CNQP&KT –Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân đội phải là lực lượng trụ cột bảo vệ công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ độc lập của Tổ quốc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, Quân đội phải là lực lượng xung kích trên mặt trận lao động sản xuất.

 

Là một vị tướng không chỉ nổi tiếng với tài thao lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được coi là “anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam bởi phong cách, đạo đức, lối sống của một người luôn “dĩ công vi thượng”. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất sáng suốt và tin tưởng khi giao trọng trách cho “anh Văn” (tên gọi thân mật của Đại tướng) làm Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp chỉ huy Quân đội trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những năm tháng chiến tranh, tuy bận rộn với chiến trận, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng, kiến thiết đất nước, trong đó có việc tăng gia sản xuất, lao động xây dựng kinh tế của Quân đội.

 Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã có những chỉ đạo quan trọng trong quá trình Quân đội chuyển 28 vạn quân tham gia xây dựng kinh tế đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh. Tháng 7/1976, tại Hội nghị xây dựng - kinh tế toàn quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng, mang tầm chiến lược. Theo Đại tướng, Quân đội phải là lực lượng trụ cột bảo vệ công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ độc lập của Tổ quốc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, Quân đội phải là lực lượng xung kích trên mặt trận lao động sản xuất. Đại tướng khẳng định: “Tôi muốn nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ của Quân đội, đặc biệt là ý nghĩa của việc Quân đội làm kinh tế đối với công cuộc xây dựng đất nước và củng cố quốc phòng” và cho rằng “Quân đội ta không những là một lực lượng chiến đấu lớn mà đồng thời là một lực lượng lao động to lớn, có giác ngộ cách mạng cao, có tinh thần làm chủ tập thể, có tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm minh, có khả năng tiếp thu kỹ thuật nhanh chóng, có sự lãnh đạo và chỉ huy tập trung thống nhất”. Chính vì thế, Quân đội có những khả năng to lớn để đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm bộ đội tham gia xây dựng đường sắt thống nhất năm 1976.  Ảnh: TL

Sau khi đánh gia tình hình, bối cảnh, thực trạng các ngành kinh tế trong nước sau chiến tranh, Đại tướng đã chỉ ra “một số vấn đề lớn” trong thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, việc Quân đội tham gia xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, trên những địa bàn chiến lược, nhất là xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng hiện nay, đã có những chỉ đạo của Đại tướng ngay từ khi đất nước vừa bước ra khỏi các cuộc chiến tranh tàn khốc. Về vấn đề này, Đại tướng chỉ đạo: “Quân đội ta phải là một lực lượng xung kích để góp phần tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trên mặt trận mở mang những vùng kinh tế mới, mở mang đường giao thông; phải xây dựng những binh đoàn khai hoang giỏi, xây dựng cơ bản giỏi, làm đường bộ và đường sắt giỏi, đào đường hầm xuyên qua núi cũng giỏi”.

Dù không đề cập trực tiếp đến nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế của các doanh nghiệp quân đội, nhưng trong bài phát biểu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gợi mở rằng, Quân đội ta phải “không ngừng nâng cao hệ thống trang bị kỹ thuật ngày càng hiện đại hóa” và phải đặc biệt coi trọng nhiệm vụ “kết hợp xây dựng đất nước với bảo vệ Tổ quốc, kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng”. 

Những quan điểm, tư tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với Quân đội ta.

LÊ DUY

 

Bình luận


Họ và tên:*

Đơn vị:     

Điện thoại:*               

Email:*                       

Nội dung: