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị như nghiên cứu phát triển, thiết kế (thượng nguồn), marketing, phân phối (hạ nguồn) của nhiều ngành công nghiệp còn yếu”9, thì thương mại quân sự, trực tiếp là hoạt động xuất, nhập khẩu, trước hết là hoạt động nhập khẩu hàng quốc phòng, sẽ là một trong những hoạt động có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển CNQP.  Vai trò đặc biệt quan trọng của thương mại quân sự đối với xây dựng và phát triển CNQP được thể hiện ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ doanh nghiệp trên mấy vấn đề chủ yếu sau đây:

       Thứ nhất, thương mại quân sự sẽ góp phần làm cho thị trường hàng hoá và dịch vụ phục vụ CNQP Việt Nam phong phú, đa dạng hơn. Trên cơ sở đó, để mở rộng khả năng tiêu dùng quân sự, quốc phòng, cho phép tiêu dùng một lượng hàng hoá và dịch vụ lớn hơn khả năng sản xuất trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp CNQP, góp phần rút ngắn quá trình hiện đại hóa Quân đội, tăng cường sức mạnh quân sự và tiềm lực quốc phòng, tạo điều kiện để đất nước ngày càng phát triển bền vững hơn.

       Thứ hai, thông qua thương mại quân sự sẽ khai thác được một số nguồn lực đầu tư cần thiết cho xây dựng và phát triển CNQP Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, khi hoạt động thương mại quân sự được đẩy mạnh, đồng nghĩa với việc tận dụng được năng lực sản xuất của CNQP ở quốc gia khác đối với loại hàng hóa và dịch vụ phục vụ CNQP mà Việt Nam chưa có khả năng sản xuất, không thể sản xuất, hoặc có khả năng sản xuất nhưng không có lợi bằng nhập khẩu.

       Thứ ba, thương mại quân sự góp phần rút ngắn quá trình hiện đại hoá CNQP Việt Nam. Theo đó, thương mại quân sự là cầu nối tiến hành chuyển giao công nghệ, kỹ thuật hiện đại từ nước ngoài nhằm thay thế các dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị kỹ thuật lạc hậu đang tồn tại ở CNQP Việt Nam, góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá CNQP, trên cơ sở đó tạo bước phát triển nhảy vọt để CNQP Việt Nam hội nhập nhanh vào CNQP khu vực và thế giới.

        Thứ tư, thương mại quân sự, trước hết là nhập khẩu hàng quốc phòng sẽ góp phần lành mạnh hoá thị trường trong nước bằng việc xoá bỏ tình trạng độc quyền, tăng tính cạnh tranh. Để sản xuất CNQP, thì lựa chọn nguyên liệu, vật tư chất lượng cao, giá thành phù hợp, công nghệ tiên tiến là một trong những yếu tố quyết định chất lượng, giá thành và năng lực cạnh tranh của sản phẩm do CNQP Việt Nam sản xuất. Theo đó sẽ hạn chế tình trạng độc quyền, thị trường sẽ từng bước được lành mạnh hóa.

        Thứ năm, hoạt động thương mại quân sự góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ở các doanh nghiệp Quân đội có chức năng xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng. Dưới góc độ doanh nghiệp, tham gia hoạt động thương mại quân sự sẽ tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là kỹ năng giao dịch, đàm phán trong quan hệ quốc tế. Nếu thực hiện thành công, có hiệu quả hoạt động thương mại quân sự ở một lĩnh vực nào đó, không chỉ mang lại lợi nhuận, mà còn tạo cơ hội kinh doanh mới để doanh nghiệp mở rộng thị trường, lĩnh vực kinh doanh.

       Từ những vấn đề trên có thể khẳng định, thông qua thương mại quân sự, Việt Nam ngày càng mở rộng hợp tác CNQP với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ theo hướng thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tăng cường tiếp thu, áp dụng các quy trình quản lý, sản xuất tiên tiến theo cơ chế thị trường. Nhờ thương mại quân sự, đặc biệt là hoạt động xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng mà hợp tác giữa CNQP Việt Nam với các nước đã được thúc đẩy bằng nhiều nội dung, phương thức hợp tác mới. Qua đó, CNQP Việt Nam tranh thủ được nhiều nguồn lực về vốn, khoa học và công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến... để từng bước tự chủ, bảo đảm trang bị, vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại cho Quân đội và các lực lượng vũ trang, phù hợp với điều kiện và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngoài ra, thương mại quân sự còn góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu một số sản phẩm do CNQP Việt Nam sản xuất, trong đó có một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ để tái đầu tư phát triển CNQP Việt Nam.

