CNQP&KT - Ngay từ ngày mới thành lập, các nhà máy, xí nghiệp Quân giới - Công nghiệp quốc phòng (CNQP) ngoài nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị cung cấp cho lực lượng vũ trang còn tham gia sản xuất nhiều mặt hàng kinh tế phục vụ đời sống dân sinh. Nhiều mặt hàng đã trở thành thương hiệu, là sản phẩm truyền thống của các đơn vị.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, hình thái kinh tế - chính trị của nước ta ở giai đoạn này là một nước thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Với tinh thần “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, mỗi người dân đều chủ động đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Ngay từ khi mới thành lập 15/9/1945, ngành Quân giới được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo xây dựng nên chỉ sau một thời gian đã có hàng trăm công binh xưởng được thành lập ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Cùng với nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị phục vụ bộ đội và nhân dân đánh giặc, các công binh xưởng còn có nhiệm vụ trồng cây lương thực, chăn nuôi… đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân viên; sản xuất các dụng cụ nông nghiệp, như: liềm, hái, cày, cuốc, búa, kìm, đe... cung cấp cho nhân dân sản xuất. Đây là những sản phẩm kinh tế đầu tiên của ngành Quân giới - CNQP Việt Nam. Phân xưởng sản xuất cơ khí của Nhà máy Z129 (năm 1987). Ảnh: TL Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1975), các nhà máy Quân giới có sự phát triển lớn mạnh cả về chất lượng, số lượng và quy mô sản xuất. Bên cạnh các nhà máy đã được xây dựng từ trước, ngành Quân giới còn thành lập thêm một số nhà máy: Z111, Z113, Z119, Z121, Z125, Z143... Việc sản xuất hàng kinh tế giai đoạn này của các nhà máy Quân giới được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Sản phẩm chủ yếu là hàng cơ khí, sản xuất theo đơn đặt hàng của ngành thương nghiệp, gồm các dụng cụ cơ khí cầm tay và hàng gia dụng, như: bếp dầu, phụ tùng xe đạp, màng mỏng polime, kìm, búa, dụng cụ cơ khí... Nổi bật là sản phẩm bếp dầu, phụ tùng xe đạp quốc phòng do Xưởng quân cụ X10 (nay là Nhà máy Z117) được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Sản xuất, lắp ráp ti-vi màu ở Nhà máy Z181 những năm đầu đổi mới. Ảnh: TL Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Quân ủy Trung ương đã ra chỉ thị cho các đơn vị thuộc ngành Quân giới chuyển hướng sang nhiệm vụ sản xuất hàng kinh tế. Trên tinh thần đó, các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng đã tổ chức sắp xếp lại cho phù hợp với nhiệm vụ mới. Do thực hành cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, các nước xã hội chủ nghĩa cắt giảm viện trợ nên thiếu nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày.Nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước lúc này là phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa đất nước vượt qua khó khăn và phát triển ổn định. Trong bối cảnh đó, ngành Quân giới có nhiều tiềm lực tham gia vào công cuộc tái thiết đất nước. Thực hiện nghị quyết của Đảng, các nhà máy, xí nghiệp Quân giới nhanh chóng bố trí, sắp xếp lại mặt bằng, nhà xưởng, trang - thiết bị máy móc; tổ chức lực lượng lao động để sản xuất hàng kinh tế. Có thể nói, đây là giai đoạn “trăm hoa đua nở” trong sản xuất hàng kinh tế của các nhà máy, xí nghiệp ngành Quân giới. Sản phẩm hàng kinh tế hết sức đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã, từ hàng cơ khí tiêu dùng gia dụng, hàng cơ khí chế tạo, hóa chất cho đến phụ tùng xe đạp, xe đạp thương phẩm, cờ lê, kìm, búa, máy tiện nhỏ, can nhựa, đường dây tải điện 500kv Bắc Nam, thuốc nổ công nghiệp, quạt điện, động cơ điện nhỏ, xi măng, bếp dầu… cung cấp ra thị trường, đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân, góp phần tháo gỡ khó khăn về hàng hóa tiêu dùng và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Ngoài nhiệm vụ sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, một số nhà máy, xí nghiệp của ngành Quân giới còn sản xuất những sản phẩm nông nghiệp theo mô hình trồng trọt chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên và người lao động để họ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị. Nhà máy Z131 tổng lắp cột điện đường dây 500 kV. Ảnh: TL Thực hiện Quyết định 25/CP ngày 21/1/1981 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất, kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của xí nghiệp quốc doanh; Nghị quyết số 156/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 30/11/1984 (nay là Chính phủ) về việc “từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện đúng chế độ hạch toán kinh doanh”; đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần VI (năm 1986) về đổi mới đất nước, các nhà máy, xí nghiệp Quân giới - CNQP là những đơn vị tiên phong áp dụng biện pháp quản lý mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng bước đổi mới phương pháp quản lý, xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp để chuyển sang sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Bên cạnh các mặt hàng, sản phẩm kinh tế đã sản xuất, các nhà máy, xí nghiệp Quân giới - CNQP còn mở rộng sản xuất thêm các sản phẩm, như: phụ tùng, thiết bị cơ khí cho ngành dầu khí, xi măng, khai khoáng, dệt (Nhà máy Z111, Z113, Z129, Z183); đóng mới và sửa chữa tàu thuyền (Nhà máy Z173, Z189); sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, quạt điện, dây điện, thiết bị điện (Nhà máy Z123, Z143, Z181), sản xuất sơn, bao nhựa phức hợp, sản phẩm cao su kỹ thuật (Nhà máy Z175, Z176); sản xuất cột điện đường dây 500KV, hàng cơ khí chính xác, sản phẩm công nghiệp phụ trợ, que hàn, bếp nướng xuất khẩu (Nhà máy Z117, Z127, Z131); nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ khác theo nhu cầu thị trường. Đặc biệt, khối các nhà máy: Z113, Z115, Z121, Z131 (sau này có thêm Nhà máy Z114) trở thành những doanh nghiệp có thương hiệu nhờ phát triển ngành hàng vật liệu nổ công nghiệp. Trong đó, Nhà máy Z121 là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sản xuất các loại pháo hoa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các đơn vị hoàn toàn chủ động trong lập kế hoạch sản xuất, tài chính, vật tư... để thực hiện ký kết các đơn đặt hàng của Quân đội và sản xuất các sản phẩm kinh tế, dịch vụ theo nhu cầu thị trường, tạo nhiều việc làm, thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người lao động. Có thể nói, truyền thống sản xuất hàng kinh tế của các nhà máy, xí nghiệp Quân giới- CNQP không những vừa bảo đảm kịp thời nguồn cung hàng hóa phục vụ nhân dân, mà còn khẳng định năng lực, trí tuệ và tinh thần vượt khó của những người lính thợ Quân giới trên mặt trận sản xuất kinh tế; đồng thời, là bài học quý, là tiền đề quan trọng cho các nhà máy, xí nghiệp CNQP ngày nay kế thừa phát triển truyền thống kết hợp giữa sản xuất quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng trong thời kỳ mới. Đại tá PHẠM VĂN BẠCH Nguyên Trưởng ban Tổng kết Lịch sử - Tổng cục CNQP
|