       Do sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và tính chất đặc biệt, đặc thù của hàng quốc phòng, mà lực lượng tiến hành cũng như mục đích của hoạt động thương mại quân sự không giống với hoạt động thương mại nói chung. Nếu thương mại là hoạt động của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiến hành vì “mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”10, thì thương mại quân sự, trong đó hoạt động xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng, về cơ bản chỉ do một số doanh nghiệp Quân đội được Bộ Quốc phòng lựa chọn giao nhiệm vụ tiến hành. Cũng vì thế, hoạt động thương mại quân sự nói chung, nhập khẩu hàng quốc phòng nói riêng, không hoàn toàn vì mục đích lợi nhuận. Ngược lại, một số mặt hàng quốc phòng chẳng những là hàng hóa nhập khẩu theo đơn đặt hàng của Nhà nước (do Bộ Quốc phòng thực hiện), mà còn là nhiệm vụ chính trị mang tính chất công ích. Trong số những hàng hóa như vậy, trước hết phải kể đến hàng quốc phòng phục vụ xây dựng và phát triển CNQP, như: Công nghệ, dây chuyền công nghệ chế tạo, sửa chữa, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; vật tư, phụ tùng chuyên dùng quân sự để bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm sản xuất CNQP cho Quân đội; hay tài liệu chuyên dùng quân sự...

       Đóng góp vào hoạt động thương mại quân sự đối với xây dựng và phát triển CNQP, không thể không nhắc đến vai trò nòng cốt của Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng (GAET). GAET là doanh nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực là doanh nghiệp duy nhất được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ thực hiện. Bên cạnh ý nghĩa chính trị, quốc phòng, an ninh là những đóng góp không thể đo được bằng các con số cụ thể. Với nhiệm vụ quốc phòng, GAET là doanh nghiệp Quân đội sớm tiến hành hoạt động thương mại quân sự, trong đó sản phẩm có lợi thế là hàng quốc phòng. Với nhiệm vụ kinh tế, GAET là doanh nghiệp Quân đội duy nhất được giao nhiệm vụ xuất khẩu sản phẩm do CNQP Việt Nam sản xuất; xuất, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; cung ứng vật tư sản xuất quốc phòng và kinh tế. Từ khi thành lập đến nay, tuy trải qua một số lần sáp nhập hay chia tách, nhưng nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của GAET là “bảo đảm mua sắm tạo nguồn, sản xuất, kinh doanh hàng hóa, vật tư kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị, vũ khí phục vụ Quân đội và nền kinh tế quốc dân”11, trong đó xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng là một nội dung quan trọng. Những năm gần đây, GAET đã thực hiện thành công nhiều thương vụ mua sắm trang bị cho các đơn vị trong toàn quân, như: Máy móc, vật tư, trang thiết bị, lắp đặt nhiều dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, phục vụ kịp thời các dự án đầu tư lớn của Quân đội. Ngoài ra, GAET còn tìm kiếm thị trường xuất khẩu một số sản phẩm vũ khí do CNQP Việt Nam sản xuất. Với chức năng vừa phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội thời bình, vừa sẵn sàng phục vụ thời chiến, GAET luôn coi trọng kết hợp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng, góp phần xây dựng Quân đội theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đóng góp thiết thực vào xây dựng và phát triển CNQP. Kết quả từ hoạt động thương mại quân sự, nhất là xuất, nhập khẩu hàng quốc phòng của GAET, đã góp phần tăng cường năng lực CNQP.

       Thực tế cho thấy, trong thời kỳ đổi mới, nhất là từ khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và việc Việt Nam phải từng bước thực hiện nghiêm túc các cam kết của tổ chức này, thì hoạt động thương mại quân sự phải đối mặt với thách thức, khó khăn nhiều hơn, phải chấp nhận cạnh tranh với mức độ quyết liệt, gay gắt hơn. Hội nhập kinh tế quốc tế vừa tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít trở ngại, khó khăn cho hoạt động thương mại quân sự, đòi hỏi phải có những thay đổi cho phù hợp. Để nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quân sự, đòi hỏi phải có sự đổi mới, hoàn thiện. Nếu không những trở ngại, khó khăn của hoạt động thương mại quân sự hiện nay sẽ chuyển thành khó khăn dài hạn rất khó khắc phục.

Đại tá, PGS, TS. Trần Đăng Bộ

Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự  

1. Bộ Quốc phòng, (Số 84/2007/QĐ-BQP), Quy chế xuất khẩu, nhập khẩu, mua sắm hàng quốc phòng, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.7.

2. Sđd, tr.8.

3.  Sđd, tr.8.

4. Sđd, tr.8.

5. Sđd, tr.8.

6. Sđd, tr.12.

7. Sđd, tr.14

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.24.

9. Đỗ Thắng Hải, Lộ trình và giải pháp đưa công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, Báo Quân đội nhân dân, ngày 23-4-2017, tr.7.

10. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Thương mại số 35/2005/QH11, ngày 14/6/2005.

11. Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, 50 năm Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng, Biên niên sự kiện (1962-2012), H. 2012, tr. 9.

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: